Phẩm thứ bảy – Phẩm cơ duyên
Chúng ta thấy cuộc đời hành đạo của Lục Tổ có nhiều hoạn nạn. Hoạn nạn vì đây là cõi Ta Bà (Kham Nhẫn), đời ác năm trược. Nhưng từ những khó khăn ấy chúng ta cần tìm hiểu rút ra những bài học để tu hành theo. Tại sao Lục Tổ chịu đựng được những khó khăn hoạn nạn như vậy? Ngài niệm niệm tự thấy bản tính thanh tịnh, an trụ trong tự tính nghĩa là ở trong Vô sinh pháp nhẫn nên chuyện gì xảy ra cũng như không có. Thường ở trong tự tính, nên thấy mọi sự là như huyễn, như mộng: “Bình đẳng như mộng huyễn” (Phẩm Cơ duyên). Chính cái Như huyễn tam muội mới có thể ở nơi sinh tử để hành đạo. Khi Lục Tổ nói với Ni Vô Tận Tạng, “Chân lý của chư Phật chẳng dính dáng gì với văn tự”, điều này nhấn mạnh tu ở nơi tâm, còn ngôn ngữ văn tự chỉ là phương tiện hữu hạn để chỉ đường và diễn đạt chân lý. Ngôn ngữ văn tự chân chính thì chỉ thẳng tâm. Người không biết cứ chạy theo ngôn ngữ mà bỏ quên tâm, chỗ từ đó ngôn ngữ phát xuất và là chỗ nơi đó ngôn ngữ trở về, thì thật là đáng tiếc.
Chỉ một câu “niệm trước chẳng sinh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật” mà tham thiền cho thấu nguồn tột đáy, bèn biết tâm tức là Phật, biết “dụng vốn vô sinh”. Chỉ một câu ‘‘dụng vốn vô sinh’’, tức là ngay đây giải thoát. Tâm Phật là cái chẳng sinh chẳng diệt này. Chẳng sinh chẳng diệt cho đến niệm trước hay sinh tử, chưa từng có sinh, niệm sau hay Niết bàn, chưa từng có diệt. “Thành tất cả tướng tức tâm”, tâm tạo ra tất cả các pháp. Quán sát và thấy biết tâm tạo thành tất cả các pháp bèn ở ngay trong Đệ nhất nghĩa bất động. Tất cả là tâm, không có một khe hở nào cho ‘chẳng phải là tâm’ cả. Tâm đây là Phật, nên tất cả pháp, tất cả tướng do tâm hiện thành đều là Phật pháp. Tâm đây là Phật, nên ‘‘thành tất cả tướng’’ mà ‘‘lìa tất cả tướng’’, nghĩa là tất cả pháp, tất cả tướng đều vốn tự giải thoát. Nói theo Lục Tổ thì “nói cho đủ thì cùng kiếp chẳng hết”. Người muốn thoát khỏi sinh tử, dứt hẳn những trò hý luận của ý thức phân biệt, thì hãy tham thiền một câu, cho đến khi tấm lưới ý thức phân biệt bị phá tung, “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”. Lúc đó mới trực tiếp thấy biết tâm, Phật, tự tính, hay khuôn mặt thật xưa nay bao đời bao kiếp của mình là gì. Tham thiền là gì? “Định Tuệ đồng trì, trong ý thanh tịnh”. Muốn ngộ cái cửa vào pháp (pháp môn) này, thì phải tu tính. Tu tính là song tu Định Tuệ, cho đến “dụng vốn vô sinh”.

Tăng Pháp Hải là vị ghi chép lại Pháp Bảo Đàn Kinh. Phải là người ngộ tính mới ghi lại lời Tổ được, mới như ngài A Nan mở đầu các cuốn kinh, “Như vầy tôi nghe”. Tự khuất lấp tâm Phật của mình, đó là người chưa thấy tính. Còn thấy tính rồi thì biết tu, không tự khuất lấp tâm Phật của mình bằng vọng tưởng và vọng tướng, ở ngay nơi cái nhân của định tuệ, tức là tự tính, mà tu, thì sẽ hoàn toàn đạt đến cái Quả của định tuệ, tức là tự tính đã được thấy biết viên mãn. Ngay nhân là quả, sự tiệm tu nhanh hay chậm là do con người, còn pháp thì ngay nhân của định tuệ chính là quả của định tuệ. Vấn đề của người tu là chúng ta có thấy biết nhân của định tuệ ở ngay trước mắt hay không. Nếu chưa biết thì hãy tu cho thật nhiều, rồi đi hỏi một người sáng mắt. Tăng Pháp Đạt tụng ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa, nghĩ rằng đó là công phu cao quý. Nhưng tụng trên nền tảng vô minh là cái ta và cái của ta nên sinh kiêu mạn. Bị Tổ la rầy. “Có ta tội liền sinh. Quên công phước không sánh”. Tụng kinh mà không có ta và cái của ta mới tương ưng được với tự tính Ba thân.
