Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Bắc Ninh

1. Mở đầu

Trên hành trình hơn hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam luôn giữ trọn sứ mệnh hộ quốc an dân. Năm nay, mùa An cư kiết hạ PL.2569 – DL.2025 tại Trường hạ chùa Đại Thành diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang chính thức hợp nhất trở lại thành tỉnh Bắc Ninh mới, đã trở thành nơi hội tụ của Chư tôn đức tăng, ni từ khắp các huyện, thị, thành phố về an cư tu học, ôn giới luật, tịnh thân tâm, bồi dưỡng trí tuệ, lấy Chính pháp làm ánh sáng dẫn đường, lấy Tăng già hòa hợp làm nền tảng vững bền, lấy oai nghi giới luật làm thân giáo cảm hóa quần sinh.

Giữa thời khắc trọng đại ấy, Chư tôn đức tăng, ni lãnh đạo giáo hội của hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, đã cùng nhau hoạch định phương hướng phật sự cho giai đoạn mới, thực hiện theo chủ trương lớn của Nhà nước và sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, chính thức công bố quyết định sáp nhập hành chính Phật giáo tỉnh, theo tinh thần tinh gọn và phát triển bền vững, được tổ chức vào ngày14/7/2025 (20/6/Ất Tỵ) tại chùa Đại Thành - trụ sở (mới) Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Ninh.

Với ý thức trách nhiệm của tăng, ni đối với Tăng đoàn, chúng ta đã đồng lòng, tinh tấn không chỉ trên đường học giới, mà còn trong việc giữ gìn oai nghi, trang nghiêm đạo tràng, gìn giữ uy tín của Giáo hội và truyền trao tinh thần Phật pháp đến mai sau, đại chúng đã chuyên tâm học tập Kinh Vô Lượng Thọ, là thắp sáng niềm tin và phát nguyện bồ-đề cứu độ chúng sinh; ôn tập Sa-di luật giải, là để vững vàng trên nền tảng oai nghi, giới hạnh; và tham cứu Thiền Lâm Bảo Huấn, mục đích để thấm nhuần tinh thần thiền quán dung hòa, uyển chuyển ứng xử trong mọi tình huống, nhiếp chúng và lãnh đạo.

An cư là dịp nuôi lớn Giới – Định – Tuệ, là cơ hội hòa hợp Tăng đoàn, củng cố niềm tin và đồng thời cũng là thời điểm để hoạch định phương hướng Phật sự cho tỉnh mới. Tăng Ni Phật giáo Bắc Ninh nguyện giữ vững oai nghi, phát huy chính pháp, vun bồi Tăng già, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự nhân sinh.

2. Lịch sử và bối cảnh

Chùa Đại Thành toạ lạc ngay trung tâm thành phố Bắc Ninh, là trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh từ những ngày đầu thành lập. Với bề dày lịch sử, nơi đây từng đón tiếp nhiều bậc cao tăng, từng là nơi đăng đàn truyền giới, giảng dạy luật nghi, tổ chức khóa tu tập, trở thành biểu tượng đoàn kết của Tăng Ni và tín đồ toàn tỉnh.

Trường hạ Chùa Đại Thành, nhiều năm liền, là điểm an cư tập trung của toàn tỉnh Bắc Ninh, quy tụ chư tăng, ni các nơi về đây để tu học trong tinh thần hòa hợp, thanh tịnh.

Vùng đất Bắc Ninh - Bắc Giang vốn có chung cội nguồn là xứ Kinh Bắc, nơi phát tích của nền văn hóa Lý - Trần, nơi lưu giữ những giá trị tâm linh đặc sắc của dân tộc, với những ngôi chùa cổ kính, những vị Tổ khai sơn hoằng hóa, và những dòng thiền rạng rỡ, và cũng là nơi lưu giữ hàng trăm ngôi chùa cổ, có những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc. Nơi đây từng là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, với những vị thiền sư lỗi lạc như Vạn Hạnh, Khuông Việt, Ngô Chân Lưu… đã giúp đạo pháp gắn bó cùng dân tộc suốt hơn nghìn năm.

Đến năm 1962, thực hiện chủ trương của Nhà nước về tổ chức hành chính, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được hợp nhất thành một tỉnh mới, gọi là Hà Bắc. Cái tên Hà Bắc ấy đã gắn bó với biết bao thế hệ, trở thành niềm tự hào của nhân dân vùng Kinh Bắc. Nhưng đến năm 1997, thực hiện chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Hà Bắc được tách ra thành hai tỉnh mới là Bắc Ninh và Bắc Giang, mỗi tỉnh tự tổ chức hệ thống chính quyền, kinh tế, xã hội và Phật sự riêng.

Trải qua hơn hai mươi tám năm phát triển, cả hai tỉnh đều có bước tiến mạnh mẽ trên mọi phương diện. Phật giáo Bắc Ninh - Bắc Giang cũng không ngừng lớn mạnh, ổn định tổ chức, tích cực đóng góp cho xã hội, tiếp nối truyền thống của vùng Kinh Bắc ngàn năm văn hiến. Cuối cùng, định hướng hành chính và tổ chức Phật sự cần dựa trên nguyên tắc “hòa hợp vô tranh” và “pháp luật song hành”. Việc sáp nhập hành chính của tỉnh, sắp xếp lại tổ chức Giáo hội địa phương phù hợp, sự kiện công bố ngày 1/7/2025 và đặt trụ sở mới của tỉnh tại chùa Đại Thành là minh chứng rằng Đạo và Đời đồng song hành.

Trong bối cảnh ấy, mùa An cư kiết hạ năm nay mang ý nghĩa đặc biệt: vừa là dịp để tăng, mi thúc liễm thân tâm, trau dồi giới - định - tuệ, vừa là dịp để toàn thể tăng, ni, phật tử Bắc Ninh  Bắc Giang (cũ) cùng nhau phát nguyện đoàn kết, chung tay xây dựng một ngôi nhà Phật giáo Bắc Ninh (mới) vững mạnh, trang nghiêm.

