Tác giả: Thượng tọa Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi, Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
Tóm tắt: Chùa Báo Ân, hương Siêu Loại là ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm. Nơi đây chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo thời Trần. Ngôi chùa cũng là nơi Tam Tổ Trúc Lâm từng hoằng dương Phật pháp, tổ chức san khắc kinh sách Phật giáo. Lịch đại tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm sau này kế thừa được sự nghiệp vẻ vang của chư tổ, trong số đó có Thiền sư Huệ Nhẫn. Sư đã tham gia tu học tại chùa và sau kế đăng làm trụ trì chùa Báo Ân một thời gian, trước khi Sư dời về chùa Đông Sơn. Trong suốt cuộc đời, với nhiều công sức khuyến hóa nhân dân nên Sư được vua Anh Tông ban tặng là Quốc sư.
Từ khóa: Chùa Báo Ân, hương Siêu Loại, Thiền phái Trúc Lâm, tam tổ Trúc Lâm, Quốc sư
1. Vài nét về chùa Báo Ân và Tam Tổ Trúc Lâm
Chùa Báo Ân là một trong những ngôi chùa cổ có giá trị bậc nhất ở vùng Luy Lâu - Giao Chỉ và sau này là Thăng Long - Hà Nội (nay thuộc thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Chính tại nơi đây, Đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm đã tu học, truyền chính pháp và duy trì Thiền phái hàng thế kỷ dưới thời nhà Trần.
Đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng không nhỏ tới lịch sử Phật giáo Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung. Theo nguồn tài liệu văn bia và khảo cổ học khai quật tại chùa đã chứng minh, chùa Báo Ân có lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Đáng chú ý, chùa không chỉ là nơi tu học của các bậc Tăng sĩ xuất chúng, mà còn là nơi in ấn kinh sách, hoằng dương Phật pháp một cách chính thống, cung cấp cho các Tổ đình, Tự viện trong vùng. Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục đã chép lại bài thơ của vua Trần Nghệ Tông 陳 藝宗(1321-1395), bài thơ ca ngợi về chùa Báo Ân Siêu Loại như sau:
題超類報恩寺
虹橋跨水斷人喧
萬頃連波夾寺門
風遞鳥聲林覺靜
日篩竹影地無痕
蕊香殿上金容燦
甘露堂中法座尊
自恨兒孫貪飽煖
不隨沖密報深恩
Đề Siêu Loại Báo Ân tự
Hồng kiều khoá thuỷ đoạn nhân huyên,
Vạn khoảng liên ba giáp tự môn.
Phong đệ điểu thanh, lâm giác tĩnh,
Nhật si trúc ảnh địa vô ngân.
Nhị Hương điện thượng kim dung xán,
Cam Lộ đường trung pháp toạ tôn.
Tự hận nhi tôn tham bão noãn,
Bất tuỳ xung mật báo thâm ân.
Dịch nghĩa
Cầu vồng vượt qua nước, cách hẳn sự huyên náo,
Hàng muôn lớp sóng ngay sát cửa chùa.
Gió cuốn tiếng chim đi, trong rừng yên lặng,
Trúc che mặt trời, dưới đất không thấy vệt.
Trên điện Nhị Hương, kim dung rực rỡ,
Trong nhà Cam Lộ, tháp toạ tôn nghiêm.
Tự giận cho con cháu chỉ tham no ấm,
Không theo xung mật để báo đáp ơn sâu.
