Tác giả: Đặng Việt Thủy
Từ Sơn là địa bàn cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, phía Tây của tỉnh Bắc Ninh (cũ), có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nghìn năm văn hiến, nơi phát tích vương triều Lý - một trong những triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Từ Sơn cũng là nơi Phật giáo du nhập vào rất sớm, từ đầu Công nguyên theo nhiều ngả khác nhau. Vào thời Bắc thuộc, hai dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đã phát triển mạnh mẽ ở Từ Sơn. Theo sử sách, vào thế kỷ thứ VIII - IX - X ở đất Cổ Pháp xưa đã sản sinh ra nhiều vị thiền sư kiêm phương sĩ và phong thủy nổi tiếng như Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quý, Vạn Hạnh...
Cũng theo sử sách ghi chép lại, các vị thiền sư đã tiên liệu được sự xuất hiện của nhà Lý trong lịch sử và có sự chuẩn bị trước cho việc Lý Công Uẩn lên ngôi vua từ hàng trăm năm trước.
Gắn liền với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử dân tộc, đến nay vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh, kỳ bí khó lý giải. Điều đặc biệt, những câu chuyện kỳ lạ trên lại gắn liền tên tuổi của những vị thiền sư nổi danh ở thế kỷ XIII - X.
Vị thiền sư được cho là có lời tiên tri sớm nhất đối với sự ra đời của nhà Lý trong lịch sử là Thiền sư Định Không.
Thiền sư Định Không (730 - 808) xuất thân từ một dòng tộc quyền quý họ Nguyễn, là người hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn (cũ), tỉnh Bắc Ninh). Thiền sư Định Không là một vị thiền sư đặc biệt, ông là nhà tiên tri và là nhà phong thủy nổi tiếng trước khi xuất gia. Ông là người am hiểu sâu sắc vận thế, khi xảy ra việc gì người trong hương thường suy tôn phục tùng. Khoảng năm 785 - 805, ông dựng chùa Quỳnh Lâm ở bản hương.
Khi xây chùa, thợ làm móng đào được một bình hương và mười chiếc khánh đồng. Sư sai người đem ra sông rửa sạch, một chiếc rơi xuống sông trôi liệng mãi đến khi chạm đáy mới nằm im. Sư giải thích rằng: Thập khẩu là chữ Cổ, Thủy khứ là chữ Pháp. Còn Thổ là chỉ vào hương ta. Nhân đó đổi tên hương Diên Uẩn thành hương Cổ Pháp. Sư có làm bài kệ như sau:
"Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng
Trị Phật pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương
Tam phẩm thành công".
Dịch là:
"Đất trình bày ra pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật pháp đến thuở hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Mười chiếc chuông đồng
Nhà Lý hưng vượng
Tam phẩm thành công".
Như vậy, ngay từ thế kỷ thứ VIII (thời điểm từ năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua), Thiền sư Định Không đã dự cảm được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử nên đã làm thơ tụng. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (chùa Lục Tổ) nổi tiếng đất Kinh Bắc, Thiền sư Định Không khi xem địa thế làng Diên Uẩn (đổi thành Cổ Pháp) đã dự báo sẽ sản sinh ra môt nhân vật họ Lý, có thể thực hiện được nền tự chủ dân tộc.
Trước khi viên tịch, Thiền sư Định Không dặn lại đệ tử Thông Thiện: "Ta muốn mở mang hương ấp, nhưng sợ ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta. Sau khi ta qua đời, ngươi khéo giữ đạo pháp của ta để sau gặp người họ Đinh thì truyền lại. Thế là ý nguyện của ta được toại thành". Nói xong, thiền sư cáo biệt rồi qua đời, thọ 79 tuổi. Năm đó là năm Mậu Tý, niên hiệu Đường Nguyên Hòa thứ ba (808). Thiền sư Thông Thiện đã ghi lại ở ngôi tháp thờ Thiền sư Định Không phía Tây chùa Lục Tổ. Rồi sau này, Thiền sư Thông Thiện trước khi viên tịch, cũng đã dặn dò lại sự việc cho đệ tử Đinh La Quý.

