Ghi chú của biên tập viên: Bài viết này nêu bật những điểm nổi bật trong cuốn sách gần đây nhất của tác giả Brian Ryōjun Victoria “Zen Terror in Prewar Japan: Portrait of an Assassin - Chân dung một sát thủ: Nỗi kinh hoàng của Thiền tông Phật giáo Nhật Bản trước Chiến tranh Thái Bình Dương”. Giống như những cuốn sách trước đây của tác giả Brian Ryōjun Victoria, cuốn sách này cung cấp một câu chuyện cảnh báo về cách một số môn đồ pháp quyến Phật giáo Thiền tông ở Nhật Bản diễn giải lời dạy của Đức Phật để biện minh cho những hành động gây tổn hại và đau khổ cho người khác.

Trong thế giới đương đại của chúng ta, hiện tượng này thật không may lại lan rộng, dù là dưới hình thức chủ nghĩa dân tộc Cơ đốc giáo da trắng, một dạng của Chủ nghĩa dân tộc mà giữ niềm tin rằng người da trắng là một chủng tộc và tìm cách phát triển, phát huy, bảo tồn, và duy trì một bản sắc dân tộc da trắng hay các cuộc tấn công của nhóm phật tử cực đoan theo chủ nghĩa dân tộc Phật giáo nhắm vào người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar.

Chúng tôi không xuất bản bài viết của tác giả Brian Ryōjun Victoria như một cách thể hiện quan điểm của Quỹ An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hà Lan (Stichting Bedrijfshulpverlening Nederland, SBN) là một tổ chức phi lợi nhuận của Hà Lan, mà là lời mời độc giả cùng thảo luận và bình luận về các vấn đề đạo đức mà tác giả nêu ra.

Vào một buổi sáng đầu đông năm 1945, bốn tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm ở độ tuổi cuối 50 bước vào Tổng hành dinh (GHQ) của Tổng tư lệnh các lực lượng Đồng minh tại Tokyo, Nhật Bản. Tên của ông là Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō (井上 日召, 1887-1967), một nhà hoạt động chính trị người Nhật Bản, người sáng lập tổ chức chiến binh cực hữu Chiến dịch Huyết Tử (Ketsumeidan, League of Blood, 血盟団), một tên khủng bố trong nước bị kết án và là đệ tử tại gia của một trong những bậc thầy Phật giáo Thiền tông hiện đại nổi tiếng nhất Nhật Bản, Lão sư Yamamoto Gempō (山本玄峰老師, 1866-1961), trụ trì của cả hai ngôi chùa Ryūtaku-ji (龍澤寺), cơ sở tự viện của Thiền phái Lâm Tế, tọa lạc tại Mishima, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản và chùa Shōin-ji (松蔭寺), cơ sở tự viện của Thiền phái Lâm Tế, tọa lạc tại thành phố Numazu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō đã được hướng dẫn đến trình diện để thẩm vấn với tư cách là nghi phạm tội phạm chiến tranh vì ông đã từng là thủ lĩnh của một nhóm khủng bố, thường được gọi là tổ chức chiến binh cực hữu Chiến dịch Huyết Tử. Các thành viên trong nhóm dân sự của ông ban đầu chịu trách nhiệm về cái chết của hai nhà lãnh đạo chính trị và tài chính của Nhật Bản vào mùa xuân năm 1932, với kế hoạch ám sát nhiều người khác nữa. Một nhóm thành viên quân đội thứ hai đã ám sát Thủ tướng thứ 29 của Nhật Bản Tsuyoshi Inukai (犬養 毅, nhiệm kỳ 13/12/1931-15/05/1932) vào ngày 15 tháng 05 năm 1932.

Điều gì đã thúc đẩy Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và băng đảng của ông thực hiện các hành động khủng bố của họ?

Rốt cuộc, hầu như không cần phải nói với những người theo Phật giáo thế tục rằng cả Thiền tông lẫn Phật giáo Nhật Bản đều không được biết đến vì sự tham gia của họ vào chủ nghĩa khủng bố.

