Phẩm thứ sáu – Phẩm sám hối

Sám hối là để trừ nghiệp chướng, là những nghiệp che chướng bản tính vốn thanh tịnh của mình. Nghiệp chướng ấy chung quy là tướng và tưởng. Sám hối là tịnh hóa những lỗi lầm, những nghiệp chướng và không làm lại những hành động tác hại ấy nữa.

‘‘Niệm niệm tự tịnh tâm mình’’, nghĩa là niệm niệm lìa tướng, đó là sám hối. Niệm niệm lìa tướng, đây là chân sám hối, đây là thấy tính. Lục Tổ nói, ‘‘sự này phải từ trong tự tính mà khởi’’, đây là y trên tính mà khởi tu, khởi ra việc sám hối, chứ không phải bằng những hình tướng từ ngoài vào. Sở dĩ như vậy vì Pháp thân chính mình, tâm Phật của mình vẫn có sẵn ở đây lúc này từ vô thủy đến vô chung. Y trên tự tính Pháp thân, tự tính tâm Phật mà loại bỏ nghiệp chướng thì sẽ có lúc thấy trực tiếp Pháp thân chính mình, tâm Phật của mình. Sám hối chân thật là y trên nền tảng Pháp thân hay tâm Phật của mình. Con đường sám hối đi trên nền tảng ấy và Quả là sự thanh tịnh vốn sẵn của Pháp thân. Do đó trong lúc sám hối niệm niệm tự tịnh tâm mình, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể bắt gặp, thấy được Pháp thân tâm Phật của mình.

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Khi thấy rõ Chân lý thứ nhất, Khổ đế, chúng ta lần lần thấy sự tích tập những nguyên nhân tạo ra khổ. Chân lý về sự tích tập nguyên nhân của khổ, Tập khổ đế. Đạo đế là phương tiện hay con đường tháo mở những tích tập của khổ, và Diệt đế là trạng thái diệt mất những phiền não khổ đau, gọi là Niết bàn. Sám hối là không tích tập những nguyên nhân của khổ, không tự trói buộc mình, không làm hại mình và tháo mở những nguyên nhân thắt buộc đã lỡ tạo. Có điều sự sám hối của Lục Tổ dạy là công việc này phải y trên tính tự định tự huệ mà làm. Như thế tức là ‘‘Chỉ chính, không ba chướng’’ (Phẩm Bát nhã), ‘‘Chuyển lỗi, trí tuệ ắt sinh’’ (Phẩm Quyết nghi). ‘‘Thấy Pháp thân chính mình, thấy tâm Phật của mình, tự độ tự giới’’, thấy tính rồi mới tự độ tự giới trong từng niệm niệm, như vậy mới thật sám hối và mau sạch tội. 

Năm phần hương pháp thân này vốn có sẵn nơi tự tính mình, chỉ cần bớt các che chướng liền xông bay ra. Năm phần hương pháp thân này là hương của tự tâm thanh tịnh. Tự tâm thanh tịnh không có các độc nhiễm ô thì hương thanh tịnh bay ra. Trong quá trình sống làm chúng sinh, tạo ra sinh tử người ta củng cố một cái ta và cái của ta, từ đó có các độc tham, sân, si, ghen tỵ, kiêu căng…. Ở mức độ vi tế là tâm có chỗ vịn níu theo những hư vọng bên ngoài hoặc chìm đắm trong cái không vắng lặng. Tất cả những phạm giới, những bệnh của tâm như vậy đi ngược với Pháp và che lấp Pháp hay Pháp thân của mình. Giải tan những lỗi lầm ấy thì tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ xưa nay sẽ hiển lộ vì nó chưa từng lìa khỏi cuộc đời sinh tử chúng ta một ly, một khoảnh khắc nào.

