Khởi nguồn từ Ấn Độ, Phật giáo như dòng suối thanh lương bất tận, dần dần lan toả sang các quốc gia láng giềng. Khi du nhập vào quốc gia nào, thì Phật giáo đều tuỳ theo điều kiện, tập tục, văn hoá tín ngưỡng của các quốc gia đó mà có những hình thái, cách thức để tồn tại và phát triển.
Khi du nhập vào Trung Quốc khoảng những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời và là một trong những nền văn minh lớn của nhân loại, Phật giáo thâm nhập ngày một sâu rộng vào đời sống văn hóa Trung Hoa, trong đó có văn học.

Văn học được phát triển ở Trung Quốc và có một kho tàng phong phú với nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng như: Lỗ Tấn, Vương Duy, Khổng Tử… các nhà nghiên cứu văn - sử Trung Hoa cho rằng, nếu thẩm định và liệt kê ra mười nhà thơ xuất sắc đại diện cho văn học thời Đường thì không tính Trương Kế nhưng nếu xét mười bài thơ có sức ảnh hưởng đến thi văn nội ngoại, thì không thể không kể đến Phong Kiều dạ bạc của Ông.
Chỉ một tứ thơ làm nên một tầm vóc, chỉ một lần rũ lòng ở bến Phong Kiều cũng đủ làm nên một Trương Kế lưu danh thiên cổ.
Cái hay của bài thơ không chỉ nằm ở tài hoa cảnh trí hay hàm ý xa xôi, cũng không nằm ở nỗi tiếc nuối thời cuộc hay sự day dứt ngổn ngang, mà ở cụm từ “chung thanh” tưởng như vô nghĩa nhưng lại đầy triết lý.
Sức gợi của “tiếng chuông” vọng bên bến Giang Phong không chỉ làm nhà thơ khi ấy chợt thổn thức rồi bừng tỉnh, mà còn khiến hậu thế nghìn năm sau vẫn hết lời tán tụng vì ý tứ diệu vợi, thâm sâu.
Chính lẽ đó tác giả chọn đề tài: “Hình tượng tiếng chuông trong tác phẩm Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế” nhằm phân tích, bộc lộ rõ hình ảnh và ý nghĩa tiếng chuông trong tác phẩm nói riêng và trong thiền môn Phật giáo nói chung.
Sơ lược về tác giả
Trương Kế 張繼 (?-779) tự Ý Tôn 懿孫, người Tương Châu 襄州, đỗ Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 12 (754), là nhà thơ thời Trung Đường có tiếng với bài Phong Kiều dạ bạc, tuyển biên từ tập Toàn Đường thi. Theo những ghi chép còn sót lại, chỉ biết ông đỗ Tiến sĩ cập đệ vào năm Thiên Bảo thứ 12 (754). Giữa năm Đại Lịch, ông chuyển từ chức Từ bộ viên ngoại lang 祠部員外郎 sang làm Diêm thiết phán quan 鹽鐵判官 ở Hồng Châu, chỉ hơn một năm thì Trương Kê lâm bệnh tạ thế. Bạn ông là Lưu Trường Khanh 劉長卿 có viết bài Khốc Trương Viên ngoại Kế 哭張員外繼 để điếu ông, trong đó có câu: “Thế nan sầu quy lộ, Gia bần hoãn táng kì” (世難愁歸路,家貧緩葬期 - Sống trên đời khó khăn buồn tìm đường về, Gia cảnh bần hàn nên phải lừ khừ kì đưa tang). Có thể thấy, ngoài một đời thanh khiết, Trương Kế còn lận đận trên con đường quan lộ. Thơ văn của ông không nhiều, chưa đến 50 bài và được gom lại thành tập Trương Từ Bộ thi tập 張祠部詩集. Tuy nhiên, văn ý trong đó chủ yếu giản dị, đa phần là cảnh trí đơn thuần cho nên ít được người đời chú ý, chỉ có bài Phong Kiều dạ bạc 楓橋夜泊 được lưu truyền và tôn tụng như áng thi ca bất hủ.