Sau khi thân phụ của ông mất vào năm 1926, Thiên hoàng thứ 124 của Nhật Bản, Thiên hoàng Chiêu Hòa (昭和天皇, Shōwa tennō, trị vì 1926-1989) đã lên ngôi vào thời điểm bất ổn xã hội và chính trị trong nước. Trên khắp đất nước Nhật Bản, các ngân hàng đã đóng cửa và chính phủ đã bắt giữ các nhà hoạt động cánh tả, cáo buộc họ nuôi dưỡng ‘những suy nghĩ nguy hiểm’ theo định nghĩa của Luật Bảo vệ Hòa bình (治安維持法, Chian iji hō) là luật của Nhật Bản được ban hành vào ngày 22 tháng 04 năm 1925, với mục đích cho phép Cảnh sát Cấp cao Đặc biệt đàn áp hiệu quả hơn những người bị cáo buộc là xã hội chủ nghĩa và cộng sản.

Cuộc Đại suy thoái bắt đầu ở Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1929 đã làm giảm đáng kể cả nhu cầu và giá cả đối với tơ thô, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Cùng lúc đó, dân số Nhật Bản tăng gần một triệu người mỗi năm. Lực lượng lao động của nước này tăng với tốc độ hàng năm khoảng 450.000 người, tất cả đều tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế đang suy thoái.

Trẻ em đói ở tỉnh Iwate, miền bắc Nhật Bản vào tháng 11 năm 1934. Chúng đang ăn củ cải trắng sống (J. daikon ) để làm dịu cơn đói.  Ảnh do tác giả cung cấp .
Trẻ em đói ở tỉnh Iwate, miền bắc Nhật Bản vào tháng 11 năm 1934. Chúng đang ăn củ cải trắng sống (J. daikon ) để làm dịu cơn đói. Ảnh do tác giả cung cấp .

Ngoài ra, những vụ mùa thất bát liên tiếp vào đầu những năm 1930, đặc biệt là ở các tỉnh phía bắc, đã gây ra nạn đói trên diện rộng ở nhiều vùng của đất nước. Nợ nông thôn tăng nhanh, dẫn đến việc chậm nộp thuế và ngày càng nhiều nông dân mất hết đất đai hoặc buộc phải thực hiện các biện pháp tuyệt vọng, chẳng hạn như bán con gái của họ vào nghề mại dâm.

Xã hội Nhật Bản đang trong tình trạng khủng hoảng mà theo quan điểm của nhiều người, cần phải có những biện pháp khắc phục ngay lập tức và quyết liệt.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō, người đã bắt đầu quá trình đào tạo Phật giáo Thiền tông của mình ở Đại Mãn, đã phản ứng với cuộc khủng hoảng này bằng cách chấp nhận lời mời làm người đứng đầu một ngôi chùa Phật giáo mới xây dựng. Vào năm 1928, ngôi chùa mới này nằm ở làng Oarai, gần thành phố Mito, phía bắc Tokyo, Nhật Bản.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō đã lao vào công việc đào tạo một nhóm nhỏ khoảng 20 người độ tuổi thanh niên. Ông đã sử dụng nhiều phương pháp đào tạo Phật giáo Thiền tông, bao gồm thực hành thiền định; tham công án, thoại đầu và tiến hành phỏng vấn riêng với các đệ tử của mình, tất cả nhằm tạo ra một nhóm tình nguyện viên gan dạ với tinh thần ‘sống hoặc chết’.