Trong phần Huệ hương, Lục Tổ dạy chúng ta Trí tuệ bao giờ cũng đi liền với Từ bi. Tính Không đi liền với Từ Bi, đây là điều cốt yếu của Đại thừa. Như vậy, năm phần hương Pháp thân là hương của trí huệ và từ bi có sẵn trong tâm. Để thấy tính hay Pháp thân, chỉ đừng tự che lấp tự tính mình thì tất cả công đức hương Pháp thân xông bay ra, biến cuộc đời sinh tử thành Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, biến thân thể bốn đại và các bất tịnh tham, sân, si, ghen tỵ, kiêu căng thành hương xông khắp pháp giới, cúng dường chư Phật: Nguyện mây diệu hương này. Đầy khắp mười phương cõi. Cúng dường tất cả Phật. Tôn Pháp, chư Bồ tát. Vô biên chúng Thanh Văn. Và tất cả thánh hiền. Duyên khởi đài quang minh. Xứng tính làm phật sự.

Tội nghiệp xấu ác là do ngu mê. Ngu mê là không có cái ta mà cho là có ta, không có đối tượng sự vật, con người, thế giới mà cho là có pháp. Vô ngã vô pháp là không ngu mê. Từ sự ngu mê hay vô minh này sinh ra tất cả nghiệp tội. Có một niệm về ta bèn có một niệm về pháp. Có một niệm về pháp bèn có ngay một niệm về ta. Không có niệm về ta, về pháp thì niệm niệm ở trong tự tính vô ngã vô pháp. Ngã và pháp là mảnh đất cho các hạt giống nghiệp nảy nở và lớn lên. Mảnh đất ngã và pháp tiêu tan thì các tội nghiệp nhất thời tiêu diệt, vĩnh viễn chẳng khởi trở lại. ‘‘Từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng bị ngu mê nhiễm’’, niệm niệm như vậy là niệm niệm ở trong tự tính. Các tội lỗi kiêu căng dối lừa, ghen ghét nhiễm nơi tâm, che lấp tự tính. Các tội đã khởi từ trước đều ăn năn chừa bỏ, các lỗi về sau vĩnh viễn chẳng làm lại, chẳng cho khởi lại, làm được như thế, đó là tâm vô niệm. Sám hối trên chính tâm vô niệm, đó gọi là sám hối vô tướng. Sám hối tới đâu, tội lỗi tiêu tan đến đấy, chẳng sinh trở lại đến đâu thì tự tâm hay tự tính vô niệm, vô tướng, vô trụ hiện bày đến đó. ‘‘Từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm…’’, đây là sám hối trong từng niệm niệm, và như vậy trong từng niệm niệm tương ưng với tự tính, với trực tâm vốn thanh tịnh. Sám hối là sám hối niệm, sám hối tướng, và sám hối trụ. Ba cái lỗi này mà hết, thì đây là Vô niệm, Vô tướng, Vô trụ, đây là tự tính thanh tịnh khắp cả.

Đây là bốn thệ nguyện rộng lớn của Đại thừa. Lục Tổ dạy rằng bốn thệ nguyện rộng lớn ấy khởi từ tự tâm tự tính, đi trong tự tâm tự tính và viên mãn trong tự tâm tự tính. Ở đây chúng ta thấy rõ tự tâm và tự tính. Tự tâm là tự tính, nhưng khi nói đến mặt nhiễm ô thì nói tự tâm: Tự tâm chúng sinh, tự tâm phiền não. Còn khi nói đến mặt không thể bị ô nhiễm thì nói tự tính: Tự tính pháp môn, tự tính Phật đạo. Ngay nơi tự tâm tự tính mà sám hối mà phát nguyện thì luôn luôn ở trong tự tâm tự tính.