Căn cứ theo sách Đường tài tử truyện 唐才子傳 quyển 3 có chép, sau khi diễn ra loạn An Sử năm 755, vì nghiễm thấy chính cục vùng Giang Nam khi đó tương đối bình ổn, nên không ít kẻ sĩ đã tháo thân chạy đến vùng Giang Tô, Triết Giang lánh loạn, trong số ấy có Trương Kế. Vào giữa đêm thu tĩnh mịch, nhà thơ đậu thuyền ở bến Phong Kiều ngoài thành Tô Châu. Một phần vì cảnh sắc nơi đây mười phần thanh nhã, lại bởi chính trường phái thơ mà Trương Kế theo đuổi lúc ấy (羈旅詩 Ki lữ thi) thúc tâm, nên Ông đã cầm bút trứ nên vài lời lưu hạ. Cũng có thuyết cho rằng, trong đời quan trường của Trương Kế, vì không được hanh thông nên có vài lần ứng thí, ông đều trượt cả. Trong một lần trượt, nhân khi về quê và ngang bến Phong Kiều, ông đã tức cảnh vì tủi cho phận mình lại vừa yêu mến thiên sắc tịch mịch đêm thu ngay bến cô liêu mà sáng tác nên thi phẩm này.
Hiểu theo nguồn gốc nào thì xét về tâm thức, khi trứ tác nên Phong Kiều dạ bạc, bản thân nhà thơ đã mang trong mình tâm thế của một kẻ thất thế.
Môi trường ngoại quan cộng hưởng với nội quan đã xúc tác, đan quyện với nhau tạo nên một Phong Kiều dạ bạc bất hủ với hậu thế.
Phân tích hình tượng, nguồn gốc tiếng chuông trong tác phẩm

Điểm đặc biệt của bài thơ nằm ở bút pháp “dĩ tĩnh tả động” 以靜寫動, bên cạnh hình ảnh tĩnh, xuất hiện hình ảnh động. Tuy nhiên, cái động trong bài thơ không mang nghĩa náo động, phá vỡ không gian hơi thu tiêu sâm mà như bổ khuyết cho cái tĩnh. “Nguyệt lạc” là tĩnh, “ô đề” là động, “sương mãn thiên” là tĩnh, “giang phong” là tĩnh, “ngư hỏa” là động, “sầu miên” là tĩnh. Sự đăng đối nhịp nhàng giữa động và tĩnh tạo nên không khí trầm mặc đến nghẹt thở, đó là nét đối nghịch giữa âm và dương, sáng và tối, động và tĩnh. Thủ pháp này trong thơ Đường không hiếm nhưng vì cách chọn hình ảnh của Trương Kế quá chọn lọc, mang tính đặc tả nên đã tác động trực diện tâm khảm người đọc.
Hình ảnh “con quạ kêu sương” không những không làm náo động được bầu không gian, không thay đổi tính chất u uẩn của không khí đêm thu mà còn như một tiếng nấc, tiếng thét thình lình giữa đêm tối, khiến màn đêm như thêm phần hãi hùng. Từ liên tưởng “nguyệt xuất kinh sơn điểu” 月初驚山鳥 (Trăng mọc làm kinh hãi lũ chim trong núi) của Vương Duy có thể suy rằng, trong không gian tịch lặng, việc trăng tà cũng làm cho quạ sợ hãi mà thét lên một tiếng não nùng trong đêm?
Ngoài cụm “ô đề”, hình ảnh “giang phong” cũng gợi nỗi buồn không ít cho không gian sương thu khi ấy. Nhắc đến phong, là nhắc đến sự lụi tàn, kết thúc của một chu kì thời gian định hạn, bởi vậy trong thơ cổ, việc chọn “phong” để đặc tả nỗi buồn không mới nhưng cũng không nhàm. Chính không gian đượm nỗi bi ai này, hoà quyện cùng mạch sầu trong tâm thức thi sĩ khiến cơn sầu như từng đợt sóng trào lên không dứt. Điểm đặc biệt về không gian ở hai câu khai - thừa gây ấn tượng ngay lập tức với người đọc, giúp bài thơ trở nên đặc biệt.

