Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Đặc biệt, Phật đản năm nay còn có ý nghĩa sâu sắc, mang đến cho Phật giáo Việt Nam thông điệp của sự cải tổ trên tinh thần đổi mới, tinh gọn bộ máy chính trị của đất nước, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Bài viết tập trung trình bày: Đức Phật ra đời là một sự kiện tất yếu; thông điệp của sự đổi mới, cải tổ trong Giáo hội.
Mục đích bài viết nhằm chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, ngày lễ mang ý nghĩa trọng đại của Phật giáo được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khoá: Đổi mới, cải tổ Giáo hội, đức Phật, đản sinh, kỷ nguyên mới, Phật giáo Việt Nam, thông điệp đổi mới.
Sự xuất hiện của đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên cuộc đời mở ra một cuộc cách mạng giải phóng con người thoát khỏi những tối tăm, khổ đau, chìm đắm trong vòng sinh tử, hướng con người đến mục tiêu giác ngộ và khởi nghiệp tự thân trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh.
Đức Phật ra đời đánh dấu bước ngoặt mang tính cách mạng trong tư tưởng, triết học, tôn giáo, mang đến sự an lạc, hạnh phúc, hoà bình, tình thương yêu cho nhân loại trên toàn thế giới.
Phật đản năm nay đánh dấu một sự kiện trọng đại mang tính toàn cầu của Phật giáo Việt Nam, đó là Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một vinh danh mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tin tưởng, giao phó trọng trách, nhiệm vụ quan trọng cho chính quyền Thành phố, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Phật đản năm nay không chỉ là sự trưởng thành và đáng tin cậy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất, hoà hợp của tu sĩ Phật giáo trên toàn thế giới, không phân biệt hệ phái Nam truyền, Bắc truyền… hướng về niềm tin của đức Giáo chủ Gotama.
Phật đản năm nay mang ý nghĩa thực tiễn, xu hướng tất yếu của Đảng và Nhà nước về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy: hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, một sự kiện mang tính lịch sử vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc; mà còn là thông điệp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sự đổi mới, tinh gọn, cải tổ của Giáo hội trong xu hướng đổi mới của đất nước.
Đức Phật ra đời là một sự kiện tất yếu

Một số người cho rằng đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên cuộc đời là một sự kiện ngẫu nhiên. Đó chỉ là quan điểm tính cá nhân của một số người chưa hiểu hết về đức Phật, chưa hiểu hết mục đích, hạnh nguyện, hoài bão cứu giúp chúng sinh của bậc Đạo sư. Nếu chúng ta tìm hiểu thật thấu đáo về những hạnh nguyện của Ngài trong suốt 80 năm hiện hữu trên cuộc đời với mục tiêu hướng con người đến sự giác ngộ và giải phóng con người khỏi những khổ đau tự thân, gửi đến thông điệp về tình thương yêu, hoà bình cho nhân loại thì chúng ta sẽ thấu hiểu mục đích cao cả mà Ngài xuất hiện trên cuộc đời, vì “an lạc, hạnh phúc, cho chư thiên và loài người”.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương tiện thứ hai đã xác quyết con đường, mục tiêu mà chư Phật nói chung, đức Giáo chủ Gotama nói riêng đã thể hiện: “…vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” [1]. Như vậy, mục tiêu của đức Phật đã được xác định rất rõ ràng trên lộ trình hướng về cõi Ta bà với những phương thức, kế hoạch, đề án cho một tiến trình mang tính lịch sử của nhân loại, cụ thể ở đây là sự ra đời của một tôn giáo - đạo Phật. Đó là sự thật mang tính lịch sử “không thể đảo ngược”, theo dòng lịch sử cách đây 2569 năm của một bậc Đạo sư với những đức tính phi thường so với một con người bình thường đã làm nên lịch sử của cuộc cách mạng đổi mới trong xã hội Ấn Độ, mở ra một trang sử mới của dân tộc Ấn Độ về tư tưởng, triết học cũng như về tôn giáo mới - Phật giáo thời bấy giờ.
