Số mệnh, số phận, của con người là vấn đề được đặt ra từ rất xa xưa, gợi lên sức tò mò lớn mà ai cũng muốn tìm hiểu khám phá.

Thời kỳ khoa học chưa phát triển, cuộc sống của con người lệ thuộc rất lớn vào thời tiết, vào sản xuất nông nghiệp. Làm nông:

Thuận lợi được mùa thì no

Mất mùa đói kém lại lo đủ đường…

Cuộc sống của con người phụ thuộc vào trời, đất, nắng, mưa. Người xưa quan niệm, thời tiết phụ thuộc vào ý muốn, sự sắp đặt của ông trời, thượng đế, thần linh. Cho nên vận mạng của con người là do ông trời, thần linh an bài sắp đặt.

Hình mang tính minh họa
Hình mang tính minh họa

Ngày nay, khoa học kỹ thuật, công nghệ số phát triển mạnh mẽ, cuộc sống con người không còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết, thần linh, nhưng vận mệnh của con người vẫn là một câu hỏi lớn, niềm tin vào số mệnh do trời sắp đặt vẫn tồn tại trong đời sống xã hội.    

Một trong những bài kinh quan trọng, đặt ra và giải quyết vấn đề số phận con người là do ai quyết đinh, điều này được đức Phật dạy trong kinh Độ thuộc bộ Trung A Hàm như là một bài học quý giá.

Duyên khởi của bài kinh là khi đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở tại Thắng lâm trong vườn Cấp cô độc, đức Thế Tôn gọi bảo các Tỳ-kheo: “Có ba độ xứ khác chủng tính, khác danh xưng, khác tông chỉ, khác học thuyết, mà dù cho người có trí tuệ khéo nhận lĩnh, khéo ghi nhớ để nói cho người khác, nhưng cũng không thu hoạch được lợi ích”.

Những gì là ba? Hoặc có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định sẵn; Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do Đấng Tôn Hựu định sẵn; Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên (Thuyết tự nhiên).”[1]

Quan điểm thứ nhất, hoặc có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do túc mạng định sẵn.

Một cách hiểu về Thuyết túc mạng, thuyết định mệnh là niềm tin rằng mọi thứ sẽ trở nên như được định trước, vì tất cả sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai đều được định trước bởi Chúa hay một quyền năng nào đó.

Trong tôn giáo, quan điểm này còn được gọi là tiền định, nói rằng việc linh hồn chúng ta được lên thiên đàng hay xuống địa ngục đều được định trước và không lệ thuộc vào lựa chọn của chúng ta.

Hình mang tính minh họa
Hình mang tính minh họa

Lý thuyết Tự do ý chí cho rằng con người có tự do lựa chọn hay tự quyết định, cụ thể, trong bất kỳ tình huống nào, một người có thể lựa chọn làm một điều khác với điều mà mình đã làm. Theo nhà triết học lý luận, tự do ý chí mâu thuẫn với thuyết tất định.

Thuyết bất tất định thì quan niệm rằng có những việc không có nguyên do. Nhiều diễn giả của thuyết tự do ý chí tin rằng hành động chọn lựa có thể không xuất phát từ bất cứ một nguyên cớ tâm sinh lý nào.

Có thể nói, lý thuyết định mệnh là nỗ lực để giải quyết mâu thuẫn logic giữa sự toàn tri của Chúa và tự do ý chí, trong đó tự do ý chí được định nghĩa như khả năng cân nhắc giữa các lựa chọn khác nhau.

Tiền đề của học thuyết định mệnh có thể hiểu như sau: Chúa là toàn tri. Vì Chúa là toàn tri, Ngài có trí hiểu về tương lai chính xác. Vì thế, tự do ý chí là điều không thể, vì bạn không có được một lựa chọn nào khác ngoại trừ làm việc đã được tiên đoán. Trong trường hợp mà chúng ta không làm việc đó, thì có nghĩa là Chúa không toàn tri. Mặt khác, nếu bạn làm việc đó, thì có nghĩa là không có tự do ý chí, theo nghĩa là bạn không thể lựa chọn một điều khác.

