Tác giả: PGS TS Hoàng Kim Ngọc 

1. Dẫn nhập

Phật giáo là một trong những yếu tố văn hóa, tôn giáo quan trọng trong lịch sử và đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam. Thơ ca, với bản chất lắng đọng và tinh tế, là một trong những thể loại văn học phản ánh rõ nét nhất sự giao thoa giữa tôn giáo và nghệ thuật. Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến các thiền sư mà còn lan tỏa vào các nhà thơ không xuất gia qua những suy tư về nhân sinh, khổ đau, vô thường và giác ngộ. Phật giáo mang đến một hệ thống triết lý sống sâu sắc, gần gũi với những vấn đề xã hội đương thời như vất vả, khó khăn, đau ốm, sự tạm bợ của cuộc sống và tìm kiếm sự an lạc nội tâm.
 
Tuyển tập này tập trung vào những bài thơ của 108 nhà thơ đương đại (không xuất gia) nhưng mang dấu ấn Phật giáo rõ nét trong sáng tác. Sở dĩ chúng tôi chọn 108 tác giả vì đó là con số có ý nghĩa tâm linh trong Phật giáo. Con số 108 tượng trưng cho 108 phiền não của con người. Người ta lấy 6 căn, 6 trần, 6 thức cộng lại, thành ra Thập bát giới (con số 18). Rồi lấy số này nhân cho 6 phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) là số 108.
 
Khái niệm đương đại mà chúng tôi đặt ra làm tiêu chí tuyển chọn phải là những sáng tác từ năm 1986 trở đi, trừ 3 bài trong chùm thơ 5 bài thơ của Bùi Giáng tiên sinh có trong tuyển này và bài thơ Đêm Côn Sơn của Trần Đăng Khoa (bởi đó một trong những sáng tác ở giai đoạn đầu tiên của thần đồng thơ, viết khi còn ở tuổi lên 10 mà đã chạm đến tinh thần Phật giáo và bài thơ ấy lại có sức sống lâu bền đồng hành cùng thơ ca đương đại).
 
Mốc 1986 là giai đoạn đất nước bước vào thời kì đổi mới và cũng là thời kì Phật giáo trong nước được quan tâm và tạo điều kiện phát triển nên hầu hết các nhà thơ đương đại đều hiểu biết ít nhiều về triết lí đạo Phật. Đây là mốc thời gian khác với giai đoạn những năm 60 của thế kỉ XX: thơ của các tác giả miền Bắc thời kì đó hầu như ít dung chứa đức tin tôn giáo.
 
Vì một thời không ít người đã coi đền chùa đạo Phật như một thứ duy tâm mê tín, mà đạo Phật không bao giờ duy tâm mê tín, chính vì thế mới có sức sống lâu dài, chinh phục được những con người hiện đại ở những thế kỉ tương lai, nhưng vì một thời có người hiểu lầm, thế nên tâm thế sáng tác của một số nhà thơ, thậm chí cả những nhà thơ tên tuổi lúc bấy giờ như Huy Cận, Hoàng Trung Thông… cũng có cái nhìn khác xa tâm thế của những nhà thơ giai đoạn đương đại.
 
Tuy Huy Cận có bài Về thăm chùa Keo (viết năm 1959), Hoàng Trung Thông có bài Trên gác chùa Keo (viết năm 1958) nhưng chủ yếu chỉ để ngợi ca vẻ đẹp kiến trúc của ngôi chùa, ca ngợi bàn tay “người thợ khéo” đã tạo nên “Những mái vờn cong, những dáng rồng” mà thôi. Huy Cận cho rằng mọi người đến chùa nhưng “Lòng tin xưa không còn nữa” và dù có sửa lại chùa, treo chuông cũ lên và thỉnh chuông cũng “Đâu phải để gọi hờ lòng tín mộ”.
Ảnh tác giả cung cấp.
Ảnh tác giả cung cấp.
Còn Hoàng Trung Thông thì so sánh tiếng chuông chùa cũng không làm người nghe rung động như tiếng kẻng hợp tác xã:
 
Thời đại không còn tâm tưởng cũ
Tôi dù gõ mạnh tiếng chuông reo
Cũng không rung động như hồi kẻng
Báo buổi cày tan lúc xế chiều” (?).
 
Theo quan sát của chúng tôi, danh sách các nhà thơ đương đại có tác phẩm liên quan rõ nét đến triết lí đạo Phật đang ngày càng nối dài. Tên tác giả trong tuyển tập này được sắp xếp thứ tự theo vần chữ cái (mà không theo tuổi tác, địa vị, chức vụ, sự nổi tiếng cũng như về số lượng tác phẩm và giải thưởng của họ) để thể hiện sự bình đẳng của chúng sinh trước đức Phật.
 
Các tác giả xuất hiện trong tuyển tập này đều có thành tựu văn học và hầu hết là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; có tác giả được giải quốc tế,  Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh; có tác giả là Trung tướng Công an, Thượng tá Công an, Đại tá Quân đội, Thượng tá Quân đội; có tác giả là Giáo sư, Phó Giáo sư, có tác giả là Tiến sĩ khoa học hoặc Tiến sĩ thuộc các lĩnh vực Triết học, Toán học, Văn học, Ngôn ngữ học…; có tác giả là Anh hùng Lao động, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân; có tác giả là Bộ trưởng, có tác giả là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; có tác giả là Việt kiều; có tác giả là người dân tộc thiểu số và có tác giả còn đang là học sinh phổ thông;… nhưng tác phẩm của họ đều có liên quan đến biểu tượng hoặc tinh thần Phật giáo.
 
Phần tiểu sử chúng tôi cố gắng làm tư liệu kĩ hơn các tuyển tập khác (thay vì chỉ mấy dòng thì có thể là một vài trang), ghi cụ thể tên sách, năm xuất bản để những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu về tác giả, tác phẩm sẽ bớt công tra cứu.
 
Điều này, tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản vì không phải tiểu sử của ai cũng cập nhật sẵn trên google. Người biên soạn phải trực tiếp liên lạc với tác giả vừa là để xin bản quyền, vừa là để có thông tin chính xác. Tuy nhiên, không phải tác giả nào tôi cũng quen và có số điện thoại, nên phải hỏi vòng khắp lượt mới có được, mà khi có số để gọi thì tác giả lại đau ốm như trường hợp nhà thơ Bùi Kim Anh, Lê Quốc Hán…
 
Vì vậy, người tuyển chọn đành phải tìm số điện thoại của con trai hoặc người nhà của chủ nhân tác phẩm để họ cung cấp thêm thông tin còn thiếu. Lại có trường hợp tác giả bài thơ lại trùng tên với các nhà thơ quen thuộc như Trần Nhuận Minh, Bùi Quang Thanh… Nếu không kiểm tra kĩ lưỡng sẽ bị nhầm lẫn theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” và sẽ xảy ra tình trạng “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau”; có trường hợp bài thơ bị in sai một chữ trên các phương tiện thông tin đại chúng, nay đưa vào tuyển này cần sửa lại cho chuẩn theo sự xác nhận của chính nhà thơ hoặc tác giả lại muốn “nhuận sắc” lại cho hay hơn.
 
Như bài “Đường trần” của Nguyễn Thành Phong, ở câu thứ hai, chữ “gặp” phải thay bằng chữ “nhận”: “Trời cho một chút văn/Phải nhận kèm tai họa”.
 
Bài “Phật hẳn còn sống” của Đoàn Thị Lam Luyến, từ “khắc khổ” được sửa thành “khắc khoải”: “Người luôn khắc khổ/Vì muôn chúng sinh” được sửa thành “Người luôn khắc khoải”.
 
Bài “Sám hối” của Đinh Minh Thiện, sau khi tự biên tập một chữ so với bản in cũ cũng hay hơn hẳn: “Thỉnh chuông một tiếng, đọc câu kinh” thành “Thỉnh chuông một tiếng, niệm câu kinh” hoặc bài thơ “Giá thú” của Vi Thùy Linh khi đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội không có hai khổ cuối nhưng tác giả muốn tác phẩm của mình cần phải được khôi phục đầy đủ cho đúng phong cách thơ của mình… Chúng tôi luôn ý thức rằng thơ không được phép in sai dù chỉ là một chữ, một dấu phẩy, một chữ viết hoa hay viết thường ở đầu dòng thơ.
 
