Những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo vô giá, vừa được hồi hương từ Nhật Bản, đã chính thức ra mắt công chúng tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul hôm thứ Ba (08/07/2025).
Bộ sưu tập đặc biệt bao gồm 10 bức tranh lụa quý hiếm mang tên Thập Điện Diêm Vương có niên đại từ đầu triều đại Joseon (1392-1897), cùng một bản kinh Hoa Nghiêm Kinh - Châu Bổn, Quyển 22, được chép lại vào năm 1334, dưới thời Goryeo (918-1392).

Sự kiện này do Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc phối hợp với Quỹ Di sản Văn hóa Hàn Quốc ở Hải ngoại tổ chức. Tại buổi họp báo công bố, ông Cho Eung-chon, Chủ tịch Cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc khẳng định: “Việc hồi hương các báu vật Phật giáo lần này mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đặc biệt khi được công bố trước công chúng chỉ một tháng trước dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật (15/08/1945)”. (Theo The Korea Herald)
Ông Cho chia sẻ thêm: “Bộ tranh Diêm Vương và bản kinh Goryeo được công bố lần này là minh chứng đặc sắc cho tinh hoa nghệ thuật Phật giáo triều đại Goryeo và thời kỳ đầu triều Joseon. Chúng tôi mong muốn lan tỏa giá trị ấy đến công chúng qua nhiều dịp triển lãm và giới thiệu”.
Bộ tranh Thập Điện Diêm Vương - Báu vật hiếm có
Bộ 10 bức tranh lụa cổ này là dạng liên họa cuốn treo, mỗi bức rộng 66 cm và dài 147 cm, khắc họa hình tượng mười vị Diêm Vương, những vị thần phán xử linh hồn người chết dựa trên nghiệp báo tạo tác lúc sinh thời. Mỗi bức vẽ một vị vua cai quản một tầng địa ngục, bao quanh là cảnh giới địa ngục tương ứng.

Bộ tranh, được xem là điển hình cho mỹ thuật Phật giáo thời đầu Joseon, đã trở về Hàn Quốc vào tháng 11/2024. Giáo sư danh dự Park Eun-kyung, chuyên ngành lịch sử mỹ thuật tại Đại học Dong-A nhận định: “Những bộ tranh Thập Điện Diêm Vương hoàn chỉnh từ thời Joseon đầu rất hiếm gặp. Bộ tranh này mang giá trị đặc biệt trong việc nghiên cứu quá trình chuyển tiếp phong cách hội họa Phật giáo từ triều đại Goryeo sang Joseon”. (Theo Korea JoongAng Daily)
Mặc dù triều đại Joseon kéo dài gần 500 năm là thời kỳ phát triển rực rỡ của Nho giáo và văn học cổ điển Hàn Quốc, Phật giáo vẫn tồn tại mạnh mẽ về mặt trí thức, thể hiện qua các đối thoại học thuật giữa giới trí thức Nho học và các cao tăng Phật giáo.
Bản kinh Hoa Nghiêm chép tay - Di sản của một vương triều Phật giáo

Cùng được trưng bày trong dịp này là một cuộn kinh chép tay thời Goryeo dài 10,9 mét, hoàn thành vào năm 1334, với nội dung là Quyển 22 của bản Hoa Nghiêm Kinh - Châu Bổn (bản dịch Hoa ngữ do Đại sư Siksananda, đời Đường, 652-710, thực hiện gồm 80 quyển). Cuộn kinh được chép trên nền giấy lam, sử dụng loại mực hiếm làm từ keo da trộn bột vàng, bìa kinh trang trí năm hoa sen bằng vàng và bạc. Bản kinh này được phía Nhật Bản hoàn trả vào tháng 04/2025.
Nội dung kinh mô tả hành trình của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) thăng thiên lên cõi Đâu Suất (Tusita). Đây là văn bản kinh nền tảng của giáo phái Hoa Nghiêm (Hwaeom), nhấn mạnh giáo lý về sự nhất thể giữa Phật và chúng sinh. (K-Vibe)
Yonhap News mô tả: “Phần minh họa ở đầu kinh là sự cô đọng nội dung giáo lý kinh qua hình ảnh. Góc trên bên phải thể hiện Đức Tỳ Lô Giá Na ngự giữa các vị Bồ Tát, bên cạnh là các cảnh thuyết pháp nơi cội Bồ đề, cung trời Tam Thập Tam, cõi Diêm Ma và cõi Đâu Suất”.
Một chuyên gia nhận định: “Đường nét tinh xảo và sắc sảo cho thấy đây là tác phẩm của một vị tăng sĩ chuyên nghiệp, có tay nghề cao trong nghệ thuật thư pháp Phật giáo cổ”. (K-Vibe)
Từ ánh hào quang của Goryeo đến sự sống động của di sản hiện đại

Vương triều Goryeo (918-1392) được thành lập bởi Vua Thái Tổ Wang Geon và nổi bật là một triều đại Phật giáo hưng thịnh, nơi nghệ thuật và tư tưởng Phật giáo phát triển rực rỡ. Goryeo cũng là triều đại đầu tiên thống nhất toàn bộ Bán đảo Triều Tiên sau thời kỳ Tam Quốc hậu và mở rộng lãnh thổ đến sông Áp Lục ở phía bắc. Những đóng góp lớn của triều đại này không chỉ là ngoại giao, cải cách thuế khóa mà còn là môi trường thuận lợi cho sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật Phật giáo.

Các di vật Phật giáo được hồi hương lần này, với giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật vượt thời gian, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cung điện Quốc gia Hàn Quốc, nơi các chuyên gia tiếp tục đánh giá hiện trạng và xác định nhu cầu bảo tồn.
Theo khảo sát dân số năm 2024, 51% người dân Hàn Quốc không theo tôn giáo nào, 31% theo Kitô giáo và khoảng 17% là phật tử. Dù tỷ lệ không cao, Phật giáo đang chứng kiến đà tăng trưởng nhanh trở lại tại Hàn Quốc, đặc biệt là trong giới trẻ, nhờ sức hấp dẫn từ trí tuệ, thiền tập và các giá trị tâm linh sâu sắc.
Tác giả: Craig C Lewis/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên
Nguồn: buddhistdoor.net
Bình luận (0)