Trong ánh sáng dịu nhẹ đêm trăng tròn Vesak, ngày đức Phật đản sinh, cõi Ta Bà như bừng sáng với sự hiện diện của đóa hoa thanh khiết, nở rộ giữa dòng đời. Sự ra đời của Ngài không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là dấu ấn thiêng liêng, xua tan mọi si mê và vọng chấp, để lại cho nhân loại hương thơm giải thoát, lan tỏa khắp muôn nơi.

Lễ Mộc Dục, hay nghi thức tắm tượng Phật, không chỉ đơn thuần là hành động tôn kính, mà còn là cách thể hiện tấm lòng tri ân chân thành của người con Phật đối với vị Cha lành của muôn loài. Người đã thắp lên ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Theo dòng chảy thời gian, nghi thức tắm tượng Phật đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngày lễ Phật đản, mang trong mình ý nghĩa sâu sắc. Kim thân đức Phật, thanh tịnh và vô nhiễm, chính là nguồn cảm hứng cho nghi thức thiêng liêng mỗi mùa Phật đản. Pháp thân thanh tịnh và chân tâm luôn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng trong cõi ngũ trược ác thế, vô minh và phiền não đã che lấp ánh sáng ấy. Khi thực hiện nghi thức tắm tượng Phật, mỗi phật tử, mỗi liên hữu đồng tu trở về, để đón nhận năng lực gia trì từ mười phương chư Phật, khởi tâm niệm loại bỏ điều ác, nguyện làm điều lành và tinh tấn trên con đường từ bờ mê về bến giác.
Hãy để dòng nước thanh khiết ấy cuốn trôi mọi bụi bẩn của tâm hồn, giúp mỗi chúng ta được tái sinh trong ánh sáng từ bi của đức Phật, cùng nhau bước trên con đường giải thoát, hòa quyện vào hương thơm của tự do và an lạc:
“Con nay tắm gội đức Như Lai
Bậc trí trang nghiêm, công đức đầy
Cõi trược chúng sinh lìa uế nhiễm
Trọn nên thân pháp vốn không hai”.
Quan điểm của đức Phật về khái niệm tắm tượng (mộc dục)
Đối với đức Phật, không có dòng nước nào, dù linh thiêng đến đâu, có thể gột rửa được những cấu uế của tâm. Thân thể có thể được tắm sạch mỗi ngày, nhưng phiền não vẫn còn chất chứa, thì sự thanh tẩy ấy chỉ trên bề mặt. Như lời Ngài dạy trong kinh Tăng nhất A-hàm: “Một bậc đã rửa sạch hai mươi mốt phiền não thì được gọi là mộc dục”. Đó chính là sự tắm gội từ bên trong, nơi tâm được soi chiếu bằng ánh sáng của chính niệm.

Với đức Phật, việc tắm rửa là một nhu cầu của thân xác, không phải là cánh cửa đưa đến giải thoát. Suốt cuộc đời hành đạo, rất ít khi kinh điển nhắc đến việc Ngài tắm. Trong Nidanakatha, chỉ một lần được ghi lại: sau những năm khổ hạnh, với thân hình tiều tụy đầy cáu bẩn, vị đạo sĩ trẻ Siddhartha đã bước xuống sông Niranjana, gột rửa thân, rồi an tĩnh dưới cội bồ-đề mà nhập thiền. Tôn giả A-nan từng xin nước nóng cho Phật tắm khi Ngài lâm bệnh. Một cô gái Bà-la-môn, chỉ với một bát nước dâng cúng, đã gieo nhân lành được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Và trong Culla Vagga, đức Phật khuyên Tăng chúng nên giữ gìn thân thể thanh tịnh, nhưng sự quan tâm ấy chỉ dừng lại ở mặt sức khỏe và vệ sinh, không mang tính nghi lễ hay linh hóa.