Như trong Luật Tứ Phần đã dạy:“Như nước với sữa hòa nhau, các Tỳ-kheo nên hòa thuận sống chung, cùng nhau tu tập.”[1] Đó là hình ảnh của Tăng đoàn sống trong tinh thần hòa hợp, không phân biệt tỉnh này hay tỉnh kia, tựa như con một nhà cùng tu học dưới bóng từ bi của đức Phật. Bối cảnh xã hội ngày nay đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Việc sáp nhập tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới, cùng với chủ trương tinh gọn, đổi mới bộ máy tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra cho chúng ta những cơ hội và cũng những thách thức. Trong tinh thần: “hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”, chúng ta cần một định hướng rõ ràng, thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh mới để Phật sự được hanh thông, Tăng Ni được an ổn, Phật tử được lợi ích, và Phật pháp được trường tồn.

Trước hết, định hướng tu học cần bám sát giáo lý căn bản của Phật dạy. Trong Kinh Tương Ưng Bộ Đức Phật từng nhắc: “Cũng như biển cả chỉ có một vị mặn của muối, giáo pháp của Ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.”[2] Tăng Ni chúng ta phải lấy tu học làm gốc, đặt việc thâm nhập Kinh - Luật - Luận làm phương tiện tự lợi và lợi tha. Cần duy trì các thời khóa nghiêm túc, học thuộc và thực hành theo các oai nghi, không để việc Phật sự bên ngoài làm phai nhạt giới hạnh bên trong.

Nhất là trong mùa hạ này, với ba bộ Kinh Vô Lượng Thọ, Luật Sa Di Giải và Luận Thiền Lâm Bảo Huấn đã học, chúng ta đã được nhắc nhở nhiều về Tín - Nguyện - Hạnh, về giữ gìn oai nghi, về dung nhiếp uyển chuyển nhưng vững vàng như lời dạy trong Thiền Lâm Bảo Huấn:“Ở đời hành đạo, thân tâm như núi vững, ý chí như nước chảy, tùy duyên mà không buông lung, giữ pháp mà không cố chấp.”[3] Chúng ta nguyện nỗ lực không ngừng, để thực hiện đúng như lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: “Tinh tấn là đạo sống, buông lung là đạo chết. Tinh tấn không buông lung, bậc hiền sống an lạc.”[4] Thứ đến, định hướng hoằng pháp cần đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp.

Xã hội hiện đại đòi hỏi chúng ta không chỉ giỏi giảng pháp nơi chính điện, mà còn biết ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, xuất bản, tổ chức sinh hoạt cộng đồng… để truyền bá Phật pháp tới mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh. Phải làm sao để ánh sáng chính pháp đến được với giới trẻ, với công nhân, với đồng bào vùng sâu vùng xa. Hoằng pháp ngày nay không chỉ là “thuyết” mà còn là “thực”, chính là nếp sống, việc làm, phong thái của tăng, ni là bài pháp sống động nhất. Như lời đức Phật dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ:“Như sư tử ra oai, chấn động bốn phương, khiến chúng sinh sinh tâm kính ngưỡng, Tăng già hòa hợp, tinh tấn tu tập, cũng làm chấn động thế gian, khiến phúc đức tăng trưởng.”[5] Những lời dạy ấy chính là nguồn động lực lớn lao, nhắc nhở Tăng Ni chúng ta phải tự trang nghiêm thân tâm, giữ gìn oai nghi tế hạnh, trau dồi học pháp, hành trì giới luật, để xứng đáng là trụ cột của Giáo hội, là mô phạm cho Phật tử, và là nhân tố tích cực đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng quê hương Bắc Ninh mới giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc.

Như lời Tổ Quy Sơn khuyến nhắc: “Người học đạo phải tự giữ thân tâm đoan nghiêm, đi đứng nằm ngồi không lìa chính niệm, làm gương cho bốn chúng, khiến oai nghi tỏa rạng khắp nơi.”[6] Và cũng như lời đức Phật dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh: “Những ai khéo hộ trì oai nghi, tu tập giới luật, tinh tấn học pháp, hòa hợp với chúng, người ấy khiến Tăng đoàn vững mạnh, khiến Chính pháp sáng ngời, khiến chúng sinh sinh lòng kính tin.” Những lời dạy ấy chính là lời nhắc nhở và là động lực cho Tăng Ni chúng ta trong bối cảnh tỉnh mới hôm nay, phải giữ oai nghi để tự trang nghiêm, phải học Chính pháp để soi đường, phải hòa hợp đoàn kết để làm vững Tăng già.