Thiền sư Đinh La Quý (852 - 936) là người tinh thông khoa học huyền bí phong thủy, lý số nổi tiếng. Tương truyền ông đã từng lưu lại nhiều bài sấm rất ứng nghiệm như bài "Đỗ Thích thí Đinh Đinh, Lê gia xuất thánh minh..." (chỉ việc năm Kỷ Mão 979 viên nội giám nhà Đinh là Đỗ Thích đang đêm lẻn vào cung giết chết cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn).
Lời dặn của Thiền sư Định Không với đệ tử là Thông Thiện "ngày sau gặp nạn, tất có dị nhân đến phá hoại mạch đất của hương ta..." hơn 60 năm sau (thế kỷ IX) đã linh ứng. Nhà Đường cử Tiết độ sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, chúng còn đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp của Thiền sư Định Không.
Khi Cao Biền đắp thành Đại La bên sông Tô Lịch đã biết đất Cổ Pháp là đất có khí vương giả, nên cho đào hầm Phù Chẩn, sông Điểm Giang và 19 huyệt địa để yểm, trấn, phá long mạch. Thiền sư Đinh La Quý phát hiện và cho lấp cả 19 long mạch lại như cũ. Thiền sư La Quý đã quyên góp của cải và đúc tượng Lục Tổ của Thiền Tông là Huệ Năng bằng vàng. Tượng được chôn ở gần Tam quan chùa Lục Tổ (chùa Trường Liêu) để khỏi bị trộm cắp và dặn rằng khi nào có bậc minh vương ra đời giup dân cứu nước thì đào lên lấy vàng để ủng hộ. Ngoài ra, Thiền sư Đinh La Quý còn cho trồng cây gạo ở chùa Minh Châu (hương Diên Uẩn) để trấn áp và dặn đệ tử sau này phải đắp nền xây tháp, nêu cần thì giữ tượng vàng trong ấy.
Chuyện kể rằng, trồng xong cây gạo, Thiền sư Đinh La Quý để lại lời sấm:
“Đại sơn long đầu khỉ
Cù vĩ ẩn Châu minh
Thập bát tử định thiền
Miên thọ hiện long hình
Thổ kê thử nguyệt nội
Định kiên nhật xuất thanh”
Dịch là: “Đại sơn đầu rồng ngửng/ Đuôi cù ẩn Châu minh/ Thập bát tử định thành/ Bông gạo hiện long hình/ Thỏ gà trong tháng chuột/ Nhất định thấy trời lên”.
Do những từ “thập bát tử” ở câu số 3 là chiết tự của chữ Lý, nghĩa là họ Lý, nên bài thơ được diễn giải như sau:
"Đầu rồng hiện ở núi lớn
Đuôi rồng giấu sự thịnh vượng
Họ Lý nhất định thành
Khi cây gạo hiện hình rồng
Chỉ trong mấy tháng thỏ, gà, chuột
Chắc chắn sẽ thấy mặt trời (vua) anh minh”.
Điều này đã ứng với sự ra đời của nhà Lý vào tháng 11 (tháng chuột) năm Kỷ Dậu (năm gà) 1009. Thiền sư Đinh La Quý là người đã tiếp thu, hoàn thiện và phổ biến tư tưởng của Thiền sư Định Không rất sành về thế số, giỏi về các khoa nghiên cứu lịch âm dương ngũ hành và phong thủy, khẳng định nước Việt ta có những vùng "địa linh" có khí tượng đế vương có thể sinh ra những bậc anh hùng xuất chúng, làm chủ đất nước.
Có thể nói, chiến lược trăm năm Thiền sư Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quý trao truyền cho Thiền sư Thiền Ông và cho các sư tổ, Thiền sư Vạn Hạnh; Thiền sư Vạn Hạnh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của các vị sư tổ giao phó.
Lịch sử còn nhắc tới các sự kiện về phát tích của nhà Lý tại Tiêu Sơn cổ tự (nay thuộc phường Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) còn gọi là chùa Tiêu, gồm hai ngôi chùa (chùa Trên - chùa Thiên Tâm và chùa Dưới - chùa Trường Liêu). Văn bia "Lý gia linh thạch" ở chùa Tiêu cho biết: "Chùa Thiên Tâm trụ trì tăng viện sư Lý Vạn Hạnh - người làng Cổ Pháp. Đặc biệt phía Đông bên tả ngạn, bà Phạm mẫu người ở Hoa Lâm, khi lên chùa đèn nhang thường hiện một vị thần hầu đứng cạnh cột chùa. Người dạy đi vào giữa hang núi lấy của". (theo bản dịch văn bia).