Nguồn: Thơ văn Lý Trần (tập III)

Theo truyền thuyết dân gian trong vùng, chùa Báo Ân được xây dựng đầu thời kỳ vua Lý Thánh Tông trị vì đất nước và gắn với sự tích về người con gái ở hương Thổ Lỗi, được vua Lý Thánh Tông tuyển vào cung, sau trở thành Linh Nhân Hoàng Thái hậu. Bà đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô lớn và nổi tiếng trong lịch sử, trong đó có chùa Báo Ân ở quê hương bà. Năm 1068, hương Thổ Lỗi đổi thành hương Siêu Loại, do đó chùa còn có tên là chùa Siêu Loại. Buổi đầu khởi dựng ngôi chùa có quy mô nhỏ, sau được mở mang ngày càng lớn. Truyền thuyết còn cho biết, đoạn sông trước chùa chính là nơi công chúa nhà Trần từng bị gặp nạn khi du thuyền trên dòng sông Thiên Đức. Hiện nay, nền cũ của đất là nơi lò gạch của dân làng đang sử dụng và đất canh tác hoa màu. Trong khi lấy đất làm gạch, dân làng đã phát hiện nhiều hiện vật thời Lý - Trần như đường ống thoát nước từ trong chùa ra ngoài cánh đồng bằng gạch ống, gạch xây dựng, gạch trang trí, ống men ngọc,… Đặc biệt, đem so sánh nền hiện tại của chùa với thuyết phong thủy dân gian, thì dấu tích ở đây mang đặc điểm thời Lý.
Trong công trình Lịch sử Phật giáo của tác giả Nguyễn Tài Thư có ghi lại truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian về chùa, khi vua Trần Thái Tông lên núi Yên Tử “tầm sư học đạo”. Trần Thủ Độ biết tin ấy, đem quân thần đi đón Thái Tông về. Thái Tông không chịu về nói rằng: “Trẫm còn nhỏ dại không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc”. Thủ Độ nói mãi không nghe, ngoảnh lại bảo bách quan rằng “Hoàng thượng ở đâu thì triều đình ở đó”.
Nói đoạn, truyền sắp sửa xây cung điện ở chùa Phù Vân. Quốc sư ở chùa thấy thế, vào van lạy Thái Tông về triều, Thái Tông bất đắc dĩ truyền xa giá về kinh. Trên đường trở về Kinh thành Thăng Long, đi đến sông Thiên Đức thì bỗng nhiên nổi gió, mây mù bao phủ kín đen một khoảng trời, thuyền rồng không đi được. Vua bèn cầu khấn thần linh, trời Phật và nói: “Ta cắm hai cái lọng ở hai bên bờ sông, nếu lọng ở bên bờ sông nào mà cụp xuống chính là vị thần đó đã giúp ta khỏi hoạn nạn, ta sẽ đội ơn”. Quả nhiên một lát sau, lọng bên bờ sông Dương Quang cụp xuống, trời yên, sóng lặng, vua Trần lên bờ và vào đền đốt trầm tạ lễ Thổ thần, trời Phật và xin xây dựng lại ngôi chùa để báo đền công đức, lấy tên là Báo Ân tự.
Chùa Báo Ân được trùng tu, xây dựng lại với quy mô lớn vào thời Trần, với 36 nóc nhà, 99 gian, 2 lớp tam quan nội, ngoại. Chùa là nơi thờ Phật, kiêm hành cung của các vua nhà Trần, nên còn được gọi là chùa Cả. Trong sách "Tam tổ thực lục" có ghi: “Vào năm Hưng Long thứ 21 (năm 1313), Thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, tất cả phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do triều đình chu cấp. Vua Trần Anh Tông trực tiếp đến thiền viện thị sát 3 đến 4 lần và lệnh cho các bộ cho cấm binh đến khiêng gỗ, đổ đất góp công sức xây dựng chùa”.
Tam tổ thực lục cho biết: “Vua Anh Tông đến nghe pháp, nhân đó, phụng di chiếu của Điều Ngự, lấy những vật liệu của Tam Bảo tại cung Thánh Từ để trùng tu chùa Báo Ân tại huyện Siêu Loại; nhân công, thợ mộc, cây gỗ đều do quan cấp. Vua ba, bốn lần đến chùa ấy, nhân đó, sai cấm quân chở thêm gỗ, đổ thêm nền.” [Tam tổ thực lục, tr.24]
Còn trong những thư tịch cổ, như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Tam tổ hành trạng”... cũng ghi về chùa Báo Ân, như sau: Đầu thời Trần, chùa Báo Ân đã là một trong những Trung tâm Phật giáo của dòng Thiền Trúc Lâm với Đệ nhất tổ (Sơ tổ) Trúc Lâm Đầu Đà (tức Phật Hoàng Trần Nhân Tông), Đệ nhị tổ Thiền sư Pháp Loa và Đệ tam tổ Thiền sư Huyền Quang. Đó là ba vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà Phật giáo cũng như người đời vẫn quen gọi là Trúc Lâm Tam tổ. Trong sách ghi chép rõ việc Điều Ngự sai Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng pháp tại chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại.