Do vậy, chúng ta cần tổ chức lại nhân sự, bộ máy hợp lý, gọn nhẹ, hiệu năng, hiệu quả, tránh hình thức, phát huy được trí tuệ tập thể và trách nhiệm cá nhân. Mỗi tăng, ni và phật tử đều phải thấy mình là một mắt xích của hệ thống, cùng góp phần vận hành trơn tru, nhịp nhàng, đồng thời tuân thủ pháp luật nhà nước và quy tắc của Giáo hội. Như lời đức Phật trong Luật Tứ Phần:“Nếu Tăng đoàn hòa hợp, không tranh cãi, cùng chung sức lo việc chung, thì đạo pháp lâu bền, chúng sinh được lợi ích.”[7] Nhìn về phía trước, chúng ta tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, với định hướng rõ ràng, với nội lực vững mạnh và sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Giáo hội cùng các cấp chính quyền, Phật giáo Bắc Ninh mới sẽ ngày càng phát triển, góp phần làm rạng rỡ chính pháp, lợi lạc quần sinh, hòa cùng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lời dạy này, cũng chính là tinh thần mà tăng, ni nơi đây đang cùng nhau gìn giữ trong mùa hạ lịch sử này: hòa hợp - thanh tịnh - tinh tấn, chung lo Phật sự, phụng sự chúng sinh, làm rạng rỡ đạo pháp giữa lòng quê hương Kinh Bắc ngàn năm văn hiến. Hơn nữa, trong Trung Bộ Kinh (Nam truyền), đức Thế Tôn cũng dạy:“Đoàn kết là sức mạnh của người tu. Khi đoàn kết, các ông sẽ như bó lau, khó ai bẻ gãy được. Khi chia rẽ, các ông như từng cọng lau rời, dễ dàng bị gãy.”[8] Câu này nhắc nhở chúng ta rằng, mùa hạ này không chỉ là thời gian tụ tập học Kinh - Luật - Luận, mà còn là dịp để nối lại tình đồng đạo, xây dựng lại ý chí tập thể, để cùng nhau làm nên một Phật giáo Bắc Ninh mới mạnh mẽ, vững vàng hơn.

Về mặt Phật sự, đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chính mình: người xuất gia phải lấy giới luật làm mạng mạch, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy từ bi làm lẽ sống, đúng như lời dạy trong Thiền Lâm Bảo Huấn:“Giữ lòng như đất, chở muôn vật mà không phân biệt; giữ tâm như gương, chiếu mà không dính bụi.”[9] Giữ tâm như đất, nghĩa là bao dung, ôm trọn mọi duyên, không loại trừ ai. Giữ tâm như gương, nghĩa là trong sáng, phản chiếu mọi việc, nhưng không vướng mắc bụi trần. Chính nhờ tinh thần ấy, Phật giáo mới có thể uyển chuyển, đồng hành cùng dân tộc trong thời kỳ đổi mới, góp phần hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh.

Chúng ta cũng cần ý thức rằng, học Kinh - Luật - Luận không phải chỉ để hiểu, mà còn để hành. Kinh Vô Lượng Thọ dạy:“Nghe danh hiệu Phật, phát tâm Bồ-đề, giữ giới tu phúc, nguyện sinh Tịnh Độ.”[10] Nghĩa là, học để phát nguyện, để gìn giữ, để hành trì, để chuyển hóa tự thân, và cuối cùng đem ánh sáng Phật pháp đến với mọi người.

Tóm lại, lịch sử của Bắc Ninh - Bắc Giang cho chúng ta thấy, dù tên gọi và địa giới có thay đổi, nhưng tinh thần hòa hợp, đoàn kết và hộ trì Tam Bảo chưa từng suy giảm. Mùa hạ năm nay, giữa bối cảnh sáp nhập, là cơ hội để tất cả chúng ta cùng phát nguyện: tiếp tục tinh tấn tu học, phụng sự chúng sinh, làm rạng rỡ ngôi nhà chung của Phật giáo tỉnh Bắc Ninh mới, xứng đáng với lời dạy của chư Tổ: “Tâm bình địa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp hưng long.”

3. Ý nghĩa học kinh- luật- luận

Mùa hạ này, tại trường hạ chùa Đại Thành, trung tâm Phật giáo tỉnh Bắc Ninh (mới) toàn thể hành giả (Tăng Ni) đồng học Kinh Vô Lượng Thọ, Luật Sa-di Giải, và Luận Thiền Lâm Bảo Huấn. Đây là ba bộ môn căn bản, nối kết tinh thần của cả hai truyền thống Bắc truyền và Nam truyền, và cũng chính là ba trụ cột: Kinh - Luật - Luận, tạo nên xương sống cho người xuất gia tu tập và hành đạo. Vậy, học Kinh - Luật - Luận để làm gì? Và làm thế nào để học cho có hiệu quả, để ứng dụng trong tu tập, trong việc lãnh đạo giáo hội, trong nhiếp chúng trụ trì, và trong công tác hoằng pháp giữa thời đại biến động này.

Trước hết, Kinh là lời Phật dạy về Chính pháp, Luật là giới tướng giữ cho thân tâm thanh tịnh, và Luận là những lời giảng giải, kinh nghiệm tu tập, ứng xử của chư Tổ để chúng ta hiểu và hành trì đúng cách.

 

3.1. Học kinh là để hiểu và thực hành

- “Kinh” là ngọn đèn soi sáng trí tuệ, chỉ đường cho chúng ta giữa cõi mê. Đức Phật từng dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh:“Như người đi đêm, có ngọn đèn trong tay, thấy rõ đường đi, tránh được hố hầm, rắn rết.”[11] Học Kinh không chỉ để thuộc lòng từng câu từng chữ, mà quan trọng hơn, là để hiểu đúng và thực hành trong đời sống hàng ngày.

Kinh Vô Lượng Thọ, mà chúng ta đang học mùa hạ này, dạy về tâm nguyện của Phật A-di-đà, khuyến khích chúng ta phát Bồ-đề tâm, hành thiện, giữ giới, niệm Phật, nguyện sinh Tịnh Độ. Khi lãnh đạo giáo hội, trụ trì, hay chỉ là một vị Tăng Ni bình thường, tâm nguyện ấy chính là động lực giúp chúng ta gắn bó với chúng sinh, đem lại an lạc cho người và cho mình.