Lúc đầu, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō có kế hoạch đào tạo những người độ tuổi thanh niên tham gia hoạt động chính trị hợp pháp. Tuy nhiên, đến năm 1930, dưới áp lực của các sự kiện và các nhà hoạt động dân sự và quân sự thanh niên, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō quyết định thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn. “Trong tình huống khẩn cấp”, ông viết, “các biện pháp khẩn cấp là cần thiết. Điều thiết yếu là khôi phục lại sự sống cho quốc gia. Các cuộc thảo luận về phương pháp thực hiện điều này có thể diễn ra sau, rất lâu sau đó.”.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō hoàn toàn mong đợi rằng các hành động chính trị của mình sẽ dẫn đến cái chết của ông: “Chúng tôi đã tự mình tham gia vào sự hủy diệt, nhận thức rằng chúng tôi sẽ chết trong quá trình này.”.

Trước đó, trong quá trình đào tạo Phật giáo Thiền tông, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō đã tìm thấy cơ sở cho cam kết phá hủy của mình. Dựa trên những bài học từ bộ sưu tập công án Thiền tông thế kỷ 13 được gọi là Vô Môn Quan (無門關, The Gateless Barrier), ông tuyên bố: “Thay mặt cho xã hội của quốc gia, Cách mạng sử dụng từ bi tâm. Do đó, những người muốn tham gia vào cuộc cách mạng phải có một tâm từ bi lớn đối với xã hội của quốc gia. Theo quan điểm này, không được nghĩ đến phần thưởng khi tham gia vào cuộc cách mạng.”.

Nói cách khác, trong những hành động phá hoại dữ dội của cuộc cách mạng, người ta sẽ tìm thấy tâm từ bi của Phật giáo. Ông và các thành viên trong nhóm đã chuẩn bị sẵn sàng hy sinh trong quá trình cách mạng.

Vào tháng 10 năm 1930, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và nhóm của ông đã chuyển căn cứ hoạt động của họ đến Tokyo. Từ đó, ông đã tuyển dụng thêm nhiều người thanh niên, bao gồm một số người từ các trường đại học danh tiếng nhất của Nhật Bản. Một trong những thành viên trong nhóm của Inoue Nisshō sau đó đã giải thích: “Chúng tôi tìm cách dập tắt Bản ngã”.

Nhóm của Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō chọn cách ám sát làm phương pháp cách mạng. Inoue Nisshō giải thích rằng ám sát “cần ít nạn nhân nhất có thể, bất kể thành công hay không”. Ông cũng nghĩ rằng “điều đó tốt nhất cho đất nước, không bị vấy bẩn bởi lợi ích cá nhân”. Ông và các thành viên trong nhóm đã chuẩn bị sẵn sàng hy sinh trong quá trình cách mạng. Bằng cách chuẩn bị hy sinh bản thân, họ tin rằng họ có thể đảm bảo rằng càng ít người càng tốt sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực cách mạng.

Họ có ý định ám sát khoảng 20 nhà lãnh đạo chính trị và tài chính Nhật Bản nhưng chỉ giết được hai người trước khi những thành viên còn lại của băng nhóm, bao gồm cả Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō, bị bắt. Junnosuke Inoue (井上 準之助, 1869-1932), một nhà tài chính và chính khách người Nhật Bản của thời kỳ Taisho và Showa, Thống đốc thứ 9 và thứ 11 của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), và Bộ trưởng Tài chính trong các năm 1923-1924 và 1929-1931, là nạn nhân đầu tiên của họ, bị bắn vào tối ngày 9 tháng 2 năm 1932 khi ông vào Trường tiểu học Komamoto ở Tokyo để đọc bài phát biểu bầu cử.

Kẻ ám sát ông là Onuma Shō (小沼 正, 1911-1978), 20 tuổi, một cựu trợ lý thợ làm bánh và thợ học việc thợ mộc.

