Hình tượng mùa thu trong văn học Phật giáo Trung Quốc
ISSN: 2734-9195
13:28 26/05/25
Vương Duy là một nhà thơ, một nhà hội họa, một nhà âm nhạc, một nhà thư pháp, đã cống hiến nhiều về mặt nghệ thuật. Mỗi bài thơ của Vương Duy như là một bức bích họa với những đường nét tinh tế, điêu luyện.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Trúc (Thích nữ Phước Tuệ) Học viên Thạc sĩ K.II, chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện PGVN tại Huế.
1. Mở đầu
Trong bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, mùa thu được xem là một mùa đẹp nhất trong năm. Cảnh thiên nhiên mùa thu với những hình ảnh trên cây là những tán lá vàng, lá vàng rơi xuống đất thành những thảm lá vàng trải khắp lối đi. Gió thu se lạnh hiu hiu thổi, hay cảnh sắc trời mùa thu với ánh nắng mặt trời dịu nhẹ, không chói chang như mùa hạ.
Những hình ảnh ấy gây nên một nỗi niềm trong lòng người. Tâm và cảnh dường như có sự giao cảm tương ứng nào đó, gợi lên một nỗi buồn man man, vời vợi. Đẹp, mùa thu thật đẹp. Chính vì vậy, mùa thu luôn là nguồn cảm hứng của thi nhân để miêu tả về một niềm tâm trạng, cũng là nơi gửi gắm tâm trạng của mình vào trong đó. Riêng trong kho tàng thơ văn của Trung hoa, mùa thu buồn là một đề tài truyền thống rất được các văn thi sĩ ưa chuộng, và được dùng làm bối cảnh khi tác giả muốn phơi bày một tâm sự không vui.
Nhưng trong Phật giáo hay nói rõ hơn là văn học Phật giáo lấy mùa thu để lý giải một quan niệm, một triết lý Phật giáo. Đó chính là vô thường, sự vô thường của một thân xác, một sự vật.
Vô thường là sự thay đổi, bất định của vạn vật, bao gồm cả mặt tâm lý của con người. Sự thay đổi ấy không đi theo một chiều duy nhất từ sinh đến diệt, mà còn từ diệt đến sinh; điều này hợp lý và hiển nhiên để có những cuộc canh tân, cải cách, thay đổi cái xấu thành tốt, ác thành thiện, phàm thành thánh.
Vô thường hủy hoại tất cả, nhưng cũng xây dựng nên tất cả. Những thiền sư, thi sĩ mến mộ Phật pháp lấy mùa thu làm hình tượng trong thơ văn, lấy đó làm phép ẩn dụ một triết lý nhà Phật để cảnh tỉnh cho thế nhân. Đừng để đời người đi đến cuối cùng, thân xá già yếu, như một chiếc lá vàng rơi rụng thì mới chợt tỉnh thức thì đã muộn rồi. Như nhà thơ Vương Duy của Trung Quốc cũng lấy hình tượng mùa thu để miêu tả trong các tác phẩm của mình.
Hình ảnh minh hoạ. Ảnh: internet
2. Các tác phẩm của Vương Duy liên quan đến mùa thu
Cũng như bao thi sĩ khác, Vương Duy cũng đưa các hình ảnh thiên nhiên – một hình tượng mà các nhà thơ muốn thông qua đó để miêu tả tâm trạng của mình. Các hình ảnh đó bao gồm: hoa sen, đám mây trắng, suối nước, gió thổi,… thì hình ảnh thiên nhiên mùa thu cũng được tác giả đưa vào trong thơ của mình như bài: Sơn cư thu minh, Sơn cư tức sự, hay Mộc lan trại của ông cũng dùng hình ảnh mùa thu để miêu tả tâm trạng thanh nhàn của mình khi ở ẩn nơi núi rừng.
Sơn cư thu minh
"Không sơn tân vũ hậu,
Thiên khí vãn lai thu.