Như lời Bồ-tát Long Thọ nói trong Bảo Tích Luận rằng: “Tịnh tâm niệm Phật, tâm tịnh thì cảnh giới tịnh, một niệm hồi quang chiếu soi, tất cả cõi Phật đều hiện tiền.”[12] Và Kinh Vô Lượng Thọ dạy:“Chư hữu tình nghe danh hiệu, phát tâm Bồ-đề, trì giới tu phúc, nguyện sinh Cực Lạc.”[13] Đoạn kinh này nhấn mạnh ba yếu tố: nghe danh hiệu - phát tâm Bồ-đề - trì giới tu phúc. Nghe danh hiệu A-di-đà không chỉ là hành động thụ động, mà là sự tiếp xúc với một nguồn lực thanh tịnh, khơi dậy niềm tin sâu xa nơi mỗi hành giả. Nghe rồi, ta phát tâm Bồ-đề, tức là phát nguyện độ mình và độ người, không chỉ cầu sinh Tịnh Độ cho riêng mình, mà còn muốn cứu giúp muôn loài.

3.2 Học Luật là nền tảng hào họp

Giới luật là mạng mạch của Tăng đoàn. Học Luật giúp Tăng Ni ý thức rõ trách nhiệm của mình, giữ mình trong khuôn khổ, tránh làm tổn hại thanh danh của Tăng đoàn, đồng thời biết cách xử sự khi va chạm với đời.

Trong Luật Sa Di Giải, ngài Thích Trí Thủ đã nhắc nhở: “Như chim có hai cánh mới bay xa, người xuất gia phải có giới đức mới đi xa trên đường đạo.”[14] Cánh thứ nhất của chim là trí tuệ, cánh thứ hai là giới đức. Nếu chỉ học mà không giữ giới, thì trí tuệ ấy trở nên nguy hiểm, biến thành ngã mạn. Nếu chỉ giữ giới mà không học, dễ trở thành hẹp hòi, cố chấp. Cho nên, giới và trí phải song hành.

Như Luật Tứ Phần đã dạy:“Thà uống nước đồng sôi còn hơn phá giới, vì nước đồng chỉ đốt thân, phá giới đốt tâm.”[15] Đoạn này cảnh tỉnh chúng ta: cái đau thân xác là nhất thời, nhưng tội lỗi từ việc phá giới thì làm tổn hại căn lành muôn kiếp. Cho nên, trong Luật Tứ Phần có dạy:“Giới luật còn, Phật pháp còn. Giới luật mất, Phật pháp mất.”[16] Người lãnh đạo giáo hội, trụ trì chùa chiền hay nhiếp chúng đều phải lấy giới luật làm gốc.

Nếu không nghiêm trì giới luật, dù tài năng đến đâu, thì cũng không đủ uy tín để cảm hóa và nhiếp phục đại chúng. Khi biết tôn trọng luật, tự khắc chúng ta sẽ sống hòa hợp, nương tựa nhau, đúng như lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn: “Giới luật như đất đỡ muôn vật, như biển dung nạp trăm sông.”[17] Giữ giới không chỉ là tránh lỗi lầm, mà còn là tạo niềm tin cho Tăng đoàn và tín chúng, là cách lãnh đạo bằng thân giáo, nhiếp chúng bằng đạo đức, và hoằng pháp bằng hành trì.

3.3 Học Luận là trí tuệ ứng dụng

Học Luận giúp chúng ta soi chiếu tâm mình, giữ được thanh tịnh giữa bụi trần. Trong Thiền Lâm Bảo Huấn, có câu:“Thà ngồi trên ghế cỏ mà tâm sáng, hơn ngồi ngai vàng mà lòng tối.”[18] Người xuất gia cần hiểu rằng, dù hoàn cảnh vật chất thế nào, điều quan trọng là giữ được tâm an nhiên, không bị danh lợi làm lu mờ.    

Trong xã hội hiện đại, với sự giao thoa của nhiều luồng tư tưởng và cám dỗ, bài học từ Luận Thiền Lâm càng quý giá: dạy chúng ta biết buông bỏ những vọng tưởng, không đánh mất chính mình. Thiền Uyển Tập Anh cũng ghi lại: “Giữa chợ vẫn giữ lòng tịnh, giữa sóng gió vẫn giữ lòng an.”[19] Học Luận không chỉ là để biết lý thuyết thiền, mà để rèn luyện tâm vững vàng, từ bi, bao dung, biết cách hóa giải khó khăn, mang lại bình yên cho mình và người.

Luận là sự khai triển, phân tích và chỉ dạy cách ứng dụng Kinh & Luật vào thực tế. Đặc biệt, bộ Thiền Lâm Bảo Huấn, mà chúng ta học trong mùa hạ này, chứa đựng vô vàn kinh nghiệm quý báu của chư Tổ, dạy ta cách đối nhân xử thế, tu tập và hành đạo một cách linh hoạt.

Trong đó có câu:“Gặp duyên thuận thì như gió qua cành liễu; gặp cảnh trái thì như đá chọi bông.”[20] Câu này dạy rằng người tu phải mềm mại, uyển chuyển như cành liễu khi gặp thuận duyên, nhưng cũng kiên định, vững chãi như tảng đá khi gặp nghịch cảnh. Người lãnh đạo giáo hội, trụ trì hay nhiếp chúng đều cần phẩm chất ấy.

Vì công việc Phật sự trong thời đại ngày nay phức tạp, nhiều mối quan hệ, nhiều áp lực, nếu không khéo léo, mềm mại, đồng thời kiên định lập trường, sẽ dễ bị cuốn theo sóng gió. Hoặc có một câu khác:“Trụ trì một ngôi chùa không chỉ trông coi mái chùa, mà còn trông coi lòng người.”[21] Chúng ta thấy, trụ trì không chỉ là “giữ nhà” mà là giữ đạo, giữ giới, giữ tâm, giữ tình huynh đệ. Khi học Luận, chúng ta học được cách dung hòa giữa nguyên tắc của giới luật và hoàn cảnh thực tiễn, giữa lý tưởng của Kinh điển và nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

3.4 Thực tiễn trong thời đại

Trong thời đại ngày nay, xã hội chuyển biến nhanh chóng, cơ cấu hành chính thay đổi, như chính chúng ta đang chứng kiến việc sáp nhập Bắc Ninh – Bắc Giang, thì tinh thần của Tăng Ni cũng cần chuyển biến theo: hòa hợp, uyển chuyển, biết lắng nghe và đồng hành cùng nhau. Không chỉ khư khư giữ “hình thức” của đạo, mà còn phải giữ cái “thần” của đạo: là từ bi, trí tuệ, và phương tiện. Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật dạy: “Chiến thắng vạn quân ngoài trận không bằng chiến thắng chính mình.”[22] Chiến thắng bản thân chính là giữ giới, hiểu Kinh, thực hành Luận, và ứng dụng được tinh thần ấy trong công việc giáo hội, trong lãnh đạo, trong trụ trì, và cả trong hoằng pháp giữa xã hội.