Thật vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra và lớn lên trong hoàng cung, được hưởng mọi đặc quyền, lợi ích vốn có của một thái tử và một tương lai tươi sáng chờ sẵn chiếc ngai vàng cho thái tử Siddhàttha. Theo Lược sử Phật giáo Ấn Độ, thái tử Siddhàttha là con vua Tịnh Phạn và vương phi Ma Da nước Kapilavastu: “Vua nước này là Tịnh Phạn (Suddhodana), Vương phi là Ma Da (Maya) phu nhân, con gái vua A Nâu (Anu) nước Câu Ly (Koli), một nước nhỏ đối diện với nước Ca Tỳ La Vệ” [2]. Thái tử Siddhàttha sinh ra trong vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), địa điểm quan trọng đánh dấu một cột mốc mang tính lịch sử của nhân loại về con người hiện thực vĩ đại của Phật giáo: “Một hôm Ma Da phu nhân ra dạo chơi vườn thì sinh thái tử dưới gốc cây Vô Ưu (Asoka) nhằm ngày mồng 8 tháng 4 năm 624 trước tây lịch” [3].
Thái tử Siddhàttha nhận thấy cuộc sống con người vốn không có lối thoát trong kiếp luân hồi sinh tử, con người luôn bị sự nguy hại của cái sinh, già, bịnh, chết, bị trói buộc trong danh vọng, địa vị, tài, sắc, quan chức… Ngài đã tự hỏi làm sao thoát khỏi sự sinh, già, bệnh, chết?
Con đường nào để chấm dứt sự khổ đau cho mình và chúng sinh? Làm cách nào để chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn, Niết bàn?
Giá trị của con người trong cuộc sống nhân sinh là gì? Con người sinh ra trong cuộc đời để làm gì, khi con người cứ loay hoay trong vòng sinh, già, bệnh, chết?
Bao nhiêu câu hỏi tự vấn trong tư tưởng của Ngài về những vấn đề nhân sinh và con đường giải thoát của nhân loại, đã đánh thức lòng Từ bi, lòng thương tưởng vô hạn đối với chúng sinh của Thái tử Siddhàttha. Một dấu chấm hỏi lớn đã đặt ra trên bàn nghị sự trong tâm thức, Ngài đã thao thức nhiều đêm dài và cuối cùng quyết định dấn thân vào con đường tìm cầu chân lý nơi chốn u tịch, núi rừng, để mong cầu an trú cảnh giới giải thoát và phương pháp giải cứu cho chúng sinh.
Câu chuyện ở đây là sự tìm cầu chân lý của Ngài bắt đầu từ đâu để trải nghiệm cuộc sống tu hành như kỳ vọng đã đặt ra?
Con đường khởi nghiệp tự thân của Ngài trải qua nhiều gian nan, thử thách, tìm cầu học đạo, tu tập với các vị thầy Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Song, các pháp mà các vị thầy đó đem lại không thoả mãn được những mục tiêu đưa đến sự giải thoát tự thân, thoát khỏi sinh tử: “…pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn…”[4]. Từ đó, Ngài cho rằng chỉ có con đường khởi nghiệp của tự thân mới có thể mang đến sự đột phá trong phương thức tu tập tìm ra ánh sáng của sự giác ngộ và Ngài đã quyết định tự tìm cầu, khám phá chân lý từ nội tâm của chính mình dưới gốc cây Tất - bà - la bên bờ sông Ni liên thuyền (Naira-njanà).
Lời phát nguyện vĩ đại của bậc Đạo sư hết sức mãnh liệt, thiết tha, thể hiện ý chí kiên cường, kiên định, quyết chí tìm cầu cho được chân lý tối thượng bằng sự trả giá chính bản thân mình: “Nếu ta ngồi toà này mà không chứng được đạo Vô thượng Bồ Đề, thì thân này dù nát, ta cũng quyết không chịu đứng dậy” [5]. Thực tiễn đã chứng minh cho thấy lời phát nguyện của Ngài đã đạt được những thành tựu như kỳ vọng đặt ra sau 49 ngày thiền định. Trong kinh Thánh Cầu, Trung bộ I, Ngài đã nói: “…ta tự mình bị sinh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh, tìm cầu cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn và đã chứng được cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn…sự giải thoát của ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của ta, không còn sự tái sinh nữa” [6].