Quan điểm thứ hai, là có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều do Đấng Tôn Hựu định sẵn.

Trong lịch sử triết học tây phương, bắt đầu với người Hy Lạp điều này gần như đúng. Từ Aristole, Platon, qua Descartes cho đến Kierkeggard và Jaspers, Jesus luôn luôn được truy nhận như Tuyệt đối thể đặt nền móng cho mọi hiện hữu và là ý nghĩa của đời sống con người. Tuy nhiên quan niệm về Thượng Đế cũng tuỳ theo lập trường của mỗi triết thuyết mà có sự xuất nhập.

Ví như quan niệm về Thượng Đế của Platon là Thiện thể, Linh tượng tối thượng trên các linh tượng, nhưng chung quy cũng là một Linh tượng của vũ trụ thần thánh; còn quan niệm về Thượng Đế của ông Tôma lại là một Thiên Chúa sáng tạo; quan niệm về Thiên Chúa của nhà triết học Descartes là Chân lý và bảo đảm của những phán đoán chân thật của tôi. Với nhà triết học Kant thì Thiên Chúa là ngã thể: là một trong ba cái tôi có thể suy tưởng mà không có thể tri thức. Đến Kierkerggard và triết học hiện sinh chính thống, chúng ta lại mới có cơ trở về với Thiên Chúa Ngôi Vị.

Quan điểm thứ ba, là có Sa-môn, Phạm chí thấy như vậy, nói như vậy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên.

Trong quan niệm thứ nhất, đức Phật dạy, ở trong đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt’.

Ta (đức Phật) liền đến nơi người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân túc mạng định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sinh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn. Cũng vậy, chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân túc mạng định đoạt sẵn, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chính niệm, không có chính trí, thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.

Trong quan niệm thứ hai đức Phật dạy, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào, thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi đều nhân Đấng Thiên Hựu định đoạt’.

Ta (đức Phật) liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều nhân Thiên Hựu định đoạt chăng? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sinh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Cũng vậy, này chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều nhân Thiên Hựu định đoạt sẵn, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chính niệm, không có chính trí, không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.

Hình mang tính minh họa
Hình mang tính minh họa

Trong quan niệm thứ 3, đức Phật dạy ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên’.

Ta (đức Phật) liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi: ‘Này Hiền giả, có thật Hiền giả thấy như vầy, nói như vầy: Tất cả hành vi của con người đều vô nhân vô duyên? Người kia trả lời rằng: ‘Thật vậy’. Ta lại nói với người kia rằng: ‘Nếu quả thật như vậy, các Hiền giả đều là những kẻ sát sinh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Cũng vậy, chư Hiền là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Tại sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân vô duyên. Này chư Hiền, đối với kiến chấp rằng: Tất cả đều vô nhân vô duyên, mà cho là như thật, thì ở bên trong, nhân bên trong, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm mà không biết đúng như thật thì sẽ mất chính niệm, không có chính trí, thì không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được’. Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia. “Những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục được.

Lời dạy cao quý minh triết của đức Phật về các nhìn nhận thấu đáo về vấn đề số mệnh, vận mạng hướng đến làm chủ vận mạng, sống tích cực lương thiện hướng thượng như sau:

“Thế nào là những pháp mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục?”[2]

Đó là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục.

Lại có pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi; dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho ô uế được, không thể chế phục.

Thế nào là pháp sáu xứ mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi? Đó là nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ. Đó là pháp sáu xứ ta đã tự tri, tự giác, ta nói cho các ngươi biết.

Thế nào là pháp sáu giới mà ta tự mình biết, tự mình giác ngộ, thuyết giảng cho các ngươi?