Để có tuyển tập này, tôi thường xuyên ngồi ở Thư viện Quốc gia từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều và đọc hàng ngàn tập thơ, dày có, mỏng có, có tập từ 500 đến cả ngàn bài thơ như tập “Chim mỏ vàng và hoa cô độc” của Đồng Đức Bốn, “Lục bát mỗi ngày” của Đặng Vương Hưng, “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh… chỉ để chọn mỗi tập vài ba bài.
 
Khi máy tính hết pin, tôi có thể xạc nhờ chỗ quầy của thủ thư vì cô ấy lại là cựu sinh viên nên rất nhiệt tình, kể cả việc tìm kiếm giúp các cuốn sách mà cô giáo cũ cần. Nhưng không phải cuốn thơ nào cũng có mặt ở Thư viện Quốc gia vì các tác giả thường tự bỏ tiền in thơ nên nhiều nhà xuất bản đôi khi quên nộp lưu chiểu, đó cũng là một khó khăn cho công việc sưu tầm, tuyển chọn.
 
Khi có trong tay số lượng vượt quá 108 tác giả khá nhiều, chúng tôi lại phải cân nhắc kĩ lưỡng nên bớt ai và bớt bài nào; đó cũng là một việc không phải đơn giản vì bỏ ai cũng tiếc. Khi tuyển chọn, tôi luôn khách quan, công tâm theo nghĩa “thành thực nhất với lòng mình”. Nghĩa là, tôi không vì thấy dư luận ghét người mà ghét thơ hoặc chỉ vì không ưa một hành xử nào đó của họ mà lại bỏ sót thơ hay cũng như không cả nể mà chọn những bài không đúng chủ đề. 
 
Những bài thơ mà chúng tôi tuyển chọn dựa theo tiêu chí sau: có các biểu tượng của Phật giáo như chùa chiền, xứ Phật, nhà sư, kinh kệ, hoa sen…; có các chủ đề liên quan đến tinh thần Phật giáo như vô thường, giác ngộ, tái sinh, luân hồi, tu thiền, hoặc tìm kiếm sự an lạc trong tâm hồn, thể hiện lòng từ bi, quan niệm về cái chết nhẹ nhàng như một sự chuyển kiếp, hay con người trước cõi vô cùng…
Ảnh tác giả cung cấp.
Ảnh tác giả cung cấp.

2. Các biểu tượng và chủ đề của Phật giáo

Các biểu tượng Phật giáo như chùa, xứ Phật/miền đất Phật/ cõi Phật; tiếng chuông chùa; các vị Bồ tát, thiền sư; kinh kệ, hoa sen…; các chủ đề khổ đau, vô thường, tái sinh, luân hồi… có mặt trong rất nhiều bài thơ đương đại. 
 
Sở dĩ hình ảnh chùa chiền xuất hiện nhiều trong thơ là do có mối rung động với vẻ đẹp thiên nhiên, kiến trúc và sự chiêm nghiệm tâm linh, đồng thời ngôi chùa còn gắn liền với lịch sử, văn hóa dân tộc và tín ngưỡng Phật giáo của người Việt. Chùa là nơi có không gian thiền định, thanh tịnh, là điểm đến cho những người mong muốn sự bình yên, giải thoát tâm hồn. Trong bối cảnh xã hội hiện đại, khi mà con người đang phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng và lo toan, các nhà thơ tìm thấy trong những ngôi chùa này một biểu tượng của sự trở về, tìm lại sự tĩnh lặng và sự kết nối với cái chân, cái thiện. Tên các ngôi chùa lớn, nhỏ được điểm danh ngay trong các nhan đề bài thơ.  
 
Chùa Yên Tử là nơi gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm trong giai đoạn thịnh vượng của Phật giáo Việt Nam dưới triều đại Trần đã hội tụ trong các bài: “Tuyết ấm chùa Đồng" (Nguyễn Việt Chiến), “Lên Yên Tử” (Đỗ Toàn Diện),  “Lên Yên Tử” (Nguyễn Thanh Kim), “Tìm về Yên Tử” (Đoàn Thị Lam Luyến),“Chiều Yên Tử”, “Đứng trước chùa Đồng” (Trần Nhuận Minh), “Thu, về chơi Yên Tử” (Đỗ Trung Lai),  “Lên chùa Đồng” (Mai Văn Phấn), “Yên Tử” (Ngô Văn Phú), “Nhìn mai Yên Tử nhớ vua Trần Nhân Tông” (Trần Gia Thái), “Người ở Yên Tử” (Nguyễn Khoa Điềm), “Yên Tử trong ta” (Vũ Thanh),“Thỉnh chuông chùa Yên Tử" (Phạm Hồ Thu), “Về Tây Yên Tử”và “Hồn xuân Yên Tử” (Nguyễn Hữu Quý).
 
Chùa Hương, với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và vẻ đẹp hoang sơ, mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc đã xuất hiện trong: “Mùa xuân đến chùa Hương” (Ngô Văn Phú), “Tết Trùng cửu, cùng thu qua chùa Hương” (Đỗ Trung Lai), “Chùa Hương” (Hồng Thanh Quang)…
 
Bài: “Tiếng chuông chùa Thiên Mụ” (Ngô Văn Phú) lại nói đến một ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế gắn liền với lịch sử huy hoàng của các Chúa Nguyễn trong quá trình khai phá, lập nghiệp ở Đàng Trong…  Bài “Qua chùa Từ Hiếu” của Trần Đăng Khoa không những nhắc tên một ngôi chùa nổi danh về đạo hiếu mà còn nhớ tới nơi mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất gia tu hành, cũng là nơi ngài tịnh dưỡng những năm cuối đời và viên tịch ở tuổi 96. Để tưởng nhớ công ơn của Ngài trong việc truyền dạy phương pháp ứng dụng Phật học vào đời sống thường ngày (vừa đơn giản, vừa hợp với khoa học mà hiệu quả nhiệm mầu), khi đi qua chùa, Trần Đăng Khoa đã viết những câu thơ miêu tả vẻ đẹp linh diệu:
 
“Ở trong chùa Từ Hiếu
Đêm cũng tỏa ánh ngày
Ngoài hiên cây sáng rực
Trăng hay là nắng bay?…”
 
Tên các ngôi chùa nổi tiếng ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam… cũng có mặt trong các nhan đề thơ đương đại như: “Chùa Dạm chiều”, “Chùa Bổ Đà” (Vương Tùng Cương); “Tiếng mõ chiều dậy sóng chùa Tiêu" (Thu Sang), “Khánh Long Tự” (Bùi Thanh Hà), “Trước Phật đài Lý Vạn Hạnh” (Nguyễn Lâm Cẩn), “Chùa trong núi Lăng Tiêu” (Hoàng Việt Hằng), “Về Tam Chúc” (Phạm Thị Hồng Thu)…
 
Một số ngôi chùa cổ của Hà Tây (cũ) và Hà Nội được xây dựng từ thời Lý, thời Trần cũng góp mặt trong các bài: “Bia ký dựng ở chùa Thầy” (Dương Kiều Minh), “Ghi ở chùa Nam Đồng” (Dương Kỳ Anh), “Viết ở tam quan chùa Vân Hồ”; chùa Tiêu Dao, nơi kết tinh tâm linh và tinh hoa làng gốm Bát Tràng thì có mặt trong bài “Chùa Tiêu Dao” của Hoàng Việt Hằng.
 