Cho nên, Kinh - Luật - Luận, như ba chân của kiềng, không thể thiếu một. Kinh giúp chúng ta thấy đường. Luật giúp chúng ta đi đúng đường. Luận giúp chúng ta hiểu rõ từng bước đi, và ứng xử phù hợp với mọi cảnh duyên. Chúng ta học để hiểu, hiểu để hành, hành để hoằng, hoằng để cứu giúp chúng sinh, và cứu giúp chúng sinh cũng chính là độ thoát tự thân. Đúng như lời Tổ dạy: “ Một người giữ đạo, muôn người an vui. Một người phá giới, muôn người nghi hoặc.” Vì thế, Tăng Ni chúng ta hôm nay, dưới bối cảnh hợp nhất tỉnh, giữa mùa An cư kiết hạ, nguyện tinh tấn học Kinh - Luật - Luận, lấy đó làm nền tảng để xây dựng Phật giáo Bắc Ninh (mới) vững mạnh, làm chỗ dựa tâm linh cho nhân dân, làm cầu nối để ánh sáng từ bi và trí tuệ lan tỏa khắp muôn nơi. Vậy, học Kinh - Luật - Luận là ba trụ cột cho người tu:

- Kinh là lời Phật, mở ra phương hướng tu hành, phát tâm Bồ-đề, nguyện cứu độ chúng sinh.

- Luật là kỷ luật, ranh giới bảo vệ người tu, giúp tăng trưởng đạo đức và uy tín Tăng đoàn.

- Luận là ánh sáng trí tuệ, phân tích, soi rọi tâm, giúp hành giả tự tại giữa đời.

Đúng như lời dạy trong Trung Bộ Kinh (Nam truyền):“Như người đi đường cần gậy, người tu hành cần Pháp. Pháp là bạn đồng hành, là nơi nương tựa, là con đường thoát khổ.”[23] Học Kinh - Luật - Luận giúp chúng ta vững bước trên con đường Bồ-tát hạnh, vừa tự lợi, vừa lợi tha. Đặc biệt trong mùa an cư kiết hạ là một mùa “điều phục thân tâm”, học và hành phải đi đôi: đọc tụng, suy tư, hành trì, lợi sinh.

4. Trách nhiệm lãnh đạo và trụ trì trong kỷ nguyên mới

Nếu như Tăng Ni là bậc thừa hành sứ mạng của Như Lai, thì người lãnh đạo giáo hội và người trụ trì lại chính là những cột trụ, nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp giữa thế gian. Ở thời kỳ nào, vai trò ấy cũng vô cùng hệ trọng. Nhưng trong bối cảnh kỷ nguyên mới- xã hội thay đổi nhanh chóng, công nghệ bùng nổ, thế giới hội nhập, thì trách nhiệm ấy càng đòi hỏi chúng ta phải sáng suốt, từ bi, khéo léo và vững vàng hơn bao giờ hết.

Đức Phật đã từng dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh: “Một vị Sa-môn, nếu khéo điều phục tự thân, khéo điều phục người khác, như người điều ngựa giỏi, thì xứng đáng dẫn dắt chúng hội.”[24] Vị lãnh đạo giáo hội cũng giống như người điều ngựa giỏi. Trước hết phải thuần hóa chính mình, tức là giữ giới luật nghiêm minh, học hỏi giáo pháp sâu xa, giữ tâm nhu hòa vững chãi. Khi tự thân đã thuần thục, mới có thể cảm hóa đại chúng, dẫn dắt hàng Tăng Ni và Phật tử, tạo ra sự đồng thuận và đoàn kết.

Trong Luật Tứ Phần, Đức Thế Tôn còn dạy rõ:“Nếu Tăng chúng không hòa hợp, thì pháp khó tồn tại. Nếu Tăng chúng hòa hợp, thì pháp lâu dài hưng thịnh.”[25] Lãnh đạo giáo hội trước hết phải là người gìn giữ sự hòa hợp của Tăng đoàn, sống chan hòa, dung nhiếp, biết tùy duyên mà không mất nguyên tắc, biết phương tiện mà không rời bản chất của giới pháp.

Đó là “uyển chuyển như nước mà vững chãi như núi”, đúng như Thiền Lâm Bảo Huấn đã nhắc: “Ở trên thì thuận lòng trời, ở dưới thì hợp lòng người. Bên ngoài thì hợp thời, bên trong thì hợp đạo.”[26] Trong kỷ nguyên mới, người lãnh đạo giáo hội không chỉ làm tròn bổn phận tu học và hoằng pháp, mà còn phải am hiểu thời cuộc, biết vận dụng các phương tiện mới để truyền bá Phật pháp, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Tăng Ni Phật tử, và đồng hành cùng dân tộc trong các công cuộc xây dựng đất nước.

