Tuần qua, một dấu mốc đáng chú ý đã diễn ra trong quan hệ ngoại giao song phương giữa Thái Lan và Bhutan, hai vương quốc có đa số dân theo Phật giáo, dù thực hành theo các truyền thống giới luật (Vinaya) khác nhau. Cả hai quốc gia đều có nền quân chủ gắn liền với Phật giáo và họ dành cho nhau sự tôn trọng sâu sắc về phương diện tâm linh hoàng gia.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Bhutan tại Bangkok, mối quan hệ giữa hai nước đã nảy nở từ trước khi thiết lập bang giao chính thức vào năm 1989. Nhân duyên tốt đẹp này có được là nhờ “di sản tinh thần chung từ giáo pháp quý báu của đức Phật và mối quan hệ bền chặt trên nhiều cấp độ giữa hai vương quốc”.
Thăm viếng cấp cao và pháp hội tụng kinh chung

Ngày 25/04 vừa qua, Quốc vương Maha Vajiralongkorn Phra Vajiraklaochaoyuhua và Hoàng hậu Suthida Bajrasudhabimalalakshana của Thái Lan đã có chuyến thăm Vương quốc Bhutan. Tại đây, họ được đón tiếp trọng thể bởi Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Hoàng hậu Jetsun Pema Wangchuck.
Trong bốn ngày lưu lại đất nước Himalaya, một trong những hoạt động tiêu biểu là lễ tụng kinh chung giữa tăng đoàn hai nước trước tôn tượng Phật tại Dordenma vào ngày thứ Bảy. Buổi lễ mang tính biểu tượng này đã thể hiện sự giao thoa Phật giáo giữa hai quốc gia, vượt lên trên sự khác biệt về truyền thống.
Phật giáo - nhịp cầu nối bang giao và thương mại
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tôn giáo, mối quan hệ Thái Lan - Bhutan còn được thúc đẩy mạnh mẽ về kinh tế. Theo Đại sứ quán Bhutan, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của nước này, chiếm 13,44% tổng kim ngạch nhập khẩu, tương đương khoảng 31 triệu USD. Dù kim ngạch xuất khẩu từ Bhutan sang Thái Lan khiêm tốn hơn (khoảng 994.000 USD), con số này vẫn được đánh giá là đáng kể so với quy mô và sức mua của nền kinh tế Bhutan.
Mối quan hệ thương mại song phương này là minh chứng rõ ràng cho tình hữu nghị bền chặt. Đồng thời, hoàng gia Bhutan cũng nhận được nhiều sự mến mộ từ công chúng Thái Lan, yếu tố góp phần củng cố chiều sâu văn hóa, tinh thần giữa hai dân tộc.
Phật giáo trong vai trò “ngoại giao mềm” khu vực
Việc sử dụng Phật giáo như một “chất bôi trơn ngoại giao” không phải là điều mới mẻ ở châu Á. Một ví dụ gần đây là chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Dù phật tử chiếm tỷ lệ nhỏ ở Ấn Độ, ông Modi vẫn thể hiện sự trân trọng Phật giáo như một nhịp cầu kết nối với các nước trong khu vực.
Trong chuyến thăm Thái Lan, ông được tặng bộ Tam tạng kinh Pali từ người đồng cấp Paetongtarn Shinawatra trước khi tiếp tục hành trình sang Sri Lanka, nơi ông hội kiến với các vị cao tăng và tổng thống nước này. Điều này cho thấy, dù không thể hiện là “A Dục vương tái sinh” trên chính trường nội địa, ông Modi vẫn xem Phật giáo là một công cụ chiến lược trong chính sách đối ngoại, nhất là với các quốc gia châu Á.
“Tương tức” và “tương kính” - nền tảng của đoàn kết
Ở các quốc gia có số lượng phật tử lớn như Thái Lan hay Bhutan, các giá trị chung như từ bi, tôn trọng lẫn nhau và cải thiện đời sống nhân dân có thể là nền tảng để xây dựng đồng thuận, thậm chí trong lĩnh vực chính trị. Triết gia Phật giáo Ấn Độ Shantideva từng nhấn mạnh pháp thực hành “hoán đổi bản thân và tha nhân” là con đường đưa đến trí tuệ và lòng từ bi đích thực.
Nếu các chính phủ và nhà ngoại giao châu Á có thể ứng dụng nguyên lý ấy, dù chỉ như một phép thử nhận thức, thì sự đồng cảm sẽ hình thành, ngay cả khi vẫn còn khác biệt. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển một khái niệm gọi là “liên đới phật pháp” - Dharma Solidarity - đặc biệt cần thiết trong thời kỳ hỗn loạn toàn cầu hiện nay.
Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, châu Á cần gắn kết hơn bao giờ hết
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và đối đầu kinh tế, gây sốc cho nhiều đồng minh châu Á, thì các quốc gia từ Việt Nam, Nepal đến Hàn Quốc càng cần phải xích lại gần nhau hơn, tạo ra những cơ chế hợp tác bền vững hơn.
Ngay cả những nước không có đa số dân theo Phật giáo, cũng có lịch sử gắn bó với đạo Phật ở nhiều mức độ khác nhau. Trong khi phương Tây đang nhìn về quá khứ để tìm công cụ “hồi đáp” thế giới, các nước châu Á cũng có thể nhìn về quá khứ, nhưng là để khơi lại tinh thần từ bi, trí tuệ và hành xử trung đạo.
Đạo Phật và vai trò của chính phủ: dẫn dắt nhưng không chính trị hóa
Khác với sự hoài nghi của người dân phương Tây đối với vai trò của chính phủ, nhiều quốc gia châu Á vẫn kỳ vọng nhà nước có thể góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân. Dù giáo lý Phật giáo vốn phi chính trị, nhưng chính tinh thần ấy có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo hành xử một cách đạo đức, dung hòa và hướng tới lợi ích cộng đồng.
Ở Thái Lan, hình ảnh người lãnh đạo có baramee (phước đức, uy tín tích lũy) là biểu hiện rõ nét nhất của sự kết hợp giữa đạo Phật và chính trị, người có baramee là người trung dung, điềm tĩnh, thấu hiểu và được kính trọng. Một chính khách thấm nhuần giá trị phật pháp có thể cân bằng dục vọng, sống điều độ và tạo ra sự ổn định cho xã hội.
Nếu những phẩm chất này được hai bên cùng thể hiện trong quan hệ song phương, thì sự “liên đới phật pháp” sẽ không còn là ý niệm xa vời, mà là một thực tế sống động, tạo nên một mạng lưới bảo vệ tinh thần cho toàn châu Á trước cơn bão của thế giới biến động.
Theo: Buddhistdoor Global/Chuyển ngữ và biên tập: Chánh Thường/Nguồn: buddhistdoor.net
Bình luận (0)