Vào sáng ngày xảy ra vụ ám sát, Onuma Shō không chắc liệu mình có thể thực hiện được nhiệm vụ hay không. Để tìm kiếm sức mạnh từ việc tu tập Phật pháp, để bình tĩnh lại, Onuma Shō đã đọc đọc đi đọc lại bốn lần bộ Kinh Đại thừa Diệu pháp Liên hoa (大乘妙法蓮華經). Sau đó, anh bắt đầu thực hành thiền định: “Khi tôi mở mắt ra khỏi tư thế kiết già, thực hành thiền định, tôi nhận thấy khói hương quyện toả lên và chạm vào trần nhà. Vào lúc này, tôi đột nhiên nghĩ rằng - tôi sẽ có thể thực hiện ‘vụ ám sát’ vào đêm đó.”.

Phiên tòa xét xử Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và băng đảng của ông bắt đầu vào ngày 28 tháng 6 năm 1933. Trong lời khai tại tòa, Inoue Nisshō đã nói rõ rằng đức tin Phật giáo của ông là cốt lõi trong hành động của mình: “Tôi chủ yếu được dẫn dắt bởi tư tưởng Phật giáo trong những gì tôi làm. Có nghĩa là, tôi tin rằng triết lý của truyền thống Phật giáo Đại thừa hiện đang tồn tại ở Nhật Bản là tuyệt vời”.

Về Thiền tông Phật giáo, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō nói: “Tôi đạt được vị trí như ngày hôm nay là nhờ Thiền. Thiền vốn vô ngôn, không phải nói suông, không cần lý luận, lý thuyết hay lý lẽ, nên tôi không thể diễn đạt thành lời, nhưng dù sao thì nó vẫn đúng.” Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō tiếp tục mô tả một cách suy nghĩ đặc biệt giống Thiền tông khi được hỏi về hệ tư tưởng chính trị cụ thể đã định hình nên hành động của ông. Ông trả lời: “Nói đúng hơn là tôi không có ý tưởng hệ thống nào. Tôi vượt qua lý trí và hành động hoàn toàn theo trực giác.”.

Đối với những người quen thuộc với tư tưởng Thiền tông Phật giáo, ảnh hưởng của Thiền tông đối với tuyên bố của Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō là rõ ràng.

Ví dụ, đây là những gì Thiền sư Daisetsu Teitaro Suzuki (1870-1966) đã nói trong tác phẩm “Thiền và Văn hoá Nhật Bản - Zen and Japanese Culture” (1938): Thiền ủng hộ trực giác đối lập trí tuệ, vì trực giác là cách trực tiếp hơn để đạt đến Chân lý. Do đó, về mặt đạo đức và triết học, Thiền có sức hấp dẫn lớn đối với tầng lớp quân đội... Đây có lẽ là một trong những lý do chính cho mối quan hệ chặt chẽ giữa Thiền và tầng lớp võ sĩ thời xưa của Nhật Bản (Samurai).

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō làm chứng rằng Phật giáo dạy về sự tồn tại của “Phật tính”. Mặc dù Phật tính hiện hữu ở khắp mọi nơi, ông lập luận, nhưng nó bị che giấu bởi những mê lầm, tạo ra sự vô minh, bám víu và sự giảm phẩm chất. Ông thấy quốc gia Nhật Bản cũng tương tự như vậy. Bản chất của nó thực sự vĩ đại, giống hệt với “bản chất tuyệt đối của chính vũ trụ”. Tuy nhiên, những mê lầm của con người đối với tiền bạc, quyền lực và những thứ phù du khác đã làm tha hóa chính thể.

Đến lúc này, thẩm phán ngắt lời và hỏi: “Cuối cùng, điều ông đang nói là chính thể quốc gia của Nhật Bản, với tư cách là biểu hiện của chân lý phổ quát, đã bị che mờ?”.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō trả lời: “Đúng vậy. Chính vì nhiều mê lầm khác nhau mà nền chính trị quốc gia của chúng ta đã bị che khuất. Chính chúng ta đã tự mình xua tan những đám mây mê mờ này.”.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō muốn nói rằng khi khai đại giới sát giết người (và lên kế hoạch giết người), hắn và băng đảng của hắn đang khôi phục lại sự rực rỡ và trong sáng của quốc gia Nhật Bản. Nạn nhân của chúng không gì hơn là những “đám mây mê mờ” che khuất.