Người trụ trì cũng vậy. Trụ trì không chỉ là “người giữ chùa” mà thực chất là “người giữ đạo trong lòng người”. Một ngôi chùa có thể nguy nga tráng lệ, nhưng nếu trụ trì không nghiêm trì giới luật, không đủ trí tuệ và từ bi, thì sẽ không thể cảm hóa đại chúng. Trụ trì phải làm gương trong tu tập, làm gương trong giữ giới, làm gương trong ứng xử, quản lý Phật sự và chăm lo Phật tử.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật dạy:“Tỳ-kheo ở núi rừng, giữ tâm tĩnh lặng, tự soi tự sáng, là phước điền vô lượng cho thế gian.”[27] Lời dạy này nhắc nhở rằng trụ trì không chỉ quản lý công việc bên ngoài, mà còn phải chăm sóc nội tâm của chính mình và đại chúng. Tâm có an, chúng mới thuận. Chúng có thuận, Phật sự mới thành tựu.

Ngày nay, xã hội thay đổi không ngừng, những thách thức mới đặt ra cho Tăng Ni nhiều hơn. Nhưng chính trong những thách thức đó, chúng ta lại thấy rõ hơn ý nghĩa của sứ mạng: mang đạo vào đời, đem Phật pháp nhuần thấm trong từng hơi thở, từng nhịp sống của nhân gian.

Người lãnh đạo giáo hội, người trụ trì phải vừa là ngọn đèn, vừa là cây cột. Ngọn đèn để soi sáng, định hướng cho mọi người. Cây cột để nâng đỡ, che chở, giữ vững ngôi nhà Phật pháp trong mọi hoàn cảnh. Như Thiền Lâm Bảo Huấn đã nhắn nhủ: “Gặp cảnh duyên, cứng mà không gãy, mềm mà không đổ; ở giữa thế gian, mà chẳng nhiễm thế gian.”[28] Chúng ta hãy luôn ghi nhớ: Trách nhiệm của người xuất gia không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, mà còn là trách nhiệm với Tăng đoàn, với giáo hội, với nhân dân và cả với tiền đồ của Phật pháp. Để hoàn thành trách nhiệm ấy, chỉ có một con đường: tinh tấn tu học, nghiêm trì giới luật, thực hành đúng chính pháp, sống hòa hợp, khéo léo thích ứng với thời đại mà không đánh mất bản chất của người tu.

Kỷ nguyên mới mở ra những cánh cửa mới, cũng mang theo những thử thách mới. Nhưng nếu chúng ta giữ vững tâm Bồ-đề, khéo léo áp dụng Kinh - Luật - Luận, lấy lòng từ bi làm nền, lấy trí tuệ làm gương, lấy hòa hợp làm phương châm, thì mọi Phật sự sẽ được viên thành, đạo pháp sẽ trường tồn, nhân dân sẽ an vui, và chính chúng ta cũng được an lạc giữa muôn duyên.

5. Định hướng Phật sự tỉnh mới

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thành tỉnh Bắc Ninh mới, Phật giáo tỉnh bước sang một giai đoạn lịch sử quan trọng, đòi hỏi định hướng rõ ràng và tầm nhìn dài hạn để phục vụ tốt đạo lý và dân tộc. Đây là thời cơ quý báu để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, định vị hiện tại, và hoạch định tương lai, đưa Phật giáo Bắc Ninh mới tiến lên trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phụng sự chúng sinh, hoằng dương Chính pháp.

5.1. Kiện toàn nhân sự, ổn định cơ cấu tổ chức

Trước tiên, việc kiện toàn nhân sự và ổn định cơ cấu tổ chức là nền tảng thiết yếu. Bộ máy Ban Trị sự từ tỉnh đến cơ sở cần được củng cố trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Trong Luật Tứ Phần nhắc nhở: “ Chúng Tăng như đại địa, tất cả đều cùng dựa vào, không ai bị bỏ rơi; chúng Tăng như biển cả, dung nạp mọi dòng nước, hòa hợp mà không loạn.”[29] Sự hợp nhất lần này càng đòi hỏi Tăng Ni nêu cao tinh thần đoàn kết, bỏ bớt cái tôi cá nhân, chung tay xây dựng một tổ chức Giáo hội tinh gọn, minh bạch, hiệu quả từ cấp tỉnh, huyện, đến cơ sở.

Như trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) có dạy: “Chúng Tăng đoàn kết, hòa thuận như nước với sữa, cùng nhìn nhau với ánh mắt từ ái, cùng hành động chung trong tinh thần trách nhiệm.”[30] Ý nghĩa ở đây là, mọi nhân sự của Giáo hội cần đặt lợi ích chung lên trên, đồng tâm hiệp lực, như nước với sữa hòa lẫn, không phân biệt vị trí, lứa tuổi, hay địa phương cũ mới. Có như vậy, tổ chức mới vững mạnh, đạo pháp mới hưng thịnh.

5.2. Tăng cường hoằng pháp, tổ chức khóa tu, truyền giới

Trong kỷ nguyên mới, Tăng Ni Bắc Ninh mới, phải nỗ lực học tập giáo lý, vừa học để hiểu, vừa hành để chứng, đúng như lời dạy của Thiền Lâm Bảo Huấn: “Học mà không hành, như người đếm châu báu cho kẻ khác; hành mà không học, như kẻ mù không đèn.”[31] Trong Thiền Lâm Bảo Huấn còn dạy:“Tùy duyên mà nói pháp, nhưng không bỏ bản hoài. Tùy bệnh mà cho thuốc, nhưng không mất chủ vị. Người khéo độ đời, không bị đời lôi kéo, mà khiến đời theo chính pháp.”[32] Như vậy, hoằng pháp ngày nay đòi hỏi Tăng Ni phải:

- Thân giáo trước, khẩu giáo sau,  chính mình là bài pháp sống.

- Đa dạng hóa hình thức truyền đạt, kết hợp truyền thống với hiện đại.

