Đức Đạt Lai Lạt Ma là một trong những bậc lãnh đạo tinh thần được kính mến và ngưỡng vọng nhất trong thời đại hiện nay.

Di sản sâu rộng của Ngài không chỉ là kho tàng trí tuệ và từ bi, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa các truyền thống tâm linh, lan tỏa khắp các tông phái Phật giáo và mở rộng đến các lĩnh vực đối thoại liên tôn, học thuật, khoa học, kiến tạo hòa bình và đối ngoại quốc tế.

Ảnh: dalailama.com
Ảnh: dalailama.com

Nhằm tri ân một bậc thầy vĩ đại với tâm từ bao dung, trí tuệ nhẹ nhàng, vượt qua mọi giới hạn tông phái, học thuyết hay quan điểm chính trị, Liên minh Phật giáo Quốc tế (International Buddhist Confederation - IBC) đã tổ chức một pháp hội đặc biệt tại New Delhi vào ngày 13/07 vừa qua, với chủ đề: “Kỷ niệm 90 năm huy hoàng của đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14: Trí tuệ tâm linh và Giá trị toàn cầu”.

Sự kiện trọng đại này đã quy tụ khoảng 500 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới: các bậc lãnh đạo tinh thần, học giả Phật giáo, chư tôn đức tăng ni và phật tử thuần thành đến từ Bhutan, Campuchia, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia, Mông Cổ, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Uganda, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Sự hiện diện quốc tế rộng khắp không chỉ thể hiện tấm lòng kính ngưỡng dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma mà còn khẳng định giá trị bền vững của phật pháp, con đường của ánh sáng, trí tuệ và lòng từ bi luôn soi rọi thông điệp hòa bình, kết nối và chuyển hóa giữa một thế giới đang chia rẽ và tổn thương. 

Ảnh: IBC
Ảnh: IBC

Đức Sakya Trizin đời thứ 43, Gyana Vajra Rinpoche đã đảm nhiệm vai trò diễn giả chính của pháp hội. Bằng những lời chân thành và sâu sắc, Ngài chia sẻ về các giá trị mà đức Đạt Lai Lạt Ma luôn truyền dạy: lòng từ, đạo đức sống, và tinh thần hòa hợp liên tôn.

“Tôi vừa có cơ duyên gặp đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala trong dịp sinh nhật Ngài tuần trước”, đức Sakya Trizin chia sẻ. “Dù đã ở tuổi cao, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hiện tướng rạng rỡ, trẻ trung và mạnh khỏe lạ thường. Ngài khiến tôi luôn khâm phục bởi trí nhớ xuất chúng, có thể kể lại những sự kiện trong quá khứ một cách sống động và rõ ràng…”.

“Trong một thế giới nhiều chia rẽ, đức Đạt Lai Lạt Ma luôn là tiếng nói hòa giải, nhắc nhở chúng ta rằng vượt lên mọi tôn giáo hay tín ngưỡng, con người đều có chung khát vọng hạnh phúc và thoát khổ…”.

“Thay mặt những ai đã được cảm hóa bởi lòng từ bi sâu sắc của Ngài, tôi xin dâng lời tri ân sâu sắc, nguyện cầu cho Ngài trường thọ và luôn mạnh khỏe và xin hứa sẽ tiếp tục lan tỏa những lời dạy quý báu mà đức Ngài đã trao truyền cho thế giới”. “Nguyện ánh sáng của Đức Đạt Lai Lạt Ma mãi tỏa chiếu, soi đường cho muôn thế hệ, và truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta nuôi dưỡng tình thương không biên giới, phụng sự lợi ích của mọi loài hữu tình”.

Ảnh: IBC
Ảnh: IBC

Ba chủ đề cốt lõi của pháp hội: Pháp hội tập trung vào ba chủ đề lớn gắn liền với tầm nhìn suốt đời của đức Đạt Lai Lạt Ma, qua ba phiên thảo luận chuyên đề do các chuyên gia và nhà lãnh đạo tâm linh đảm nhiệm:

+ Giáo pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma và vai trò của Phật pháp trong thế kỷ 21.

