Tác giả: TS.Nguyễn Thị Hoàng Yến
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tóm tắt: Chùa Long Cảnh hay còn gọi chùa thôn Nội là ngôi chùa cổ, hiện ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Phía trước thềm Tam Bảo, nhìn chếch hướng bên phải là nơi đặt bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng là nơi còn lưu giữ 7 tấm bia đá cổ khắc văn tự Hán Nôm gồm 14 mặt bia trong đó hai mặt khắc tượng Hậu Phật. Hầu hết các bia này đều có thác bản văn bia được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Nội dung văn bia ghi chép các Hậu Phật đóng góp tiền bạc, ruộng đất cho bản thôn, chùa Long Cảnh và lệ kính biếu, cúng giỗ Hậu Phật. Liệt kê họ tên, tên tự, tên hiệu của những người được gửi giỗ trong chùa và việc cúng tế. Việc nghiên cứu nội dung các văn bia này nhằm tìm hiểu lịch sử ngôi chùa và tri ân những đóng góp của Hậu Phật đối với nhân dân trong thôn và di tích tại địa phương.
Từ khoá: văn bia chùa Long Cảnh, di sản Hán Nôm, huyện Thạch Thất
1. Sơ lược về chùa Long Cảnh
Chùa Long Cảnh được xây dựng vào thời gian nào, hiện chưa có tài liệu gì để chứng thực. Căn cứ theo nội dung tấm bia cổ Long Cảnh tự Hậu Phật (Hậu Phật chùa Long Cảnh)/ Cấn gia bi ký (Bia ghi chép dòng họ Cấn) hiện được lưu giữ tại chùa thì bia này được dựng vào năm Chính Hoà thứ 4 (1683). Nghĩa là, chùa Long Cảnh phải được xây dựng trước khi có tấm bia, trước năm 1683. Như vậy, cho đến nay chùa Long Cảnh đã tồn tại khoảng 400 năm.
Chùa nằm ven sông Tích Giang xưa thuộc thôn Nội, xã Lại Hạ, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây nay là thôn Nội, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa Long Cảnh xưa được người dân dựng nên, có nơi thờ tự để người dân đến lễ Phật. Hiện nay, xung quanh khuôn viên trong chùa, sư trụ trì trồng nhiều cây và hoa, rau xanh như: xoài, vải, hoa giấy, rau cải, rau mồng tơi... Màu sắc chủ đạo là màu nâu đỏ ngói cũ, màu ghi xám nhẹ, bình dị mà vẫn toát lên vẻ đẹp chùa Việt truyền thống.
Chùa vẫn giữ được cảnh quan cổ kính ngoạn mục tiêu biểu cho không gian của các kiến trúc cổ ở làng xã Việt Nam những thế kỷ XVIII – XIX.
2. Di sản Hán Nôm chùa Long Cảnh
Chùa Long Cảnh hay còn gọi chùa thôn Nội là ngôi chùa cổ, hiện ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Phía trước thềm Tam Bảo, nhìn chếch hướng bên phải là nơi đặt bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát, cũng là nơi còn lưu giữ 7 tấm bia đá cổ khắc văn tự Hán Nôm gồm 14 mặt bia trong đó hai mặt khắc tượng Hậu Phật. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ được quả chuông đồng thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Đây là quả chuông lớn, đường kính miệng 55,5 cm, cao 1,06 m, múi đục nổi điểm hình hoa cúc, diềm trang trí hoa văn lá đề và cánh sen. Hầu hết các bia này đều có thác bản văn bia được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã kiểm tra, đối chiếu và ghi rõ kí hiệu từng mặt bia.