Cuốn Thơ Đường của Trần Trọng San ghi, có một truyền thuyết khá lãng mạn về bài này. Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:
Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì hai câu thơ mình mới nghĩ ra:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thuỷ để bán phù không
Nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật hai câu thơ của chú tiểu ăn khớp với hai câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:
Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “ ...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”.
Nội dung bài thơ chứa đựng muôn vàn uẩn sự, phản ánh mô tả những trạng huống tang thương: Trăng lặn gợi lên hình ảnh một xã hội xuống dốc, tiếng quạ kêu thống thiết như tiếng con người rên xiết lầm than trong thời tao loạn, màn sương che phủ trời đất tối tăm, trăng chiếu nhạt mờ ít ỏi dùng ngọn lửa chài leo lét tựa bóng ma trơi vất vưởng lang thang. Những cây phong ven sông cũng rì rào điệp khúc ai oán, thành Cô Tô say giấc triền miên. Bỗng nhiên, âm hưởng nhặt khoan đưa tới, tiếng chuông chùa Hàn Sơn thanh thoát như từng giọt nước cam lồ thấm đậm, xoa dịu nỗi trầm tư muộn phiền của kẻ thất thời bôn tẩu, đang nằm co ro khắc khoải giữa khoang thuyền lạnh giá đìu hiu…
Bài thơ của Trương Kế, tiếng chuông (chung thanh) kết lại ở câu cuối vừa như một dấu chấm lại vừa như một dấu ba chấm. Dấu chấm cho sự phiền não và dấu ba chấm cho sự tăng trưởng về trí tuệ, tức bản thân tác giả có thể sau bài thơ này đã tìm được cho mình hướng đi giác ngộ giữa thời cuộc nhiễu nhương.
Tiếng chuông của Phong Kiều dạ bạc giữ ba nét nghĩa chính: Thứ nhất là tiếng chuông tả thực được tái hiện bằng ngôn ngữ thơ giàu chất gợi. Thứ hai là tiếng chuông Bát nhã biểu trưng cho giáo lý giải thoát và tỉnh giác của nhà Phật. Thứ ba là tiếng chuông tự tâm tượng trưng cho sự bừng ngộ các giá trị nhân sinh lẫn phương hướng bản thân. Hình tượng đối lập với thực tế phũ phàng được gợi từ sắc thu, cảnh thu và hoàn cảnh thực tại trước đó (biểu hiện qua cụm “sầu miên” 愁眠). Không chỉ khiến Trương Kế thức tỉnh, tiếng chuông còn lay động cả tâm trí người đọc, như xoá tan cảm xúc bi ai từ hai câu khai-thừa trước đó. Vì xuyên suốt bài thơ, chỉ có tiếng chuông này là cái động đúng nghĩa và duy nhất phá tan sự lạnh lẽo, âm u của bầu không gian sầu bi.
Tiếng chuông với sự thức tỉnh trong Phật giáo
Chuông Phật trong tiếng Phạn gọi là Ghantā, thuộc nữ tính. Người hoa dịch là chung, khánh. Sách Ngũ Phần Luật, quyển 18 có ghi: “Thời Phật Đà, có một lần tăng đoàn làm lễ Bố Tát chưa thể kịp thời tập hợp, bèn tới một nơi hoang vắng toạ thiền hành đạo. Khi đó đức Phật bèn bảo rằng phải gõ Ghantā, hoặc gõ trống, thổi ốc để tập hợp”.
Một chương khác trong sách này cũng có kể lại: “Các vị Tỳ kheo không biết làm thế nào để dùng gỗ làm Ghantā, vì thế bạch với đức Phật. Đức Phật nói: “trừ cây sơn và các loài cây độc ra, còn các loại cây gõ phát ra tiếng, đều có thể làm được”. Vì thế, những nơi không có kim loại thì họ dùng thân cây rỗng để thay chuông và sau này người ta làm bé đi thành mõ để giữ nhịp khi tụng Kinh.