Sự kiện đức Phật đản sinh và thành đạo là một sự kiện tất yếu phù hợp với quy luật của sự vận động và phát triển của xã hội Ấn Độ. Đức Phật ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mang tính cách mạng trong nhận thức, tư duy của con người với những quan điểm tiến bộ. Đó không những làm thay đổi quan điểm của xã hội phân biệt giai cấp hết sức nặng nề, sự bất bình đẳng trong xã hội, bị thống trị bởi những tư duy thần quyền kết hợp với vương quyền, năng lực tối cao của đấng sáng tạo Brah mà được tạo ra bởi thế lực của giai cấp thống trị và Bà la môn đầy quyền lực; đồng thời đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của sự đổi mới về tư tưởng, triết học, tôn giáo và sự hình thành một tôn giáo mới phù hợp với sự phát triển của xã hội lúc bấy giờ.
Sự ra đời của đức Phật gửi đến bức thông điệp cho toàn thể tín đồ Phật giáo nói riêng, nhân loại toàn thế giới nói chung về những vấn đề nhân sinh quan, thế giới quan, giải thoát luận của Phật giáo hết sức sâu sắc; đồng thời gửi đến bức thông điệp cho con người về những vấn đề của thời đại:
Thứ nhất, đức Phật mang đến một cuộc cách mạng về sự bình đẳng giới trong xã hội, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng “không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ”. Trong kinh Tiện dân, câu 136, đức Phật đã phản bác lại luận điểm trọng nam khinh nữ của giai cấp Bà la môn: “Không ai sinh ra là tiện dân, không ai sinh ra là Bà la môn. Do hành vi mà con người thành tiện dân, do hành vi mà con người thành Bà la môn”. Quan điểm của đức Phật mở đầu cho một tiến trình hướng đến quyền bình đẳng giới về sau ở cấp độ quốc tế, phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về quyền con người: “Mọi người sinh ra tự do, bình đằng về quyền lợi”, không phân biệt “chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc kiến giải khác, quốc tịch hoặc xuất thân xã hội, tài sản, xuất sinh hoặc thân phận khác” [7]; đồng thời phù hợp với Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Hướng đến mục tiêu: “Xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” (Luật số 73/2006/QH11).
Thứ hai, thông điệp mà đức Phật gửi đến cho con người đó là, Phật giáo yêu chuộng hoà bình, một tình yêu thương đồng loại trên toàn thế giới, mọi người hãy đoàn kết yêu thương nhau trong cuộc sống; nhất là sự thay đổi địa chính trị của các nước Trung Đông, châu Phi, Ukraine, Nga… hiện nay đã dẫn đến các cuộc chiến tranh, gây chết chóc, đói nghèo, bịnh tật... Do đó, Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc là bức thông điệp cho sự đoàn kết, yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chấm dứt chiến tranh, mang lại hoà bình cho nhân loại. Sự xuất hiện của đức Phật là vì: “Lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [8].
Thứ ba, đức Phật ra đời với mục đích đưa nguyên lý giác ngộ đi vào cuộc sống nhằm hướng dẫn con người đạt đến mục tiêu của sự giác ngộ để tìm ra nguyên nhân chấm dứt những khổ đau để tự giải phóng chính mình khỏi nghiệp thức sinh tử và thực chất đưa đạo Phật đi vào chiều sâu của cuộc sống hơn là những lý thuyết mang tính sáo rỗng, nhưng trong Đại kinh Sư tử hống đã trình bày, tán thán về pháp của đức Thế Tôn: “Pháp ấy được thuyết giảng cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng dẫn người thực hành diệt tận khổ đau” [9].
Thứ tư, đức Phật ra đời với thông điệp của sự đổi mới trong tư duy, nhận thức, mang đến luồng gió mới với những quan điểm tiến bộ về tư tưởng, tôn giáo trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đặc biệt, Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc năm nay được tổ chức tại Việt Nam, mang ý nghĩa hết sức sâu sắc cùng với những chuỗi sự kiện trọng đại của đất nước: kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam Việt Nam (30/04/1975); kỷ niệm ngày quốc tế lao động 01/05; cùng với đó là sự kiện Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, tinh gọn bộ máy chính trị, đưa dân tộc ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới và đặc biệt đối với Phật giáo.