Chúng sinh trong tâm là các độc, các bệnh trong tâm. Và chúng sinh ngoài tâm cũng là do các độc, các bệnh trong tâm phóng chiếu ra. Thực ra, chúng sinh trong tâm và chúng sinh ngoài tâm đều vô sinh. Cho nên chỉ giải quyết chúng sinh trong tâm thì chúng sinh ngoài tâm là không có, là Không-Như. Các thứ chúng sinh trong tâm như tà kiến, phiền não, ghen tỵ, ác độc…. thì lấy chính kiến, tức là cái thấy tính, cũng là trí Bát nhã mà độ. Cái thấy tính độ hết các tướng, chính các tướng gây ra các bệnh trong tâm. Cái thấy tính là thấy cái Vô tướng, chính cái vô tướng này độ hết thảy các tướng chúng sinh, phiền não. Khi đã có chính kiến, đã biết tính, biết trí tuệ là gì thì dùng nó để độ. Độ là đưa tướng trở lại tính, dùng trí tuệ soi phá tướng, để tướng thành ánh sáng trí huệ, mỗi mỗi tự độ mình. Niệm niệm an trụ trong tính, trong trí huệ để các tướng trở lại thật tướng của chúng là tính, là trí tuệ. Đó là chân thật tu, chân thật độ. Chúng sinh vô biên là các tướng chúng sinh thì vô biên, vô số. Tức thời nhiếp các tướng ấy vào trong tính, bèn tức thời độ hết chúng sinh trong ngoài. Khi ấy tự tâm sạch hết các tướng, không còn tâm nhiễm ô thì không còn chúng sinh và thế giới, không còn có sự tu, sự độ. Khi đã sống hoàn toàn trong tính Không thì phiền não vô biên của chúng sinh cũng là Không, nên vì đại bi với chúng sinh mà độ họ, nhưng thật ra không có độ.

Phiền não và chúng sinh là một vì đều do tâm ô nhiễm tạo ra. Thế nên phải đem trí Bát nhã tự tính mà độ, mà đoạn. Có thể độ, có thể đoạn vì chúng không có thật tính, tạm thời có, tạm thời che lấp. Dùng trí Bát nhã tự tính quán chiếu chúng là vô tự tính, chúng liền trở lại tâm Không bổn nhiên. Thấy các tướng chúng sinh và phiền não là vô tự tính, thấy các bóng là vô tự tính nên tất cả các bóng đều là gương, đây là độ, là đoạn. Tự tính pháp môn vô lượng thệ nguyện học, là tất cả pháp môn đều từ tự tính khởi ra, ở trong tự tính và hoàn thành trong tự tính. Vô lượng pháp môn đều ở trong tự tính, vô lượng pháp môn đều chính là tự tính. Học vô lượng pháp môn là học tự tính. Khi đã thấy được tự tính, thì thực hành pháp môn nào cũng là thực hành tự tính, thực hành chính pháp. Thực hành tự tính tức là thực hành đồng thời tất cả các pháp môn, và sự thực hành này, sự học này phải thường, nghĩa là trong từng niệm niệm. 

Thường hạ tâm là thường ở trong trạng thái vô ngã, vô nhân, không ta không người, hành chỗ chân chính là hành tự tính, không lìa khỏi nó, niệm niệm thấy tính. Càng ngày càng thấy rõ ràng tính mình là Phật tính, tức là tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ. Càng thấy tính thì sự chấp ngã chấp pháp càng tiêu, lìa mê là lìa cái mê của ta, lìa giác là lìa cái giác của ta.

Thường sinh Bát nhã là thường không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, thường vô ngã vô pháp cho đến hoàn toàn chứng đắc tính Không. Trừ vọng là trừ chấp ngã chấp pháp, nhưng chân cũng trừ, vì cái chân này là vọng tưởng do cái ta và cái của ta nghĩ ra rồi bám víu vào. Hoàn toàn trừ sạch tất cả mọi bám tướng tức là thấy hoàn toàn Phật tính.

Hết sạch phiền não chướng thì đây là Niết bàn. Hết sạch sở tri chướng thì đây là Bồ đề hay Giác ngộ. Bốn thệ nguyện rộng lớn này tức là cửa vào Phật tính và cũng chính là Phật tính. Viên mãn bốn thệ nguyện là Phật tính viên mãn. Cho nên phải ‘‘thường niệm tu hành pháp nguyện lực’’ này. Nguyện lực là sức mạnh của nguyện để thâm nhập Phật tính. Nguyện lực viên mãn thì trùm khắp tất cả sinh tử và Niết bàn, đây là Chân Không Diệu Hữu viên mãn.