Về nội dung văn bia, chúng tôi thống kê được như sau:
Như vậy, chùa Long Cảnh hiện có 14 mặt bia, bia Long Cảnh tự Hậu Phật (Hậu Phật chùa Long Cảnh) được lập sớm nhất vào niên hiệu Chính Hoà thứ 4 (1683). Bia Long Cảnh tự bi (Bia chùa Long Cảnh) được lập muộn nhất dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn năm thứ 9 (1810). Một mặt bia Hậu Phật bi ký (Bia ghi về Hậu Phật) bị xoá dòng niên đại nhưng nội dung lập đơn bầu Hậu ngày 20 tháng 11 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 27 (1766), nghĩa là thời gian dựng bia có thể muộn hơn thời điểm lập đơn bầu Hậu, tức sau năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766).
Các văn bia trên, ghi đơn bầu của bà Cấn Thị Luận; vợ chồng Xã sử Cấn Đắc Bình và vợ Nguyễn Thị Đảm; vợ chồng ông bà Cấn Đắc Bình, Nguyễn Thị Đảm; Ông Cấn Thừa Tự và vợ Nguyễn Thị Nghệ; Ông Nguyễn Hữu Huân và vợ Nguyễn Thị Huyền; Sinh đồ Nguyễn Bá Đang, vợ Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Dương, Cấn Thị Triêm; Xã trưởng Nguyễn Bá Khôi, vợ Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Biện; lão nhiêu Cấn Đắc Tể, vợ Cấn Thị Sách; lão vãi Cấn Thị Tu; Cấn Viết Sinh, vợ Cấn Thị Lô. Hầu hết những người được bản thôn bầu Hậu là chức sắc hoặc người có học tại địa phương, đồng thời cũng là người có tài sản dư dả, sung túc.
Lý do được bản thôn đồng ý bầu Hậu cũng được ghi rất rõ ràng trên bia. Cụ thể, chúng tôi thống kê được như sau:
Bia Cấn gia bi ký: bà Cấn Thị Ngọc Luận hưng công làm phúc nên được bầu làm Hậu Phật.
Bia Hậu Phật Long Cảnh tự bi: bản thôn xây dựng thượng điện cùng với nơi đốt hương cần dùng tiền đồng. Bản thôn đồng ý bầu Xã sử Cấn Đắc Bình, tự Phúc Độ, hiệu Đức Thịnh cùng vợ Nguyễn Thị Đảm, hiệu Từ An làm Hậu Phật.
Bia Long Cảnh tự bi: Cấn Thừa Tự, hiệu Phúc Định; vợ Nguyễn Thị Nghệ, hiệu Từ Lộc, tuổi tác cao, cho bản thôn 18 quan tiền, 3 thửa ruộng. Vì thế, bản thôn đồng ý bầu làm Hậu Phật.
Bia Long Cảnh tự bi, Nguyễn Hữu Huân, vợ Nguyễn Thị Huyền ban cho bản thôn 18 quan tiền cổ, tiền đồng và 3 thửa ruộng. Vì thế, bản thôn đồng ý bầu làm Hậu Phật.
Bia Hậu Phật bi ký: do thôn Ngoại bản xã tranh chấp kiện cáo ranh giới ruộng đất, tốn kém nhiều tiền đông, không thể trông cậy bổ chia, nhờ có người bản thôn là Sinh đồ Nguyễn Bá Đang, vợ Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Dương; Xã trưởng Nguyễn Bá Khôi, vợ Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Biện; Lão nhiêu Cấn Đắc Tể, hiệu Phúc Nghị; vợ Cấn Thị Sách, hiệu Từ Trinh nghĩ đến dân trong thôn, hằng tâm hằng sản mỗi người xuất 100 quan tiền cổ, tổng cộng 300 quan, giao cho bản thôn chi dùng cho việc kiện cáo khiến cho việc kiện tụng được giải quyết, ranh giới ruộng được khôi phục lại như xưa. Bản thôn cùng họp bầu vợ chồng những người trên đều là Hậu Phật. Họ lại bỏ ra mỗi người 3 sào ruộng tốt giao cho bản thôn lo việc giỗ chạp.