Ấn bản buổi sáng của tờ báo The Asahi Shimbun (朝日新聞) ngày 15 tháng 9 năm 1934 đưa tin: “Thiền sư Yamamoto Gempō, cha đẻ tinh thần của Inoue Nisshō, đã đến Tokyo để làm chứng tại tòa án”.

Thiền sư Yamamoto Gempō tuyên bố: “Tôi là người duy nhất hiểu được trạng thái tinh thần của Inoue Nisshō”.

Yamamoto Gempo
Yamamoto Gempo

Thiền sư Yamamoto Gempō đã làm chứng rằng “xét đến những sự kiện đã xảy ra với đất nước chúng ta gần đây, ngoài những kẻ ích kỷ và xấu xa, không có người công bằng và chính trực nào chỉ trích những người bị buộc tội vì hành động của họ”.

Tại sao? Bởi vì Thiền sư Yamamoto Gempō tuyên bố rằng hành động của họ là “một với tinh thần dân tộc”. Nhưng còn giới luật cấm giết người của Phật giáo thì sao? Thiền sư Yamamoto Gempō giải thích: “Đúng là nếu, vì động cơ xấu xa, ai đó giết dù chỉ một con kiến, thì sẽ có tới 136 địa ngục đang chờ người đó... Tuy nhiên, Đức Phật, là đấng tuyệt đối, đã tuyên bố rằng khi có những kẻ phá hoại sự hòa hợp xã hội và làm tổn hại đến chính sách của nhà nước, thì ngay cả khi họ được gọi là người tốt, việc giết họ cũng không phải là một tội ác”.

Mặc dù không thể nghi ngờ rằng Phật giáo thúc đẩy “sự hòa hợp xã hội” giữa cả cá nhân và tập thể cộng đồng, nhưng sự ủng hộ cho việc giết “những kẻ phá hoại sự hòa hợp xã hội và làm tổn hại đến chính sách của nhà nước” không được tìm thấy trong kinh điển Phật giáo.

Nguồn gốc của những ý tưởng này được tìm thấy trong Tân Nho giáo, đạo đức xã hội của nó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp xã hội đạt được thông qua mối quan hệ công bằng qua lại giữa cấp trên, những người được thúc giục phải nhân từ, và cấp dưới, những người được yêu cầu phải vâng lời và trung thành.

Thiền tông Phật giáo Nhật Bản đã chấp nhận và giảng dạy Tân Nho giáo tại Nhật Bản từ những năm 1400 trở đi ngay cả khi vẫn tiếp tục nói suông về các giới luật truyền thống của Phật giáo.

Thời kỳ trước Chiến tranh Thái Bình Dương ở Nhật Bản, nhà nước do một vị Hoàng đế được cho là thần thánh đứng đầu, người có lòng nhân từ mở rộng đến hạnh phúc của tất cả người dân châu Á, đặc biệt là những người bị các quốc gia phương Tây đô hộ hoặc bị đe dọa bởi sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Người dân Nhật Bản được dạy rằng họ phải tuyệt đối tuân theo và trung thành với vị Hoàng đế này.

Tin vào điều này, Thiền sư Yamamoto Gempō đã kết thúc lời khai của mình bằng cách tuyên bố: Niềm hy vọng của Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō không chỉ dành cho chiến thắng của Đế quốc Nhật Bản, mà ông còn nhận ra rằng hạnh phúc của tất cả các chủng tộc da màu (tức là sự sống, cái chết hoặc khả năng bị nô dịch) đều phụ thuộc vào Tinh thần Nhật Bản. Tôi tin rằng không ai không nhận ra sự thật này.

