Tóm tắt: Chúng ta luôn bị vô minh, vọng động làm mê mờ mà quên mất bản thể chân tâm thường hằng, tính thấy như như bất động, tất cả Phật, thánh, chúng sinh cùng chung một nhà. Khi giác tỉnh thì ánh sáng tịch tĩnh chiếu soi, một niệm không sinh mọi thứ hiển bày. Nhưng khi mê tất cả đắm chìm khổ đau. Vậy sinh tử, niết bàn cũng như tính thấy thanh tịnh vốn là bản thể chân như không hình tướng, không sinh diệt vậy.

Từ khóa: Niết bàn, sinh tử, Phật, Chân tâm diệu hữu.

Thông qua các cuộc đối thoại về thiền đã ẩn tàng áo nghĩa thâm sâu, chứa đựng nhiều lời chỉ dạy của chư Phật, Tổ… về con đường đi đến giác ngộ, giải thoát bằng nhiều hình thức tu tập hoặc thoại đầu… khác nhau. Chúng ta đâu đó cũng đã biết đến câu chuyện giữa thiền sư Thạch Sương và tú tài Trương Chuyết với nét thiền vị của cuộc đời. Qua đây, còn giúp hành giả tỏ ngộ giữa vọng và chân, khéo hay vụng; từ đây nhận chân được bản thể chân tâm diệu dụng, biết con đường nhận chân hạnh phúc ra sao! Đồng thời mang nội hàm giáo lý căn bản của Phật về chân tâm và con đường đi đến giải thoát. Vậy thông qua bài kệ mà tú tài Trương Chuyết giác ngộ đáp lại câu hỏi của Thiền Sư Thạch Sương nước Trung Hoa đã cho chúng ta thấy được gì? Qua phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh trong kinh điển và tổng hợp lại kết hợp văn bản học, lịch sử học; chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét bài kệ[1]:

“Quang minh tịch chiếu biến hà sa

Phàm thánh hàm linh cộng nhất gia

Nhất niệm bất sinh toàn thể hiện

Lục căn tài động bị vân già

Đoạn trừ vọng tưởng trùng tăng bệnh

Thú hướng chân như tổng thị tà

Tùy thuận thế duyên vô quái ngại

Niết bàn sinh tử đẳng không hoa”.

Bối cảnh ra đời

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Theo sách “Thiền sư Trung Hoa”, tập 2 - Đời thứ năm sau Lục Tổ do HT.Thích Thanh Từ khi viết về thiền sư Khánh Chư (Thạch Sương 806 - 888)[2] cũng như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông do Nhẫn Tế Thiền Sư - quyển V, phần thứ hai: Phần chánh tông, chương 2 - Nương chỗ ngộ mà tu; mục 2 - cột khăn để chỉ mối nút và cách mở nút, I - cột nút; hay tác phẩm “Những đóa hoa thiền” do dịch giả Dương Đình Hỷ, Phước Quế, NXB Publications, Arlington, USA 2003; cả ba tác phẩm đều chỉ ra khi thiền sư hỏi tú tài Trương Chuyết lúc ông tới tham vấn qua câu nói của Tổ về việc: “tìm cái khéo còn chẳng được thay cái vụng từ đâu mà lại”[3]; từ đây liền ngộ mà trình kệ trên.

Phân tích nội dung tư tưởng trong bài kệ

Bài kệ là lối chơi chữ của vị tú tài. Theo tên của ông có nghĩa là vụng về, không khéo; nhân đó mà Ngài giảng tự tính mỗi người cần phải vượt khỏi đối đãi, hay, dở, tốt, xấu, khéo léo, vụng về; đồng thời biết cách để giác ngộ. Bởi vì, một khi chúng ta từng niệm trụ vào cảnh thì đó là do thức tâm chi phối. Các thiền sư khi dẫn dắt hậu học sẽ có lúc dùng khẳng định, lúc lại phủ định; đôi khi sử dụng cả hai hoặc không dùng cái nào vì sợ người nghe chấp nhặt vào cái có, cái không.

Quang minh tịch chiếu biến hà sa”[4]: trong đó “tịch” là vắng lặng, chết; quang minh là ánh sáng, chiếu là soi rọi; câu này nghĩa là ánh sáng vắng lặng, tịch tĩnh thì được chiếu soi khắp cùng tận hằng hà sa số, không là tính duyên của ai, không phải thánh cũng chẳng phải phàm. Quang minh biến chiếu là chân thân Phật Tỳ Lư Giá Na, là tính giác biến khắp, không chỗ nào là không có nhưng vì năm ấm, vô minh che mờ nên mới tồn tại cái mê, vì vậy ma mới tới quấy phá. Nếu như chân vọng không tương quan thì ma không sợ hãi mà dốc sức quấy phá.