Minh nguyệt tùng gian chiếu,
Thanh tuyền thạch thượng lưu.
Trúc huyên quy hoán nữ,
Liên động há ngư chu.
Tuỳ ý xuân phương yết,
Vương tôn tự khả lưu."
Dịch nghĩa:
"Không không toà núi sau trận mưa
Thời tiết ban đêm đến đã là thu rồi
Trăng sáng chiếu qua đám cây tùng
Suối nước xanh chảy trên tảng đá
Nghe có tiếng trúc xào xạc mấy cô giặt áo đi về
Tiếng lá sen xao động có người hạ thuyền xuống
Tuỳ ý, hương xuân đã hết
Các vương tôn muốn ở lại thì tự tiện."
Thu dạ khúc
"Quế phách sơ sinh thu lộ vi,
Kinh la dĩ bạc vị canh y.
Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng,
Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy."
Dịch nghĩa
"Vầng trăng mới mọc, sương thu thưa thớt
Lụa phai màu mà áo chưa thay.
Đêm khuya rồi mà tiếng đàn tranh như suối bạc vẫn róc rách khúa ân tình,
Lòng e sợ phòng không chẳng dám về."
Mộc lan trại
"Thu sơn liễm dư chiếu,
Phi điểu trục tiền lữ.
Thái thuý thời phân minh,
Tịch lam vô xứ sở."
Dịch nghĩa
"Rặng núi thu gom nốt ánh chiều còn sót lại,
Đàn chim đang vội vã bay đuổi theo bầy.
Màu núi xanh biếc lúc đầu còn nhìn rõ rệt,
Đã chìm khuất không còn thấy ở trong khí núi buổi chiều tối."
Hình ảnh minh hoạ. Ảnh: internet
3. Giá trị hình ảnh mùa thu trong tác phẩm
Khi đọc về tiểu sử của Vương Duy, ta xót xa cho một kiếp người, một nhân tài có số phận đau khổ. Con người thường nói đời người có bồn niêmg vui lớn và bốn nỗi buồn cực hạn, thì cuộc đời Vương Duy đã hội tụ đủ tất cả niềm vui, nổi buồn của thế nhân. Trong cuộc đời của ông đã trải qua tất cả những thăng trầm, khi được vinh hiển, rạng danh gia tộc, khi bị lưu đày nơi biên ải. Nhưng những điều đó không làm vùi dập đi một thế hệ anh tài kiệt xuất mà đã tạo ra một con người lỗi lạc, đa tài được lịch sử ghi lại và đặt cho ông với cái tên là Thi Phật.
Sau khi trải qua những buồn vui, và nỗi đau mất vợ con, ông đã sáng tác bài thơ "Điểu minh giản" và "Sơn cư thu minh" nổi tiếng. Trong thơ văn Trung Quốc, nếu thơ Lý Bạch là đỉnh cao lãng mạn, thơ Đỗ Phủ là đỉnh cao của hiện thực, thì thơ Vương Duy là đỉnh cao của thơ “sơn thuỷ điền viên”, và hơn tất cả, đó là thơ của triết lý thiền môn...
Đến với thơ Vương Duy, người đọc không khó để nắm bắt hai đặc trưng lớn trong sự nghiệp thơ văn của ông. Vương Duy đặc biệt thành công trong cả hai mảng thơ: thơ điền viên sơn thuỷ và thơ thiền, cho dù không phải bao giờ cũng có sự tách bạch đó. Ở mảng thơ điền viên sơn thuỷ, Vương Duy tỏ ra là một nhà ngôn ngữ hội họa tài ba, tức là giỏi “gợi” vậy.
Ngược lại, ở mảng thơ thiền, Vương Duy là một “thiền sư” triết lý thâm trầm bằng ngôn ngữ “thiền vô ngôn thiền” của mình. Do vậy, trong thơ điền viên sơn thuỷ có ý vị thiền; trong thơ thiền có cảnh sơn thuỷ điền viên.