+ Giao điểm giữa vật lý lượng tử, khoa học thần kinh và tư tưởng Phật giáo.

+ Tương lai của Phật giáo Tây Tạng và công cuộc bảo tồn văn hóa Tây Tạng.

Truyền đăng phật pháp - soi sáng nhân loại

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hiến dâng cuộc đời mình để phục vụ nhân loại bằng ánh sáng Phật pháp, dẫn dắt cá nhân và cộng đồng thoát khỏi khổ đau, hướng tới hạnh phúc chân thật bằng trí tuệ từ bi. Ngài luôn tôn vinh truyền thống Nalanda như nền tảng tu dưỡng tâm linh, dựa trên lý duyên khởi, lòng từ bi và tư duy phản biện.

Với tầm nhìn mở, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khởi xướng hàng thập kỷ đối thoại xuyên ngành với các học giả trong các lĩnh vực như vật lý, tâm lý học, khoa học thần kinh, giúp mở rộng sự giao thoa giữa trí tuệ Phật giáo và tri thức khoa học hiện đại.

Trên cương vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng và hàng triệu tín đồ Phật giáo trên thế giới, Đức Ngài không ngừng nỗ lực bảo vệ và phát huy di sản tâm linh của Tây Tạng, một di sản của lòng từ bi và tuệ giác sâu xa.

Tại pháp hội, một thông điệp đặc biệt từ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được gửi đến toàn thể đại biểu tham dự. Thông điệp do Đại lão Hòa thượng, Giáo sư Samdhong Rinpoche, bậc học giả uyên bác, cũng là cựu Kalon Tripa (người đứng đầu Chính quyền Tây Tạng lưu vong) thay mặt Ngài tuyên đọc.

Trong thông điệp gửi đến pháp hội, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC) vì đã góp phần giữ gìn và lan tỏa thông điệp từ bi, ấm áp và vị tha của phật pháp.

Nhìn lại hành trình lưu vong kéo dài suốt sáu thập kỷ kể từ sau khi Tây Tạng bị xâm lược, Ngài bày tỏ khát nguyện sâu xa về một thế giới hòa bình, nơi khổ đau được hóa giải: “Giáo pháp của đức Phật có thể chia thành ba lĩnh vực: khoa học, triết học và tôn giáo. Trong khi yếu tố tôn giáo chỉ dành cho người theo đạo Phật, thì nội dung khoa học và triết học có thể được nghiên cứu một cách khách quan trong môi trường học thuật, bởi bất kỳ ai quan tâm”.

Ngài kể lại kỷ niệm với một trong những nhà vật lý hạt nhân hàng đầu Ấn Độ: “Giáo sư Raja Ramana từng chia sẻ với tôi rằng, mặc dù thuyết lượng tử còn khá mới trong khoa học hiện đại, nhưng những ý tưởng tương đồng đã xuất hiện trong trước tác của Ngài Long Thọ từ hàng ngàn năm trước”.

“Khoa học Phật giáo tập trung nghiên cứu tâm thức, cách vận hành và cách có thể rèn luyện. Triết học Phật giáo thì xem xét sự vận hành của con người và các hiện tượng dựa trên tính duyên khởi. Chính tinh thần tương tức này có thể làm nền tảng để chúng ta cùng hợp tác kiến tạo một thế giới an hòa, ổn định”.

“Tôi tin rằng tinh thần trách nhiệm và ý thức về sự liên kết giữa muôn loài là điều tối quan trọng để nhân loại có thể đối diện các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đói nghèo và bạo lực”.

