Sáng ngày 21/05/2025, tại Phòng 216 chùa Quán Sứ - Văn phòng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Thượng tọa Thích Giác Hoàng, Phó Viện trưởng, Phó Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Quý tôn đức, thiện nam tín nữ đại diện đã đến thăm và trao tặng Bộ Kinh Bản Duyên đến Ban Thông tin Truyền thông T.Ư, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí NCPH.

Thượng tọa Thích Giác Hoàng chia sẻ vể Bộ Kinh Bản Duyên
Thượng tọa Thích Giác Hoàng chia sẻ vể Bộ Kinh Bản Duyên

Đây là một trong những hoạt động nằm trong hành trình giới thiệu, lan tỏa giá trị của bộ kinh quý, do Trung tâm Dịch thuận Hán Nôm Huệ Quang thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam biên tập, phiên dịch và ấn hành, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, học thuật và hoằng pháp trong thời đại mới.

Pháp bảo gắn liền tinh thần truyền thừa và phụng sự

Phát biểu tại buổi gặp, Thượng tọa Thích Giác Hoàng chia sẻ tâm nguyện khi biên soạn và phát hành Bộ Kinh Bản Duyên là mong muốn góp phần phục hưng những bộ kinh có giá trị nguyên thủy, những bộ kinh được dịch thuật từ trước đến nay thuộc các truyền thống Phật giáo khác nhau. Tất cả nhằm kết nối tinh thần truyền thừa giữa các thế hệ Tăng sĩ, học giả - nhà nghiên cứu và cộng đồng cư sĩ phật tử.

Bộ kinh không chỉ mang giá trị văn bản học mà còn gợi mở nhiều khía cạnh nhân văn, lịch sử và giáo lý trong hành trình tu học.

Ảnh: Tạp chí NCPH
Ảnh: Tạp chí NCPH

“Pháp bảo cần được tiếp nhận bằng niềm kính tín và truyền đi bằng tinh thần phụng sự. Tôi tin rằng với vai trò của Ban TTTT TƯ và Phân viện NCPHVN tại Hà Nội, đặc biệt là vai trò của Tạp chí NCPH - Bộ kinh này sẽ tiếp tục được giới thiệu rộng rãi, ứng dụng hiệu quả trong các hoạt động truyền thông, nghiên cứu và giảng dạy phật pháp”, Thượng tọa chia sẻ.

Trân trọng tiếp nhận - lan tỏa đúng với tinh thần Phật giáo Việt Nam hiện đại

TT.Thích Thanh Huân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TTTT T.Ư - GHPGVN, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh Viện phó  Phân viện NCPHVN tại Hà Nội đã trân trọng đón nhận và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc trước công sức của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Thượng tọa Thích Thanh Huân nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, khi truyền thông Phật giáo cần dựa trên nền tảng trí tuệ, giáo lý và nội dung xác tín, thì những bộ kinh như Bản Duyên chính là nguồn lực căn bản. Đây không chỉ là một món quà quý, mà còn là trách nhiệm lớn lao trong việc ứng dụng phật pháp vào đời sống hiện đại một cách đúng hướng”.

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đón nhận
Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đón nhận "Quà tặng Pháp bảo" quý giá từ Thượng tọa Thích Giác Hoàng

Thượng tọa Thích Thiện Hạnh, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội trân trọng và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, không chỉ tặng Bộ Kinh Bản Duyên, mà sẽ dành tặng trọn bộ “Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo Việt Nam” tới Hội đồng Chứng Minh, Hội đồng Trị Sự, Ban TTTT T.Ư và các thành viên Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội.

Buổi trao tặng diễn ra trong không khí thân mật, đạo vị, là dịp để hai đơn vị tăng cường kết nối, chia sẻ tầm nhìn trong hành trình phát triển nội dung Phật học gắn với truyền thông và nghiên cứu học thuật.

Được biết, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã chuẩn bị 5.000 Bộ Kinh Bản Duyên để cúng dường, trao tặng tới các Trưởng lão Hòa thượng, Chư tôn đức Hội đồng Chứng Minh và HĐTS GHPGVN, tới các cơ sở tự viện Phật giáo, các học giả, chuyên gia nghiên cứu dịch thuật, tăng ni, phật tử… có nhiều đóng góp trong dịch thuật kinh điển, góp phần xiển dương và hoằng truyền Giáo pháp Đức Bổn Sư vào đời sống tu học. (*)

Thông tin thêm: Bộ Kinh Bản Duyên là gì?

Kinh Bản Duyên (Apadāna) là phần thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddaka Nikāya) trong Tạng Kinh Pāli, tập hợp nhiều câu chuyện tiền thân và cuộc đời của các vị Thánh đệ tử trong giáo đoàn của đức Phật, được kể lại dưới hình thức tự thuật. Nội dung kinh làm nổi bật nhân duyên tu hành, công hạnh và sự chứng ngộ của các vị, giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về nhân quả, Bồ đề tâm và lý tưởng giải thoát.

Việc phiên dịch và xuất bản Bộ Kinh Bản Duyên sang tiếng Việt được đánh giá là một đóng góp quan trọng của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam trong nỗ lực bảo tồn và lan tỏa Tam Tạng Thánh điển đến cộng đồng học giả và tín đồ phật tử trong nước.

Bộ Kinh gồm 6 quyển, từ quyển 26 đến quyển 31, thuộc Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo Việt Nam (gồm 28 bộ chính).

Bộ Bản Duyên được Việt hóa bởi Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, do Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.HCM phát hành.

(*): Trong 5.000 Bộ Kinh Bản Duyên được trao tặng, Quỹ Thiện Tâm phát tâm cúng dường 3.000 bộ.

Tác giả: Giác Tâm