Phật giáo đã sử dụng chuông rất sớm, bởi đó là pháp khí hữu hiệu, là phương tiện để tác động, cũng như khai mở trí tuệ, cho các hành giả tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ. Khi Đức Thế Tôn tại thế, ngài đã dùng chuông làm phương tiện đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình. Ngoài giáo lý thậm thâm qua con đường lắng nghe, tư duy và thấu hiểu, để rồi thừa hành một cách hữu hiệu mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xuất gia phạm hạnh.
Trong nhất niệm chuông ngân, ta ngộ ra rằng niềm hạnh phúc và hoan hỉ thực sự chỉ có thể tìm thấy nơi cội nguồn chân chính của bản tâm. Con đường tu tập chính là quá trình “phản bổn quy chân”, nghĩa là tự hoàn thiện chính mình trên cơ sở cái gốc cội nguồn của mình.
Trong một số kinh điển, khi đức Phật giải thích, khai ngộ giáo lý cho các đệ tử cảm nhận sự việc theo tính nghe của chính mình mà dung nhật vào sâu Phật trí.
Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật cũng bảo La Hầu La đánh chuông để giảng giáo lý viên thường cho ngài A Nan nghe.
Vì thế chúng ta cũng có thể hiểu trong Phật giáo, chuông được sử dụng từ đời Đức Thế Tôn còn tại thế.

Thông thường, chúng ta chỉ tin những gì chúng ta cảm nhận được thông qua 5 giác quan vật lý, một bằng chứng khoa học thực tế và logic. Nên chúng ta có quan niệm sai lầm về những thứ nằm ngoài dữ liệu kinh nghiệm của mình, từ đó đưa ra những quyết định không chính xác. Hay con người khi sinh ra và trong suốt thời gian thực nghiệm giữa dòng đời, chúng ta thường bị che lấp bởi hỷ, nộ, ái, ố và bị bao vây bưởi những hoàn cảnh, phiền não bên ngoài, nếu không thức tỉnh thì ta mãi chìm đắm trong sự mê mờ đó. Chính vì vậy trong Phật giáo, sự thức tỉnh chính niệm là vấn đề cốt yếu và đó là hành trang trên lộ trình giải thoát.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang (Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Trưởng Ban TTTT T.Ư - GHPGVN): "Ý nghĩa của tiếng chuông chùa theo như Phật dạy là tiếng chuông tỉnh thức, làm cho con người ta phải thức tỉnh bản giác của mình; đó là tính thiện, tính từ bi, đó là hỷ xả, đó là vô ngã, vị tha. Đó là những gì tốt đẹp có trong mỗi con người chúng ta, mà đôi khi chúng ta lãng quên, thì tiếng chuông chùa thức tỉnh những điều tốt đẹp đó. Tiếng chuông chùa còn đưa ta về nhất tâm; chuyên tâm làm các điều thiện lành, để cho bản thân mình, gia đình mình và xã hội được tốt đẹp lên".
Tiếng chuông vang lên như sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn từ mọi phiền não, cẩu uế của tựu tâm, gạn lọc tam độc tham, sân, si. Khi chuông ngân lên, phiền não rụng rơi, trí huệ phát sinh, căn lành tăng trưởng đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai.
Âm ba của tiếng chuông như liều thuốc “Trực chỉ nhân tâm” xoay sâu vào thức A Lai Da của người, vượt thoát không gian và thời gian phá tan mọi thành trì căn trần và thức, bức phá mọi gốc rễ của vô minh ngàn đời tăm tối, đưa ta đến chỗ hồn nhiên, vỡ òa chạm được cửa ngõ của Bản Lai vào sau căn nhà của Diên Mục “Linh linh bất mục liễu liễu thường tri”. Sức công phá lan tỏa của tiếng chuông không chỉ hạn hữu ở thế giới hiện thực mà còn quét sâu vào thế giới siêu hình. Tạo nên sự kết nối hoàn hảo, bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ, gắn kết với đời sống hiện tại. Xây dựng kết quả viên mãn trong tương lai, giúp cho con người thể hiện lòng tri ân và báo ân của mình đối với người đã khuất, xua đi tất cả những mặc cảm, thân phận của cuộc đời để xích lại gần với nhau trên lộ trình "Pháp giới đồng nhất thể".