Ngài tha thiết bày tỏ: “Tôi cầu nguyện cho thế giới ngày càng có thêm sự thấu hiểu và hòa bình. Thật đau lòng khi chứng kiến quá nhiều người vẫn đang khổ đau vì chiến tranh. Nếu con người có thể chấp nhận tính nhân loại chung nơi nhau, kể cả với những người được coi là ‘kẻ thù’, tôi tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra giải pháp hòa bình, dù là cho những xung đột tưởng chừng nan giải nhất”.

“Nhưng để đạt được điều đó, chúng ta cần dũng cảm bước vào đối thoại và thương thảo. Tôi cầu mong sẽ có những nỗ lực chung nhằm kiến tạo một thế giới không bạo lực, giàu lòng từ bi và thấm đẫm hòa bình”.

Ảnh: IBC
Ảnh: IBC

Pháp hội khép lại bằng bản tuyên bố chính thức do Thượng tọa Ananda Bhante - Phó Chủ tịch IBC - tuyên đọc. Tuyên ngôn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến trọn đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho hòa bình, bất bạo động và sự thăng hoa đạo đức của xã hội loài người.

Bản tuyên bố cũng nhấn mạnh lập trường dứt khoát của Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc tiếp nối dòng truyền thừa tâm linh hơn 600 năm tuổi của Ngài – rằng sự tái sinh chỉ do nhân dân Tây Tạng quyết định, không bị can thiệp từ bất kỳ thế lực bên ngoài nào.

Một đoạn trong tuyên ngôn viết: “Trong suốt chín thập kỷ phi thường, Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân sống động của lòng từ bi, dũng khí và trí tuệ đạo đức. Từ cao nguyên Tây Tạng đến khắp cùng thế giới, những lời dạy của Ngài vượt qua mọi ranh giới và niềm tin, truyền cảm hứng cho hàng triệu người bước đi trên con đường bất bạo động, hòa hợp và tỉnh thức nội tâm, như một hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, bậc đại từ đại bi”.

“Trong cuộc đời đáng kính của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn thể hiện phẩm chất lãnh đạo tâm linh sâu sắc. Ngài bền bỉ gìn giữ nền văn hóa Tây Tạng phong phú và bảo vệ tự do tín ngưỡng, dẫn dắt dân tộc mình bằng tâm nguyện không lay chuyển”.

“Tuyên bố gần đây của Ngài về việc duy trì thể chế tái sinh của chính mình chỉ do người Tây Tạng quyết định là minh chứng rõ ràng cho việc bảo tồn di sản tâm linh ấy”.

“Chúng tôi tri ân những nỗ lực không mệt mỏi của Ngài trong việc bảo vệ bản sắc Tây Tạng, thúc đẩy đối thoại liên tôn, và nuôi dưỡng một tầm nhìn xa cho tương lai dựa trên các giá trị đạo đức và trách nhiệm phổ quát”.

“Trí tuệ của Ngài trong việc giữ gìn thể chế tâm linh cao quý của dòng truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma, đặc biệt là lập trường rõ ràng, can đảm về tương lai của truyền thống ấy là ngọn đèn chói sáng giữa thế giới hiện đại đầy biến động”.

Liên minh Phật giáo Quốc tế: Nơi hội tụ tiếng nói Phật giáo toàn cầu

Liên minh Phật giáo Quốc tế (IBC) được hình thành từ năm 2011 và chính thức thành lập năm 2012, đặt trụ sở tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. IBC là một tổ chức Phật giáo toàn cầu với sứ mệnh bảo tồn di sản Phật giáo, phổ truyền tri thức và thúc đẩy các giá trị Phật giáo trên phạm vi quốc tế.

Hiện IBC quy tụ hơn 320 tổ chức thành viên gồm chư Tăng và cư sĩ tại 39 quốc gia. Với phương châm “Trí tuệ tập thể - Tiếng nói đồng lòng”, tổ chức này tạo nên một diễn đàn chung cho mọi truyền thống Phật giáo cùng lên tiếng về các vấn đề toàn cầu như hòa bình, bất bạo động và bảo vệ môi trường.

Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên

Nguồn: buddhistdoor.net