Trong mắt một trong những bậc thầy Thiền phái Lâm Tế được kính trọng nhất của Phật giáo Nhật Bản, người đã dung hợp đạo đức Phật giáo và Tân Nho giáo, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và các hành động khủng bố của băng đảng của ông không hề “phi Phật giáo” hay đáng trách. Và mặc dù đã làm chứng trước tòa để bảo vệ những kẻ khủng bố, Thiền sư Yamamoto Gempō vẫn được các thiền sư đồng môn kính trọng đến mức họ đã chọn ông làm người đứng đầu toàn bộ phái Thiền phái Lâm Tế Phật giáo Nhật Bản trong những năm sau thất bại của Nhật Bản vào tháng 8 năm 1945. Về phần Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō, thầy và trò vẫn thân thiết cho đến khi Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō viên tịch vào ngày 4 tháng 3 năm 1967.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và các thành viên trong băng nhóm của ông đều bị kết tội. Ngày 22 tháng 11 năm 1934, ông và hai sát thủ bị tuyên án chung thân trong khi các thành viên khác trong băng nhóm bị tuyên án từ 15 năm tùđến ít nhất là ba năm tù giam. Tuy nhiên, vào đầu năm 1935, 11 bị cáo đã được ân xá và ra tù. Bản án của Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō cũng được rút ngắn cho đến năm 1940, ông cũng được ra tù. Trong một bước đi bất thường nhất, bản án có tội của Inoue Nisshō đã bị xóa hoàn toàn khỏi hồ sơ tư pháp. Như thể ông chưa bao giờ tham gia vào hoạt động khủng bố.

Trong một diễn biến đáng ngạc nhiên khác, ngay sau khi được thả khỏi tù, lãnh đạo điều hành chính phủ lúc bấy giờ là  chính trị gia người Nhật Bản, Konoe Fumimaro (近衞 文麿? 1891- 1945), Thủ tướng thứ 34, 38 và 39 của Nhật Bản, Chủ tịch Hội đồng cơ mật và là lãnh đạo và sáng lập Taisei Yokusankai đã mời Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō làm cố vấn, cung cấp cho ông nơi ở tại điền trang của mình. Nghĩa là, một cựu thủ lĩnh của một băng nhóm khủng bố đã đổi phòng giam của mình lấy cuộc sống tại điền trang của một vị Thủ tướng Nhật Bản đương thời. Rõ ràng, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō đã nhận được sự ủng hộ của một số nhà lãnh đạo chính trị quan trọng nhất của Nhật Bản.

Hơn nữa, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō không bao giờ thừa nhận bất kỳ sự hối hận nào vì đã ra lệnh ám sát khoảng 20 nhà lãnh đạo chính trị và tài chính Nhật Bản, trong đó có hai người bị giết ban đầu và một người, Thủ tướng Inukai Tsuyoshi (犬養 毅), bị giết ngay sau đó.

Trên thực tế, Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō sau đó đã viết rằng hành động của mình là “đã giáng một đòn vào những kẻ vi phạm giáo lý của đức Phật”.

Kết luận

Tất nhiên, chủ nghĩa khủng bố tôn giáo vẫn là một thực tế hiện tại. Câu hỏi có thể được đặt ra là, có bài học nào cho hiện tại có thể rút ra từ chủ nghĩa khủng bố liên quan đến Thiền tông Phật giáo được mô tả ở đây không?

Điều quan trọng là phải nhận ra rằng những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ Phật giáo, giống như những kẻ khủng bố liên quan đến tôn giáo ở khắp mọi nơi, rất quan tâm đến việc bảo vệ hoặc giải cứu những người được cho là đang cần đến chúng đến mức chúng sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình trong quá trình thực hiện các hành động khủng bố của chúng.

Ngôi chùa nơi Inoue Nisshō và nhóm khủng bố của ông ta được huấn luyện như hiện nay. Tên đầy đủ của ngôi chùa là “Risshō Gokokudō” (Ngôi chùa bảo vệ quốc gia [bằng] cách thiết lập [Pháp] chân chính).  Ảnh do tác giả cung cấp.
Ngôi chùa nơi Inoue Nisshō và nhóm khủng bố của ông ta được huấn luyện như hiện nay. Tên đầy đủ của ngôi chùa là “Risshō Gokokudō” (Ngôi chùa bảo vệ quốc gia [bằng] cách thiết lập [Pháp] chân chính). Ảnh do tác giả cung cấp.

Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và băng đảng của hắn coi mình không hơn gì “những viên đá hiến tế”, tức là những con tốt (J. sute-ishi), trong cuộc đấu tranh cải cách Nhật Bản.

Niềm tin này cho phép chúng coi mình là những vị Bồ tát theo Phật giáo Đại thừa, những hình tượng luôn sẵn sàng hy sinh phúc lợi của bản thân vì lợi ích của người khác.

Sự hy sinh bản thân như vậy cộng hưởng với các giáo lý của nhiều tín ngưỡng tôn giáo và giúp những kẻ khủng bố coi mình không chỉ là những tấm gương đạo đức mà còn là những tấm gương vị tha cho đức tin của chúng.

Chính quan điểm cho rằng bản thân là “tốt” và “tự hy sinh” này đã cho phép Inoue Nisshō và băng đảng của hắn, giống như tất cả những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ tôn giáo, thực hiện những hành động tàn ác của mình, tin chắc vào niềm tin sai lầm rằng chúng đang hành động một cách có đạo đức và theo những chỉ thị cao nhất của đức tin của chúng.

Do đó, việc coi những kẻ khủng bố là quỷ dữ, như chúng ta đang làm ngày nay, biến chúng thành hiện thân của cái ác, là không nhận ra đặc điểm nổi bật nhất của chúng. Bất kể hành động của chúng có méo mó và vô nhân đạo đến đâu, thì chúng vẫn có đạo đức trong mắt chúng nhờ vào đức tính quan tâm đến người khác, sẵn sàng hy sinh bản thân vì chúng (hoặc vì Chúa). Do đó, tùy thuộc vào bối cảnh, những kẻ khủng bố có liên hệ với tôn giáo như Trưởng lão Cư sĩ Inoue Nisshō và băng đảng của hắn tự coi mình là “những chiến binh tự do”, “anh hùng của đức tin” hoặc, thông thường hơn là “những người tử vì đạo”.

Xét về mặt lịch sử, không có tôn giáo nào thoát khỏi việc bị viện dẫn hoặc góp phần vào các hành động khủng bố hoặc đưa ra lý do biện minh cho hành động khủng bố.

Trong số các tôn giáo, ‘khủng bố Hồi giáo’ ngày nay không gì khác hơn là ‘món ăn của ngày hôm nay’ hoặc vấn đề cấp bách. Điều này chắc chắn không phủ nhận rằng khủng bố liên quan đến Hồi giáo là một vấn đề nghiêm trọng chết người, nhưng nó cũng là vấn đề của Phật giáo, Cơ đốc giáo, Do Thái giáo và Ấn Độ giáo.

Chỉ cần đổ lỗi cho Hồi giáo sẽ ngăn cản giải pháp vì nó ngăn cản sự hiểu biết lẫn nhau và dẫn đến thái độ tự cho mình là đúng, vô căn cứ từ phía những người theo các tín ngưỡng không phải Hồi giáo. Nó cũng đặt ra câu hỏi hóc búa về lý do tại sao giết người nhân danh tôn giáo, ví dụ như Phật giáo, lại được coi là xấu, nhưng lại được chấp nhận, thậm chí đáng khen ngợi, khi giết họ nhân danh nhà nước.

Khi tìm hiểu về các hành vi khủng bố, câu hỏi “Ai được lợi?” luôn phải được đặt ra. Hồ sơ lịch sử cho thấy rằng ngay cả các chính phủ, hoặc ít nhất là một số bộ phận của chính phủ, cũng sẵn sàng hỗ trợ các hành vi khủng bố nếu điều này thúc đẩy những gì họ coi là lợi ích quốc gia của họ. Như đã trở nên rõ ràng trong những năm gần đây, không có gì lạ khi những tác nhân quyền lực, đứng sau hậu trường, bao gồm cả chính phủ, đóng vai trò là “người hỗ trợ” cho chủ nghĩa khủng bố thông qua tài trợ, cung cấp vũ khí, đào tạo, mục tiêu được đề xuất,...