Bia Long Cảnh tự bi¸ lập năm Gia Long thứ 4 (1805): lão vãi Cấn Thị Tu, hiệu Từ Vinh xuất gia nương nhờ cửa Phật, không tiếc tiền bạc của gia đình làm duyên tu phúc, được hương lão, quan viên, Xã trưởng, thôn trưởng ở bản thôn cùng họp, đồng ý bầu bà làm Hậu Phật chùa Long Cảnh, được nương nhờ cửa Phật hưởng phúc.
Bia Hậu Phật minh ký: Nhân bản thôn xây dựng miếu thờ bị thiếu hụt tiền đồng nên người bản thôn là lão vãi Cấn Thị Tu, hiệu Từ Vinh bỏ tiền cho bản thôn 25 quan tiền sử và 1 thửa ruộng.
Bia Hậu Phật bi ký: Cấn Viết Sinh, hiệu Sùng Phúc; vợ Cấn Thị Lô, hiệu Từ Năng quê cũ ở xã Lại Hạ, cho bản thôn 18 quan tiền cổ và 1 mẫu ruộng. Vì thế bản thôn đồng ý bầu làm Hậu Phật.
Trong các văn bia bầu Hậu ở trên, lý do họ công đức tiền bạc, ruộng đất cho bản thôn nên được bầu làm Hậu Phật chiếm 4/7 văn bia. Lý do bản thôn xây dựng thượng điện cùng với nơi đốt hương cần dùng tiền đồng, được Xã sử Cấn Đắc Bình cùng vợ Nguyễn Thị Đảm bỏ tiền cho bản thôn nên đồng ý bầu làm Hậu Phật. Xây dựng miếu thờ bị thiếu tiền, nên được lão vãi Cấn Thị Tu bỏ tiền và ruộng cho bản thôn, nên được bầu làm Hậu Phật. Như vậy, lý do cần tiền xây dựng nơi thờ tự, thiếu tiền được họ công đức nên đồng ý bầu Hậu Phật chiếm 2/7 văn bia. Lý do thôn Ngoại bản xã tranh chấp kiện cáo ranh giới ruộng đất, tốn kém nhiều tiền đồng, không thể trông cậy bổ chia, nhờ có người bản thôn là vợ chồng các ông bà: Sinh đồ Nguyễn Bá Đang, Xã trưởng Nguyễn Bá Khôi, lão nhiêu Cấn Đắc Tể xuất tổng cộng 300 quan tiền cổ, giao cho bản thôn chi dùng cho việc kiện cáo khiến cho việc kiện tụng được giải quyết, ranh giới ruộng được khôi phục lại như xưa. Cho nên, bản thôn bầu vợ chồng những người trên đều là Hậu Phật. Lý do bản thôn thiếu tiền do kiện cáo chiếm 1/7 văn bia.
2.1. Tài sản được Hậu Phật cung tiến
Hậu Phật bỏ ra tiền, ruộng giao cho bản thôn, bản giáp nhưng cũng có Hậu Phật công đức ruộng đất cho chùa. Cụ thể, như sau:
Bảng 2. Tài sản Hậu Phật cung tiến
Theo thống kê ở bảng 2 ở trên, bà Cấn Thị Ngọc Luận cho bản thôn 20 quan tiền, 3 thửa ruộng; cho bản giáp 2 sào ruộng; công đức cho chùa 3 thửa ruộng. Vợ chồng ông bà Cấn Đắc Bình, Nguyễn Thị Đảm cho bản thôn 30 quan tiền và 2 mẫu ruộng, nhưng không cúng dàng. Ông Cấn Thừa Tự và vợ Nguyễn Thị Nghệ cho bản thôn 18 quan tiền cổ và 3 thửa ruộng, nhưng không công đức cho chùa. Ông Nguyễn