Bản thể chúng sinh đồng thể với Phật, luôn vắng lặng mà soi khắp pháp giới nhưng do vô minh, năm tầng mê muội mà lầm tưởng và có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… bao đời bao kiếp không thể giác tỉnh.

Tịch là không gợn sóng, thể tịch là vắng lặng không hình, không tướng nghĩa là chân tâm bản tính của mình không phải đất, nước, gió, lửa, hư không… mà là tính chân không bát nhã.

Vì thể của nó là tính giác nên dụng của nó là chiếu soi; do đó chúng ta mới thấy cái này, cái kia, sáng, tối, xúc giác… biết đủ tất cả và biến ra sáu trần. Ví như ổi, xoài, xe, nhà… đều là dụng của chân tâm biến ra.

“Phàm Thánh hàm linh cộng nhất gia”: mười phương Phật, Thánh, ma cũng như tất cả chúng sinh đều đang sống trong cùng một nhà, một pháp giới như hàng vạn ngọn đèn thắp sáng trong một ngôi nhà. Không ai có thể phân biệt được ngọn đèn nào cho ra ánh sáng nào. Tuy nhiên, khi một ngọn đèn bị tắt thì ngay lập tức khối ánh sáng này bị động và ngọn nào tắt thì tắt, các ngọn khác vô can. Tương tự, thánh phàm chung sống trong cùng một pháp giới tuy không ngăn cách nhưng phàm mê thấy có phân biệt, cách ngăn. Như là chư Phật, Bồ Tát, Thánh nhân đang tồn tại nhưng ta không thấy và chúng ta hiện hữu đều có thân thể riêng. Chúng phàm phu ăn cơm, uống nước hình thành da, thịt, máu, xương… mê mà nhận ngũ uẩn đó là thân mình rồi nhận tâm tính mình thắt nút vào cái thân này mà quên mất chúng ta có cái tính Phật đồng với chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền trong cùng một pháp giới. Bởi vì, chúng ta nhận ra tính Phật là bản thể của vạn pháp, thiện - ác, chúng sinh Niết bàn; nếu như ta còn thấy chúng sinh là ô nhiễm, Thánh là thanh tịnh, còn ghét người ác, thích người thiện… thì cái này chưa được thanh tịnh. Chư Phật quá khứ, hiện tại hay là ở vị lai đã có tâm thanh tịnh, giác địa, nhất niệm Viên giác thì đều bình đẳng không còn khái niệm hơn kém, không còn phân biệt vào các danh hiệu, tất cả chỉ là một vị Phật đồng nhất mà thôi.

Tóm lại, bản thể chân tâm sẵn có của tất cả chúng sinh và chư Phật nó bao trùm khắp cả vũ trụ; tâm này thường tịch tĩnh, không vọng động, không bị thời gian, không gian thay đổi, xưa nay thấu suốt, như như bất động, ở bậc Thánh không thêm, phàm phu không bớt nên phàm thánh cùng chung một nhà là vậy.

Khi người giác tỉnh vừa trở về chân tính ngay tại một niệm không sinh tất sẽ đồng với Thánh nhân không sai biệt và ngược lại chỉ cần vừa khởi một niệm thì có sự phân cách khác biệt.

Vì vậy, chúng ta hãy cứ một niệm sống với tính Phật, không bận lòng chuyện khác; chỉ cần nhất tâm như vậy thì dù cho ma có tới cũng không làm gì được vì mình không bận lòng ai, không bận lòng chuyện hay dở, tốt xấu, từ sâu thẳm trong tâm không mong ước nên ma không thể phá.

Khi hành giả tu tập hãy nên một lòng chuyên tu, không nghĩ lăng xăng; vì chỉ cần phá giới dẫn dâm thì định, tuệ quy tà, thân sẽ làm con của ma; bấy giờ chúng ma mới hài lòng. Mặt khác, với bậc thượng căn tất sẽ không có tâm phân biệt Thánh phàm quá nặng nên ma khó tới quấy phá; vì đối với các Ngài, Phàm Thánh bình đẳng nên không tự xưng mình chứng Thánh. Bấy giờ các vị không khinh người phàm, không quí trọng thánh mà xem tất cả đồng nhau. Đến cuối cùng, khi ta trở về chỗ bất động thì mới thành Phật.