Giải pháp thực sự cho khủng bố là giải pháp hiếm khi được thảo luận và thậm chí ít được hành động.

Cụ thể, giải pháp cho tất cả các hành động khủng bố trừ “sói cô độc” (lone wolf), những người tự lập, không muốn hay không cần sự giúp đỡ từ người khác, là thiết lập các xã hội công bằng về mặt xã hội và kinh tế, bất kể điều đó có khó khăn đến đâu. Nơi nào có sự áp bức, sự phản kháng là điều không thể tránh khỏi. Tôn giáo là một trong những phương tiện dễ dàng nhất để tổ chức phản kháng, vì nó cung cấp một cách mạnh mẽ và hấp dẫn về mặt cảm xúc để nói và suy nghĩ về sự hy sinh và công lý. Nhưng điều cực kỳ quan trọng là phải nhớ rằng nhà nước và các thế lực thế tục trong xã hội tìm cách duy trì hoặc thậm chí tăng cường quyền lực của chính họ bằng cách bí mật tài trợ và hỗ trợ những kẻ khủng bố, lợi dụng lòng sùng đạo của những người có đức tin, đặc biệt là sự sẵn sàng hy sinh bản thân của những người sau. Chủ nghĩa khủng bố, ít nhất là trên quy mô lớn, không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của họ.

Đồng thời, những người tin vào sức mạnh cứu rỗi của tôn giáo phải thừa nhận rằng những lý tưởng cao nhất của tôn giáo của họ dễ dàng bị những kẻ tìm cách gia tăng quyền lực thế gian của họ đánh cắp như thế nào. Nếu không có sự tự phản ánh phê phán từ phía không chỉ những người theo đạo Phật mà còn từ tất cả những người theo tôn giáo khác, thì chu kỳ khủng bố liên quan đến tôn giáo sẽ không bao giờ bị phá vỡ.

Theo lời của nhà toán học, vật lý, nhà phát minh, tác gia, và triết gia Công giáo người Pháp, Blaise Pascal (1623- 1662) rằng: “Con người không bao giờ làm điều ác một cách hoàn toàn và vui vẻ như khi họ làm điều đó vì niềm tin tôn giáo”. Không còn nghi ngờ gì nữa, những người theo Phật giáo thế tục đã thực hiện một số thay đổi quan trọng đối với việc thực hành và hiểu biết về Phật giáo truyền thống. Nhưng câu hỏi phải được đặt ra là, liệu những thay đổi này có giải quyết thỏa đáng sự tham gia lâu dài của Phật giáo (không chỉ Thiền tông) ở châu Á trong việc chấp nhận, nếu không muốn nói là biện minh cho, bạo lực hay không?

Đôi nét về tác giả:

Brian Ryōjun Victoria là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Oxford. Ông cũng là một nhà sư Phật giáo trong Thiền phái Tào Động (曹洞宗, Sōtō-shū ), Phật giáo Nhật Bản. Brian Ryōjun Victoria là tác giả của “Những câu chuyện Thiền tông trong Chiến tranh - Zen War Stories” (2003) và “Thiền tông trong Chiến tranh - Zen at War” (2006), và gần đây nhất là “Zen Terror in Prewar Japan: Portrait of an Assassin - Chân dung một sát thủ: Nỗi kinh hoàng của Thiền tông Phật giáo Nhật Bản trước Chiến tranh Thái Bình Dương” (2020).

Tác giả: Brian Ryōjun Victoria/Việt dịch: Sa môn Lê Văn Phước

Nguồn: secularbuddhistnetwork.org