Hữu Huân và vợ Nguyễn Thị Huyền cho bản thôn 18 quan tiền cổ và 3 thửa ruộng, cúng dàng Tam bảo 1 sào rưỡi. Sinh đồ Nguyễn Bá Đang, vợ Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Dương giao cho bản thôn 100 quan tiền cổ và 3 sào ruộng, giao cho chùa 1 sào ruộng. Xã trưởng Nguyễn Bá Khôi, vợ Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Biện giao cho bản thôn 100 quan tiền cổ và 3 sào ruộng, giao cho chùa 3 đảm ruộng. Lão nhiêu Cấn Đắc Tể, vợ Cấn Thị Sách giao cho bản thôn 100 quan tiền cổ và 3 sào ruộng, giao cho chùa 1 sào 5 thước ruộng. Cấn Thị Tu giao cho bản thôn 25 quan tiền sử và 1 thửa ruộng. Cấn Viết Sinh và vợ Cấn Thị Lô cho bản thôn 18 quan tiền cổ và 1 mẫu ruộng, cúng dàng tam bảo 1 thửa ruộng. Như vậy, có 6/9 ông bà cúng ruộng đất vào chùa làm chi phí sắm sửa lễ vật thờ cúng, 3/9 ông bà Hậu Phật chỉ giao tiền và ruộng cho bản thôn mà không công đức ruộng đất hay tiền vào chùa. Duy nhất bà bà Cấn Thị Ngọc Luận cho bản thôn 20 quan tiền, 3 thửa ruộng; cho bản giáp 2 sào ruộng; công đức cho chùa 3 thửa ruộng, tức công đức cho 3 nơi là bản thôn, bản giáp và chùa.
2.2. Tài sản được người gửi giỗ cung tiến
Văn bia chùa Long Cảnh ghi chép việc Hậu Phật cúng tiền, ruộng cho chùa nhằm gửi giỗ cho chồng, cha mẹ, ông bà, tổ tiên cùng được hưởng thờ cúng. Cụ thể, chúng tôi thống kê được như sau:
Bảng 3. Tài sản được người gửi giỗ cung tiến
Theo thống kê ở bảng 3, bà Cấn Thị Ngọc Luận, hiệu Từ Mai công đức cho chùa 3 thửa ruộng nhằm gửi giỗ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Cụ họ Nguyễn, tự Phúc Huệ và vợ cúng dàng 1 thửa ruộng cho chùa canh tác, trồng trọt. Ngày sóc (mồng 1), vọng (ngày rằm) hàng tháng sắm hương, oản. Vợ chồng Hậu Phật Cấn Đắc Bình và Nguyễn Thị Đảm công đức ruộng đất cho chùa gửi giỗ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên nội ngoại được hưởng cúng tế. Ông Cấn Thừa Tự, hiệu Phúc Định; vợ Nguyễn Thị Nghệ, hiệu Từ Lộc công đức cho chùa 1 sào 4 thước gửi giỗ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Hậu Phật Cấn Thị Tu công đức ruộng đất cho chùa, để gửi giỗ cho chồng, cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Như vậy, Hậu Phật của chùa Long Cảnh không chỉ công đức cho bản thân, mà còn gửi giỗ cho người thân, tổ tiên của họ cùng được nương nhờ cửa Phật. Tài sản cung tiến cho chùa là ruộng đất mà không cúng tiền.