Đồng thời, Phật cũng chỉ chúng ta r,õ tính Phật vốn là bản thể chân thật sẵn có, chỉ vì nhiễm ô, vô minh mà thành chúng sinh, động vật… nếu tỉnh giác, buông hết hư vọng, không nhận vọng thân, vọng tâm, vọng cảnh là mình mà trở về nhận lấy thực thể chân tính thì tất cả đức tính tốt đẹp làm Phật, Bồ Tát, chư Tổ, Thánh hiền đều ở nơi ta.

Thực tế, chúng ta đa phần đều đã biết căn - trần - thức dưới tác động của vô minh che kín khiến ta không sáng nhưng tính sáng ấy vẫn le lói tỏa ra. Tương tự  tính thể của chúng ta là vô lượng quang, vô lượng thọ nhưng vô minh che mờ nên tính giác chỉ le lói phát ra nơi sáu căn ví như mắt là tính thấy, tai là tính nghe… nhưng tính Phật như hư không, luôn tồn tại nơi tâm mà không phụ thuộc thân sinh, già, bệnh, chết này. Vì vậy, khi chúng sinh tỉnh ra và buông cái hư vọng thì thoát sinh tử, nhận lấy tính thể nơi sáu căn đó chính là Niết bàn.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình minh họa. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, Thế Tôn dạy: “Ai nói Ta thuyết pháp là nói sai, người ấy đã xuyên tạc Ta”[5]; vậy có phải mâu thuẫn không? Không, bởi vì lời nói đó chẳng phải, cái phải đó chẳng thể nói. Tất cả những gì mình hiểu được, nói được đều chẳng phải thực tế, cái thực tế đó phải ngộ mới được.

Khi chúng ta càng muốn đoạn trừ cái vọng, cái mê thì nó lại càng tăng trưởng giống như muốn sóng yên mà cứ đạp vào mặt nước thì không thể dừng mà cần ngăn gió tự nhiên sóng sẽ tan, vọng tưởng, chấp thủ, chấp ngã sinh phiền não là vậy; còn nếu tâm hướng về chân như thì cũng là tà bởi chân như vốn là bản thể thanh tịnh, không hình, không tướng, như như bất động và vẫn luôn tồn tại, chỉ cần giác tỉnh là tự hiển bày không cần phải hướng khắp nơi để mà tìm ở đâu xa.

Khi chúng ta quán chiếu kỹ, sẽ thấy được hư vọng của lục căn với lục trần, nếu chúng ta không tỉnh giác thì sẽ là người đưa “giặc” vào nhà, rồi bị cướp hết rừng công đức. Không chỉ vậy, khi chúng ta không tu thiện nghiệp, không quán xét thì càng ngày càng kết nhiều nút thắt, cột chặt phiền não vô minh; cho nên khi càng muốn tháo gỡ, muốn đoạn trừ phiền não sẽ lại càng tăng thêm. Nếu ta muốn mở ra thì trước tiên phải thấy nút thắt tức những mắt xích cội nguồn của vọng, của mê rồi mới mở; khi cái gốc đã mở, tuệ đã khai tức phiền não, vô minh, khổ đau tự mất không cần phải đoạn diệt, cũng không cần tìm về chân như mà ngay lúc đó tự hiển bày vậy. Tất cả căn, trần, thức cũng là hiện tượng nhân duyên sắc không tác dụng qua lại mà tạo nên, tất cả đều tùy thuận nhân duyên mà sinh khởi không có ngằn mé.

