Trường Đại học Nava Nalanda Mahavihara (NNM) tại bang Bihar, Ấn Độ, sẽ sớm triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo Phật giáo tiên phong mang tên Nava Nalanda Mahavihara Norbu, với sự hợp tác của các chuyên gia Malaysia. Một biên bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết giữa hai bên để hiện thực hóa dự án mang tính đột phá này.
Sáng kiến này nhằm khôi phục tinh thần truyền thống Nalanda và phổ biến giáo lý đức Phật thông qua công nghệ hiện đại.

Giáo sư Siddharth Singh, Hiệu trưởng Đại học NNM, cho biết hệ thống AI và chatbot “Norbu” sẽ mang lại trải nghiệm tương tác và sinh động cho sinh viên, học giả và những người quan tâm đến phật pháp.
Hệ thống AI Norbu sẽ đóng vai trò như một kho tư liệu số hóa chứa các kinh điển Phật giáo, văn bản lịch sử và các cuộc luận bàn triết học, giúp người dùng truy cập tức thì vào những giáo lý cốt lõi và các cách diễn giải phật pháp. Dự kiến, công cụ này sẽ cách mạng hóa phương pháp học Phật bằng cách tích hợp các công cụ học tập thông minh, góp phần làm cho triết lý Phật giáo trở nên dễ tiếp cận hơn với người học hiện đại.
Trong nhiều năm qua, Đại học Nava Nalanda Mahavihara đã duy trì mối quan hệ hợp tác học thuật với nhiều cơ sở giáo dục danh tiếng trên toàn thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Việt Nam và Thái Lan. Nhờ đó, NNM không ngừng mở rộng hoạt động nghiên cứu và giảng dạy, thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu về triết học và di sản Phật giáo.
Là một cơ sở giáo dục trọng điểm trực thuộc Bộ Văn hóa Ấn Độ, NNM tích cực giảng dạy và nghiên cứu các lĩnh vực Phật học cùng nhiều ngôn ngữ cổ như Pali, Sanskrit, Tây Tạng, Hán và Nhật. Những chương trình này góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - văn học gắn liền với Phật giáo.
Toạ lạc gần di sản lịch sử Đại học Nalanda cổ đại, NNM đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giáo dục, nghệ thuật và văn hóa Phật giáo. Các thành tựu học thuật của trường đã góp phần thắt chặt mối quan hệ văn hóa giữa Ấn Độ với các quốc gia Phật giáo trên thế giới, củng cố vị thế của Ấn Độ như một trung tâm toàn cầu về Phật học.
Ngoài ra, nhà trường cũng đang từng bước triển khai chương trình đào tạo cử nhân theo chính sách giáo dục mới (NEP) của Ấn Độ, dự kiến bắt đầu từ năm học tới. Chương trình này hứa hẹn thúc đẩy tư duy liên ngành và mở ra nhiều cơ hội mới cho những sinh viên quan tâm đến triết học Phật giáo và các lĩnh vực liên quan.
Việt dịch: Thích Vân Phong/Nguồn: https:mpressiveti//imes.com
Bình luận (0)