- Gắn liền với văn hóa bản địa, tận dụng kho tàng Quan họ, lễ hội chùa Dâu, chùa Phật Tích… để Phật pháp đi vào lòng người.

- Song hành với các công tác xã hội từ thiện, môi trường, giáo dục cộng đồng.

Thứ đến, cần đẩy mạnh công tác hoằng pháp, tổ chức khóa tu, truyền giới để duy trì mạng mạch Phật pháp. Chính Đức Phật đã nhấn mạnh:“Dầu ta nhập Niết-bàn, nếu còn người thọ trì, đọc tụng, giảng nói, tu tập đúng chính pháp, thì chính pháp còn ở đời.”[33] Việc hoằng pháp không chỉ bằng lời giảng trên pháp tòa, mà còn bằng thân giáo, mô phạm đời sống và các khóa tu thực hành. Các giới đàn được tổ chức nghiêm minh cũng giúp Tăng Ni mới phát tâm bền vững, tiếp nối truyền thống “giới luật là thọ mạng của Phật pháp”[34] Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy:“Tỳ-kheo nào hành trì giới luật, giữ mình nghiêm tịnh, đi đứng khoan thai, lời nói hòa nhã, thì dù không giảng một lời, tự thân cũng đã là bài pháp lớn cho đời.”[35] Tăng Ni phải tích cực tham gia các khóa học, bồi dưỡng giảng sư, thực tập giới - định - tuệ, tổ chức khóa tu, lớp giáo lý định kỳ cho Phật tử. Đồng thời, đẩy mạnh hoằng pháp, đưa Phật pháp vào từng gia đình, từng cộng đồng, qua nhiều hình thức: thuyết giảng, khóa tu, phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

5.3. Thực hiện từ thiện xã hội, an sinh cộng đồng

Thời đại mới đòi hỏi những người đứng đầu Giáo hội và trụ trì không chỉ có giới hạnh, mà còn có năng lực quản trị. Trụ trì là “mắt – tay” của Giáo hội tại cơ sở, là người điều hành tự viện, quản lý tài sản, hướng dẫn Tăng chúng, làm cầu nối giữa đạo và đời.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật ví người lãnh đạo như con voi giữa trận tiền:“Như con voi giữa trận tiền, phải vững chãi, khéo léo, không để loạn động, thì mới thắng trận. Người lãnh đạo cũng vậy, phải giữ mình, khéo điều phục chúng, không thiên vị.”[36] Tăng Ni lãnh đạo cần khéo léo dung hợp giữa lý tưởng Phật pháp và thực tiễn xã hội, giữa nhu cầu tâm linh của quần chúng và yêu cầu quản lý hành chính, để đưa tự viện, Giáo hội phát triển bền vững.

Đồng thời, thực hiện từ thiện xã hội, an sinh cộng đồng là một phần không thể thiếu. Kinh Pháp đã dạy:“Không thấy ai trên đời này, dù tìm khắp phương trời, xứng đáng hơn tự mình để yêu thương; cũng vậy mọi người đều xứng đáng được yêu thương như chính mình.”[37] Từ tinh thần từ bi ấy cần được hiện thực hóa qua các chương trình cứu trợ, xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, chăm sóc y tế, nhằm xoa dịu nỗi khổ của chúng sinh và tạo sự đồng cảm giữa đạo và đời.

5.4. Phát huy tinh thần đoàn kết tôn giáo - chính quyền - nhân dân

Ngoài ra, trong bối cảnh đất nước hội nhập, Phật giáo tỉnh cần phát huy tinh thần đoàn kết giữa tôn giáo - chính quyền - nhân dân, góp phần xây dựng xã hội ổn định, an vui. Như Thiền Lâm Bảo Huấn có câu: “Đạo với đời không hai, pháp với thế gian tương dung, cùng chung một tâm hộ quốc an dân.”[38] Đây là nhắc nhở rằng đạo không thể tách rời đời. Người tu, Giáo hội phải đồng hành cùng dân tộc, chung tay xây dựng quê hương Bắc Ninh mới.

Vùng đất Kinh Bắc là nơi sản sinh ra những giá trị văn hóa - tín ngưỡng đặc sắc, từ Quan họ đến hàng trăm ngôi chùa cổ kính. Phật giáo Bắc Ninh mới cần giữ gìn và phát huy, biến văn hóa ấy thành phương tiện hoằng pháp, giáo hóa quần chúng, đồng thời tích cực tham gia phụng sự xã hội, chăm lo an sinh, bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng lòng nhân ái, gắn bó mật thiết với nhân dân.

5.5. Xây dựng hình ảnh Phật giáo hiện đại, giữ hồn dân tộc

Phật giáo tỉnh, định hướng lâu dài là xây dựng một hình ảnh Phật giáo hiện đại nhưng chuẩn mực, giữ hồn dân tộc, cần đổi mới phương pháp quản lý, hoằng pháp, ứng dụng công nghệ, mà còn phải bảo tồn giá trị văn hóa Phật giáo Kinh Bắc là cái nôi của những lễ hội, chùa chiền, văn hóa dân gian đặc sắc.

Như lời Tổ Quy Sơn trong Quy Sơn Cảnh Sách:“Người học đạo phải gốc nơi nền tảng, mà ứng dụng nơi thời cơ; giữ giới thân tâm, mà khéo dung hòa với duyên cảnh.”[39] Điều ấy nghĩa là, Phật giáo tỉnh mới phải làm sao để hiện đại hóa mà không tách rời cội nguồn, đổi mới nhưng không đánh mất tinh thần thanh tịnh, hòa hợp, an lạc vốn có.

Với năm định hướng trên, Phật giáo Bắc Ninh mới chắc chắn sẽ đứng vững trong kỷ nguyên mới, tiếp tục làm rạng danh xứ Kinh Bắc văn hiến và phụng sự hữu ích cho quê hương, đất nước.