Đến nay chùa Báo Ân đã và đang được Nhà nước và Sư trụ trì tu tạo nhiều hạng mục kiến trúc như Tam Bảo, tháp Cửu phẩm cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác.
2. Hành trạng Thiền sư Huệ Nhẫn (1257 - 1325)
Quốc sư Huệ Nhẫn, hiệu Quán Viên hay Huệ Vân, thường được gọi là “ông Mộng” hay Hòa thượng Đông Sơn, họ Vương, sinh năm Đinh Tỵ (1257), quê ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Sư mồ côi cha từ nhỏ, mẹ ở vậy nuôi con. Năm 10 tuổi sư rất ham học, chịu khắc khổ để lo học, đọc nhiều sách. Năm 19 tuổi (1275), sư hiểu được cuộc đời là khổ não, vô thường nên xuất gia cầu đạo để tìm đường giải thoát. Sư đến quy y thọ giới với Đại sư Kiên Huệ (Kiên Tuệ) ở chùa Báo Ân.
Sư thọ giới Cụ túc với hai Thiền sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, giới hạnh tinh nghiêm, giỏi về Luận tạng, sau trụ trì chùa Báo Ân. Một thời gian sau, sư chán cảnh chùa Báo Ân gần thành thị, ồn ào náo nhiệt, nên về trụ trì chùa Đông Sơn. Trong thời gian mấy chục năm ở chùa Đông Sơn, sư nghiêm trì giới luật, tham học kinh sách và thiền định nên tuệ giải viên dung.
Vào thời vua Trần Anh Tông (trị vì giai đoạn 1293 - 1314), vua bị bệnh đau mắt, ngày đêm mắt bị chói và nhức, các quan ngự y tận lực tìm phương thức chữa trị cả tháng vẫn không hết. Bỗng một đêm vua nằm mộng thấy một vị sư đến lấy tay xoa vào mắt. Vua hỏi:
Sư pháp danh là gì, từ đâu đến?
Sư đáp: Bần tăng là Quán Viên, đến chữa trị mắt cho Hoàng thượng.

Tỉnh mộng thức dậy, mắt vua bớt đau. Qua ngày sau thì mắt hết hẳn. Vua cho các quan trong triều tìm hỏi trong giới thiền lâm để xem sư Quán Viên ở chùa nào? Sau khi biết được là có Thiền sư Quán Viên ở chùa Đông Sơn, vua sai quan cận thần đến mời Thiền sư Quán Viên về triều, vua thấy sư giống y như vị sư trong giấc mộng; vua lấy làm lạ, thăm hỏi vài điều về Phật pháp, vua hết sức kính phục nên phong cho Thiền sư Quán Viên là “Đại thánh Huệ Nhẫn - Từ Giác Quốc sư”, ban thưởng rất trọng hậu. Quốc sư Huệ Nhẫn đem phân phát hết tất cả những vật mà vua ban cho, không giữ một món gì hay một đồng tiền nào, cứ mặc áo tràng vá cũ về núi, không bận tâm gì.
Từ đó về sau, Quốc sư Huệ Nhẫn đi vân du hoằng hoá khắp nơi, từ làng mạc thôn quê, đến rừng núi hẻo lánh hay thị thành, châu huyện... hễ gặp miếu thờ thần không chính đáng (dâm thần, tà thần) làm hại dân, sư đều quở trách, hủy bỏ đền miếu và đuổi đi. Còn những vị thần chân chính linh thiêng hoặc những vị thần còn nóng tính ưa quở phạt dân chúng... phần nhiều hiển hiện hay báo mộng, ra đón từ ngoài miếu để cầu Quốc sư thọ nhận cho quy y. Quốc sư làm lễ thọ giới cho, bảo các vị đó phải phù hộ cho dân, giảm bớt cúng tế, không vị nào dám xúc phạm. Người thời đó về sau đều nhớ ơn Quốc sư. Điều này có thể cho ta biết, Quốc sư Huệ Nhẫn thuộc phái thiền Trúc Lâm.