Cũng chính vì vậy, mà thơ của ông không mang rõ triết lý Phật giáo lại ẩn trong đó một sự giác ngộ của của cuộc đời vô thường, như trong câu thơ bài Sơn cư thu minh:
"Không sơn tân vũ hậu,
Thiên khí vãn lai thu."
Bất chợt cuộc đời con người cũng giống như vậy, nếu không chú ý thì đã đi hết cuộc đời, như sau cơn mưa thì nhận ra thời tiết đã vào mùa thu. Một định lý không thể kháng cự, xoay vần biến đổi không ngừng, thời gian trôi qua không thể dừng lại. Như câu nói nổi tiếng của triết gia Hy lạp cổ đại Heraclitus: “Con người không thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Do đó, mà con người chỉ có thể chấp nhận như là một thực tại ngẫu nhiên.
Như bài thơ Mộc lan sài, dung sự im lặng của âm thanh, một bức tranh thên nhiên mờ ảo, vô định mong manh để thể hiện sự sống và cái chết. Một khoảng thời gian tích tắc, mau chóng và biến ảo đã thể hiện sự sinh diệt, vô thường, một sự thật hiển nhiên không thể thay thế và mang màu sắc huyền bí sâu sắc.
4. Thông điệp
Với Vương Duy, tư tưởng ông nhuốm màu Thiền, bàng bạc tư tưởng Lão – Trang. Có thể nói, điều đó đã ảnh hưởng đến thơ của ông, đặc biệt là mảng thơ “điền viên sơn thủy”, hồn thơ ấy không chỉ mang trong mình nét bình dị, êm ả của cảnh vật nông thôn mà tình trong thơ ông còn có sự u hoài lặng lẽ.
Vương Duy là một nhà thơ, một nhà hội họa, một nhà âm nhạc, một nhà thư pháp, đã cống hiến nhiều về mặt nghệ thuật. Mỗi bài thơ của Vương Duy như là một bức bích họa với những đường nét tinh tế, điêu luyện. Bức bích họa ấy không chỉ đẹp bởi đường nét tinh tế mà còn đẹp ở ngôn từ cũng như lời lẽ cô đọng, hàm súc. Tất cả tạo nên một tuyệt tác, một Vương Duy không thể lẫn vào đâu được.
Thơ của ông dường như không đề cập đến triết lý Phật giáo, nhưng thông qua cuộc đời cũng như trong các tác phẩm của ông, ta nhận thấy rằng, trong đó ẩn chứa triết lý Phật pháp sâu sắc, cũng như tên tự mà mẹ ông đã đặt co ông là Ma Cật vậy. Một con người tài hoa nhưng bị thời cuộc quên lãng. Nhưng những điều đó không làm cho ông mất đi ý chí, chán chường mà đã tìm ra một hướng đi mới cho cuộc đời này là Phật pháp.
Ông đã ngộ ra được triết lý nhà Phật, nên đã có một Vương Duy khác biệt với người khác. Trong thơ của ông đã ẩn chứa được sự sinh, sự diệt không thể thay đổi hay sự vô thường của thế gian này. Một quy luật tuần hoàn của vũ trụ, một sự thật hiển nhiên không thể thay đổi.
Nên cuối cuộc đời, đã trải qua bao thăng trầm ông lựa chọn cuộc sống ẩn cư nơi nông thôn, với một cuộc sống thanh nhàn, tự tại.
5. Kết luận
Trong thơ của Vương Duy mang một màu sắc, một hình ảnh điền viên sơn thủy, với tất cả hình ảnh mà thiên nhiên có thì trong thơ của ông đều có. Dù ít đề cập đến mùa thu mà người viết muốn đề cập, nhưng thông qua các bài thơ đã nêu ở trên, thì mùa thu trong thơ của ông đã nêu lên được một quy luật của vũ trụ, một triết lý duyên sinh của vạn vật luôn biến chuyển không ngừng. Sự thay đổi của thời gian, của bốn mùa trong năm cũng đã thể hiện rõ sự vô thường của vạn vật trong vũ trụ này.