Ngày xưa Đức Phật Câu Lưu Tôn ở tại viện Tu Đa La xứ Càn Trúc đã tạo một quả chuông bằng đá xanh, đánh vào đúng mặt trời vừa mọc. Khi tiếng chuông ngân lên, trong ánh mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra, diễn nói 12 bộ kinh làm cho người nghe, chứng được thánh quả không kể xiết. Qua đó chúng ta thấy được tiếng chuông lợi lạc vô cùng, sự mầu nhiệm vô biên. Tiếng chuông ngân buổi chiều từ nhặt đến thưa để rồi một ngày qua đi, tiếng chuông ngân buổi sáng sớm đồng vọng với tiếng gà gáy từ thưa đến nhặt, thúc dục hành giả tịnh cầu tu học, đánh thức đại chúng, đón ngày mới tinh khôi, tràn đầy vượng khí. Tiếng chuông chính là sứ giả của Phật, cùng một lúc gửi đến muôn người, muôn nhà, nơi hẻm nhỏ, nơi trường học, nơi xứ chợ, đồng ruộng hay nương rẫy rừng xa.
Tiếng chuông không chỉ thức tỉnh, xóa tan nỗi ưu phiền cho người trần thế mà mỗi ngày tiếng chuông vang lên, góp phần chiêu cảm hằng hà chúng sinh các cõi...
Trong sáu cõi luân hồi mà chúng sinh chịu khổ ngoài cõi trời, người được xem là có phước, còn lại bốn cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, A Tu La thì triền miên chịu khổ đau. Nên mỗi khi tiếng chuông ngân vọng, như chiếc thuyển chuyên chở từ bi của người con Phật, gửi đến nơi cảnh giới tối tăm mà chúng sinh đang phải chịu khổ, để giúp chúng sinh mau thức tỉnh hồi đầu mà cùng lên thuyền về miền giải thoát an vui. Chính vì lẽ đó, hầu như các ngôi chùa luôn có Đại Hồng Chung, pháp khí tối thượng hỗ trợ trong công phu tập và hoằng dương phật pháp.
Tiếng chuông ngân vang hòa vào cơn gió thổi mát tâm hồn mỗi người, như xua tan đi những khổ đau, giúp thân tâm được nhẹ nhàng an lạc.
Trong sáu nẻo luân hồi tiếng chuông là tiếng Phật, tác động người nghe khởi tâm thiện, ngưng việc ác, giảm phiền não, đau khổ u uất được giải thoát.
Từ giáo nghĩa của Phật pháp, có thể thấy tiếng chuông chính là biểu tượng của sự thức tỉnh. Theo Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi, quyển Hạ thì có 5 việc cần thỉnh chuông: khi hội họp thường kỳ; khi ăn sáng; lúc ăn tối; khi trở về cõi Niết bàn và khi biết mọi chuyện vô thường. Tiếng chuông như hào quang khởi sự từ tâm Phật, có thể soi chiếu và vang vọng khắp mười phương, khiến ai nấy đều bừng tỉnh như vừa trải qua giấc mộng dài.