Vua Trần Anh Tông cũng rất kính trọng Quốc sư, không dám gọi tên mà gọi là “Viên công”. Vua thường nói: “Viên công là Lão Tăng đạo cao đức trọng, thế gian hiếm có”. (Sự tích trên được Hồ Nguyên Trừng ghi lại trong sách “Nam Ông Mộng Lục”).
Ngoài ra, sự tích về Quốc sư Huệ Nhẫn còn được ghi lại trong bia “Quang Khánh tự bi minh tịnh tự” ở chùa Quang Khánh, xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Đến cuối đời, Ngài càng cao đạo, bèn bỏ lại các môn đệ ở chùa, một mình đi ra biển Đông kê đá nổi làm am, chăm chăm nhìn ra biển Đông, để tìm thấy chân tính. Ngài đặt tên cho am đó là Minh Tịnh Liên Xã, rồi đóng cửa ở đó không ra nữa. Đến đêm ngày 27 tháng Giêng năm Ất Sửu (1325), niên hiệu Khai Thái thứ 2 đời Trần Anh Tông, Ngài thị tịch, hưởng thọ 69 tuổi, tuổi lạp là 51.
Vào năm Quang Thiệu (1516-1522), đời vua Lê Ý Tông, các đại sĩ Phúc Lâm, Phúc Chính, Phúc Nguyên... cùng thiện tín xây dựng am và tượng thờ Quốc sư Huệ Nhẫn ở chùa Bảo Tích (hay chùa Diệu Phúc), xã Phi Gia, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương.
Năm Quảng Hòa 2 (1542), đại sĩ Đồng An, tự là Quang Lư, soạn bia “Huệ Vân Phật tọa bi ký” để ghi công đức.
3. Chùa Báo Ân - Thiền phái Trúc Lâm và Tam tổ trong việc đào tạo hoằng dương Phật pháp
Qua khảo sát nghiên cứu các nguồn tư liệu Hán Nôm tại chùa Báo Ân, các nguồn tư liệu liên quan đến chùa và lịch đại tổ sư trong lịch sử. Đặc biệt qua văn bia Thanh Mai: “Năm Bính Ngọ, niên hiệu Hưng Long năm thứ 14 (1306), Điều Ngự trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại, lập Sư làm chủ giảng. Điều Ngự thấy Huyền Quang theo Bảo Phác lên chùa nghe giảng, bèn dẫn làm thị giả”.
Ngày mồng 1 tháng 2 năm Quý Sửu, niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313), Viện chủ tổ Long Đàm mời Sư đến chùa giảng Thiền Lâm Thiết chủy ngữ lục cùng Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục, Duy Ma cật kinh. Ngày khai đường lên toà, Anh Tông nghe pháp, phụng mệnh di chiếu của Điều Ngự, lấy tiền của Tam Bảo trong cung Thánh Từ mà trùng tu lại chùa Báo Ân ở Siêu Loại. Việc trùng tu này thì các thợ, đất, gỗ đều do quan cấp. Hoàng Thượng ba, bốn lần đến chùa, lại mệnh cho Cấm quân đắp đất chuyển gỗ.
Năm Giáp Dần, niên hiệu Đại Khánh nguyên niên (1314), Thái thượng Hoàng lên ngôi. Chùa Siêu Loại đúc tượng Phật Tam tôn, đều cao 17 thước. Lại cho xây dựng điện Phật, gác, nhà Tàng thư, Tăng đường, gồm tất cả 33 toà, Sư đều đặt tên, biển Phật điện viết “Dược Hương điện”. Thái Thượng hoàng lại tự thân cho rửa sạch để ban tặng. Vua Anh Tông ban cho 500 hòm Đại Tạng kinh để làm của thường trụ trong chùa.