Qua thơ của Vương Duy, ta nhận ra ông là một con người đa tài, đa nghệ, một con người tài ba. Thông qua cuộc đời của mình, ông đã nhận ra nỗi buồn của nhân thế và niềm an nhiên về đời và đạo. Ông sống trong lối gải thoát của riêng mình, không lẫn lộn với bất kỳ ai, thơ trong đạo – đạo trong thơ. Trong thơ của ông mang một nét u huyền, cảm thức vũ trụ mang nội dung của thiền tông nhưng rất phù hợp với cốt cách tài hoa củ ông, mang rõ những ảnh hưởng văn hóa của thời thịnh Đường mà ông là một trong những đại diện tiêu biểu.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Thanh Tâm (2019), Thơ ca phật giáo Việt Nam-Đông Á nhìn từ mỹ học thiền, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.
2. Dư Quan Anh, Tiến Chung Thư, Phạm Ninh (Lê Huy Tiêu dịch) (1998), Lịch sử văn học Phật giáo Trung Quốc, Nxb Giáo dục.
3. Đỗ Tùng Bách (Phước Đức dịch) (2000), Thơ thiền Đường-Tống, Nxb Đồng Nai.
Bồ tát Long Thọ đã thể nhập lý tính Duyên khởi vi diệu không thể nghĩ bàn ấy, và Ngài muốn mọi người cũng được như Ngài nhận ra chân thật của pháp thế gian là vô thường, vô ngã là không thật, chỉ là giả danh không nên chìm đắm vào đó.
Động cơ tu trì đức Phật Dược Sư ban đầu của người dân rất đa dạng, có thể làm tìm cầu chữa lành bệnh tật, ngăn ngừa cái chết, kéo dài tuổi thọ, cầu tự, cầu con trai, cầu sự bảo hộ địa vị xã hội v.v…
Dương Văn Hội đã dùng hết cuộc đời mình cho đạo pháp. Trung tâm khắc kinh Kim Lăng đã trải qua biết bao thăng trầm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa Phật giáo cận đại.
Cái hay của Phong Kiều dạ bạc, ngoài việc chọn lọc ngôn ngữ còn ở tính truyền tải của tác phẩm. Thông qua tiếng chuông, tác giả đã gợi ra nhiều tầng giá trị về văn học lẫn tôn giáo.
Qua các bài thơ, ta thấy ông rất yêu thiên nhiên, yêu hoa cúc, thích ngắm ánh trăng, yêu thích tận hưởng từng dư niệm cảnh sắc cùng hồn thơ dạt dào thi ý.
Hạnh phúc là khi thân tâm an lạc, thiền là cách để tâm tĩnh lặng, an nhiên, từ đó có những suy nghĩ tích cực, lạc quan, cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới quanh ta.
Hình ảnh lá bồ đề trong nghệ thuật trang trí Phật giáo không chỉ đơn thuần là một họa tiết mang tính thẩm mỹ, mà còn là biểu tượng thiêng liêng dẫn lối cho tâm hồn con người trở về với sự bình yên và giác ngộ.
Sự phát triển rực rỡ của văn thơ chữ Nôm trên cả hai bình diện nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật là biểu hiện hùng hồn cho lòng tự hào dân tộc, minh chứng rõ nét nhất cho khát vọng xây dựng nền văn hiến độc lập của ông cha ta.
Đặt các bài Kệ trong bối cảnh sáng tác của các thiền sư và hoàn cảnh xã hội đương thời sẽ thấy được vai trò rất lớn của họ đối với việc duy trì và phát triển đạo Phật qua nhiều thế kỷ.
Bình luận (0)