Còn chùa Tây Phương - một công trình kiến trúc tôn giáo thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18), nơi có hệ thống 64 bức tượng Phật và phù điêu đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam lại được điểm tên qua bài “Chùa Tây Phương” của Nguyễn Việt Chiến và “Chùa Tây Phương” của Phạm Thị Hồng Thu…
 
Ngoài ra, còn rất nhiều các ngôi chùa khác đã xuất hiện trong các bài thơ như: “Vào chùa” (Đồng Đức Bốn), “Viếng chùa”, “Chùa hoang” (Đỗ Toàn Diện), “Bà đi gánh nước giếng chùa” (Mai Văn Hoan), “Quét chùa buổi sớm” (Nguyễn Thị Thùy Linh), “Lạc vào chùa” (Vương Trọng); vì làng nào cũng có một ngôi chùa nên rất nhiều bài thơ lại có cùng nhan đề là “Chùa làng” của các tác giả như Vương Tùng Cương, Chu Nhạc, Nguyễn Hữu Quý…
 
Bên cạnh đó còn có “Chùa ở đảo xa” (Nguyễn Thế Hùng)… và nhiều ấn tượng về tiếng chuông chùa như:“Tiếng chuông chùa Nội” (Thy Nguyên), “Tiếng chuông chùa đêm khuya” (Nguyễn Duy Tờ), “Những tiếng chuông loang giữa thênh thang miền nắng” (Tạ Hùng Việt) hoặc  tiếng “Chuông chùa Hòn” của Bùi Tuyết Mai vang lên ở tận xứ Mường (Hòa Bình), còn tiếng “Chuông chùa trên đảo Trường Sa” (Phạm Ánh Sao), “Tiếng chuông chùa giữa đại dương” (Phan Hoàng)… lại ngân lên như là điểm tựa tinh thần của người dân ở tận ngoài biển đảo xa xôi và an ủi những linh hồn lính trẻ Trường Sa đang nằm trong mộ sóng…
 
Không chỉ chùa và tiếng chuông chùa trở thành biểu tượng Phật giáo, là nguồn thi hứng mà những miền đất Phật như Nepal, Ấn Độ, Tây Tạng cũng đã đi vào thơ của nhiều tác giả. Các địa danh cụ thể như: Lumbini nơi đức Phật đản sinh, Bodh Gaya nơi đức Phật đắc đạo, Kushinagar nơi đức Phật nhập Niết bàn và làng Sujata, nơi gắn với truyền thuyết về nàng Sujata cứu sống đức Phật bằng cốc sữa của mình  đã có mặt trong các bài thơ của Nghệ sĩ Ưu tú Nghiêm Nhan. Còn cung điện Potala là nơi ở của các đời Đạt -lai - lạt - ma của người Tây Tạng ở Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ lại xuất hiện trong thơ của Trần Huy Minh Phương… Bên cạnh đó, các bài như Xứ Phật (Hữu Thỉnh), “Cõi Phật” (Trần Đăng Khoa)…lại là những cõi tâm linh trong trí tưởng…
 
Đặc biệt, Di Lặc là vị Bồ tát duy nhất được các tông phái Phật giáo từ Tiểu thừa, Đại thừa đến Mật tông đều tôn kính. Ngài xuất hiện với nụ cười an nhiên trong các bài thơ đương đại như: “Di Lặc” của Dương Kỳ Anh, “Hỏi Phật Di Lặc” của Trần Mạnh Hảo… Các bậc chân tu có tâm đức và tầm trí tuệ như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Huyền Quang, Thiền sư Thích Nhất Hạnh… cũng được rất nhiều nhà thơ tán thán.
 
Trần Nhuận Minh có bài “Dưới bóng Phật Hoàng”, Dương Kiều Minh có bài “Tưởng nhớ Thiền sư Huyền Quang”, Trần Mạnh Hảo có “Cảm tác làng Mai”; Trần Lê Khánh có “Lời khuyên của thiền sư” và ngày Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã xúc động viết: “Theo một người đi”, Lương Đình Khoa thì sáng tác: “Cùng thầy đi gặp mùa xuân” và Trần Hạ Vi lại có “Bài thơ hoa mai” để tỏ bày niềm kính yêu ngưỡng mộ… 
 
Kinh Phật được hiểu đơn giản là những lời dạy của đức Phật; khi tụng đọc, ứng dụng vào đời sống sẽ có những diệu dụng công năng mầu nhiệm. Dấu ấn kinh kệ cũng được đề cập trong thơ của nhiều tác giả như Mai Văn Phấn với bài: “Tụng kinh xong”, Trần Quốc Toàn có: “Kinh đêm” và “Tụng bài kinh rêu”; Bảo Cường với: “Lời mẹ là kinh soi đường”; “Ánh trăng trong mộc bản kinh Phật” (Nguyễn Việt Chiến); Phạm Vân Anh với: “Lời kinh trên sóng”; Thái Bá Tân có chùm thơ Phật với cách viết dễ hiểu về “Kinh A Di Đà”, “Bát Nhã tâm kinh”, “Kệ khai kinh” và nội dung của một số thuật ngữ nhà Phật được diễn giải trong những bài thơ ngắn gọn có tên là: “Cúng hương”, “Tán thán Phật”, “Sám hối”, “Phát nguyện”, “Tây Phương cực lạc”…
 
Bên cạnh đó, Lễ Vu lan cũng là một biểu tượng về đạo hiếu của Phật giáo (Đại thừa). Đó là ngày trọng lễ trong dịp tháng 7 âm lịch hằng năm, là ngày tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên; là một trong những nghi lễ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ ấy, Lễ Vu lan đã đi vào thơ ca đương đại với những nhan đề trực diện như: “Vu Lan nhớ mẹ” (Lê Thành Nghị), “Đóa vu lan màu đỏ” (Tịnh Bình), “Khúc vu lan” (Hồng Thanh Quang) và thậm chí nhiều bài có tên là “Vu lan” trùng nhau trong thơ của nhiều tác giả như Ngàn Thương, Nhụy Nguyên… 
 
Hoa sen cũng là một biểu tượng của Phật giáo, được trưng bày trong chùa, có mặt trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa và còn dùng để đặt tên cho một tông phái (Tịnh Độ Tông, còn gọi là Liên Tông).
 
Sở dĩ như vậy là vì hoa sen có 8 đặc tính tuyệt diệu:
 
1. Không nhiễm (dù mọc lên từ bùn nhơ, nhưng vẫn không mang mùi hôi của bùn)
2. Trừng thanh (chỗ nào có hoa sen mọc, thì chỗ đó nước không bao giờ đục)
3. Kiên nhẫn (rễ củ nằm trong bùn thật lâu để chờ đợi khi hội tụ đầy đủ nhân duyên là lập tức nẩy mầm)
4. Viên dung (những cánh hoa bao bọc gương sen tròn trịa; từ lúc nở cho đến lúc tàn, không bị loài ong bướm bu vào hút nhụy; không bị cảnh nào có thể làm tiêu hoại ô nhiễm)
5. Thanh lương (nở vào mùa Hạ nóng bức giống như Chư Phật Bồ tát ra đời trong cõi đời ngũ trược, mang lại nước cam lồ từ bi để tưới tẩm làm mát dịu cho mọi người)
6. Hành trực (không có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình (cọng sen) ngay thẳng như hoa sen)
7. Ngẩu không (tuy thân ngay thẳng, nhưng trong ruột thì trống rỗng mang ý nghĩa là người tu hành cần phải có tính hỉ xả)
8. Bồng thực (các loài hoa khác, khi bông tàn mới kết nụ thành quả và hạt; ngược lại, hoa sen nở ra thì đã có gương có hạt sẵn rồi; đó là nhân quả đồng thời).
 
Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp đó mà các bài thơ ca ngợi hoa sen trong thơ đương đại khá nhiều, có thể kể đến: “Mẹ ta ở giữa sen hồng” (Nguyễn Việt Chiến), “Phật và sen” (Văn Trọng Hùng), “Chiều sen” (Đỗ Trọng Khơi), “Sen đã nở trong bình gốm cũ” (Phạm Phương Thảo), “Sen” (Vũ Thanh Thủy), “Sen và em” (Nguyễn Hữu Quý)… Thậm chí có nhà thơ còn viết hơn một bài về sen như Nguyễn Thị Liên Tâm với: “Chạm tay vào gió - sen tàn” và “Thơ cho ngày sinh – tôi sen”), Lôi Vũ cũng có tới hai bài “Sen 1” và “Sen 2”… 
 
Các nhà thơ đương đại Việt Nam đã sử dụng những biểu tượng này để kết nối với quá khứ, để tưởng nhớ và tôn vinh những giá trị lịch sử của đất nước và giá trị văn hóa Phật giáo.
 