Năm Quý Hợi, niên hiệu Đại Khánh thứ 10 (1323), Sư 40 tuổi, tháng 9, Tư đồ Văn Huệ vương và Uy Huệ vương mời Sư đến chùa Siêu Loại ở Báo Ân để truyền thụ Bồ tát giới cùng lễ Quán đỉnh thụ pháp. Bảo Vân công chúa mời sư đến chùa Siêu Loại giảng hội 3 và hội 4 của kinh Hoa Nghiêm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chung khi nghiên cứu văn Thanh Mai Viên Thông tháp bi đã làm sáng tỏ hành trạng, sự nghiệp thuyết giảng kinh sách, sự nghiệp dựng chùa lập viện, lập đoàn thể tăng ni, tìm người kế nghiệp, cho đến sự nghiệp biên soạn, chú giải, in ấn kinh sách. [Thanh Mai Viên Thông tháp bi - Một tác phẩm viết về Thiền sư Pháp Loa, tr. 583-594]

Theo đó trong sự nghiệp của Đệ nhị tổ Pháp Loa đã biên soạn và san định, dịch chú được rất nhiều bộ kinh.
4. Thiền sư Huệ Nhẫn với chùa Quang Khánh
Chùa Quang Khánh, tục gọi là chùa Muống, ở thôn Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “chùa Quang Khánh: ở xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành. Sư Ông Mộng, thời Trần, trụ trì ở đây, tu luyện đắc dạo, pháp thuật tinh thông. Vua Trần Minh Tông đau mắt, thầy thuốc điều trị không khỏi, đêm mộng thấy một thầy thuốc tự xưng là Ông Mộng, khi tỉnh dậy, không cần thuốc thang, mà mắt tự khỏi, bèn lấy tên người trong mộng, hỏi khắp các châu huyện, khi đến chùa này mới thấy, nhà vua sắc phong là Từ Giác Quốc sư, lại phát tiền kho, tu bổ chùa quán, cho tên là chùa Quang Khánh”. Chùa nổi tiếng vì chùa là nơi quê nhà của ông “Mộng” hay Quốc sư “Huệ Nhẫn” (Thiền sư Quán Viên) đã trị bệnh cho vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) trong giấc mộng.
Vua Trần Minh Tông cho xây dựng lại chùa. Từ đó chùa trở thành danh lam cổ tự của trấn Hải Dương và là thắng cảnh của đất nước. Nhưng sau khi nhà Trần mất ngôi (năm 1400), chùa Quang Khánh suy hoại dần theo sự sụp đổ của phái Thiền Trúc Lâm và sự suy thoái của Phật giáo.
Hiện chùa còn giữ được bia dựng ở chùa Quang Khánh, ngôi chùa do ngài khởi tạo ở quê nhà, xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, nay là tỉnh Hải Dương.
- Quang Khánh tự bi minh tịnh tự (bia chùa Quang Khánh có cả bài minh và bài tựa) dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ghi rõ tiểu sử và chủ trương tiến bộ của nhà sư Huệ Nhẫn.
- Tĩnh Hạnh tháp bi ký (Bia tháp Tĩnh Hạnh) dựng năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757) nói lên hoạt động của nhà sư Tĩnh Hạnh, Thích Như Văn.
- Liên Phương tháp bi ký (Bia tháp Liên Phương) cũng dựng năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757) ghi tiểu sử của nhà sư Thích Trừng Trừng.
- Một bia ghi bài thơ chữ Nôm và một bia ghi bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông nói về chùa Quang Khánh.
Ngài sống rất giản dị và trong sạch, không nhận của ai bất kỳ một lễ vật nào, mà tự mình cày cấy, trồng tỉa để nuôi mình, lập nhà chữa bệnh giúp dân nghèo.