Theo sử sách, Thiền sư Vạn Hạnh, quê ở Cổ Pháp, năm 21 tuổi ông tu ở chùa Trường Liêu (chùa Lục Tổ) cùng với sư Định Huệ, thọ học Thiền sư Ông Đạo Giả. Thiền Ông truyền cho những yếu chỉ của Thiền tông, dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, do một nhà sư Ấn Độ sang Trung Quôc, rồi đến Dâu (năm 580) hình thành nên phái này. Thiền tông chủ trương sau thông qua trực giác đến đại giác.
Năm 979, Thiền Ông Đạo Giả viên tịch, sư Vạn Hạnh kế tiếp trụ trì chùa này và chuyên tập pháp "Tổng trì Tam na địa" (Mật giáo). lấy đó làm sự nghiệp. Vì sư Vạn Hạnh thấy Mật giáo chấp nhận tất thảy thần linh được thờ phụng trong dân gian. Khuynh hướng này phù hợp với tín ngưỡng, phong tục của người Việt, khiến cho đạo Phật phát triển, mở rộng tầm ảnh hưởng trong đời sống cộng đồng.
Thiền sư Vạn Hạnh là một trong những thiền sư xuất sắc nhất của dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Với sự chuyên tâm trau dồi kiến thức, ngày đêm học tập kinh kệ, tham khảo sách sử. tu luyện đắc pháp, Thiền sư Vạn Hạnh lúc này đã là người nổi tiếng uyên bác.
Là người xuất gia, nhưng Thiền sư Vạn Hạnh vẫn quan tâm đến những biến cố chính trị, quân sự trong thời ấy. Vua Lê Đại Hành xem ông là cố vấn và ông từng góp ý kiến trong việc chống ngoại xâm và dựng nước.
Tại chùa Tiêu, Thiền sư Vạn Hạnh đã nuôi dạy Lý Công Uẩn (do cha nuôi là là sư Lý Khánh Văn đưa tới lúc 7 tuổi) lớn khôn, trưởng thành. Biết trước nhà Tiền Lê suy vong vì Lê Ngọa Triều thất nhân tâm, ông đã có công đóng góp vào việc giúp Lý Công Uẩn dứt nhà Lê, dựng nên nhà Lý. Do vậy, Khi Lý Công Uẩn lên ngôi tức Lý Thái Tổ, Thiền sư Vạn Hạnh càng được trọng đãi, phong làm Quốc sư. Tương truyền, nhiều sấm ký trong thời ấy tỏ việc Lê mất Lý lên... đều do ông đặt ra.
Ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi (sự kiện diễn ra tại Ninh Bình), Thiền sư Vạn Hạnh ở tận chùa Quỳnh Lâm (Bắc Ninh), đã biết trước mọi việc, bảo với người bác và chú của vua rằng: “Thiên tử đã băng, Lý Thân vệ (Lý Công Uẩn) hiện đang ở nhà. Trong trưa nay, Thân vệ ắt được lên ngôi”. Rồi nhà sư cho yết bảng ở đường cái nói rằng:
“Tật lên chìm bể Bắc
Hạt Lý mọc trời Nam
Bốn phương gươm giáo dẹp
Tám cõi mừng bình an”, ý nói nhà Lý thay nhà Lê.
Thông qua những câu sấm truyền, các bậc thiền sư nổi tiếng trong lịch sử nước ta đã tiên đoán chính xác những sự kiện diễn ra sau hàng thế kỷ. Đặc biệt là Thiền sư Định Không là người nổi tiếng am hiểu, tinh thông thế, số, tài năng và đức hạnh của ông đến nay vẫn được lưu truyền. Trong đó, ông được ca ngợi là người có khả năng tiên tri vượt thời gian và để lại nhiều lời sấm truyền được nhiều thế hệ sau ghi nhận là ứng nghiệm.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Bình luận (0)