Các chủ đề thường gặp trong Phật giáo là khổ đau, vô thường, tái sinh, luân hồi… cũng được chuyển tải vào thơ ca đương đại. Vô thường là một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật nhấn mạnh rằng tất cả sự tồn tại đều là "nhất thời, phù du, không cố định". Tất cả các pháp hữu vi, dù là vật chất hay tinh thần, đều là các đối tượng được kết hợp trong tình trạng thay đổi liên tục, có thể bị suy tàn và phá hủy, không có gì tồn tại vĩnh cửu.
 
Thấu hiểu triết lí này, các tác giả đã nhận ra: “Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc/ Chỉ tích tắc khôn lường, ta đã hóa người xưa” (Ở nghĩa trang thành phố, Trần Đăng Khoa);
 
Bất ngờ ánh trăng non / Bay ngang qua cửa sổ / Chợt nhận ra đời mình / Mong manh như ngọn gió” (Mong manh, Trần Nhuận Minh); “Phép biện chứng vô thường/ Không - Có - Có - Không/ Vô tận!” (Không và có, Hà Phạm Phú);
 
Vừa mới gặp nhau đây/ bạn đã vào tro bụi/ đời người sao ngắn vậy / bạn gói khăn kiếp nào” (Tiếc bạn, Nguyễn Thanh Kim);
 
“Lạ gì vô ngã sắc không / Thời gian một giấc vô thường / mong manh…” (Vô thường, Nguyễn Ngọc Hạnh);
 
“Cuộc đời có và không có / Bàn tay sấp ngửa đắng cay / Cuộc đời như là ảo mộng / Có không không có trắng tay” (Có và không có, Đỗ Bạch Mai);
 
“Mới hay trong cõi ta bà / Không không sắc sắc… như là trò chơi / Mới hay sống ở trên đời / Như là ở trọ tạm thời trần gian” (“Ngộ”, Đặng Vương Hưng);
 
Hà Thiên Sơn cũng xác quyết rằng tất cả mọi sự vật: “Lung linh rồi cũng vô thường mà thôi”...
 
Nguyễn Quang Thiều thì luôn băn khoăn với câu hỏi đi tìm bản thể của mình Tôi/ Ta là ai? Và đã ngộ được câu trả lời: “Tôi tìm tôi giữa bời bời / Những lời đêm tối, những lời ban mai / Đời thì ngắn, kiếp thì dài/ Một tôi đứng đợi tôi ngoài nhân gian” (Tôi tìm tôi).
 
Vương Trọng cũng luôn đau đáu với câu hỏi “Ta có hay là ta không? /Ta sau hay là ta trước?” (Lạc vào chùa).
 
Đây là những câu hỏi về bản thể và sự vô ngã, về sự thay đổi và vô thường của cuộc sống. Chúng phản ánh sự tìm kiếm sự thật và sự giải thoát khỏi sự bám víu vào bản ngã, sự nhận thức rằng "ta" không phải là một thực thể cố định mà là một dòng chảy liên tục của các nhân duyên. Hỏi đấy nhưng thực ra các nhà thơ đã có lời đáp và đã đi vào hành trình tự nhận thức và giác ngộ.
 
Quan niệm về tái sinh, luân hồi được thể hiện nhuần nhuyễn trong các bài thơ với những nhan đề: “Tái sinh” (Hoàng Thụy Anh), “Này, chiều kiếp trước” (Đỗ Trọng Khơi), “Tiền kiếp”, “Thương đủ mấy ngàn năm” (Nguyễn Thành Tâm)… Hồng Thanh Quang trong bài “Luân hồi” đã viết: “Kết thúc không phải hết,/ Sẽ luân hồi kiếp sau”.
 
Lương Kim Phương viết bài “Trong khu vườn Thư viện cổ” đã “không còn ngạc nhiên về sự tồn tại của mình” khi cô nhìn mọi cảnh vật ở nơi đây và đã nghĩ rằng có thể kiếp trước: “Tôi là một cây mâm xôi ở chốn này”,“Tôi là chiếc ghế đá trên thảm cỏ xanh ngồi đọc sách” hoặc “Tôi là hàng hồng leo khoe sắc/ trên tường rào lối đi thư viện cổ”. Từ kiếp cỏ cây, đồ vật, “tôi” đã được may mắn hạnh phúc khi được tái sinh vào kiếp người. Khi tin có luân hồi chuyển kiếp tức là nhà thơ đã tin vào một quan niệm của Phật giáo rồi.
 
Cũng vậy, Nguyễn Việt Chiến trong bài “Điều bí mật chưa có lời giải” đã quán tưởng mình đang ngồi dưới gốc hai cây bồ đề ven hồ và nghe thấy “cây thứ nhất nói với ta: / con người sau khi mất thường hóa thành chim / chúng làm tổ trong vòm lá xanh biếc của ta / cây thứ hai nói với ta: / những con chim sau khi chết / thường hóa thành bầy dế nỉ non suốt đêm dưới gốc cây của ta”; và cuối cùng nhà thơ kết luận: “vậy phải chăng sự sống trên thế gian này / là sự chuyển hóa từ kiếp này sang kiếp khác”.
 
Nguyễn Việt Chiến đã đưa vào thơ quan niệm vạn vật đều có linh hồn, đều được chuyển kiếp theo quy luật luân hồi, tất thảy chúng đều là bè bạn: “và từ đây ta coi bầy chim và bầy dế / đều là bè bạn của mình như thuở còn ấu thơ” mà đã là bạn bè người thân thì hãy đối xử với nhau hòa ái, từ bi. 
Ảnh tác giả cung cấp.
Ảnh tác giả cung cấp.

3. Các phương thức rũ bỏ vô minh và sống an lạc

Các nhà thơ đương đại thể hiện sự  giác ngộ, biết rũ bỏ vô minh, tham sân si và thực hành cách sống từ bi, làm điều thiện vì mọi người, biết cách tự thiền để thân tâm an lạc, sống hết mình ngay trong giây phút hiện tại và coi cái chết thật nhẹ nhàng…
 
Tuy nhiên, thường thì người ta chỉ ngộ ra khi gặp những vấn đề của cuộc sống như bất trắc, hiểm nguy chới với không ai cứu, ốm đau kề miệng vực hoặc đang đương chức đương quyền bỗng nhiên bị tước mất “ghế”…: “Người ta chỉ ngộ khi mình đang chới với/ giữa bốn bề sóng nước mênh mông/ cánh buồm ai một đi không trở lại/ đàn nhạn tao tác xa dần/ Người ta cũng ngộ ra khi đi tìm thầy thuốc/ ngộ ra khi đứng trước miệng lò đời/ khi đồi núi dưới chân đổ sụp/ chiếc ghế quen ngồi bỗng chốc bốc hơi…” (Ngộ, Nguyễn Tiến Nên).
 
Người ta cũng chỉ ngộ ra khi bon chen theo trào lưu mà làm những việc không đúng với căn cơ cốt mệnh và sự hiểu biết của mình nên bị thất bại; chỉ ngộ ra khi yêu đương mù quáng trái ngang để rồi bất hạnh: “Ngày xưa yêu vụng nhớ thầm/ Đường quang chẳng bước, đâm sầm bụi gai/ Ngày xưa tham vọng đất đai/ Không đề đóm vẫn “ra ngoài bờ đê”/ Ngày xưa thích nghe câu thề/ Mê trong thuốc lú bùa mê cõi người/ Bây giờ ta trở về thôi/ Bước chân như có gió trời nâng lên…” (Trở về, Đoàn Thị Lam Luyến). “Trở về” ở đây là trở về với tâm không, không tham sân, không mê mờ, bớt lo lắng ưu phiền để tâm hồn được bình yên, thanh thản.
 