2.3. Lệ cúng Hậu Phật ở chùa Long Cảnh
Các Hậu Phật ở chùa Long Cảnh hầu hết là những người đang sống. Vì vậy, khi được bản thôn đồng ý bầu Hậu Phật. Lúc họ sống, sẽ được bản thôn biếu mỗi khi thôn có dịp cúng tế. Lúc mất, bản thôn, chùa Long Cảnh làm cỗ cúng giỗ. Cụ thể như sau:
Bảng 4. Lệ cúng Hậu Phật
Từ thống kê bảng 4 ở trên, các Hậu Phật ở chùa Long Cảnh lúc sống được bản thôn kính biếu cỗ vào ngày Nhập tịch, Cầu phúc, Thượng điền, Hạ điền, giỗ Hậu chỉ có bà Cấn Thị Ngọc Luận (bia Cấn gia bi ký) không có lệ biếu cỗ này mà chỉ có lệ cúng giỗ sau khi bà mất. Bà Cấn Thị Ngọc Luận giao tiền, ruộng cho bản thôn, bản giáp. Vì vậy, vào ngày giỗ của bà bản thôn chuẩn bị 3 mâm xôi, mỗi mâm 10 đấu, 1 con lợn giá 3 quan tiền sử, 1 chĩnh rượu mang đến nhà trưởng họ. Bản giáp 1 con lợn giá 2 quan tiền sử, 1 chĩnh rượu, 30 đấu xôi. Hậu Phật Cấn Đắc Bình và vợ Nguyễn Thị Đảm (bia Hậu Phật Long Cảnh tự bi) sau khi mất, cùng giỗ chung ngày 15 tháng 11. Lễ vật mỗi nhà 1 mâm dùng thịt, cá. Hậu Phật Cấn Thừa Tự và vợ Nguyễn Thị Nghệ (bia Long Cảnh tự bi) cùng giỗ ngày mồng 1 tháng 12. Lễ vật 1 mâm xôi, cá, thịt. Hậu Phật Nguyễn Hữu Huân và vợ Nguyễn Thị Huyền (bia Long Cảnh tự bi) cùng giỗ vào ngày mồng 10 tháng 12. Lễ vật mỗi người trưởng gia 1 mâm xôi, cá, thịt mang đến nhà trưởng họ cúng. Bản thôn sắm 1 mâm xôi. Còn Hậu Phật Sinh đồ Nguyễn Bá Đang, vợ Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Dương (bia Hậu Phật bi ký) không quy định ngày giỗ cụ thể, chỉ ghi lễ vật cúng giỗ 1 con lợn, xôi, rượu. Hậu Phật Xã trưởng Nguyễn Bá Khôi, vợ Nguyễn Thị Linh, Nguyễn Thị Biện và Hậu Phật Cấn Đắc Tể, vợ Cấn Thị Sách giỗ Hậu không ghi lễ vật cụ thể, chỉ ghi 1 mâm cỗ. Hậu Phật Cấn Thị Tu (bia Long Cảnh tự bi) làm giỗ vào đúng ngày bà mất. Lễ vật cúng giỗ là 1 con lợn, 1 mâm xôi đáng 30 đấu, 1 vò rượu. Hậu Phật Cấn Viết Sinh, vợ Cấn Thị Lô (bia Hậu Phật bi ký) vào ngày giỗ của ông bà được bản thôn chuẩn bị lễ vật cúng là 1 con lợn giá tiền 3 quan tiền sử, 3 mâm xôi tổng cộng 10 đấu, 1 vò rượu mang đến nhà trưởng họ cúng. Chùa Long Cảnh sám hối cúng dàng, kéo dài mệnh mạch. Còn Hội tư văn mặc trang phục mũ áo chỉnh tề làm lễ, không dùng nhạc tế. Như vậy, Hậu Phật của chùa Long Cảnh được bản thôn làm lễ cúng giỗ, chỉ Hậu Phật Cấn Viết Sinh và vợ Cấn Thị Lô được chùa tụng kinh sám hối cúng dàng, kéo dài mệnh mạch và được Hội tư văn mặc trang phục mũ áo chỉnh tề đến làm lễ. Hậu Phật Cấn Thị Ngọc Luận được cả bản thôn và bản giáp chuẩn bị lễ vật cúng giỗ.
