Tác giả: TKN Thích Nữ Liên Thông

1. Dẫn nhập

Người tu hành mang trong trái tim tông chỉ “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”  tức là, trên hết là quyết chí tu hành đến thành tựu giác ngộ, dưới là tận tâm tận lực giáo hóa cứu giúp chúng sinh là tôn chỉ tu hành quan trọng nhất của người đệ tử Phật.

Muốn thực hiện được tâm nguyện lớn lao cao cả đó thì phải biết khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ. Một điều rất quan trọng trong việc giảng kinh thuyết pháp với tinh thần vô chấp đối với một vị pháp sư đươc kinh Kim cang chỉ ra: “Tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ dã, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp” (Nên biết giáo pháp của ta như chiếc bè qua sông, chính pháp còn phải xả, huống là không phải chính pháp).

Bài kinh Thủy dụ thuộc bộ Trung A-hàm do Hòa Thượng Tuệ Sĩ dịch là bài kinh không dài, nhưng nghĩa lý cao sâu và thiết thực đủ cho người đệ tử Phật làm kim chỉ nam cho con đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh, hoằng dương chính pháp, phước lợi hữu tình, nhất là soi rõ biết mình đang là hạng người nào trong bảy hạng mà đức Phật đã dạy.

2. Nội dung chính

Duyên khỏi bài kinh là lúc ấy, đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm vườn Cấp cô độc, ngài gọi các Tỳ-kheo lại và bảo: “Ta sẽ giảng cho các ngươi nghe về bảy hạng người ở dưới nước. Các ngươi hãy lắng nghe, lắng nghe, và khéo suy nghĩ”.

Các Tỳ kheo vâng lời chú tâm lắng nghe.

Đức Phật lấy nước làm ví dụ chỉ ra trên thế gian có bảy hạng người 

1, Có người nằm mãi dưới nước.

2, Có một hạng người ra khỏi nước rồi chìm xuống trở lại. 

3, Có người ra khỏi nước rồi đứng, 

4, Có người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh,

5. Có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua;.

6, Có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua đến bờ bên kia; đến bờ bên kia.

7, Có người ra khỏi nước rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua đến bờ bên kia; đến bờ bên kia rồi được gọi là người Phạm chí đứng trên bờ.

Đó là nói về bảy hạng người theo ví dụ về nước. Đức Phật giảng rõ cặn kẽ cho các Tỳ kheo nghe về bảy hạng người như ví dụ về nước. Các Tỳ kheo lắng nghe, lắng nghe, khéo suy nghĩ ý nghĩa ấy.

Một là hạng người nằm mãi dưới nước, là có những người bị pháp bất thiện (pháp ác) che lấp, nói làm và suy nghĩ ác, bị nhiễm bởi các nghiệp nhiễm ô, thọ quả báo của ác pháp, tạo gốc rễ sinh tử luân hồi khổ đau. Đó là hạng người nằm mãi dưới nước. Cũng như người chìm lỉm, nằm luôn dưới nước, Ta nói người kia cũng giống như vậy. Đó là hạng người thứ nhất của ví dụ về nước, thế gian quả thực có hạng người như vậy.

Hai là hạng người ra khỏi nước rồi chìm lại? Đó là những người đã làm trỗi lên tín tâm nơi thiện pháp, biết kính Tam bảo, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp (pháp lành) tức là nói làm suy nghĩ điều thiện. Người ấy sau đó lại mất tín tâm, không kiên cố, mất sự trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, không kiên cố. Đó là hạng người ra rồi chìm lại. Như người chìm trong nước, đã ra được rồi lại chìm. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ hai của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.

Ba là hạng người ra rồi đứng? Đó là những người đã trỗi tín tâm nơi thiện pháp, biết trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp làm các việc lành. Người đó về sau tín tâm vẫn kiên cố, chắc chắn không mất, luôn trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ đều kiên cố, không mất. Đó là hạng người ra khỏi nước rồi đứng. Như người chìm trong nước, ra khỏi nước rồi đứng. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ ba của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.(Bất thối chuyển)

Bốn là hạng người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh? Đó là những người làm trỗi dậy tín tâm nơi thiện pháp, biết trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm kiên cố vẫn không mất, trì giới, bố thí đa văn, trí tuệ vẫn kiên cố không mất; trụ trong thiện pháp; biết như thật về Khổ, biết như thật về Khổ tập, Khổ diệt và Khổ diệt đạo. Người kia biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch, đó là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kiết đã dứt sạch liền chứng quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, quyết định thẳng đến chính giác, đời sau thọ sinh tối đa bảy lần, qua lại bảy lần trong nhân gian, thiên thượng; rồi chứng đắc biên tế của sự khổ. Đó là hạng người ra rồi lại đứng, đứng rồi nhìn quanh. Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ tư của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy. (Tu-đà-hoàn – Thất lai)