Đó là địa giới, thủy, hỏa, phong, không và thức giới. Đó là pháp sáu giới mà ta đã tự tri tự giác, đã nói cho các ngươi biết. Do hòa hiệp của sáu giới nên sinh thai mẹ. Nhân sáu giới mà có sáu xứ; nhân sáu xứ có xúc, nhân xúc mà có thọ”.[3]

Này các Tỳ-kheo, nếu ai có cảm thọ liền biết như thật về Khổ, biết về Khổ tập, biết về Khổ diệt, biết như thật về Khổ diệt đạo. Thế nào là biết như thật về khổ? Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù nghịch gặp nhau là khổ, yêu thương mà chia ly là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại, năm ấm xí thạnh là khổ.

Thế nào là biết như thật về Khổ tập? Do Ái mà thọ Hữu trong tương lai cùng với lạc dục, mong cầu hữu nơi này hay nơi kia. Đó là biết như thật về Khổ tập.

Thế nào là biết như thật về Khổ diệt? Do Ái này mà thọ Hữu trong tương lai cùng với lạc dục, mong cầu hữu nơi này hay nơi kia, tất cả như vậy đã đoạn trừ không còn dư tàn, đã xả ly, diệt tận, vô dục, tịch tĩnh, tịch diệt. Đó gọi là biết như thật về Khổ diệt.

Thế nào là biết như thật về Khổ diệt đạo? Đó là tám chi thánh đạo, từ chính kiến cho đến chính định là tám. Đó là biết như thật về Khổ diệt đạo.

Tỳ-kheo nên biết như thật về Khổ, nên đoạn Khổ tập, nên thực chứng Khổ diệt, nên tu Khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo nào biết như thật về Khổ, đoạn Khổ tập, thực chứng Khổ diệt, tu Khổ diệt đạo, thì đó là Tỳ-kheo đã tận trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kết, có thể bằng chánh trí chứng đắc Khổ đế.

Hiện nay, đã có tu tập, hành vi, lời nói suy nghĩ chính mình, mức độ trí tuệ, mức độ sáng tạo, mức độ siêng năng, ý chí tinh tấn siêng năng nỗ lực của bản thân ta mà trở thành cao thượng tốt đẹp hay xấu ác tệ hại. Số mệnh của ta do chính ta tạo ra ngay trong đời này và bị ảnh hưởng nghiệp nhiều đời trước.

Quan điểm này cho thấy, thực tế trên cõi đời có những người sinh ra trong điều kiện bình thường, nhưng nhờ có sự siêng năng, nỗ lực học hành rèn luyện sáng tạo vẫn tạo ra được một sự nghiệp lừng lẫy thành công rực rỡ. Những người siêng năng học hỏi, siêng năng làm việc dễ có một cuộc sống, một sự nghiệp tốt đẹp hơn hạnh phúc hơn.

Ngươi đệ tử Phật dù xuất gia tu hành hay tại gia cư sĩ chỉ cần kính tin Tam Bảo, tinh tấn tu tập các pháp lành, phát triển đạo đức, định lực, trí tuệ sẽ từng bước có chính niệm, làm chủ vận mệnh chính mình, sống minh triết, từ bi, tạo phúc cho chúng sinh, rốt sau sẽ thành tựu giác ngộ giải thoát.

Tác giả: Tỳ kheo ni Thích Nữ Thánh Thảo

Cao cấp giảng sư - Ban Hoằng pháp Trung ương

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ A hàm, HT Thích Tuệ Sỹ dịch, Nxb Tổng hợp TPHCM

[2] Bộ Nikaya, HT Thích Minh Châu dịch, Nxb Tôn giáo

[3] Trung A Hàm, kinh Độ, Nxb Nxb Tổng hợp TPHCM, HT Thích Tuệ Sỹ dịch

[4] HT Thích Minh Châu, So sánh Trung A Hàm và Trung bộ, Nxb Tôn giáo

Chú thích:

[1] Trung A Hàm, kinh Độ, Nxb Tổng hợp, trang 235

[2] Trung A Hàm, kinh Độ, Nxb Tổng hợp, trang 235

[3] Trung A Hàm, kinh Độ, Nxb Tổng hợp, trang 238