Nhà thơ Đỗ Bạch Mai ở tuổi 70 hiểu thấu lẽ đời, bà vất vả khi chồng mất sớm, lại bị bệnh tật ốm đau tuổi già nên đã xác định: “Ta về rũ áo mù sa / Con đường nơi ấy mới là chân tu”. “Rũ áo mù sa” nghĩa là “Buông rồi ...cả những tơ vương... / Không không sắc sắc -vô thường thế gian...” (Không không sắc sắc, Đỗ Bạch Mai)… 
 
Quan sát những tác giả thơ, tôi nhận thấy những ai càng nhiều tuổi, càng trải qua nhiều nỗi thăng trầm của cuộc sống, từng ốm đau thập tử nhất sinh; từng lận đận, đa đoan, truân chuyên; từng chịu oan khiên vận hạn, thậm chí tù tội… thì mảng thơ có dấu ấn Phật giáo lại càng sâu sắc vì niềm tin tâm linh vào Trời Phật chính là điểm tựa tinh thần vững chắc của họ. 
 
Trung tướng Hữu Ước đã thổ lộ: “Bước vào vòng lao lí / Vợ đưa tôi lá bùa / Đêm ngày tôi cầu nguyện / Nam mô A Di Đà / Lá bùa trong địa ngục / Nuôi tôi tròn ba năm" (Lá bùa). Niềm tin vào công lí được gửi gắm trong lời cầu nguyện đức Phật suốt ngày đêm đã “nuôi” ông sống sót “trong địa ngục” nhà tù.
Ảnh tác giả cung cấp.
Ảnh tác giả cung cấp.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài “Những ngôi chùa trong đêm” được ông sáng tác năm 2008 cũng lấy đức Phật làm điểm tựa tinh thần. Khi ở trong những bức tường đá, tưởng tượng ra hình ảnh Phật, nhà thơ đã thấy tâm mình được giải phóng ra khỏi ngục tù của hiện thực và cũng chính là ngục tù tăm tối của cõi tâm: “Người luôn nhìn ta bằng ánh mắt bao dung nhẫn nại / Để hướng thiện và nâng đỡ ta lên”, ngài đã tiếp sức cho anh “niềm tin thấm vào niềm tin”, tin vào công lí. Tại chốn lao tù, nhà thơ vẫn thấy lạc quan, cảm nhận dòng máu nóng của mình vẫn “thức”, tràn đầy nhiệt huyết, vẫn nhận được năng lượng của ánh trăng trí tuệ từ trời cao soi sáng cõi lòng, vẫn thấy được sự mát lành của dòng nước từ bi thanh tẩy hết nỗi oan khiên nghiệp chướng đời người.
 
Với Nguyễn Việt Chiến, đó chính là “nơi máu thức trong đá/ nơi trăng soi trong đá / nơi nước chảy trong đá”. Mấy câu thơ này khiến chúng ta liên tưởng tới một bài haiku của Basho do Nhật Chiêu dịch: “Nền đá hoang tàn / Lung linh bóng nắng / Bụt hiện dung nhan”. Sở dĩ liên tưởng như vậy là bởi chúng giống nhau ở tinh thần thiền. Giữa bốn bức tường đá thì ánh trăng soi, dòng nước chảy đâu có tồn tại, nó tồn tại là do tưởng tri bản ngã mà thôi. Sự tưởng tượng đẹp đẽ đó được hiện lên trong cái nhìn lạc quan của nhà thơ. Nguyễn Việt Chiến cũng đã từng chia sẻ rằng trong những lúc khó khăn buồn khổ nhất, anh luôn tin rằng thân tâm mình đã được che chở bởi phúc lành, bởi những tiếng kinh nguyện cầu của người mẹ là một tín đồ đạo Phật.  
 
Dẫu cuộc đời là bể khổ nhưng nếu chúng ta biết tu thiền, tu tâm thì sẽ thấy Niết bàn hay Phật không phải ở đâu xa, mà ở ngay cạnh chúng ta, không phải tìm kiếm đâu xa bởi Phật tại tâm, Phật chính là cha là mẹ…
 
Nhà thơ Bùi Thanh Hà sau khi đi “Tìm chốn bình yên”  khắp “cõi ta bà” chỉ thấy “mặn mòi nước mắt”, cuối cùng cũng đã ngộ ra: “Bạn phải đi đâu tìm chốn bình yên? / Khi bạn có một trái tim thắm đỏ / Chốn bình yên ở trong tâm bạn đó / Nơi dịu dàng... giàu có tình yêu...”. Dương Kỳ Anh ngộ ra: “Lần trong gió bụi cuộc đời / Mới hay cõi Phật ở nơi lòng mình” (Ghi ở chùa Nam Đồng)… 
 
Hồng Thanh Quang trong bài Ở đâu gần Phật nhất cho rằng không phải cứ gần các đại thiền sư, gần những ngôi chùa lớn hay những nơi phát sinh huyền tích thì là được gần Phật, được gần Niết bàn. Khi gần Phật nhất chính là lúc tâm ta an lạc nhất, gần với giáo lí nhà Phật nhất, biết giúp đời giúp người, sống một đời tử tế, biết làm thiện nguyện từ nguồn thu nhập chính đáng của mình: “Cúng dường bằng tần tảo/ Tạo dựng đời ấm êm/ Giúp muôn loài cùng khổ/ Bớt buồn, an lạc thêm…”.
 
Trần Huy Minh Phương cũng quan niệm: Phật không ở đâu xa, Phật chính là cha là mẹ, người đã dạy con những điều nhân nghĩa. Nâng đóa sen cung kính đặt lên bàn thờ thắp hương dâng cha mẹ, nhà thơ tự thấy Phật tính trong lòng mình: “Con vừa xuống ao nhà nâng sen lễ Phật/ Phật trong con bừng sáng/ giọt giọt trong” (Phật trong nhà tôi).
 
Nhà thơ Bình Nguyên Trang trong “Đoản khúc dâng mẹ” cũng quan niệm người mẹ hiền lành, nhân hậu giống như vị Phật Bà mang dòng nước cam lồ phổ độ cho thân tâm của con mình, vì thế chúng ta hãy làm tròn đạo hiếu trước đã… Bởi người Việt có cách nghĩ: "Tu đâu không bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu". Do vậy "chân tu" đích thực là phải biết thờ cha kính mẹ. 
 
Bên cạnh đó, các nhà thơ đương đại quan niệm: Hạnh phúc là biết sống an lạc ngay trong giây phút hiện tại theo tinh thần “hiện pháp lạc trú”; “hiện pháp” là bây giờ và ở đây, “lạc trú” nghĩa là an trú trong hạnh phúc. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng hãy biết tìm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, sống hết mình trong từng sát na chứ không phải tìm trong quá khứ hay tương lai. Bởi quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa tới và có thể sẽ không bao giờ tới.
 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã chỉ giáo: “Chẳng biết rong chơi miền tịnh độ / Làm người một kiếp cũng như không”. Miền tịnh độ thực ra không phải ở đâu xa mà chính là nơi mà tâm thức chúng ta giác ngộ, thanh tịnh, yên bình, vững chãi, thảnh thơi. Nếu tâm không an thì cuộc đời thiết nghĩ sống cũng bằng thừa. Tiếp thu quan niệm này, nhiều tác giả thơ đương đại đã nhận diện những chất liệu của hạnh phúc có mặt ở xung quanh, biết lắng nghe thanh âm cuộc sống, biết thiền tâm, biết tự giải thoát khỏi bến mê, thoát khỏi những sai lầm do tham sân si gây ra, biết “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, sống lành mạnh, yêu đời, thường lạc hiện sinh. 
 
Hạnh phúc là khi thân tâm an lạc, thiền là cách để tâm tĩnh lặng, an nhiên, từ đó có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới quanh ta. Có hai cách thiền: “thiền động” và “thiền tĩnh”. Thiền tĩnh là tĩnh lặng tự tại ngay cả trong môi trường vận động. Thiền động là cơ thể vẫn vận động trong môi trường vận động, chỉ có trí tuệ và tâm tĩnh lặng để tiếp dẫn đến các triết lí nhà Phật.
 