Phật, Pháp, Tăng đều khai thị cho con người cái họ có sẵn, là Phật Pháp Tăng vốn ở nơi tự tính của mỗi người, cho nên Lục tổ nói là ‘‘tự tính Tam Bảo’’. Quy y Giác là xoay lại y dựa vào tự tính hằng giác của mình. Quy y Chính là xoay lại dựa vào tự tính hằng chính của mình. Quy y Tịnh là xoay lại y dựa vào tự tính vốn tịnh chưa từng nhiễm ô của mình. Khi quy y như vậy thì các bệnh của tâm đều được ‘‘lìa’’, đều trở nên ‘‘không có, chẳng sinh’’. Quy y liên tục chính là thiền định, như một dòng sông chảy miết ra hòa với biển. Hợp nhất với tự tính Tam Bảo là ý nghĩa chữ ‘‘Nam mô’’. Nam mô là hợp nhất. Hợp nhất, là một với Phật, Pháp, Tăng vốn giác, vốn chính và vốn tịnh.

Tất cả kinh điển và tông phái Đại thừa đều nói tâm mình là Phật. Cái gần nhất, cái thực nhất, cái thường trực ở ngay nơi mình mà chạy kiếm bên ngoài thì rốt cuộc chỉ tìm thấy tướng.

Quy y tính là quy y vô niệm, vô tướng, và vô trụ. Hễ khởi niệm và chạy theo niệm bèn có ngay tướng, có chỗ trụ. Thế nên phải thấy bản tính thì mới quy y tự tính Tam Bảo được. Khởi niệm liền sai, mà chìm không giữ tịnh cũng không đúng. Biết tự quy y mỗi giây mỗi phút thì đây là Thường Lạc Ngã Tịnh.

Tự tính là Phật, mà Phật có Ba thân, Pháp thân, Báo thân, Hóa thân, nên tự tính vốn có ba thân Phật. Nếu mỗi chúng sinh không có sẵn ba thân Phật thì làm sao để ngộ nhập, làm sao có thể thành Phật. Ba thân Phật đều có ngay nơi sắc thân hiện giờ của mình. Như các kinh ví Phật tính là vàng, vàng không thể làm ra từ thủy tinh, từ đồng, chì, kẽm…. Vàng vốn sẵn là vàng, mà tất cả các pháp môn là để loại trừ những tạp chất lẫn lộn, nấu lọc cho thành vàng ròng mà thôi. Tu hành là thấy tính, thấy được mỏ vàng luôn luôn ở trong tâm mình. Muốn thấy tính thì phải tịnh hóa thân tâm mình bằng các pháp Phật, như trong phẩm Sám hối này Lục tổ dạy cho Năm phần hương Pháp thân, Sám hối, phát Bốn thệ nguyện rộng lớn, thọ giới Ba quy y, thấy Ba thân Phật của tự tính. Đây là những pháp căn bản để đến lúc nào tâm thức chín muồi và có thêm trợ duyên như một vị thiện tri thức chỉ bày, liền thấy khuôn mặt xưa nay của mình. Biết được vàng rồi thì từ đó là tiệm tu, như lọc vàng khỏi các tạp chất, nung luyện, nấu đập… cho thành vàng ròng. Tiệm tu là y vào vàng mà làm, y vào tính mà tịnh hóa, hoặc dùng các pháp ở trên hoặc các pháp khác. Tất cả cùng có một mục đích, một kết quả là tự tính Pháp thân đã thấy được một phần thì càng ngày càng thấy nhiều hơn, rõ hơn. Một phần phiền não chướng và sở tri chướng được tịnh hóa thì thêm một phần tự tính Pháp thân hiển lộ. Qua phẩm Sám hối này và qua toàn bộ cuốn kinh, chúng ta thấy Thiền tông gồm tất cả pháp môn của Phật giáo, như đại dương gồm tất cả mọi dòng sông. Có điều tất cả các pháp môn ấy đều y vào tính và hướng về tính để thành tựu viên mãn tự tính hay Phật tính. Giới hạn Thiền tông vào một, hai pháp môn hay cho rằng Thiền tông không có pháp môn nào cả là một sai lầm lớn. Thiền nhằm chứng ngộ thật tướng của tất cả hiện hữu, của tất cả đời sống. Vậy thì có chỗ nào không có thật tướng ấy, và có chỗ nào không là cửa pháp (pháp môn) đưa thẳng vào thực tướng ấy, có chỗ nào không là đạo tràng?

