Sau buổi lễ diễu binh, có người chưa suy nghĩ kỹ và lên mạng xã hội, than: “Tưởng đi diễu binh mà như đi concert” - ám chỉ sự chen lấn, hò reo, livestream náo nhiệt như đang dự một buổi đại nhạc hội.

Phát ngôn này đã gây ra phản ứng xã hội, nhiều người cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng nghiêm trọng đối với nghi lễ mang tính thiêng liêng, trước thời khắc lịch sử và tinh thần tự hào dân tộc.

Ảnh chụp màn hình từ Facebook
Ảnh chụp màn hình từ Facebook

Vấn đề không nằm ở một phát ngôn đùa cợt, mà nằm ở thái độ ứng xử tập thể: thứ đang nói lên nhiều điều hơn ta tưởng.

Khi diễu binh bị xem là “show diễn ngoài trời”

Diễu binh là nghi lễ đặc biệt, thường gắn liền với các ngày lễ trọng đại: kỷ niệm chiến thắng, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, biểu dương sức mạnh quốc gia. Dù tổ chức ngoài trời, không bán vé và có thể đứng xem tự do, nhưng đó không bao giờ là một “chương trình giải trí”.

Việc nhiều bạn trẻ ăn mặc như đi hội, chuẩn bị máy quay như đi concert, thậm chí hò hét “cho xe tăng qua lại lần nữa đi!”, thật khó nói đó chỉ là “vui vẻ thường ngày”. Hài hước không sai, nhưng có lẽ đã chệch khỏi bối cảnh và cảm xúc cần có trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của quốc gia.

Ảnh chụp màn hình từ Facebook
Ảnh chụp màn hình từ Facebook

Người ta không vỗ tay khi nghe tiếng súng trong phim tài liệu về chiến tranh. Cũng vậy, người ta không hú hét khi đoàn xe quân đội tiến qua trong tiếng kèn diễu binh trang nghiêm.

Tôn trọng - không phải từ ngữ, mà là cách hiện diện

Phật giáo gọi đó là chính niệm trong hành xử. Ở đâu - làm gì - lúc nào - với ai? Nếu ta không biết đặt tâm đúng chỗ, dù không ai cấm, thì hành vi vẫn có thể trở nên khiếm nhã.

Tôn trọng, không phải là đứng nghiêm như một người lính, nhưng là ý thức được nơi mình đang đứng là đâu, sự kiện mình đang chứng kiến là gì, và ý nghĩa sự kiện ra sao. Tôn trọng là thái độ sống, không phải động tác mang tính hình thức.

Khi “quá khứ không liên quan tới tôi” trở thành một căn bệnh văn hóa

Nhiều người trẻ sinh sau hòa bình, không sống qua chiến tranh, ít gắn bó với ký ức dân tộc. Điều đó không có lỗi. Nhưng sự không liên quan không nên đồng nghĩa với sự thờ ơ.

Phật giáo dạy về nhân duyên và sự nối tiếp của nghiệp lực, tức là những gì xảy ra hôm nay đều là kết quả từ quá khứ. Một đoàn xe tăng diễu qua không chỉ là sắt thép, mà là biểu tượng cho hàng triệu người đã nằm xuống để ta được sống trong yên bình.

Nếu ta không hiểu, không sao cả. Nhưng đừng cười cợt, đừng ví von như một concert. Vì lịch sử không phải sân khấu giải trí.

Giáo dục tôn trọng: Từ chính niệm đến từ bi

Văn hóa tôn trọng không đến từ khẩu hiệu, mà đến từ sự hiểu và thương, như Phật từng dạy. Nếu không hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự kiện, thì chí ít, hãy thương lấy những người vẫn còn xót xa vì quá khứ, những cụ già rơi nước mắt bên vệ đường khi nhìn đoàn quân đi qua.

Tôn trọng, theo đạo Phật, là một biểu hiện của từ tâm: Tôi không làm điều gì khiến người khác bị tổn thương, dù là bằng lời nói, hành động hay thái độ vô tâm.

Đừng “concert hóa” mọi thứ - Đừng “cười đùa” với lịch sử

Ảnh chụp màn hình từ Facebook
Ảnh chụp màn hình từ Facebook

Xã hội hiện đại đôi khi khiến người ta biến mọi thứ thành giải trí. Nhưng không phải cái gì cũng có thể dễ dãi như vậy. Một lễ tưởng niệm không thể là nơi thử micro. Một đoàn diễu binh không thể là “khoảnh khắc săn, câu view” bất chấp.

Lịch sử cần được sống lại trong lòng người, bằng sự tĩnh lặng cần thiết, bằng lòng biết ơn chân thành và bằng chính niệm khi đứng trong đám đông.

Im lặng cũng là một cách để nói rằng “Tôi hiểu”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Sự tôn trọng chân thật không cần thể hiện rầm rộ. Chỉ cần bạn có mặt thật sự, bằng trái tim hiểu biết và lòng biết ơn, là đủ”.

Diễu binh không phải concert. Và chúng ta, những người trẻ trong thời bình, cần học lại cách đứng yên trong sự kiện trọng đại của dân tộc, như một sự thực tập chính niệm, như một bài học vỡ lòng về văn hóa tôn trọng.

Tác giả: Tâm Chánh

* Ghi chú: Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.