Những người nối truyền sư Huệ Nhẫn để phát huy truyền thống của Phật giáo Đông Sơn qua các triều đại cũng khá nhiều. Sách Thiền ngôn truyền đăng lục (in thời Tự Đức) có ghi tên khoảng 25 người, nhưng qua các bia nói trên, chỉ thấy nói đến 3 người: Hướng Lâm, Tì Khâu là người trực tiếp nối pháp ngài và quản lĩnh cả phái đạo; Thích Như Văn là người xã Kim Bôi, huyện Đông Triều, đi tu từ năm 14 tuổi, là người thứ 10 trụ trì chùa Quang Khánh và Thích Trừng Trừng xuất thân từ gia đình thợ đá, quê ở Giáp Sơn (Hải Dương). Năm 23 tuổi nhân theo cha đến chùa Đông Sơn xây thềm đá, rồi xin theo học đạo, là người trực tiếp nối pháp Thích Như Văn và là người thứ 11 trụ trì chùa Quang Khánh (là ngôi chùa do sư Huệ Nhẫn khởi tạo). Đây là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng trên đất Hải Dương. Thời Nguyễn chùa có trên 120 gian, 32 tháp sư, hàng trăm pho tượng cổ và nhiều bia ký. Năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Sau ngày miền Bắc giải phóng, chùa được khôi phục, đến nay cũng chỉ phục dựng một phần nhỏ kiến trúc xưa. Riêng hệ thống tháp vẫn được bảo tồn. Hội chùa Quang Khánh cũng bắt nguồn từ kỷ niệm ngày mất của sư Huệ Nhẫn (Hội bắt đầu từ ngày 24-26 tháng Giêng, 26 là ngày trọng hội).
Văn bia Quang Khánh tự bi minh tịnh tự, do tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) Phạm Cảnh Chiêu soạn, khắc dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) có nội dung cho rằng: “Quốc sư là người ở Muống thuộc Trà Xuyên thời Trần, họ Vương, tên hiệu là Quán Viên”. Thiền sư Huệ Nhẫn là người làng Muống, tổng Phù Tái (nay thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành), sinh năm 1257 đời Trần Thái Tông. Đến đầu triều đại Lê Thánh Tông (1460-1497), chùa Quang Khánh trở nên hoang sơ tiêu điều. Tuy nhiên, các thiền sư trụ trì vẫn âm thầm tiếp nối ngọn đèn pháp của phái Thiền Trúc Lâm, noi theo gương xưa của Quốc sư Huệ Nhẫn. Chùa vẫn còn những cao tăng tu hành khổ hạnh, sống bình dị hòa đồng trong thế tục, khiêm nhường góp phần vào việc phổ độ chúng sinh. Vì vậy chùa tuy hư hoại nhưng vẫn là một chùa nổi tiếng. Năm Quang Thuận 6 (1465), vua Lê Thánh Tông (Thiên Nam động chủ) đến viếng chùa vẫn ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của chùa Quang Khánh.

Năm Bính Ngọ (1486), vua Lê Thánh Tông lại viếng chùa sáng tác bài Thơ chữ Nôm “Ngự đề Quang Khánh tự” (Vua vịnh chùa Quang Khánh), ca ngợi Thiền lâm Quang Khánh như sau:
Dắng dõi chào ai tiếng pháp chung
Ngang đây thoắt lộ chạnh bên dòng.
Trừng thanh lẽo lẽo trần kỳ cách
Gác thẳm làu làu ngọc giá đông
Sực nức đưa hoa hương mượn gió
Líu lo chào khách vẹt thay đồng
Nhủ đoàn tự đắc ngao du đấy
Cho biết cơ màu vẫn chẳng vong.
Tác giả: Thượng tọa Thích Thanh Phương - Trụ trì chùa Sủi, Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 07/2025
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Chùa Sủi (2008), “Chùa Báo Ân (Dương Quang), di tích lịch sử, nghệ thuật: điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Lưu tại Chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội.
[2]. Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia Lâm (2020), “Bản dịch tư liệu chùa Báo Ân: di tích chùa Báo Ân, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội”, Lưu tại Chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội.
[3]. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung Ương, Hòa thượng Thích Thanh Từ (1997), Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải, Thiền viện Thường chiếu và Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội (2002), “Lý lịch di tích chùa Báo Ân ở xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội”, Lưu tại Chùa Sủi, Gia Lâm, Hà Nội.
[5]. Viện sử học (1991) Đại nam nhất thống chí, Tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6]. Viện Hán Nôm, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội.
Bình luận (0)