2.4. Lệ cúng cho những người được gửi giỗ
Hậu Phật chùa Long Cảnh không chỉ nhờ bản thôn lo việc cúng giỗ cho họ sau khi qua đời mà còn gửi giỗ cho chồng, cha mẹ, ông bà tổ tiên của họ. Một số người ghi rõ ngày tháng giỗ, nhưng đa phần chỉ ghi lại họ tên, tên tự, tên hiệu. Cụ thể như sau:
Bảng 5. Lệ cúng cho người được gửi giỗ
Theo bảng 5 ở trên, chỉ có cha mẹ, ông bà tổ tiên của Hậu Phật Cấn Thị Luận (bia Cấn gia bi ký) liệt kê đầy đủ họ tên, hiệu, tự và ngày giỗ của họ. Nhưng có thể, bản thôn đều làm giỗ cho họ chung vào một ngày. Lễ vật cúng giỗ 1 con lợn giá 2 quan tiền sử, 1 chĩnh rượu và 30 đấu xôi. Bia Hậu Phật truyền bi ký chỉ liệt kê họ tên, tự, hiệu của những người được gửi giỗ mà không ghi ngày tháng giỗ cụ thể. Lễ vật cúng không chỉ có ngày giỗ mà cúng lễ vào ngày sóc, vọng. Bia Long Cảnh tự bi cũng liệt kê họ tên, tự, hiệu của những người được gửi giỗ. Vào ngày giỗ, chùa tụng kinh sám hội trước tượng Phật nhằm kéo dài mệnh mạch. Bia Long Cảnh tự bi liệt kê họ, tự, hiệu người được gửi giỗ nhưng không ghi chép cụ thể lễ vật cúng giỗ.
Kết luận
Long Cảnh là ngôi chùa cổ với lịch sử tồn tại khoảng bốn trăm năm. Chùa hiện lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị nhằm khẳng định lịch sử ngôi chùa đồng thời ghi chép đóng góp của các Hậu Phật đối với bản thôn và bản tự. Trải qua thời gian dài chùa đã bị hư hỏng, xuống cấp. Các vị sư trong chùa, nhân dân cùng với chính quyền địa phương ra sức chung tay vào việc chỉnh trang, tu sửa, xây dựng chùa với mong muốn giữ gìn ngôi chùa - một nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho người dân. Vì vậy, việc tìm hiểu di sản Hán Nôm tại chùa có ý nghĩa sâu sắc trong việc giữ gìn và truyền bá văn hoá cho người dân hôm nay. Đồng thời, tri ân những vị Hậu Phật - người có công lao to lớn đối với người dân địa phương và với di tích văn hoá này.
Tác giả: TS.Nguyễn Thị Hoàng Yến - Viện Nghiên cứu Hán Nôm
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. Sách tiếng Việt
1. Bùi Xuân Đính (2022) Bách khoa làng Việt cổ truyền, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật
2. Phạm Văn Hảo (chủ biên), Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế), Nxb Khoa học xã hội
3. Nguyễn Tá Nhí (chủ biên) (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: tuyển tập hương ước tục lệ, Nxb Hà Nội
4. Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2006), Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội
II. Tư liệu Hán Nôm (thác bản văn bia lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
5. Cấn gia bi ký艮家碑記, kí hiệu: N0 43543
6. Hậu Phật bi ký后 佛碑記, kí hiệu: N019893, N043544
7. Hậu Phật bi ký後佛碑記, kí hiệu: N019892, N043548
8. Hậu Phật minh ký後佛銘記, kí hiệu: N0 43553
9. Hậu Phật Long Cảnh tự bi後佛龍景寺碑, kí hiệu: N0 43545
10. Hậu Phật truyền bi ký後佛傳碑記, kí hiệu: N0 43546
11. Long Cảnh tự bi龍境寺碑, kí hiệu: N0 43549
12. Long Cảnh tự bi龍境寺碑, kí hiệu: N0 43550
13. Long Cảnh tự bi龍境寺碑, kí hiệu: N043551
14. Long Cảnh tự bi龍景寺碑, kí hiệu: N043552