Trong lịch sử Phật giáo, có lẽ không ít người biết đến câu chuyện vị đồ tể nghe chuông hành sự. Thực ra, việc người đồ tể nọ giật mình tỉnh dậy sau tiếng chuông muộn của người Trụ trì còn mang ý nghĩa như một sự tỉnh thức. Ngoài ra, tiếng chuông theo Phật học Thiền tông còn là điều kiện cho tinh thần “đốn ngộ”. Tác phẩm Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận (頓悟入道要門論, 卍 Tục Tạng Kinh) định nghĩa rằng:
“Vân hà vi đốn ngộ? Đáp: “Đốn giả, đốn trừ vọng niệm; ngộ giả, ngộ vô sở đắc” (云何爲頓悟、答、頓者、頓除妄念、悟者、悟無所得, Thế nào là đốn ngộ? Đáp: “Đốn tức là nhanh chóng dứt trừ vọng niệm, ngộ là ngộ cái không đạt được”). Ngày trước, các bậc đại Thiền sư chỉ cần gánh một quảy nước, nghe tiếng sỏi vang, lóng tiếng chuông ngân là lập tức giác ngộ về tính không. Cũng chính vì tính chất diệu màu này mà khi gõ chuông, người ta thường tôn xưng là tiếng chuông Bát nhã. Vì Bát nhã là chân lý tối thượng, là sự giác ngộ tuyệt vời về tâm thức, là sự bừng tỉnh bất ngờ sau cơn đại mộng, thấu được trí tuệ toàn năng, chứng được cái gọi là “vô sở đắc”. Và vì tiếng chuông là “không”, thực là “vô sở đắc” nên trong giáo lý đức Phật nghiễm nhiên xem rằng, âm thanh khởi từ chuông mõ đều mang chủng tử của trí tuệ bát nhã.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh khi “nghe chuông” cũng đã cảm nhận thông điệp của chuông:
“Nghe chuông phiền não tan mây khói,
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chính niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”.
Kết luận
Tiếng chuông chùa ngân nga, văng vẳng trong không gian rồi tan loãng giữa xóm làng sau khi đã thâm nhập chốn dương trần và đưa nhân gian vào cõi tịch tĩnh hư không. Thời gian lắng đọng cùng hồn người. Cảnh vật như cộng hưởng cùng tiếng chuông. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông chùa thi vị và đầy sức cảm hóa làm nảy sinh biết bao cảm hứng về âm nhạc và thơ văn, chan chứa chất liệu cốt tủy của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương, nhất là với những kẻ phải sống kiếp tha phương.
Có thể thấy, sức ảnh hưởng từ tiếng chuông của Trương Kế không chỉ bó hẹp trong tranh cãi thực - hư mà nằm ở sức gợi mang tính phổ quát và sức biểu đạt mang tính đa tầng. Cái hay của Phong Kiều dạ bạc, ngoài việc chọn lọc ngôn ngữ còn ở tính truyền tải của tác phẩm. Thông qua tiếng chuông, tác giả đã gợi ra nhiều tầng giá trị về văn học lẫn tôn giáo. Đó là lý do tại sao Phong Kiều dạ bạc lại được người đời tâm đắc và lưu truyền đến tận bây giờ?
Tác giả: Phan Thị Quyên (Thích nữ Thiên Giác)
Học viên Thạc sĩ K.II, chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu sách
[1] Thiền Sư Huệ Hải (1971). “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn”. Nhà xuất bản Chơn Không.
[2] Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh (2011). “Luật Ngũ Phần”. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
[3] Tỷ Kheo Trí Quang (2010). “Tổng tập Giới Pháp xuất gia”. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
[4] HT. Thích Thiện Siêu (2004). “Giới thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm”. Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
Internet
[1] Thích Nguyên Chơn dịch (2014), “Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Uy Nghi” . Truy cập ngày 12/10/2021, https://phatphapungdung.com/phap-bao/dai-ty-kheo-tam-thien-oai-nghi-161959.html.
[2] Nguyễn Thanh Lộc, “Về tiếng Chuông trong Phong kiều dạ bạc”. Truy cập ngày 17/01/2022, https://tapchivanhoaphatgiao.com/luu-tru/13581
[3] Thích Thanh Từ dịch (1974), “Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận”. Truy cập ngày 12/10/2021. Truy xuất từ trang https://thuvienhoasen.org/images/file/TQYop1G0QgQAJ0b/donngonhapdaoyeumon.pdf.
Bình luận (0)