Tóm lại, hướng đi cho Tăng Ni và Phật giáo Bắc Ninh mới là: đoàn kết, hòa hợp; học tập, hành trì; hoằng pháp - thân giáo; lãnh đạo- quản trị; phát huy văn hóa, phụng sự xã hội. Nếu mỗi Tăng Ni đều tinh tấn, Giáo hội đồng lòng, thì Phật pháp tại Bắc Ninh mới sẽ như hoa sen giữa hồ: tinh khiết, bền vững, lan tỏa hương thơm.

Kết luận

Những tháng ngày an cư, chư tăng, ni đã chuyên tâm tu học Kinh Vô Lượng Thọ, Luật Sa Di Giải, Luận Thiền Lâm Bảo Huấn, vừa học, vừa hành, vừa chiêm nghiệm ứng dụng trong đời sống tu tập, lãnh đạo và hoằng pháp. Qua đó, chúng ta thấm sâu lời Phật dạy:“Như biển lớn chỉ thu nạp các dòng sông mà không đầy, người học đạo cũng phải dung chứa muôn hạnh, không chấp thủ, mới thành tựu.”[40] Chúng ta ý thức rằng, trong thời đại mới, người xuất gia không chỉ giữ gìn giới hạnh, học pháp, hành pháp, mà còn phải khéo léo thích ứng, lãnh đạo, quản trị, hoằng pháp theo hoàn cảnh.

Xin mượn lời Thiền Lâm Bảo Huấn để làm lời kết: “Chớ đợi ngày mai, chớ ngóng thời sau. Hãy cất bước hôm nay, gieo hạt phúc ngay hôm nay, để ngày mai hoa Bồ đề kịp nở.”[41] Tăng Ni là bậc mô phạm cho đời, là ngọn đèn cho chúng sinh, là trụ cột của Giáo hội. Phật tử là cánh tay nối dài của Tăng già, cùng Tăng Ni làm rạng ngời Chính pháp. Ngày hôm nay, đứng trước vận hội mới của Phật giáo Bắc Ninh, mỗi chúng ta hãy tự nhắc mình tinh tấn hơn, phát nguyện lớn hơn, hòa hợp hơn, để Phật pháp nơi đất Kinh Bắc mãi tỏa hương thơm giữa cuộc đời./.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh
Phó BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh Bắc Ninh

Tài liệu tham khảo:

Thích Minh Châu (2014), Giới Sa-di và Oai nghi của Sa-di, NXB Tôn Giáo,
Thích Thiện Siêu (dịch) (2015), Luật Tứ Phần, NXB Phương Đông.
Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trường Bộ, tập 2, NXB Tôn Giáo,
Thích Nữ Trí Hải (dịch) (2016), Thanh Tịnh Đạo Luận, NXB Tôn Giá
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2010), Luật Tăng Kỳ, NXB Viện NCPHVN, tr. 66.
Kinh Trung Bộ – Satipaṭṭhāna Sutta. (2012). NXB Tôn Giáo.
Luật Tứ Phần. (2015). Dịch Việt: Thích Thiện Siêu. NXB Phương Đông.
Đại Tạng Kinh Việt Nam. (2010). Luật Sa-di. VNCPHVN
Kinh Vô Lượng Thọ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2011.
Luật Sa Di Giải, HT. Thích Trí Thủ, NXB Phương Đông, 2012.
Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005.
Luật Tứ Phần, Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010.
Kinh Pháp Cú, Nam truyền, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014.

Chú thích:

[1] Luật Tứ Phần, Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 92

[2] Tương Ưng Bộ Kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2013, tập II, tr. 48

[3] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 94

[4] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, kệ 21, tr. 23

[5] Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tập II, tr. 201

[6] Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tập II, tr. 201

[7] Luật Tứ Phần, HT. Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 79

[8] Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 215

[9] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 74

[10] Kinh Vô Lượng Thọ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 45

[11] Tăng Chi Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 412

[12] Bảo Tích Luận, HT. Thích Thiện Hoa trích dẫn, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 71

[13] Kinh Vô Lượng Thọ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 45

[14] Luật Sa Di Giải, HT. Thích Trí Thủ, NXB Phương Đông, 2012, tr. 28

[15] Luật Tứ Phần, Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 123

[16] Luật Tứ Phần, Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 26

[17] Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 298

[18] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 61

[19] Thiền Uyển Tập Anh, HT. Thích Thanh Từ biên dịch, NXB Văn Học, 2004, tr. 87

[20] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 59

[21] Thiền Lâm Bảo Huấn, tr. 81

[22] Kinh Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, kệ 103, tr. 92

[23] Trung Bộ Kinh, Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 215

[24] Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2012, tập I, tr. 298

[25] Luật Tứ Phần, HT. Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 56

[26] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 84

[27] Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 309

[28] Thiền Lâm Bảo Huấn, tr. 91

[29] Luật Tứ Phần, HT. Thích Chơn Thiện dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 89

[30] Tăng Chi Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tập III, tr. 55

[31] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 58

[32] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 112

[33] Kinh Đại Bát Niết-bàn, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 142

[34] Luật Tứ Phần, NXB Tôn Giáo, 2005, tr. 23

[35] Tăng Chi Bộ Kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tập IV, tr. 201

[36] Tăng Chi Bộ Kinh, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, tập II, tr. 45

[37] Pháp Cú, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, 2014, kệ 129

[38] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 92

[39] Quy Sơn Cảnh Sách, HT. Thích Thiện Siêu dịch, NXB Tôn Giáo, 2010, tr. 41

[40] Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT. Thích Trí Tịnh dịch, NXB Tôn Giáo, 2011, tr. 236

[41] Thiền Lâm Bảo Huấn, HT. Thích Thanh Từ dịch, NXB TP.HCM, 2005, tr. 119