Năm là người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn quanh rồi lội qua. Đó là những người trỗi được tín tâm nơi thiện pháp, biết trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều đã kiên cố không mất, trú trong thiện pháp. Biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kiết liền dứt sạch. Đó là, thân kiến, giới thủ, nghi; ba kiết đã dứt sạch. Dâm, nộ, si vơi mỏng. Còn phải một lần vãng lai trong nhân gian, thiên thượng. Sau khi qua lại một lần đó rồi liền chứng đắc Khổ đế. Đó là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi lội qua. Như người chìm trong nước, ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ năm của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy. (Tư đà hàm – Nhất lai)

Sáu là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia? Đó là những người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn, không mất. Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Biết như thế, thấy như thế, năm hạ phần kiết dứt sạch. Đó là tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Năm hạ phần kiết dứt sạch rồi, sinh vào cõi ấy, rồi nhập Niết-bàn, chứng pháp bất thối, không trở lại thế gian này nữa. Đó là người ra rồi đứng; đứng rồi nhìn quanh; nhìn rồi lội qua; lội qua rồi đến bờ bên kia. Như người chìm trong nước ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi đi qua, đi qua rồi đến bờ bên kia; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ sáu của ví dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy.(A na hàm – Bất lai)

Bảy là người ra rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn quanh rồi lội qua, qua rồi đến bờ bên kia. Đến bờ bên kia rồi được gọi là người Phạm chí đứng trên bờ? Đó là những người đã làm trỗi dậy được tín tâm nơi thiện pháp, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp. Người đó về sau tín tâm vẫn chắc chắn không mất, trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ, tu tập thiện pháp, biết như thật về Khổ, về Khổ tập, về Khổ diệt, về Khổ diệt đạo. Biết như vậy, thấy như vậy. Tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

Giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát và biết một cách như thật rằng: Sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Đó là người ra khỏi nước rồi đứng, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi được gọi là vị Phạm chí đứng trên bờ. Như người chìm trong nước, ra rồi đứng lên, đứng rồi nhìn quanh, nhìn rồi đi qua, qua rồi đến bờ bên kia, đến bờ bên kia rồi gọi là người đứng trên bờ; Ta nói người kia cũng lại như vậy. Đó là hạng người thứ bảy của thí dụ về nước. Thế gian quả thực có hạng người như vậy. (A la hán)

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ. Ảnh sưu tầm.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ. Ảnh sưu tầm.

3. Kết luận và những bài học sâu sắc

Đức Phật lấy nước làm ví dụ giảng rõ về bảy hạng người chìm trong nước cho các Tỳ kheo sau khi nghe Phật thuyết hoan hỷ kính tin thực hành theo. Nước chiếm ba phần tư quả địa cầu, và trong cơ thể người sáu bảy mươi phần trăm là nước, cho nên dùng nước để ví dụ người nghe rất dễ hiểu.

Bài kinh chỉ rõ bày hạng người có thật trên thế gian, bao gồm cả người xuất gia tu hành từ phàm phu đến A la hán.

Con đường tu tập rõ ràng từ phàm phu trôi lăn trong sinh tử luân hồi, đến thánh quả A la hán giải thoát.

Chúng ta giữ vững tín tâm vẫn chắc chắn với Tam Bảo không mất, luôn tu tập Trì giới, bố thí, đa văn, trí tuệ đều vẫn kiên cố, không mất, trụ trong thiện pháp. Kiên trì liên tục chuyển hóa đoạn trừ năm hạ phần kiết sử tham dục, sân nhuế, thân kiến, giới thủ, nghi. Quan trọng là chúng ta tự xem bản thân mình, biết rõ về mình, xác quyết rõ mình đang là hạng người nào trong bảy hạng nói trên.

Sau khi xác định rõ mình là hạng người nào rồi thì biết mình phải kiên trì nỗ lực tinh tấn tu học, đoạn trừ chuyển hóa không buông lung lười biếng để bản thân chìm mãi dưới nước, chịu khổ vô cùng trong sinh tử luân hồi bất tận.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ A hàm, HT Tuệ Sỹ dịch
2. Bộ Nikaya, HT Minh Châu dịch
3.  Biệt dịch, No.29 Diêm Thủy Dụ Kinh, thất dịch, Đại 1 tr.811c; No.125 (39. 3) Tăng Nhất, “Đẳng Pháp Phẩm, kinh số 3 (Đại 2, tr.729c).
4. Kinh A Hàm tinh tuyển thực giải, Thích Hạnh Tuệ - Thích Thanh Quế