Tắm để sạch thân, nhưng không thể sạch tâm. Thanh tẩy thể xác chỉ là bước đầu, điều quan yếu là quay về gột rửa tâm ý qua giới, định và tuệ. Đức Phật không đưa hành động thường nhật ấy lên bệ thờ linh thiêng, bởi Ngài thấy rõ: tâm mới là suối nguồn của khổ đau và cũng là cánh cửa mở ra giải thoát. Nước chỉ làm dịu cơn khát và rửa bụi trần, không thể rửa được vô minh.
Giữa bao tôn giáo cùng thời, Phật giáo lặng lẽ đi con đường khác: không nghi lễ huyền bí, không thần quyền tẩy uế. Chỉ có sự tự tỉnh thức, như giọt nước trong rơi xuống mặt hồ tĩnh lặng, làm tan đi mọi khuấy động. Tắm, với đức Phật là chuyện của thân. Còn tâm, chỉ có tuệ giác mới làm nên điều kỳ diệu.
Nghi thức mộc dục trong truyền thống Phật giáo
Những nghi lễ như mộc dục không còn là hình thức bề ngoài, mà trở thành một phương tiện để trở về với chính niệm. Nếu gỡ bỏ những lớp vỏ huyễn hoặc, những quy định khắt khe và mong cầu vụ lợi từng phủ lên nghi lễ này trong các tôn giáo Ấn Độ cổ đại, ta sẽ thấy được cốt lõi thanh tịnh: một hành động chăm sóc, gìn giữ và kính ngưỡng như người con nhẹ tay lau bụi trên dung nhan cha mẹ, không vì sợ dơ, mà vì lòng biết ơn sâu thẳm.
Tinh thần ấy đã được Phật giáo tiếp nhận trong tỉnh thức, trầm lặng và chuyển hóa thành nghi lễ mộc dục tượng Phật, không phải để van xin điều lành, mà là để tự mình thắp lên điểm sáng tâm linh giữa bụi bặm trần ai. Trong Đại Đường Tây Vức Ký, ngài Huyền Tráng từng kể lại: tại ngôi già lam nguy nga do vua Giới Nhật kiến lập, ở phía Nam có một bảo đàn, nơi hành lễ tắm tượng Phật. Đó không phải là sự xa hoa, mà là sự dâng hiến; không phải là nghi lễ lớn lao, mà là biểu hiện nhỏ bé của tâm thanh tịnh.

Kinh Dục Phật Công Đức, do ngài Nghĩa Tịnh dịch, mô tả cẩn trọng cách thiết lập đàn tràng: nền đất sạch được đắp thành hình vuông hay tròn, nơi thanh tịnh, trang nghiêm. Ở đàn tràng bày chiếc bàn nhỏ, thỉnh tượng Phật an vị. Khi mộc dục, nước ấm thơm được rưới nhẹ lên đỉnh tượng như tưới mát đóa hoa sen đầu hạ, tiếp đến là nước trong lành. Nước ấy phải được lấy từ nơi hợp dòng, tinh sạch, không làm hại sinh linh. Sau nghi lễ, tượng được thỉnh về chỗ cũ, không phô trương, không ồn ào mà trong tịnh niệm lặng sâu.
Đức Phật suốt đời chỉ dạy người hành trì sống đơn giản, an trú và tỉnh thức. Trong đêm cuối cùng tại Kushinagar, Ngài giao việc tang lễ cho hàng cư sĩ, còn chúng Tăng thì tiếp tục thiền định và quán chiếu. Điều ấy nói lên rằng: với bậc Đại Giác, mọi hình thức đều là phương tiện, nếu không có tâm tỉnh thức, thì dù lộng lẫy đến đâu cũng chỉ là chiếc vỏ rỗng.
Ngày nay, trong thời đại mà hình tướng dễ che khuất chân tâm, thì nghi lễ mộc dục, đặc biệt trong mùa Phật đản vẫn có thể là cầu nối nhẹ nhàng đưa người trở về với chính mình. Tắm tượng Phật, nhưng thật ra là tắm cho tự thân; lau bụi tượng Phật, nhưng cũng là lau đi những vọng niệm, những lo toan thường nhật. Giữa tiếng chuông hòa cùng khói trầm hương, từng giọt nước rưới lên tượng như một pháp âm, nhắc ta quay về hơi thở, quay về tâm không đắm nhiễm. Mộc dục, trong nghĩa ấy, không còn là lễ nghi, mà như pháp thiền giữa đời thường.