Ở đây, sáu căn tượng trưng cho sự tồn tại sinh tử của chính chúng sinh, là biểu hiện của duyên khởi của sinh diệt. Bởi vì sinh tử nên tìm cầu Niết bàn, nên đây là cặp phạm trù đối ngược nhau không bao giờ cùng có mặt một lúc. Sáu căn vừa dấy động, thấy cảnh dấy niệm phân biệt, liền bị che ngăn bởi vì niệm vô minh mà chúng sinh đã huân tập. Chúng sinh muốn trừ phiền não trong vô minh thì càng thêm một lớp bệnh nữa, chất chứa những tà vạy của kiếp luân hồi tương tục. Vì phiền não trong tâm chúng sinh là niệm dấy lên, là giả tướng hư ảo, tìm không thấu chỉ thấy “mất tăm mất dạng”, biết là không thật thì trừ cái gì? Nhận thức con đường là như vậy, khi tư tưởng phiền não dấy khởi và đi vào tâm trí của hành giả thì không cần phải tác động gì, bởi đó là huyễn cảnh khi đủ duyên thì biểu hiện. Còn nếu cố tình đoạn trừ phiền não vì tưởng là thật thì lớp bệnh càng tăng thêm. Còn khi ta nhắm về hướng Chân như thì đó cũng là tà. Vừa dấy niệm tìm Chân như thì Chân như ở ngoài mình. Chân như là Tâm thể chân thật ngay nơi mình, chỉ cần không còn theo vọng tưởng thì Chân như tự hiện. Hành giả còn đi tìm Chân như tức là quên cái thật nơi chính mình mà đi tìm lấy cái giả, đó là những tà vạy mà thôi. Chính đây là cảnh giới Thanh Tịnh Quang Minh, mà hành giả không còn theo vọng tưởng. Đạo Phật giác ngộ trên lẽ vô thường, khi con người đã đi qua sự nếm trải của vinh hoa phú quý cũng như cùng đinh cơ cực, thì lẽ tự nhiên sẽ cảm nhận được cái tụ tán của cuộc đời ngay chính trong đời sống của mình. Chính trong sự sinh diệt, “Tài động” của sáu căn là sự trói buộc của sinh tử. Đó là sự khổ của tái sinh, luân hồi.

Vì Phật đã giác ngộ chân tâm thanh tịnh nên mới tùy duyên tự tại vô ngại, không bị vạn vật làm chướng ngại; còn chúng sinh vì mê chân tâm hiệp với vọng trần nên thấy có phân biệt các vật. Do tâm có phân biệt, vọng động nên thấy trần cảnh có chướng ngại; khi trong tâm hết chướng ngại, hết vọng thì không có vật gì làm chướng ngại. Như vậy, chân tâm thì không còn vọng nên không còn đối đãi, tất cả đều tuyệt tính, ly tướng tức người giác ngộ chân lý trọn vẹn, có cái nhìn vạn pháp một cách tri kiến vô kiến. Vì vậy, ta cần nhận thức sinh tử hay niết bàn đều ở đó, cặp phạm trù này chỉ là tương đối, bổ trợ nhau và chúng ta tùy thuận tự do, muốn làm hay nói đều không sợ hãi.

Khi chúng ta giác ngộ thì mê lầm không còn gốc rễ, trước do mây che nên mê, giờ giác ngộ cái mê này, hướng về chân như tức cái mê ấy tự diệt; cái giác ngộ này không sinh trở lại cái mê nữa, nó dụ cho hoa đốm giữa hư không khi diệt rồi thì không sinh trở lại. Dụ như con mắt bị đau thấy có đốm hoa giữa hư không, đến khi hết đau thì đốm hoa tự hết. Vì hư không vốn không có hoa đốm mà vọng thấy hoa đốm sinh diệt đó là điên đảo, nếu còn mong thấy nó trở lại lại càng điên đảo hơn. Bởi vậy, chư Phật khi chứng Niết bàn không còn vọng động trở lại làm chúng sinh, bấy giờ Niết bàn, hư không vốn không có sinh tử nên không có hoa đốm lăng xăng. Tóm lại, cái tính thấy của chúng sinh vốn không sinh, không diệt, tất cả đồng một bản thể tịch tĩnh, chiếu soi khắp pháp giới.

Liên hệ tư tưởng “nhất thiết duy tâm” và “Niết bàn” trong bài kệ

Nhất thiết duy tâm tạo

Với ý vạn pháp duy tâm này, không phải tất cả đều do tâm tạo mà tất cả những gì mình thấy, nghe, cảm nhận… đều đưa vào tâm để hình thành nên tướng trạng, vậy mới nói đó là biểu hiện từ thái độ của tâm đối với hiện thực. Đây cũng là pháp giới duy tâm, quan điểm Nhất thừa viên giáo. Tâm tạo ra các pháp là chân tâm. “Tứ thánh lục phàm tâm sở tạo”[6], tức là tất cả các địa vị đều được tạo nên bởi tâm chứ thật ra phàm hay thánh đều chung một pháp giới. Pháp giới tính là bản chất tự nhiên có sẵn, là bản thể của sự vật hiện tượng. Lý nhập chân tâm cũng là bản thể, lắng tâm quán chiếu không còn phân biệt đối đãi ta hay mình… xa lìa văn tự, hiểu được áo nghĩa thâm sâu mà vô minh che lấp từ đó chiếu rọi khắp pháp giới cả mặt không gian lẫn thời gian.

Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet
Hình mang tính minh họa. Ảnh: Internet

Theo quan điểm của Duy thức và Hoa Nghiêm tông, tất cả pháp đều do tâm tạo nên dưới tác động của cảnh nhưng vốn tất cả đều không thật có do đó nó không phải thực tại luận cũng chẳng phải duy vật luận mà là không luận và chỉ ra duy chỉ có một thực tại là nhất chân pháp giới.

Thấy rõ chân tâm là bản thể không hình, không tướng, còn cái có vi diệu của thực tại là điều kiện tính cho chân không tồn tại.

Một khi huyễn thân diệt thì cái vọng thân, vọng tâm cũng tan hoại và mọi nhận thức cũng mất, chỉ còn chân không tự tính hay bản thể thanh tịnh tồn tại. Lúc bấy giờ tất cả đồng nhau, chiếu rọi khắp nơi, niết bàn hay sinh tử đều không có khởi diệt, bấy giờ chúng ta trở về bản thể vắng lặng vốn có của mình, không vọng, không chân. Như vậy, không có pháp nào ngoài tâm riêng biệt mà tồn tại.

Mối liên hệ với tư tưởng Niết bàn trong Kinh Lăng Nghiêm

Niết bàn là gì? Đó chính là không sinh diệt, tịch tĩnh, thông thường có nghĩa là cứu kính, chấm dứt sinh tử. Nhưng ở đây, đó không phải là thực thể cố định mà chỉ là pháp tùy duyên, không ngoài tâm. Niết bàn siêu việt mọi danh từ thuộc nhị nguyên, tương đối. Bởi thế vượt ngoài những khái niệm thông thường về thiện ác, phải trái, hữu phi hữu… Tâm - Phật - chúng sinh đồng một thể. Sinh tử tức niết bàn[7], phiền não tức bồ đề[8]: là hai phạm trù nhị nguyên giữa diệt đế và đạo đế. Ở trong phiền não, trong nghịch duyên mà giác ngộ tức tâm không vướng chấp vào phiền não, tâm trở về chân tâm thực tướng, bản thể thanh tịnh thì ngay đó là Niết bàn bởi vì sinh tử như là sóng, còn niết bàn là nước là bản thể.

Niết bàn không phải là đoạn tận sinh tử, mà từ nền tảng khổ đau, sinh tử mà có giải thoát. Cặp phạm trù này luôn song hành, tồn tại. Đứng trên hiện tượng luận để tìm niết bàn thì chắc chắn rằng đang tìm trong vô vọng vì Phật giáo phát triển thì cho rằng sinh tử và niết bàn không khác, hay còn gọi là “bất trụ niết bàn”, là quá trình điều hòa giữa hai tư tưởng luân hồi và giải thoát, tuy ở trong thế giới tái sinh tương tục, nhưng điều đó không phải là kết quả của nghiệp lực trói buộc, mà là hoạt động một cách tự do, tự tại, tích cực cứu độ chúng sinh. Tuy lấy giải thoát làm lý tưởng, nhưng trái với trạng thái tịch tĩnh của vô dư niết bàn.

Có thể nói bất trụ niết bàn là đương thể, một mặt là vĩnh viễn luân hồi, mặt khác là vĩnh viễn giải thoát. Do đó, có thể thực hiện Niết bàn này, hành giả không nhất thiết phải xa rời cuộc sống, mà ở ngay trong đời, đi thẳng vào cuộc đời, trụ vào cái tâm giải thoát vô sở đắc, cùng với hết thảy mọi người, tích cực hoạt động để tịnh hóa nhân gian.

Trong Phật giáo Đại thừa nói sinh tử tức niết bàn, tất cả chúng sinh đều có phật tính... cũng chỉ là chứng minh cho quan điểm chân chính này, bởi vì lý tưởng này vượt mọi hạn cuộc của khía cạnh, không giới hạn ở những phạm trù nhất định. Phật và chúng sinh đồng một thể tính thanh tịnh.