Tính mình vốn thanh tịnh như bầu trời, có mây hay không mây bầu trời vẫn như thế. Nhưng với người có mây nhiều thì không thể thấy bầu trời, mây là những ý tưởng phù du, che mất bầu trời. Các pháp từ tính mình sinh, ở trong tính mình và tan biến trong tính mình. Các pháp ấy là tâm thức, “tâm sinh thì thảy thảy pháp sinh, tâm diệt thì thảy thảy pháp diệt” (Luận Đại thừa khởi tín). Các pháp-ý tưởng ấy như mây che bầu trời tự tính Pháp thân vốn thanh tịnh. Thấy tính là thấy bầu trời Thanh tịnh Pháp thân Phật ấy. Trước khi khởi niệm nghĩ lường, nhìn thẳng vào cái vô niệm ấy thì thấy trực tiếp bầu trời Pháp thân vốn thanh tịnh này. Thấy trực tiếp Pháp thân là bước vào Mười Địa, được gọi là Bồ tát Pháp thân. Khi thấy được Pháp thân chung của chư Phật rồi, thì mới thấy các pháp-các ý tưởng như những đám mây của bầu trời, chúng sinh từ bầu trời, có mặt trong bầu trời và diệt mất trong bầu trời. Chúng là cái dụng, sự biểu lộ của chính bầu trời Pháp thân, cho nên chúng cũng vốn thanh tịnh, vốn giải thoát như chính bầu trời Pháp thân. Khi đã an trụ kiên cố trong bầu trời Vô niệm, thì các niệm có khởi cũng là vô niệm, như Lục Tổ nói ở phẩm Định Huệ: “Vô niệm là nơi niệm mà vô niệm”. 

Khi đã bớt những đám mây vọng niệm, gặp được thiện tri thức chỉ thẳng tâm mình là Thanh tịnh Pháp thân Phật, bèn là trong ngoài sáng suốt, trên dưới đều sáng, thấy tất cả pháp đều hiện trong tâm mình, đều chính là tâm mình. Bấy giờ không còn có tướng, vì tướng là do có phân biệt. Đến đây không còn một kẽ hở cho phân biệt tâm cảnh, mình người. Đây gọi là người thấy tính. Người thấy tính thì tất cả tướng đều là tính. Tất cả đều là tính, không có gì ngoài hay khác với tính. Tất cả đều một vị tính. Đi sâu hơn nữa vào tính hay Pháp thân, thì vọng niệm cũng là Pháp thân tính Không, phiền não là Bồ đề. Niệm cũng là vô niệm, tướng cũng tức là vô tướng, trụ tức là vô trụ, sinh tức là vô sinh. Thấy tính là thấy Pháp thân. Đây là bước vào dòng thánh, hàng Bồ tát Mười địa, tức là Mười địa Pháp thân. Bây giờ mới thật tu, tu trên nền tảng Pháp thân cho đến khi viên mãn. Các kinh Phật đều nói như thế, và các tông đốn giáo như Dzogchen, Mahanudra cũng nói như thế. Trên nền tảng Pháp thân này phải trừ bỏ những tâm bất thiện, những lỗi lầm, những tập khí, những “lậu” đã tích tập trong nhiều đời thì Pháp thân mới hoàn toàn thanh tịnh được. Điều này kinh điển gọi là vô lậu, hay Không, Vô tướng và Vô nguyện. Lục Tổ gọi là Vô niệm, Vô tướng và Vô trụ. Tự quy y là tự giải thoát mình khỏi những lỗi lầm để thực sự quy y, là một với chân Phật. “Thường tự thấy lỗi mình”, Lục Tổ thường dạy như vậy. Thành ra biết cái sai thì tự nhiên ở trong cái đúng (chính). Và ở trong cái đúng thì biết cái sai. “Thường tự thấy lỗi mình, chẳng nói sự tốt xấu của người khác” là thường ở trong tự tính như thường ở trong bầu trời, một cụm mây nhỏ khởi lên liền biết, biết liền tan. Tan thì sự chứng nghiệm bầu trời thêm rộng lớn. 