15. Long Cảnh tự Hậu Phật龍景寺後佛, kí hiệu: N043555
CHÚ THÍCH:
[1] Hậu Phật: người có công với chùa làng được tôn bầu làm Hậu Phật được cúng giỗ tại chùa. (Theo Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2006), Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, Nxb KHXH, tr.829)
[2] Quan tiền: một quan tiền thời Lê gồm 600 đồng, chia làm 10 tiền (một tiền là 60 đồng, gọi là cổ tiền). Sang thời Nguyễn, văn là đơn vị tiền cơ bản có giá trị một đồng nhưng không được đúc thành một đơn vị tiền riêng, mà giá trị của nó được biểu hiện ở con số ghi trên mặt đồng tiền. Ngoài tiền bằng đồng còn có tiền bằng bạc đúc thành thoi. Bạc thoi thời Tự Đức (1848-1883) còn được đúc thành các đồng tiền tính theo đơn vị quan và mạch (10 mạch bằng 1 quan) tương đương với quan tiền đồng nhưng giá trị hơn. Ngoài ra còn có quan tiền sử. (Theo Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2006), Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam (sđd), tr.833)
[3] Đấu: đơn vị đo lường. Một đấu tương đương 2 bát đàn. (Theo Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2006), Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam (sđd), tr.828)
[4] Xã sử: chức xã quan trong một xã, đặt năm Nhâm Dần (1242) đời Trần Thái Tông. (Theo Phạm Văn Hảo (chủ biên), Sổ tay từ ngữ lịch sử (quan chế), Nxb Khoa học xã hội, tr.268)
[5] Tự: nghĩa chữ Hán là "tên chữ", là tên để gọi thay cho tên huý, tên tục và chỉ đặt cho con trai khi đến 20 tuổi. Tên tự và tên huý có liên quan với nhau. Đặt tên tự phải bắt nguồn từ tên huý, liên quan đến tên huý... Tuy nhiên, nhiều trường hợp, tên tự không có mối liên quan đến tên huý, mà chỉ biểu thị khí phách, ước vọng. Có nhiều cách đặt tên tự. Người xưa quan niệm tên tự càng "bí hiểm", càng chứng tỏ đó là người có tri thức, có trí tuệ. Vì vậy, không dễ dàng hiểu được mối quan hệ giữa tên tự và tên huý. (Theo Bùi Xuân Đính (2022) Bách khoa làng Việt cổ truyền, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 786)
[6] Hiệu: tức tên hiệu, là tên vốn đặt ra để gọi nhà ở, chỗ ở, nơi đọc sách viết văn và đôi khi để thể hiện ý chí cá nhân. Tên hiệu thường chỉ có ở các bậc nho sĩ, danh sĩ và do họ tự đặt. Tên này thường dùng các từ chỉ quê quán, tên sông, tên núi, hồ, dầm hoặc chí khí... (Theo Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (sđd), tr.786-787)
[7] Cầu phúc: tiết cầu phúc thường tiến hành vào tháng 2 Âm lịch và diễn ra trong nhiều ngày. Lễ cúng tùy làng xã và năm được mùa hay mất mùa mà tổ chức to hay nhỏ. Lúc mới vào đám thì gọi là "Nhập tịch" và khi lễ xong ra đám gọi là "Xuất tịch" hay "Mãn tịch" đều có cúng tế. Trước ngày vào đám, người dân thường làm lễ mộc dục (tắm rửa) cho thần vị, lau rửa đồ tế khí, rước nước. Sau đó, tổ chức lễ rước thần từ đình, miếu với đầy đủ các đồ tế khí, nghi trượng như tàn lọng, chiêng trống. Trong những ngày lễ hội, địa phương tổ chức hát xướng thờ thần, đánh cờ, vui chơi, ăn uống. Hết đám, họ lại rước thần vị về miếu, đình và làm lễ "Xuất tịch" hay " Mãn tịch".