Các nhà thơ đương đại ngoài việc ngợi ca thiền thì cũng đã thực hành thiền tâm bằng nhiều cách khác nhau, có người ngồi nhắm mắt, lặng nghe, có người niệm chú tiếng Phạn, có người đọc kinh hoặc tụng niệm danh hiệu Phật… Tâm thế thiền, cảm giác an nhiên của các nhà thơ được thể hiện qua các bài thơ khác nhau. Chỉ riêng những bài thơ có nhan đề liên quan trực tiếp đến thiền cũng rất nhiều: “Thiền 1”, “Thiền 2”, “Thiền 3”, “Thiền 4” (Như Bình); “Thiền” (Giang Đăng); “Thiền” (Nguyễn Thị Hồng Ngát); “Thiền” (Trang Thanh); “Thiền” (Trần Huy Minh Phương); “Thiền” (Nguyễn Thị Minh Thái); “Thiền” (Giáng Vân); “Thiền” (Lê Hưng Tiến); “Thiền động” (Trần Mạnh Hảo); “Khoảng thiền” (Phạm Vân Anh); “Lòng thiền” (Mai Văn Phấn); “Tọa thiền” (Bế Kiến Quốc); “Vườn thiền” (Nguyễn Thị Minh Thái); “Thiền trà” (Phạm Phương Thảo); “Thiền đa nguyên” (Phạm Hồ Thu); “Thiền yêu” (Trần Hạ Vi)…
 
Đỗ Thượng Thế trong bài “Vừa đi vừa niệm” đã tự quán thiền bằng cách niệm câu: “Án ma ni bát di hồng” (Om Mani Padme Hum). Đây là một câu thần chú tiếng Phạn quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Mật tông, cầu sự gia trì của đức Quán Thế Âm Bồ tát. Còn gọi là “lục tự đại minh chân ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.
 
Mục đích của nhà thơ với việc vừa đi vừa niệm ấy là để trong mỗi bước chân, tâm hồn mình “tự tại”, “thong dong”, “tĩnh lặng”, “bao dung”, rũ bỏ vô minh, “đặt xuống gánh buồn”: “Vừa đi vừa niệm / mắt nghiền tay chắp hoa sen/ tĩnh lặng xoay vần / xoay vần thong dong / chuông gióng từng hồi tự tại/ hơi thở con đường vô hạn / cỏ chờ nâng bước chân… / Vừa đi vừa niệm/ đến với ngọn núi cao cô đơn / bao dung bao điều tồi tệ / cự tuyệt cuộc chiến trái tim / lửa vô minh ngàn năm rũ bỏ / đặt xuống gánh buồn / bước qua cái chết…”. 
 
Lê Khánh Mai thì : “Giấu lửa trong cơ thể đá ngồi thiền / tịnh tại, an nhiên” (Ngày sau);
 
Mai Văn Phấn: “Tĩnh lặng mới biết / Mình tọa thiền cùng nhiều người khác / Đan hào quang / Từ những không gian khác / Tôi tự chữa lành vết thương” (trích: Tĩnh lặng);
 
Nguyễn Bình Phương cũng lặng lẽ nhắm mắt tự thiền để tìm kiếm vẻ đẹp ngọt ngào trong quán tưởng của mình: “Nhắm mắt lại và từ từ hiển hiện / Một vườn mía ngọt lúc trăng lên” (N.B.P).
 
Nhà thơ giàu nghị lực Đỗ Trọng Khơi chắc chắn thấu hiểu câu: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tắc kiến Như lai” (nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các hình tướng đều không phải tướng, đó là thấy Phật).
 
Vì thế, anh đã tự “lặng nghe”, tự thiền trong tịnh vắng để thấy mình hình tướng hư vô: “Mà về thăm thẳm tâm linh / Lặng nghe tịnh vắng xóa hình dáng ta” (Cầm thu)… Khi ở trong những phút giây tĩnh lặng, thiền định là ta đã đến được Niết bàn. Niết bàn không ở đâu xa, không phải là một cảnh giới khác mà ở ngay trong hiện tại, Niết bàn không phải là một địa danh, mà là ẩn dụ cho sự thanh thản, yên bình trong tâm hồn, là một trạng thái tinh thần của sự giải thoát. 
 
Mỗi người lại có một cách riêng rũ bỏ khổ đau, rũ bỏ tham sân si để thân tâm an lạc. Một nữ thanh niên xung phong đại diện cho hàng trăm nữ thanh niên xung phong trong bài thơ “Nửa đêm gõ mõ”(trích trong Chương III của trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa”) của Phạm Tiến Duật đã chọn một lối thoát cho tâm hồn là quy y cửa Phật.
 
Bởi như thế họ sẽ quên được nỗi buồn khi rời quân ngũ trở về mà người yêu thì đã hi sinh, bản thân thì bệnh tật, vết thương cũ lại nhức nhối, sốt rét rừng đã làm rụng hết tóc. Họ muốn rũ bỏ hết những tham ái để thân tâm bình lặng khi tuổi chưa hẳn đã già vì vẫn “Thấy dấu hiệu của thời còn sinh nở”. Đi tu, họ được như ý sở cầu: “Nam mô A di đà Phật / Cho con từ giã phận mình / Những ham muốn đời thường / Đừng bắt con đeo đẳng”… 
 
Nguyễn Quang Thiều lại đẩy lùi bóng tối vô minh bằng ánh sáng của tâm thiền trong một bài thơ ngắn: “Đấy là một đêm / Ngôi nhà tối đen / Tưởng chưa bao giờ có ở đó / Nhưng tôi chợt thấy / Một lỗ thủng / Lọt chút sáng mờ / Tôi lần mò về phía lỗ thủng / Và nhận ra / Một đóa loa kèn” (Hoa loa kèn).
 
Trong ngữ cảnh bóng đêm đã nuốt chửng ngôi nhà, nhà thơ đã nhìn thấy một đốm sáng trắng muốt tinh khôi. Đây là ánh sáng của đức tin, đóa loa kèn đã làm nên lịch sử của bóng tối. Bóng tối và ánh sáng cũng nằm trong triết lí nhị nguyên cuả đạo Phật. Chẳng có gì từ bi, đẹp đẽ bằng việc thay thế bóng đêm, sự vô minh bằng ánh sáng của một đóa hoa. Tôi chợt nhớ đến công án “Niêm Hoa Vi Tiếu”, Phật đưa cành hoa lên khai thị, Ca Diếp phá nhan mỉm cười!
 
Sống hết mình trong hiện tại cũng là điều tâm niệm của nhiều nhà thơ đương đại. Bùi Kim Anh có tập thơ “Thức bước thời gian” gồm 120 bài với 1500 lần bà nhắc tới thời gian. Bà luôn hiểu được giá trị và bước đi tàn bạo của thời gian, của kiếp người ngắn ngủi nên đã xác định một cách sống ý thức hơn trong từng sat na: “cùng sống hết lòng hôm nay đã” và “đừng hẹn nữa ngày mai”, bởi giữa dòng đời biến động, ngày mai chẳng biết thế nào: “một ngày thôi cũng là quá muộn / mây thiên di cảm xúc cũng rời đi / lẳng lặng thời gian dòng đời biến động / chớ để ngày mai / đừng hẹn nữa ngày mai”.
 
Ngày mai là ngày không bao giờ có thực. Chúng ta chắc không quên câu chuyện ông già bán kẹo kéo treo biển bán hàng: “Ngày mai ăn không phải trả tiền”. Lũ trẻ chờ đến ngày mai để hi vọng ăn kẹo mà không mất tiền mua nhưng thất vọng. Bởi vì thời điểm của hiện tại vẫn không phải là ngày mai và mãi mãi ngày mai vẫn chỉ là ngày mai. Cho nên ngày nào còn được sống còn được thở là còn hạnh phúc. Hãy sống hết mình cho hiện tại: tròn tâm, tròn đạo.
 