Pháp thân được ví như bầu trời vô biên (Không), Báo thân là ánh sáng của bầu trời (Minh). Bầu trời thì thường sáng, ánh sáng không có ngoài bầu trời. Pháp thân và Báo thân không lìa nhau, chúng là một. ‘‘Trong thật tính chẳng nhiễm thiện ác’’ thì ánh sáng của Báo thân hiện bày. Nghĩ thiện nghĩ ác kết quả là khác nhau, nhưng bản tính chúng không hai, vì: một, chúng là không có tự tính, không thể đắc nên đồng là tính Không; hai, chúng đều do tính mình khởi, nên trong bản chất, chúng là tính. Như sóng này và sóng kia khác nhau nhưng đồng một thật tính nước. Ở nơi niệm mà nhận ra đó là tính, từ đây mới biết niệm là gì, và do đó tự do với niệm, không còn bị nhiễm ô. Tính không hai gọi là thật tính: khi thấy người, thấy cảnh thì biết chúng là tâm, nên vô tự tính, như huyễn. Khi nhìn thẳng vào tâm thì tâm trống không bao la là bầu trời Pháp thân tính Không, không có niệm, không có tướng và không có chỗ trụ. Liên tục quán sát từ ngày này sang ngày khác sự không hai của tâm và cảnh, của niệm và tâm vô niệm, của bầu trời và ánh sáng, cho đến lúc sự quán sát này thình lình tan biến vào nguồn cội vô sinh của nó, bấy giờ thật tướng hiển bày trước mắt. Thấy biết trực tiếp tính không hai cũng gọi là thật tính này được gọi là ngộ, là thấy tính.