[8] Thượng điền: là một nghi thức của tín ngưỡng nông nghiệp ở đa số các làng Việt, tiến hành khi hoàn thành việc cấy lúa, thời điểm cụ thể tuỳ thuộc vụ lúa mùa hay lúa chiêm. Các làng đồng mùa thường tiến hành vào một ngày tốt trong tháng bảy. Làng đồng chiêm thường tiến hành vào tháng giêng hoặc tháng hai (do khi cấy xong đã vào cuối tháng chạp, kề cận Tết Nguyên đán, nên các làng phải lui thời gian tổ chức lễ Thượng điền. Các làng làm lễ ở đình và đàn Tiên nông. Lễ vật là xôi, lợn, gà, tuỳ từng làng. Nhiều làng tổ chức lễ Thượng điền khá linh đình.... Từ sau lễ Thượng điền, đóng đồng làng, tức là không ai được thả vịt, trâu trên các cánh đồng đã được cấy, để đề phòng chúng phá lúa hoặc làm nát, gãy lúa; cũng không ai được tát các mương, vũng ao trong đồng để bắt cá, đề phòng gặp hạn hán sẽ không còn nước tưới cho lúa. Người nào vi phạm, tuần phiên chiếu theo quy định trong hương ước bắt phạt. (Theo Bách khoa làng Việt cổ truyền (sđd), tr. 647-648)
[9] Hạ điền: là một nghi thức của tín ngưỡng nông nghiệp, cũng là một lễ thức, một công đoạn trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng làng Việt, mở đầu vụ cấy lúa, thời điểm cụ thể tuỳ thuộc vụ lúa chiêm hay lúa mùa. Các làng đồng mùa thường tiến hành vào một ngày tốt, giáp tiết Tiểu thử (đầu tháng 6), đúng một tháng sau lễ Gieo mạ... Ở các làng đồng chiêm, lễ Hạ điền thường tiến hành khoảng đầu tháng 1, hai tháng sau lễ Gieo mạ... Lễ Hạ điền có vai trò quan trọng nhất và được tổ chức với quy mô lớn nhất trong các lễ thức nông nghiệp ở phần đông các làng. (Theo Bách khoa làng Việt cổ truyền (sđd), tr. 643-644 )
[10] Sinh đồ: tên học vị dành cho Nho sinh đã đỗ ba trong bốn trường ở kỳ thi Hương, sau gọi là tú tài. (Theo Đinh Khắc Thuân (chủ biên) (2006), Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam (sđd), tr.834)
[11] Xã trưởng: người đứng đầu một xã thời Lê. (Theo Nguyễn Tá Nhí (chủ biên) (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: tuyển tập hương ước tục lệ, Nxb Hà Nội, tr.1262)
[12] Lão nhiêu: hạng dân ngoài 60 tuổi, được miễn sưu thuế, tạp dịch. (Theo Nguyễn Tá Nhí (chủ biên) (2010), Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: tuyển tập hương ước tục lệ (sđd), tr.1253)
[13] Cao cao tổ khảo: cụ ông cách bản thân 4 đời (tức kị).
[14] Tỷ: cụ bà.
[15] Cao cao tổ khảo: cụ ông cách bản thân 3 đời (tức cụ).
[16] Tằng tổ khảo: cụ ông cách bản thân 3 đời (tức cụ).
[17] Tổ khảo: là ông đẻ ra cha mình.
[18] Huý: là tên được cha mẹ (hoặc những người bằng vai, hay ở vai trên hoặc một bậc có trí tuệ trong làng) đặt cho sau khi chào đời một thời gian, ngày nay gọi là tên khai sinh, hay tên gọi chính thức, cũng có thể gọi là tên thường gọi, trong trường hợp người đó không có tên nào khác. Đây là tên gọi chính thức được ghi trong sổ hàng giáp, sổ đinh của làng (chỉ với con trai) và mang tính pháp lý, dùng cho các hoạt động, các quan hệ xã hội, giao dịch dân sự của người đó (với cả nam và nữ) trong cuộc đời sau này, cả đến khi chết làm lễ cúng hồn (nên gọi là tên cúng cơm còn gọi là “tên hèm”). Đặc điểm nổi bật của việc đặt tên huý cho con là không được trùng với tên của Thành hoàng làng và tên của các cụ kị đời trước, các bậc trong họ bằng vai hoặc trên vai bố mẹ. (Theo Bùi Xuân Đính (2022), Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (sđd), tr.784).
[19] Hiển khảo: người cha đã mất.
[20] Cao tổ khảo: là cụ ông cách bản thân 3 đời (tức cụ).
[21] Hiển tổ khảo: là ông nội đã mất.
Bình luận (0)