Vì vậy, tự tính niết bàn là nói bản lai thanh tịnh, giải thoát của tất cả chúng sinh, dẫu tu hay không, chúng sinh vẫn có tự tính niết bàn, bởi tự tính Phật tức là tự tính niết bàn, là thanh tịnh giải thoát, cho nên khi tu tập là mở cánh cửa này ra mà thôi. Tự tính vốn thanh tịnh nhưng do khách trần phiền não làm bao phủ, đến khi bụi trần biến mất thì niết bàn tự hiển bày. Ví dụ, chúng ta đem nắm muối bỏ vào ly đựng nước và tương tự cho vào cái bể nước, chúng ta nêm thử thì cái nào mặn hơn.

Chúng ta có thể nói vị mặn trong hai loại khác nhau nhưng chúng ta không thể phủ nhận trong hai vật đựng nước không có vị mặn. Vị mặn đó là do muối mà có.

Vì vậy, Niết bàn cũng đứng trên hiện tượng luận thì niết bàn chia ra làm nhiều phương diện nhưng trên tự tính giải thoát thì niết bàn chỉ có một mà thôi vì đó từ bản thể tự tính giải thoát của chúng sinh.

Niết bàn với người giác ngộ chỉ là huyễn hiện, bình đẳng như sinh tử, cả hai đều không thực tính. Cho nên, trong bài kệ niết bàn không phải là mục tiêu để đạt được bằng sự nỗ lực tìm kiếm ngoài tâm mà chính là tâm thanh tịnh, không vọng động. Nếu tâm lặng sáng niết bàn hiện tiền, ngược lại thì sinh tử hiện; cho nên, tất cả đều do tâm.

Ý nghĩa thực tiễn

Thông qua bài kệ trên, hành giả tu tập có thể giải thoát khỏi vướng mắc vào các khái niệm, chấp chước mà lầm nhận vọng thành mê. Chúng ta cứ tùy thuận nhân duyên, một niệm không sinh, chân tâm tự hé mở.

Mặt khác, các bậc thiền sư dùng các phương tiện có khi khẳng định, có khi phủ định nhưng có lúc trung đạo nhằm mục đích khiến cho học trò tỉnh thức, không còn bám chấp vào vọng, nhìn nhận sai lầm, không còn đoạn trừ hay tìm cầu, chỉ cần giác tỉnh tự nhiên mê tan, chân tâm sẵn có hiển lộ. Bởi vì chúng sinh còn vướng vào ý niệm vô minh của mình: “Đại Bát niết bàn vốn tự có”, “Như Lai tạng hướng về đó mà kiến lập”, há chẳng phải Niết bàn là gốc ư? Mê lý khởi hoặc, há chẳng phải sinh tử là ngọn ư? Mọi pháp đều có gốc thì mọi pháp đều có ngọn. Vì nghĩa ấy nên có hai gốc hai ngọn”[9]. 

Ngoài ra, dù cho sự vật hiện tượng có khác nhau nhưng bản thể chỉ có một, vốn không hình tướng, thanh tịnh tịch tĩnh. Bản thể tâm vốn thanh tịnh, tùy duyên khi tiếp xúc với ngoại cảnh có sự cảm ứng với bên trong mà tạo thành những nghiệp thức khác nhau của đời sống chúng sinh. Đó chính là nhân duyên của pháp giới chúng sinh, pháp giới này có cả hai mặt chân đế và tục đế, bản thể và hiện tượng, tính và tướng. Cả hai mặt này tương tức, nương nhau mà biểu hiện cả tướng và tính. Chúng sinh không thể dùng giác quan mà nhận biết được, chỉ có sự thực chứng của bản thể Như Lai mới có thể biết được. Bởi vì pháp giới này là vô tướng, bất sinh bất diệt, không khứ, không lai bao trùm khắp vũ trụ.

Đồng thời, giáo lý đạo Phật luôn khẳng định một chân lý với bản thể của Tâm là thanh tịnh. Hay chính xác hơn là giữa bản thể và hiện tượng là tận cùng của sự thống nhất trong cái tâm bất biến tức là bản thể tâm vốn không hình tướng, không chấp chước với sự sinh diệt, tùy duyên mà biến hiện; khi tiếp xúc với ngoại cảnh cả ở bên trong lẫn với bên ngoài. Điều này, được đức Phật gọi là nhân duyên từ đây mà sinh ra pháp giới chúng sinh luân hồi. Sự tùy thuận của cảnh giới chư Phật không ngăn ngại, nghĩa là nơi thuần khiết cũng là chư Phật, nơi dơ bẩn cũng là nơi thanh tịnh địa của hàng chư Phật. Chúng sinh ở cảnh giới này không còn mê mờ, không còn tán loạn mà là thanh tịnh pháp thân. Khi hành giả tu tập tới thân tâm tĩnh lặng, tịch diệt thì cũng bình đẳng với các vị Phật và hàng Bồ tát. Đó là bình đẳng về bản thể thanh tịnh trong hết thảy chúng sinh. Đó là sự thanh tịnh trong chiều không gian và thời gian, là sự thanh tịnh sung mãn thập phương.