Phải vậy chăng mà nhà thơ Bế Kiến Quốc đã viết: “Em / Hãy nâng niu từng ngày tháng, phút giây / Khi hai đứa được bên nhau gần gũi / Đừng rời nhau, bàn tay trong bàn tay / Hãy biết quý tình yêu thời hiện tại!/ Ta đã gặp được nhau, ngay ở cõi đời nay” (Đừng hẹn kiếp sau). Biết trân trọng phút giây hiện tại, trân trọng nhân duyên trời định nên nhà thơ ấy dẫu có đa tình, mơ tới nhiều mĩ nhân cổ kim đông tây, diễn viên, công chúa thì vẫn luôn ý thức được người gần gũi với mình nhất không phải là ai khác mà chính là vợ mình: “Giật mình choàng thức, chạm tay/ Ai? Bờ vai ấm sát ngay bên mình/ Chờ nhau mấy độ hoá sinh/ Là em đã tới cùng anh cõi này” (Nửa đêm gió chuyển)…
 
Một cách thực hành thiền nữa là con người nắm vững quy luật cuộc sống, dám nhìn thẳng vào sự thật, không sợ hãi trước cái chết, coi cái chết thật nhẹ nhàng. Chết không phải là hết mà chỉ là chuyện đi - về.
 
Bế Kiến Quốc là người am hiểu về đạo lý nhà Phật. Nhiều bài thơ viết về sự sống và cái chết nhưng không bi quan, hướng người đọc đến ánh sáng của cái thiện, nhắc nhở mọi người về đức hy sinh và luật nhân quả trong cõi luân hồi như bài “Ngợi ca ngọn lửa”, “Huyền bí mùa xuân”…. Đặc biệt trong bài “Không đề 1”, Bế Kiến Quốc viết: “Tôi phải đi một khi ngày đã tận / Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi / Tôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm / Ánh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi / Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá / Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly / Tôi để lại không mang theo gì cả / Thật nhẹ nhàng, như gió, lúc ra đi”.
 
Bế Kiến Quốc làm bài thơ này khi còn khỏe nhưng dường như đã dự cảm cho sự ra đi của mình. Ông hiểu rằng đã là con người không ai thoát được quy luật bất biến của muôn đời đó là “sinh, lão bệnh, tử”; chết không phải là hết, mà chỉ là sự bàn giao chuyển kiếp. Ông đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho sự ra đi của mình trong một tâm thế bình tĩnh thoải mái: không vướng bận nợ nần ai, đã trả hết mọi yêu thương hờn giận, đã làm xong mọi ân nghĩa với cuộc đời, đã rũ bỏ hết mọi ham muốn dục vọng.
 
Nhà thơ Trần Vũ Long trong bài “Bế Kiến Quốc và những dòng thơ định mệnh” đã bình về bài thơ “Không đề 1” như sau: “Trong bài thơ này, Bế Kiến Quốc cũng muốn chuyển cái thông điệp đó đến với những người ở lại hoàn thành nốt sứ mệnh còn dang dở nơi trần thế. Ông muốn mọi người đừng coi sự ra đi của ông là một dấu chấm hết cho một kiếp người, hãy xem nó giống như những cuộc chia ly khác diễn ra ở sân bay, ga tàu. Ông mong muốn mọi người đừng quá đau buồn, đừng quá tiếc thương, đơn giản một lẽ là ông đã xong phần việc của mình ở nơi trần thế và cần phải đi trước mọi người mà thôi”.
 
Nhà thơ quân đội Nguyễn Bình Phương cũng coi cái chết nhẹ nhàng, giống như là sự giải thoát: “Chết làm ngôi sao đen / Nằm trên giường bình nhiên bí ẩn / (…) / Chết nở một nụ cười sáng nhẹ / Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai” (Nhẹ).
 
Theo quan niệm Phật giáo, chết không phải là vĩnh biệt, tiễn biệt mà thực ra là để tái sinh trong một kiếp sống khác. Nguyễn Thụy Kha ung dung đón đợi quy luật của tạo hóa trong vòng sinh - diệt, quy luật cuộc đời sinh - lão - bệnh - tử với thái độ bình thản, ung dung tự tại: “Trời thong thả xuân / Hoa thong thả nở / Người thong thả tàn” (Thong thả 2)…
 
Khi không màng danh lợi, ham muốn sân si thì thân tâm chúng ta được an nhiên, hạnh phúc. Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc sau những biến cố cuộc đời đã tìm hiểu Phật giáo và trở nên ngộ đạo. Chị đã thực hiện cách sống buông bỏ sân si, quên đi những “mưu mô” của người đời: “Khép rồi mỗi phím sân si / Em là đôi cánh chim di / Bay đi trên tầng mây trắng”. Chị biết rằng chỉ có tình yêu thương, lòng từ bi mới có thể chữa lành những vết rách tâm hồn: “Ánh mắt yêu thương thay thế hằn thù / Sẽ không còn màu đen độc địa / Trong đám mây tội lỗi kiếp người”. Chị cảm thấy hoan hỉ khi làm từ thiện giúp đỡ nhiều người bất hạnh: “Tự nhủ lòng sống tốt thiện lành hơn/ Và chia sớt những cảnh đời ngang trái”.
 
Tinh thần “thương người như thể thương thân” của triết lí đạo Phật cũng góp mặt trong thơ của Đồng Đức Bốn trước khi rời cõi thế cũng nhắn nhủ mọi người: “Trở về với suối với sông / Trở về với đất với không còn gì / Hồn thơ lục bát ra đi / Xin người ở lại sống vì nhau hơn”(“Xin trời một trận mưa rào đón tôi”).
 
Nguyễn Long có bài thơ “Thường dân” nổi tiếng vượt qua hàng vài ngàn bài thơ khác để giành giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 2003. Bài thơ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ với những con người không bon chen danh lợi: “Mặc ai mua nổi bán chìm thiệt hơn”, họ có cách sống vô ngã: “Hòa vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. 
 
Trần Lê Khánh lại sống theo “Lời khuyên của thiền sư” biết diệt sân hận, biết tu khẩu, bởi vì nóng giận chỉ đem đến những kết cục xấu: “hai ngọn lửa / ngả vào lòng nhau / thêm khói”.
 
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc cũng ý thức về khẩu nghiệp: “Miệng là hoa lá mùa xuân / Vướng chi khẩu nghiệp gian truân một đời / Nên thôi người cứ nguội lời”  (trích: “Trường ca Cúc”)…
 
Nữ tác giả trẻ Trần Hạ Vi trong bài “Thiền yêu” đã có ý thức rất rõ trong việc cần buông xả hận thù dù từng bị phản bội trong tình yêu để tâm mình thanh thản: “Em mỗi ngày mỗi thiền / yêu anh trong uất hận / để mỗi ngày vơi dần / vơi dần / tịnh tiến miền thanh thản”. Tuy nhiên, làm được điều này chắc không phải dễ dàng gì, bởi vấn đề tình ái, lục dục thất tình là một trong những nỗi khổ lớn nhất của con người trần thế. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nghĩ được như vậy là người trẻ này cũng đã bắt đầu ngộ đạo rồi. 
 
Thơ ca Phật giáo cũng thể hiện lòng từ bi, sự bao dung đối với chúng sinh, khuyến khích con người sống hài hòa, yêu thương nhau và yêu thương mọi loài.
 
Nhà thơ kiêm dịch giả Thái Bá Tân đã dựa vào một tích truyện tôn giáo để diễn tả sự từ bi trong bài thơ “Thiền sư và con rắn”. Một vị thiền sư gắng sức để cứu một con rắn độc sắp chết trôi dưới sông nhưng nó đã đớp ông, nọc độc đã làm cho bàn tay ông sưng tấy nhưng ông vẫn loay hoay tìm cách vớt nó. Một người đi qua, thấy thế khuyên ông đừng cứu nữa vì nó sẽ cắn ông chết. Nhưng thiền sư đã ngoái đầu lại và trả lời: “Bản chất rắn là cắn / Bản chất người: Cứu đời!”.
 
Triết lí của câu chuyện này là: Nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người thì phải biết chịu đựng những cú cắn của loài rắn độc, của những lời thị phi, của sự hãm hại, thậm chí của cả việc phải hi sinh tính mạng. Loài vật nào cũng có thói quen riêng, thú tính riêng nhưng đã là người Phật tử thì không thể thiếu vắng sự khoan dung và lòng từ bi.
 
