Tác giả: Lê Thị Kết
Địa chỉ: Ngõ 15, Đường Đa Lộc, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Thả diều để bay lên, chứ đừng gây hiểm nguy
Vào những buổi chiều hè, hình ảnh những cánh diều lượn lờ trên nền trời xanh luôn gợi nhắc đến một miền ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ.
Thả diều không chỉ là một trò chơi dân gian truyền thống, mà còn là biểu hiện của sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên, là khoảnh khắc thư giãn cho cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Tuy nhiên, sau những cánh diều bay cao kia cũng ẩn chứa không ít nguy hiểm nếu người chơi thiếu ý thức và thờ ơ với các quy định an toàn.
Tại các vùng quê, hay tại các đô thị thi thoảng tôi vẫn thường bắt gặp khá nhiều những em nhỏ và người lớn chơi trò thả diều tại cánh đồng, bờ đê, các bãi đất trống, vườn hoa công viên, hay thậm chí là ven đường giao thông... Việc vui chơi bằng hình thức thả diều là khá lành mạnh, vui nhộn..., và không có gì đáng nói, nếu như trò tiêu khiển này không diễn ra ở gần đường dây tải điện, trạm biến áp, lề đường giao thông…
Như chúng ta đều biết rằng, việc chơi thả diều tại khu vực cánh đồng, bờ bãi, hay ở những khoảng đất trống rộng mênh mông, công viên vườn hoa - nơi không có đường dây tải điện chạy qua sẽ an toàn.
Thực tế tôi thấy không ít các em nhỏ nói riêng và mọi người lớn chơi thả diều nói chung, vẫn còn thả diều ở những nơi gần đường điện, trạm biến áp, đường giao thông… rất dễ gây nên những hậu họa khó lường.
Chẳng hạn, nếu việc thả diều gần hành lang an toàn lưới điện, trạm biến áp, thì nguy cơ mất an toàn về điện là rất dễ xảy ra, khi chỉ cần con diều đang bay rồi bất thình lình nhào xuống thấp, rồi vướng vào dây điện cao áp đang vận hành là có thể dẫn đến chập điện gây cháy nổ. Từ nhiều năm qua đã có không ít vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do người chơi diều để con diều vướng vào đường dây tải điện dẫn tới chập, cháy nổ, làm ảnh hưởng tới hoạt động truyền tải điện khiến nhiều hộ dân, nhà máy trong vùng phải chịu cảnh mất điện, gây thiệt hại vật chất đáng kể! Thậm chí, có vụ người chơi diều bị thương tích do trèo lên cột điện để gỡ diều bị mắc vào đó, rồi bị điện giật, bị trượt ngã...
Hậu quả đã từng xảy ra không chỉ một lần. Điển hình, tại huyện Gia Lâm (Hà Nội), một học sinh lớp 7 đã bị bỏng nặng do trèo lên cột điện để gỡ diều mắc phải. Tại TP.HCM, một vụ chập điện xảy ra do diều vướng vào đường dây trung thế khiến cả khu phố mất điện trong nhiều giờ. Những thiệt hại về người và tài sản từ các sự cố này là lời cảnh báo nghiêm khắc cho sự chủ quan của người chơi và sự buông lỏng quản lý tại một số địa phương.
Theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với cá nhân và lên tới 20 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, mức phạt chưa đủ sức răn đe nếu thiếu đi nhận thức đúng đắn từ mỗi người dân.

Giáo dục ý thức: gieo nhân tỉnh thức từ tuổi nhỏ
Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là vun trồng những hạt giống ý thức trong tâm hồn trẻ thơ. Dạy trẻ biết thả diều đúng nơi, đúng cách không đơn thuần là dạy một quy tắc an toàn, mà còn là cách gieo vào lòng các em hạt giống của trách nhiệm, tỉnh thức và từ bi.
Trong mỗi hành động nhỏ, từ việc chọn nơi chơi an toàn, quan sát xung quanh, đến việc nhường không gian cho người khác chính là dạy trẻ đang học cách chính niệm trong từng bước đi, từng hơi thở. Đây chính là nền tảng để sau này, các em biết sống hòa hợp, biết cân nhắc trước khi hành động, và biết quan tâm đến sự an toàn của người khác chứ không chỉ của riêng mình.
Nếu ngay từ nhỏ, trẻ được giáo dục với ánh sáng của chính niệm, thì tương lai xã hội sẽ có nhiều người trưởng thành sống biết yêu thương, biết giữ gìn sự sống – từ sự sống của bản thân đến của cộng đồng, thiên nhiên và vạn vật.
Phụ huynh không cần trở thành người răn đe, mà hãy là người đồng hành cùng con đi ra cánh đồng gió, chọn một khoảng trống an toàn, lắng nghe gió, dạy con thấu hiểu nguyên lý vận hành của tự nhiên và lòng người.
Khi đó, mỗi buổi chơi diều sẽ không chỉ là vui chơi, mà là một buổi “pháp thoại ngoài trời”, nơi trẻ học đạo giữa thiên nhiên.
Cánh diều và bài học giữa trời xanh
Một thiền sư từng ví von: “Tâm người như cánh diều – nếu không được neo bằng dây chính niệm, sẽ lạc trong mê lộ vọng tưởng.” Câu nói ấy không chỉ là một hình ảnh ẩn dụ thi vị, mà còn là một lời cảnh tỉnh sâu sắc.
Một cánh diều, tưởng chừng vô tri, nhưng lại phản chiếu chính tâm thức của người thả. Khi cánh diều được giữ vững, bay trong không gian an toàn, là lúc tâm người cũng đang an trú giữa cuộc đời. Nhưng khi nó bay lạc vào vùng cấm: dây điện, lề đường, hoặc những nơi nguy hiểm thì đó cũng là dấu hiệu cho thấy tâm thức đang buông lung, bất cẩn và thiếu tỉnh thức.
Hình ảnh ấy cũng là hình ảnh báo trước của một người trưởng thành mai sau – khi đứng trước giông tố của đời, biết vững tay chèo lái con thuyền gia đình qua những đợt sóng lớn nhỏ, không để chòng chành, không để đắm chìm. Và sợi dây giữ cánh diều hôm nay, sẽ là sợi dây của chính niệm, của tình thương, của trí tuệ, gắn kết những người thân yêu trong mái ấm tương lai.
Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương có dạy: “Người khéo điều phục tâm mình, như người giữ ngựa thuần thục, thì sẽ vượt qua được mọi hiểm nguy.” Giữ được một cánh diều bay đúng đường cũng là giữ được lòng mình trong chính pháp – không để sa vào vô minh, không để lạc giữa cơn gió tham - sân - si - mạn - nghi cuốn trôi.
Và như thế, chỉ từ một trò chơi tưởng chừng ngây thơ, trẻ em có thể học cách làm người, còn người lớn có thể học lại chuyển hóa trong sự khiêm cung và tỉnh thức.
Hãy để ký ức tuổi thơ được dệt nên từ những ngày bình yên, nơi những cánh diều bay no gió, không chen giữa dây điện chằng chịt, không nhào lộn giữa dòng xe cộ nguy hiểm. Bởi khi trẻ em được lớn lên trong tình thương và sự hiểu biết, thì chính là lúc chúng ta đang gieo những hạt giống an lạc cho mai sau, cho cả một xã hội không chỉ văn minh mà còn thấm đẫm đạo lý.
Tác giả: Lê Thị Kết
Địa chỉ: Ngõ 15, Đường Đa Lộc, Thôn Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Bình luận (0)