Sáng 8/5/2025 diễn ra lễ Bế mạc Đại lễ Vesak tại hội trường Học viện Phật giáo. Các đại biểu ngoài sự hoan hỷ đón mừng Đại lễ, còn được biết đến một Việt Nam đổi mới.
Ra về bổn quốc của mỗi Đại biểu, ngoài những ấn tượng trên, còn mang hành trang gì để Phật giáo phát huy và hội nhập giúp nhân loại thoát khỏi khủng hoảng hiện nay?

Chiến tranh, hận thù, chia rẽ ...đang diễn ra ở cấp độ như thể là tôn giáo đã thiếu vắng trách nhiệm. Những lý thuyết tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng chỉ là hoa mây lửng lờ giữa tầng không?
Tôn giáo chỉ tô vẽ cho nội bộ thêm vững chãi, củng cố niềm tin cho tín đồ, bỏ quên nhiệm vụ hướng linh cho thế giới. Dĩ nhiên khó mà đòi hỏi một cách tuyệt đối khi nhân loại trình độ tâm linh khác nhau, tâm lý, đức tin khác nhau, tâm sinh lý bất đồng; nói theo nhà Phật thì nhân quả đa dạng, không thể đưa nhân loại đến thế giới đồng đẳng, toàn thiện, nhưng với bản chất tốt đẹp và hướng thiện của Tôn giáo, cũng ảnh hưởng ít nhiều đối với những tâm hồn bất tín, cứng cỏi.
Năng lượng thiện lành phủ trùm cuộc sống nhân loại thì tội ác cũng khó phát triển.
Tu sĩ không chỉ làm nhiệm vụ hướng nội và đức tin, nói theo ngôn ngữ nhà Phật – “tự giác còn phải giác tha”, nghĩa là nhiệm vụ của tu sĩ cần phải phổ biến rộng ra ngoại giới; tu sĩ các Tôn giáo là những chiến sĩ tình thương trấn áp ma quân.
Nói là nói vậy, chu kỳ sinh –trụ -hoại –diệt diễn biến theo luật nhân quả. Thời kỳ thượng nguơn xuất hiện các Thánh nhân hiền đức, thế giới an hòa, tội ác lắng chìm; tùy năng lượng từ ái mà thời kỳ Thánh đức tồn tại dài ngắn khác nhau.
Khi năng lượng thánh thiện suy giảm là lúc đi vào chu kỳ băng hoại, tội ác phát sinh từ gia đình ra đến xã hội, cộng nghiệp lan tỏa qua chiến tranh, thiên tai, nhân họa, dịch bệnh.
Tôn giáo nỗ lực lan tỏa thiện nghiệp thì tội ác và chiến tranh cũng bị hạn chế.
Vesak là một hiện tượng theo chu kỳ thường niên, không chỉ là ngày kỷ niệm đấng cha lành đem đến cho nhân loại hiểu về luật nhân quả, còn đưa ra phương pháp diệt khổ, sống an vui hạnh phúc. Những yếu tố này không thể tồn tại trong nội bộ, cần lan tỏa ra cộng đồng nhân loại, góp phần cho tinh cầu phủ xanh năng lượng, các Tôn giáo chung trách nhiệm thì sẽ hạn chế đau khổ cho nhân sinh.

Vesak 2025 khép lại, mỗi đại biểu ra về mang theo tinh thần: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”.
Trách nhiệm không những của tu sĩ, tín đồ cũng cần phổ biến tinh thần của Vesak 2025 ra cộng đồng qua nhân cách gọi là thân giáo trong đời sống hàng ngày như sự thành kính của các đại biểu tham dự lễ bế mạc hôm nay.
Hy vọng tinh thần Vesak lan tỏa - góp một phần duyên lành cho thế giới!
Tác giả: Thích Minh Mẫn
Bình luận (0)