Phật đản năm nay còn là bức thông điệp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam về sự cần thiết của sự đổi mới, cải tổ, tinh gọn bộ máy quản lý của Giáo hội các cấp bước vào kỷ nguyên mới vươn mình cùng với đất nước trong thời đại mới.
Chính vì vậy, Phật đản năm nay không chỉ mang ý nghĩa là kỷ niệm ngày đức Phật giáng sinh, mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa hết sức sâu sắc, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước và thông điệp về sự đổi mới của Giáo hội.
Thông điệp của sự đổi mới, cải tổ trong Giáo hội

Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc năm nay, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, không những gắn liền với những sự kiện quan trọng của đất nước, là bức thông điệp cho sự đổi mới, cải cách, thay đổi trong Phật giáo cho phù hợp với thực tiễn xã hội.
Sự đổi mới của Phật giáo không chỉ xuất hiện trong giai đoạn hiện đại, mà từ thuở bình minh của đạo Phật, khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài cũng đã biết trước những quy luật thay đổi của xã hội hết sức sâu sắc.
Quy luật của cái cũ không phù hợp sẽ bị triệt tiêu để thay thế những cái mới ra đời phù hợp với xã hội mới, là một xu hướng tất yếu của sự vận động và phát triển. Do đó, trước khi nhập Niết bàn, đức Phật đã dạy rằng: “Này Ànanda, nếu chúng Tăng muốn, sau khi Ta diệt độ, có thể huỷ bỏ những học giới nhỏ nhặt chi tiết” [10]. Điều đó, cho chúng ta có một cái nhìn sâu sắc về đức Phật, Ngài không phải là một vị Đạo sư cố chấp, bảo thủ, duy trì quan điểm của mình là luôn luôn đúng với mọi thời đại, mà giáo lý của Ngài đôi lúc cần được thay đổi để phù hợp với thực tiễn xã hội; nếu chúng Tăng nhận thức được rằng những vấn đề nào không còn phù hợp thì chúng đệ tử có thể thay đổi.
Thật vậy, sau khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn 100 năm, Tăng đoàn bắt đầu manh nha cho tiến trình đổi mới, cải cách trong Phật giáo đã diễn ra trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 2 tại thành Vesali (Phệ Xá Li) giữa hai quan điểm Thượng toạ bộ (Thera) thuộc trường phái bảo thủ và Đại chúng bộ (Mahàsamghika) thuộc trường phái canh tân. Mặc dù, sự đổi mới, cải cách đó còn gặp nhiều trở ngại, phản đối của các vị Trưỡng lão thuộc phe bảo thủ. Song, nếu nhìn ở giác độ khoan đại, tiến bộ của xã hội tương lai thì có thể là phù hợp. Chẳng hạn, sự khuyến hoá tín đồ đem cúng dường tiền bạc của phe Đại chúng bộ không phải là không có lý, nhưng bị phe Thượng toạ bộ phản đối.
Tuy nhiên, khi Phật giáo ngày càng phát triển, việc xây dựng chùa chiền, tháp thờ Xá Lợi, nuôi dưỡng Tăng chúng…tất cả đều cần đến sự cúng dường tiền bạc. Tiền đã trở thành một phương tiện trao đổi đa năng để đơn giản hoá các hoạt động thương mại của các quốc gia. Thực tế trong xã hội ngày nay, không có vị Tăng, Ni nào xây dựng chùa, tháp, học viện Phật giáo…mà không cần đến tiền, bạc? Dù rằng, đó là một vị Pháp chủ, Tăng thống, thuyết pháp rất hay cũng không thể “hô biến” mà thành ngôi chùa, học viện to lớn? Do đó, sự đổi mới, cải cách của phe canh tân (Đại chúng bộ) trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ hai, là tiền đề quan trọng cho sự đổi mới, cải cách của Phật giáo phát triển trong những giai đoạn về sau.