Hành giả trở về bản thể chân như hay chân tâm thường trụ của mỗi người để đạt giác ngộ như hư không và niết bàn không có sinh tử. Đó là thế giới đã vượt lên sự đối đãi để đạt đến sự tự do tuyệt đối, sự bình đẳng tuyệt đối về mặt tinh thần. Con người chỉ có thể trở về với chính mình khi đã phá vỡ được lớp vỏ vô minh, đề cao trí tuệ, vượt thoát khỏi phiền não, tức đạt đến niết bàn.

Với quan niệm phóng khoáng và biện chứng như vậy về niết bàn, đạo Phật đã chỉ rõ cho những hành giả, trên con đường thực tập nhận biết rõ tất cả các niệm phân biệt của duyên sinh đều là gốc của sinh tử. Cho nên khi sự việc đến, tâm không dấy động, như gương soi bóng ảnh, ảnh trần đi qua rồi gương vẫn trong sáng. Cũng như tâm không dấy niệm thì không có gì chướng ngại, đó chính là Đạo. Khi ấy, chúng ta i nhận thấy niết bàn và sinh tử chỉ là một con đường còn nằm trong đối đãi, chưa phải đến chỗ tuyệt đối của sự giải thoát của chư Phật.

Kết luận

Tinh thần của thiền sư Thạch Sương là phá vỡ những khái niệm nhị nguyên về sự đối đãi của các cặp phạm trù cho tú tài Trương Chuyết. Hay đúng hơn giáo lý nhà Phật, mở ra con đường giác ngộ nơi chúng sinh với tâm bình đẳng từ chính Phật tính của mình. Bởi vì, sinh tử và Niết bàn vốn không hai như mặt nước dù tĩnh lặng hay xao động thì bản thể vẫn là nước.

Từ đây, chúng ta hiểu rằng, sự tịch tĩnh của Niết bàn hay cái động của sinh tử không chỉ là các hành của nhân duyên vì chúng sinh còn mê chìm trong phiền não với cuộc sống luân hồi bị chi phối bởi không gian và thời gian. Tức là tồn tại những nguyên tắc và quy luật bị chi phối bởi tính nhị nguyên, làm mờ đi bản tính chân thật nơi tâm của chúng sinh, làm cho chúng sinh mãi trong luân hồi, sinh tử.

Niết bàn là cái tâm của hết thảy hàng thánh giả và là mục đích tu tập của người con Phật cho nên từ đây quán chiếu sẽ giúp chúng sinh tỉnh ngộ và có được cơ hội quay trở về với bản tính chân như. Tinh thần của Thiền học là như vậy, giống như một đám mây trên không, thiên biến vạn hóa, không thể nắm bắt được. Niết bàn vốn không hình tướng, chẳng thể đem âm thanh tìm cầu. Diệu đạo không lời nói, chẳng thể dùng văn tự hội.

Nghĩa là: tất cả mọi chướng ngại đều rốt ráo, giải thoát, tất cả cùng chung pháp giới, đồng một pháp tính, nơi nơi đều là tịnh độ, phiền não là giải thoát, mọi thứ đều tùy thuận nơi giác tính. Chính tinh thần phóng khoáng với cái nhìn khoáng đạt như vậy, đạo Phật đã là một phần trong đời sống tinh thần của nhân loại, là hành trang cho mọi hành giả trên con đường giải thoát khỏi phiền não, khổ đau, tránh khỏi nhị biên kiến. Giúp cho hành giả nhận rõ bản tính của các pháp mà trở về với chân như Phật tính nơi mình.