Ý nghĩa nhân văn được qua nghi thức mộc dục
Mộc dục, không phải để tắm một pho tượng, mà để gột rửa tâm hồn bằng tỉnh thức. Đức Phật đã không cần ai tắm, Ngài vốn là suối nguồn trong mát. Nhưng ta thì cần lắm một lần dừng lại, một lần gột rửa, một lần quay về... tắm tượng Phật, nhưng ai thật sự được tắm? Là chính ta, là những bám víu, hơn thua, sợ hãi, ganh ghét… đã bám nơi tâm như bụi đời tích tụ. Một gáo nước nhỏ tưởng chỉ là hình thức nhưng nếu ta thật sự có mặt, nếu tâm lặng như nước, thì đó là một pháp môn, một nghi lễ chuyển hóa. Hãy múc một gáo nước, chứa đựng từ bi. Hãy rưới lên tượng Phật, như rưới vào tâm hồn mình. Cúi đầu kính ngưỡng, thật sâu, không phải để lễ bái mà là để buông xuống ngã mạn trong ta.
Thiền vị của lễ tắm tượng Phật, không có gì thần bí, huyền ảo, chỉ là nước, chỉ là tượng. Nhưng khi ta hiện diện thật sự, từng giọt nước chảy xuống là từng dòng tỉnh thức. Ta thấy rõ mình đã bỏ quên bao nhiêu điều mầu nhiệm suốt năm qua: Một nụ cười không trọn, một cái ôm còn dang dở, một lời xin lỗi chưa kịp nói ra, một khoảnh khắc sống mà tâm ta đã vắng mặt và giờ, chỉ cần một gáo nước để ta được bắt đầu...
Không gì khác mà đó chính là nghi lễ tắm tượng Phật trong ngày Phật đản. Hơn một nghi lễ, đó là lời mời trở về: Trở về rửa bụi trần khỏi tâm, trở về với phẩm hạnh nguyên sơ, trở về nhìn sâu vào chính mình, nơi còn nhiều thứ cần được “tắm, gội”. Tắm những bám víu, tắm những hờn giận, tắm những mỏi mệt giấu dưới vỏ bọc mỉm cười. Ta chợt nhận ra, lễ tắm tượng Phật không phải chỉ để tắm tượng, mà là một pháp hành quán chiếu. Nước không tẩy được nghiệp, nhưng tâm tỉnh thì có thể chuyển cả luân hồi.
Những suy tư và nhận thức về bản chất của sự sống như dòng chảy liên tục của nhận thức, trong đó con người thường lầm lẫn giữa thật và ảo. Khi ta sống trong chấp ngã, lo âu và phiền muộn, ta đánh mất bản chất chân thật của mình, đó là đức Phật tiềm ẩn trong mỗi người. Nghi thức tắm tượng Phật không chỉ là hành động tôn kính, mà thực sự là khoảnh khắc sâu sắc để soi sáng lại tâm hồn, để thức tỉnh đức Phật trong mình.
Hành động ấy như lời nhắc nhở quý giá, rằng con đường đến với an lạc và giác ngộ bắt đầu từ việc gột rửa những tạp niệm, hận thù và mê muội trong tâm trí. Đó chính là lý tưởng sống mà mỗi người phật tử cần nỗ lực thực hiện, để lan tỏa tình thương và trí tuệ, góp phần xây dựng thế giới hòa bình và hạnh phúc. Vì vậy, ở cuối con đường của những bề bộn của cuộc sống, hãy để ánh sáng của đức Phật dẫn lối, khơi dậy trong ta những giá trị cao đẹp nhất, vượt lên trên mọi khổ đau và chạm tới thực tại như nhiên.
Tác giả: Thích nữ Quảng Nhựt
Học viên Thạc sĩ Khóa II - Chuyên ngành Lịch sử Phật giáo - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Bình luận (0)