Đức Phật trao lòng từ bi với chúng sinh đều bình đẳng giống như tình cảm của mẹ với các con, đứa hư đứa ngoan đều thương xót không phân biệt, chỉ có tình thương mới có thể cảm hóa và thay đổi đời sống này. Bởi một người đồ tể khi buông dao vẫn có thể chuyển nghiệp thành cây huyết dụ (Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật, nghĩa là buông bỏ dao xuống thành Phật) (Lập địa thành Phật: lập tức thành Phật; có lời giải khác: đứng ngay đó thành Phật) có ích cho đời sống (xem: “Sự tích cây huyết dụ”).
 
Thiện và ác, ác và thiện là hai mặt của bàn tay, là hai mặt của thế giới tâm thức, cũng là ranh giới mong manh của mê và ngộ, nếu mỗi con người chúng ta biết quay trở về thấy rõ chân tâm, thức tỉnh những hạt giống tốt đẹp trong mình thì vẫn có thể có cơ duyên chuyển hóa khổ đau bất thiện thành hạnh phúc an vui.
 
Phật giáo mong muốn tất cả mọi người ai cũng có lòng từ bi, tình yêu thương, nhân ái để thế giới này tốt đẹp. Trần Đăng Khoa khi đứng “Ở nghĩa trang thành phố” đã ngộ về kiếp sống vô thường và mong cầu: “Mặt trời lặn rồi, mặt trời còn mọc lại / Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi/ Ta nghe tiếng rì rầm của những hàng bia đá / Con người ơi! Hãy thương lấy Con Người”.
 
Hồng Thanh Quang cũng suy nghĩ theo quan điểm nhà Phật: nếu sống tốt sẽ không thiếu lộc; sống tốt nghĩa là vun bồi phúc đức mà “có phúc có phần”, “có đức mặc sức mà ăn” nên khi đi Chùa Hương, ông không mong cầu các vật ngoại thân như mọi người mà chỉ ý thức nên sống thiện lương: “…Và mong sống tốt thì không thiếu/ Chút lộc riêng dành như đã mơ” (Chùa Hương)… 
 
Theo quan sát của chúng tôi, tư tưởng của đạo Phật hầu như đã có sẵn trong nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt Nam nên đi vào thơ ca một cách hết sức tự nhiên, tuy có sự thể hiện đậm nhạt khác nhau ở mỗi tác giả. 
 
Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, khi ông tâm sự trên chương trình Truyền hình An Viên: “Chùa là nơi giúp ta chữa lành những vết thương lòng”.
 
Ông cho rằng: Ngoài căn nhà chính là tổ ấm gia đình, thì mỗi chúng ta còn cần có ba căn nhà: Nhà Trường dạy chúng ta những kiến thức phổ thông, kiến thức sơ đẳng, (còn để thành tài thì phải học nữa, học suốt đời, đặc biệt là phải có khả năng tự đào tạo. Ai không có khả năng tự đào tạo thì không thể phát triển được); Nhà Thương chữa cho ta những căn bệnh trần gian xương thịt. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ và ông bà ta xưa đã gọi “bệnh viện” là “Nhà Thương”.
 
Như thế chữa bệnh không phải chỉ có thuốc mà còn phải có cả tình thương nữa. Nhưng rồi cũng có những căn bệnh mà Nhà Thương và các thầy thuốc cũng không thể chữa nổi. Không có dao kéo hay thuốc thang nào lách được tới đó. Đấy là những niềm đau, nỗi khổ sâu thẳm trong cõi tinh thần, hay cõi tâm linh, vì thế chúng ta mới cần đến căn nhà thứ ba, là Nhà Chùa (và Nhà thờ). Chính Nhà Chùa, Nhà Thờ mới giải thoát được cho ta. Nhiều khi chỉ cần thay đổi một quan niệm thôi, ta đã không còn bị kẹt, đã thực sự được giải thoát. Và chúng ta phải làm sao để ba Căn Nhà linh diệu ấy không bị nhuốm bẩn hay ô nhiễm, mà luôn trong sạch và cao đẹp thì đời ta mới thực sự bình yên, an lạc và hạnh phúc.

4. Lời kết

Có thể thấy, Phật giáo không chỉ ảnh hưởng đến những nhà thơ xuất gia mà còn tạo ra một làn sóng ảnh hưởng mạnh mẽ trong sáng tác của những tác giả không xuất gia. Mảng thơ này thể hiện tư tưởng nhân văn và có giá trị trường tồn trong đời sống con người.
 
Các biểu tượng, triết lí Phật giáo và tinh thần thiền, quan niệm “hiện pháp lạc trú” đã được nhiều tác giả thơ Việt Nam đương đại thể hiện một cách minh triết, rõ ràng qua tác phẩm trong suốt một thời kì từ 1986 đến nay. Cách thực hành thiền (tìm thấy niềm vui vẻ đẹp của thiên nhiên, lạc quan trước hiện thực nghiệt ngã, coi cái chết nhẹ nhàng, biết rũ bỏ vô minh chấp ngã, quên đi thù hận, sống trong sạch, biết tự mình cứu mình, sống hết mình trong hiện tại, có tinh thần từ bi giúp đỡ mọi người...) là cách sống tích cực, khiến cho thân tâm an lạc, hạnh phúc, không mắc những sai lầm do tham sân si tạo ra.
 
Cách sống này cũng góp phần làm lành mạnh xã hội bởi như GS. Cao Huy Thuần đã chia sẻ trong thư gửi tới Tọa đàm “Thơ thiền Việt Nam” vào ngày 26/3/2023 tại Huế: “Chất thiền càng mạnh trong chất đạo thì đạo càng vững, mà đạo càng vững thì phong hóa đạo đức trong xã hội càng vững, an ninh mới đảm bảo”.
 
***
Khi sưu tầm, tuyển chọn tập thơ này, tôi có ý thức đem chút công sức và thời gian của mình để làm một việc có ý nghĩa. Đó là tổng hợp được phần nào những tác phẩm có dấu ấn Phật giáo trong thơ đương đại Việt Nam (của các nhà thơ không xuất gia) ở mọi vùng miền với các phong cách sáng tác khác nhau. Qua đó, giúp người đọc tiếp cận giáo lí nhà Phật một cách dễ dàng hơn, thú vị hơn thông qua ngôn ngữ thơ ca và nó cũng là một nguồn tư liệu cho những ai nghiên cứu mảng thơ thiền đương đại.
 
Chúng tôi biết chắc chắn còn nhiều tác giả khác có thơ liên quan đến tinh thần Phật giáo rất sâu sắc, nhưng vì dung lượng sách có hạn nên tạm thời chưa hiện diện trong tuyển tập. Hi vọng nếu có thời gian và nhân duyên thì chúng tôi sẽ tiếp tục công việc sưu tầm này cho những cuốn sách tiếp theo.
 
Để có tuyển tập này đến tay bạn đọc, chúng tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã cấp giấy phép xuất bản; trân trọng cảm ơn các vị Thượng tọa đã viết lời giới thiệu và động viên tác giả.
 
Trân trọng cảm ơn Trường Đại học Thăng Long đã tạo điều kiện để tôi có thể yên tâm tập trung cho công việc sưu tầm, tuyển chọn trong hơn một năm qua; trân trọng cảm ơn những người bạn quý mến đã ủng hộ việc sưu tầm, tuyển chọn sách của tôi.
 
Vì lí do khách quan nên cũng có vài nhà thơ có tên trong tuyển tập này mà tôi chưa thể liên lạc được để xin phép trước, nhưng tôi nghĩ chắc tác giả ấy cũng sẽ hoan hỉ mà không chấp niệm. Bởi đây là cuốn sách làm với mục đích lợi lạc quần sinh, lan tỏa tinh thần nhân văn của đạo Phật tới cộng đồng. 
 
Sau khi xuất bản, kính mong các nhà thơ có tác phẩm trong sách này cho chúng tôi biết địa chỉ để được trân trọng gửi tặng sách và nói lời cảm ơn. (Số ĐT: 0986.623.732 )
 
Xin chân thành cảm ơn các tác giả và quý vị độc giả.
 
Tác giả: PGS TS Hoàng Kim Ngọc