Nhưng với trí tuệ của chúng sinh, thì sự ngả nghiêng của dòng sinh tử đã làm cho chúng sinh nhầm tưởng rằng niết bàn là một cảnh giới đạt được khi về một thế giới hư vô nào đó. Đó là sự nhầm tưởng về niết bàn về cả ngữ nghĩa và nội hàm. Điều này có thể dẫn đến sai lệch trong việc thực tập tu hành, cũng như không nếm trải được hương vị giải thoát ngay bây giờ, rời xa tính hiện thực và bản chất niết bàn vốn có tính vô ngã, tịch tĩnh, chân như ngay giây phút hiện tại. Cốt lõi của Phật giáo là bàn thể, là thể nghiệm vượt thoát sự chi phối của đối tượng không gian và thời gian.

Mỗi người ai cũng có chân tâm và Phật tính, vì vậy chúng ta làm gì cũng phải xuất phát từ thiện tâm nếu không sẽ trở thành ma sự, như vậy Niết bàn không bao giờ hiển bày được.

Tóm lại, cần không khởi tâm đoạn trừ vọng tưởng, không hướng cầu chân như, tùy duyên hành đạo, không rời bản tính, nhận rõ sinh tử và niết bàn đều là không thật, chỉ cần ngay nơi vọng mà thấy tính liền giải thoát.

Tác giả: Thích Đàm Uyên (Nguyễn Thị Mai Đào)

Lớp giảng sư Khóa 2, khu vực phía Bắc

***

Chú thích:

[1] Thích Thiện Siêu (2004), Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển II: 7. Chỉ Rõ Tính Thấy Không Sinh Không Diệt, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 253.

[2] https://hoavouu.com/p24a17583/03-thien-su-khanh-chu-o-thach-suong

[3] https://nigioikhatsi.net/viet/gianggiai/kinhthulangnghiemtongthong/ktlgtongnghia-5-15.htm

[4]  Đại Tập 173, Bộ Chư Tông XIII, Số 1986- 1996, Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng Lục - Quyển Trung, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 221.

[5] Thích Chơn Thiện (1999), Tư Tưởng Kinh Kim Cương, Sự Giảng Dạy Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.122.

[6]  Thích Quảng Tùng (2022), Trở về nguồn sáng, Nxb Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr. 26.

[7] Đại Tập 103- Bộ Trung Quán- Số 1564- 1578, Trung Luận Quyển 3, Phẩm 16: Quán Về Trói, Mở (Gồm 10 Kệ), Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.88.

[8] Đại Tập 170, Bộ Chư Tông X, Số 1930- 1956, Số 1937- Ghi Chép Về Giáo Và Hạnh Của Tôn Giả Từ Minh, Quyển 3, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.399.

[9] Đại Tập 135, Bộ Kinh Sớ XXI, Số 1765 (Quyển Thượng- Trung- Hạ)), Đại Bát-Niết-Bàn Kinh Sớ - Quyển 24, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 672.

Tài liệu tham khảo:

* Kinh điển

[1]. Đại Tập 103- Bộ Trung Quán- Số 1564- 1578, Trung Luận Quyển 3, Phẩm 16: Quán Về Trói, Mở (Gồm 10 Kệ), Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.88.

[2]. Đại Tập 135, Bộ Kinh Sớ XXI, Số 1765 (Quyển Thượng- Trung- Hạ)), Đại Bát-Niết-Bàn Kinh Sớ - Quyển 24, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 672.

[3]. Đại Tập 170, Bộ Chư Tông X, Số 1930- 1956, Số 1937- Ghi Chép Về Giáo Và Hạnh Của Tôn Giả Từ Minh, Quyển 3, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.399.

[4]. Đại Tập 173, Bộ Chư Tông XIII, Số 1986- 1996, Vân Môn Khuông Chân Thiền Sư Quảng Lục - Quyển Trung, Thích Tịnh Hạnh (2000), Nxb Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, tr. 221.

* Sách nghiên cứu

[1]. Thích Thiện Siêu (2004), Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quyển II: 7. Chỉ Rõ Tính Thấy Không Sinh Không Diệt, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 253.

[2]. Thích Quảng Tùng (2022), Trở về nguồn sáng, Nxb Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr. 26.

[3]. Thích Chơn Thiện (1999), Tư Tưởng Kinh Kim Cương, Sự Giảng Dạy Của Đức Phật, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.122.

* Internet

[1]. https://hoavouu.com/p24a17583/03-thien-su-khanh-chu-o-thach-suong

[2]. https://nigioikhatsi.net/viet/gianggiai/kinhthulangnghiemtongthong/ktlgtongnghia-5-15.htm