Ở Việt Nam, trong thời đại nhà Trần, sự ra đời của Giáo hội Trúc Lâm, mà đứng đầu là Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho thấy tầm nhìn chiến lược trong sự đổi mới, cải cách Phật giáo về mặt quản lý con người, cơ sở vật chất chùa chiền, tu viện của Phật giáo là hết sức quan trọng. Sự quản lý riêng lẻ của các trường phái Phật giáo như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, phái Vô Ngôn Thông, phái Thảo Đường… không còn đủ sức quản lý Tăng Ni, tự, viện… trong một xã hội ngày càng phát triển, rộng mở về quy mô cũng như tính chất. Nội bộ tu sĩ Phật giáo ngày càng trở nên phức tạp, khó quản lý, Phật giáo sẽ trở nên nguy ngập, nếu không học tập và thủ trì giới luật. Do đó, Thiền sư Pháp Loa đã quyết định cải tổ trong việc thụ giới cho Tăng Ni ba năm một lần: “Giới đàn được tổ chức ba năm một lần và mỗi lần số người xin thụ giới bị thải ra có đến hàng nghìn người” [11], với mục đích thanh lọc tu sĩ trong bối cảnh “vàng thao lẫn lộn” làm ảnh hưởng đến niềm tin của Phật giáo nói chung, Giáo hội Trúc Lâm nói riêng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/ 4 /1975, Phật giáo Việt Nam trên tinh thần thống nhất, đoàn kết, hoà hợp, bằng quyết định thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào năm 1981. Việc hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trước đó, bỏ qua những thành kiến, bất đồng quan điểm, trong một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một bước ngoặt mang tính lịch sử. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, thay đổi về mọi mặt của đời sống xã hội, chính trị, kinh tế…thì việc đổi mới, cải tổ của Phật giáo nói chung, Giáo hội nói riêng là điều tất yếu trong sự phát triển của xã hội.
Một số người theo quan điểm bảo thủ, cố chấp cho rằng Phật giáo là một tôn giáo thì không có gì phải thay đổi, cải tổ. Song, đối với xã hội ngày nay thì “không có gì là không thể xảy ra” khi điều kiện lịch sử đã có sự chuyển biến, vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Nhất là trong thời đại công nghệ số, trí tuệ nhân tạo AI phát triển vượt bậc, đưa con người vượt ngoài giới hạn của tư duy nhận thức. Người ta vẫn trung thành với tư duy toán học cổ điển khi cho rằng 1 + 1 = 2 là một chân lý tuyệt đối, không thay đổi trong toán học thông thường. Tuy nhiên với kỹ thuật “tính toán thời gian suy luận” hay còn gọi là DeepSeek đã có thể thay đổi cách nhận thức, tính toán, là đối tác trí tuệ giúp chúng ta khám phá những cái mới đi ngược với truyền thống cổ điển; chẳng hạn như: 1 + 1 = 3, mà không phải bằng 2.
Xem qua có vẻ phi lý, như đối với DeepSeek thì không có gì là phi lý; nếu chúng ta thay đổi bối cảnh, thay đổi định nghĩa của phép cộng, các hệ thống số khác nhau, sẽ tác động đến sự thay đổi kết quả của nó. Điều này, cho chúng ta một cách tiếp cận mới trong cuộc sống con người cần phải nhận thức vấn đề từ nhiều phía, nhiều góc độ khác nhau, đôi khi đi ngược lại với những truyền thống sẵn có, những điều mà chúng ta cho là phi lý nhưng cũng có thể xảy ra trong cuộc sống. Vấn đề là con người có dám thay đổi nó để tiến bộ, phát triển. Câu hỏi được đặt ra là, mọi nguyên tắc truyền thống, có luôn luôn đúng trong mọi bối cảnh?
Vì vậy, thông điệp của đức Phật đối với sự đổi mới, cải tổ của Giáo hội hiện nay là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong bối cảnh những năm gần đây trên không gian mạng, Phật giáo trở thành đối tượng bị đả phá, công kích, làm suy yếu niềm tin của Phật giáo, trong đó có thể nói, một phần trách nhiệm thuộc về các cấp quản lý của Giáo hội. Vì vậy, Phật đản năm nay còn có ý nghĩa về cải tổ, đổi mới trong Giáo hội được thực chất: hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, để vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc trong sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh.