Khi ấy bèn “thẳng đến Giác ngộ vô thượng, niệm niệm tự thấy (thật tính không hai), chẳng mất bổn niệm (là chẳng mất cái gốc nguồn của niệm, tức tự tâm, tự tính). Các niệm, các ý nghĩ là sự biến hóa của tính mình, đó là những Hóa thân của chính tính mình, nên gọi là Tự tính Hóa thân Phật. Nếu chẳng nghĩ muôn pháp thì tính vốn như hư không, đây là tâm vô niệm hay tự tính hay Pháp thân tính Không. “Tự tính khởi một niệm thiện ác”, “tính mình biến hóa rất nhiều”, Lục Tổ không nói trong tự tính khởi một niệm, trong tính mình có biến hóa, nghĩa là sự khởi, sự biến hóa là trực tiếp của tự tính. Hóa thân là sự biến hóa trực tiếp của Pháp thân. Hóa thân là cái dụng của Pháp thân. Biết các niệm, các cảnh, các tướng và các tưởng là sự sinh khởi, sự biến hóa của Pháp thân, tức là các niệm, các cảnh chính là Pháp thân tính Không. Vì là sự sinh khởi, sự biến hóa của Pháp thân tính Không nên chúng cũng là Pháp thân tính Không, các tướng ấy là vô tự tính, như huyễn. Các tướng và các tưởng là sự biến hóa của Pháp thân tính Không nên chúng thanh tịnh như Pháp thân tính Không. Sự sinh khởi, sự biến hóa như huyễn mà thanh tịnh này là trò chơi của Pháp thân tính Không. Như muôn ngàn sóng là trò chơi, là sự tự trang nghiêm của đại dương. Thấy tính hay thấy Pháp thân thì phải đạt đến điều ấy. Toàn thức là trí, toàn bóng là gương, toàn sóng là nước, toàn phiền não tức Bồ đề Giác ngộ. Khi thấy niệm tức vô niệm, sinh tức vô sinh, biến hóa tức không biến hóa, Hóa thân tức Pháp thân, lúc ấy mới là thật tu, cho đến rốt ráo, bao trùm cả bốn cảnh giới sống của một con người: khi thức, khi ngủ mộng, khi thiền định và trung ấm sau khi chết. Pháp thân vốn sẵn đủ là trước khi khởi niệm đã có pháp thân, ngay lúc đang niệm vẫn có pháp thân, và khi hết niệm cũng có pháp thân. Trước khi sinh ra là pháp thân, sau khi chết đi là pháp thân. Niệm niệm tự tính tự thấy, tự biết, không chủ thể đối tượng, đây là Báo thân. Từ Pháp thân và Báo thân vô tướng, vô niệm, vô trụ mà khởi ra các niệm nghĩ lường thì đây là Hóa thân, bản chất cũng Vô tướng, vô niệm, vô trụ. Hóa thân là cái dụng của Pháp thân và Báo thân, nên Hóa thân là Không-Minh. Cả ba thân không lìa nhau, và càng tu thì càng thấy chúng là một. “Công đức của tự tính” là công đức của Pháp thân. Công đức của Pháp thân là ánh sáng của Báo thân và các niệm biến hóa tức Hóa thân. Thấy biết các niệm là sự biến hóa của chính Pháp thân thì các niệm càng hiển rõ Pháp thân, đó là “tự ngộ tự tu công đức của tự tính”.

Có niệm Hóa thân, tức đó là Pháp thân Hóa thân vô niệm. Có tướng Hóa thân, tức đó là Pháp thân Báo thân vô tướng. Có chỗ trụ Hóa thân, tức đó là Pháp thân Báo thân vô trụ. Ngộ được ba thân của tự tính như vậy tức là biết Phật của tự tính.

Muốn tu giải thoát, giác ngộ thì không thể tu phước ở ngoài mà phải sám hối trừ sạch tội lỗi trong tâm. Tâm sạch các phiền não chướng và sở tri chướng thì thấy Pháp thân Phật tính. Không những trừ các tội thô, thấy được, mà còn phải trừ hạt giống của tội, các “tội duyên”, vi tế. Tâm thanh tịnh là tâm Phật, là Pháp thân. Tâm thanh tịnh, hết tội đến đâu thì tâm Phật, Pháp thân hiện ra đến đó, vì tâm Phật, Pháp thân vốn sẳn đủ, chỉ vì nghiệp chướng che đậy nên không thấy. “Lìa các pháp tướng, trong tâm sạch” bèn là “thấy Pháp thân”. Trong phẩm Sám hối này, Lục Tổ dạy tất cả các pháp căn bản của Đại thừa: quy y, phát nguyện, sám hối, năm phần hương Pháp thân, ba thân Phật… tất cả đều y trên tự tính vốn sẳn đủ. Đốn giáo gồm đủ tất cả các pháp căn bản của Đại thừa, chỉ có điều tất cả đều y vào tự tính vốn có sẳn khắp nơi mọi lúc mà tu hành, do đó thường được nói là “niệm niệm”. Thực hành tất cả pháp, tùy theo thiện căn của mình, nhưng Nền tảng, Con đường và Quả là tự tính, tất cả không ngoài tự tính: “Học đạo là thường quán tự tính”.

Còn nữa...

Cư sĩ Phạm Tuấn Minh tóm lược

***

Tài liệu: Lục tổ Pháp Bảo Đàn kinh - Giảng giải, soạn văn: Đương Đạo, NXB Thiện Tri Thức - 2016