Tóm lại, sự kiện đức Phật xuất hiện và thành đạo đã trở thành một sự kiện hy hữu trên cuộc đời, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại đối với đạo Phật tại xứ Ấn Độ nói riêng, Phật giáo toàn nhân loại nói chung. Đức Phật không những chuyển vận nguyên lý giác ngộ trong lòng mọi người và giúp con người tự giải phóng những khổ đau, phiền não bị trói buộc trong vòng sinh tử, mà còn gửi bức thông điệp cho nhân loại về quyền bình đẳng con người, mang thông điệp hoà bình cho nhân loại, tình yêu thương con người trong bối cảnh ngày nay còn nhiều bất ổn, chiến tranh, đói nghèo, bịnh tật…
Đặc biệt, Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc năm nay được tổ chức tại Việt Nam còn gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước; cùng với đó là công cuộc đổi mới, tinh gọn bộ máy chính trị của Đảng và Nhà nước ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, một sự kiện mang tính lịch sử của dân tộc. Phật đản năm nay không những là sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế đối với Phật giáo Việt Nam, mà nó còn là bức thông điệp trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần thiết phải đổi mới, tinh gọn, sắp xếp trong quản lý hoạt động của Giáo hội các cấp. Đó là những nhiệm vụ, trọng trách hết sức to lớn của các cấp lãnh đạo Giáo hội trong công cuộc đổi mới, cải tổ mang tính toàn diện của bộ máy Giáo hội thực chất đi vào chiều sâu của việc đổi mới.
Tuy nhiên, việc đổi mới đó có thực chất mang tính toàn diện, đi vào chiều sâu hay chỉ là hình thức của tiến trình đổi mới? Còn là một dấu chấm hỏi lớn đối với giới lãnh đạo Phật giáo hiện nay trong quá trình cải tổ, sắp xếp, tinh gọn bộ máy Giáo hội. Giáo hội các cấp có thực sự quan tâm, tiếp nhận, mở rộng vòng tay để tuyển chọn, giới thiệu, cơ cấu Tăng Ni có trình độ, học vấn, có phẩm chất đạo đức vào trong bộ máy hoạt động của Giáo hội hay không vẫn còn là nỗi bâng khuâng lớn của nhiều tu sĩ thế hệ trẻ hiện nay đang trông chờ vào sự cải tổ, đổi mới thực sự và mạnh mẽ của Giáo hội.
Tác giả: Thượng tọa Thích Lệ Quang
Tài liệu tham khảo:
[1]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, tập 1, NXB. Tôn giáo, 1992.
[2]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, tập 1-2, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, 1992.
[3]. HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, NXB. Tôn giáo, 2013.
[4]. HT. Thích Thanh Kiểm, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, 1972.
[5]. Https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
[6]. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, II, III, NXB. Văn học, Hà Nội, 2000.
[7]. PGS, TS. Doãn Chính, Từ điển Triết học tôn giáo Ấn Độ, NXB. Khoa học xã hội, 2024.
[8]. Thích Trí Tịnh (dịch), kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phương tiện – thứ 2, NXB. Tôn giáo, năm 2019.
Chú thích:
* TS, Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Trí Tịnh (dịch), kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm Phương tiện – thứ 2, Nxb. Tôn giáo, năm 2019, tr.66.
[2]. HT. Thích Thanh Kiểm (1972), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, tr.30
[3]. HT. Thích Thanh Kiểm (1972), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, tr.31.
[4]. HT. Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung bộ, tập 1, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ấn hành, tr. 370.
[5]. HT. Thích Thanh Kiểm (1972), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, NXB. Quê hương, tr.35.
[6]. Sđd, tr. 374.
[7] Https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
[8]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 1, NXB. Tôn giáo, tr. 116.
[9]. HT. Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung bộ, tập 1, NXB. Tôn giáo, tr. 102.
[10]. Đại tạng kinh Việt Nam- Nam truyền, Kinh Đại bát Niết bàn, Kinh Trường bộ, tập 1, NXB. Tôn giáo, tr.337.
[11]. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, II, III, NXB. Văn học, Hà Nội, tr.319.
Bình luận (0)