Chúng ta thấy Lục Tổ chỉ nghe tụng kinh liền hiểu mà không cần học từ trước, bởi vì tất cả kinh lưu xuất từ và nói về chân tính, Phật tính, Giác tính, mà cái thấy biết của Giác này ngài đã ngộ nhập. Đạo Phật chỉ cốt thực hành để ngộ nhập, để thấy biết kinh nghiệm Giác ngộ của Phật, còn kinh điển là để chỉ đường và để kiểm chứng lại kinh nghiệm của mình. Kinh Pháp Hoa dạy về Khai, Thị, Ngộ, Nhập cái thấy biết của Phật, của Giác. Cái thấy biết của Phật là đại sự nhân duyên khiến Phật xuất hiện nơi đời. Cái thấy biết của Phật ở ngay cái thấy biết của chúng sinh, bởi thế mà có Khai mở, Chỉ bày. Khai mở, chỉ bày cái chúng ta đang có, chứ không phải tạo tác ra, xây dựng nên. Cái thấy biết của chúng sinh mà không để cho nhiễm ô bởi tướng và tưởng, thì đó là cái thấy biết của Phật. Cái thấy biết ấy là thấy biết không bám tướng. Bám tướng bèn tạo ra sinh tử. Không bám tướng thì đây là tự tính Niết bàn. Ngay cả việc bám vào cái không ở bên trong thì vẫn là bám tướng. Trong ngoài không bám tướng bèn ngộ pháp này, tâm khai mở, đó là khai mở cái thấy biết của Phật. Chỉ cần một niệm không bám tướng thì đây là cái thấy biết của Phật. Không bám tướng thì tất cả tướng là “chân tính vốn xưa nay”. Và niệm niệm không bám tướng thì niệm niệm là cái thấy biết của Phật, mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp đều là chân tính vốn xưa nay.
‘‘Phải tin cái thấy biết của Phật này chỉ là tự tâm của ông, chớ chẳng có Phật nào khác’’, không có cái gì ở ngoài cái đang thấy biết này. Tin thì bèn có ngay trước mắt. Tất cả các bóng đều ở trong gương tâm, tức là cái thấy biết đang có này. Tất cả các tướng đều ở trong tính đang thấy biết yên lặng mà chiếu soi này. “Cái thấy biết của Phật này chỉ là tự tâm của ông”, chúng ta từ xưa nay vẫn sống, suy nghĩ, hành động trong và bằng cái thấy biết của Phật này. Có điều thay vì khai mở cái thấy biết của Phật vốn có sẵn ấy, chúng ta lại khai mở cái thấy biết của chúng sinh, mà tự mình tạo ra sinh tử khổ đau. Dừng lại cái thấy biết phân biệt, phân mảnh, ta người, tham sân, ghen ghét, ngã mạn…thì cái thấy biết toàn thể và hằng thanh tịnh tự nhiên hiện tiền. Niệm niệm sống với cái thấy biết của giải thoát giác ngộ này, đó là điều Lục Tổ nói “chính tâm thường sinh trí tuệ, quán chiếu tự tâm” thì “ánh sáng” tự tâm chiếu suốt cả trong ngoài, thấu thoát làm tiêu tan những hình tướng sinh tử. Một niệm khai mở cái thấy biết của chúng sinh, đó là một niệm ngu mê. Một niệm khai mở cái thấy biết của Phật, đó là một niệm ngộ. Cứ thế mà ngộ liên tục cho đến giác ngộ.
Tu là niệm niệm khai mở cái thấy biết vốn lìa tướng lìa tưởng của Phật để nghiệp chướng là cái thấy biết của chúng sinh mờ dần đi. Nghiệp là thói quen, tập khí. Thói quen làm chúng sinh, thói quen khai mở cái thấy các tướng phân biệt của chúng sinh để cái thanh tịnh niết bàn hóa thành cái bất tịnh sinh tử rất khó trừ. Thế nên Phật là bậc Điều Ngự, bậc Chiến Thắng. Ở đây chúng ta thấy thêm lời dạy đúng đắn của Lục Tổ: Ngài không bác bỏ kinh, như về sau có người cho kinh là Giáo môn, Thiền mới là Tông môn. Vấn đề là phải hiểu ngộ kinh đang chỉ tự tính đang sẵn có của mình. Tụng kinh Phật là tụng Phật tính mình chớ không phải tụng chữ. Nếu mê không biết tự tính thì bị chữ câu chuyển, còn ngộ tự tính thì tụng là chuyển Pháp Hoa, tâm mình tương ưng với kinh, tâm mình là kinh. Khi đã biết tụng kinh là tụng tâm mình, lúc ấy đi đâu cũng tụng kinh, lúc nào cũng khai mở cái thấy biết của Phật trước mắt mình. Tâm vô niệm tức là tâm vô phân biệt, không có ngôn ngữ văn tự, niệm mà không phân biệt là niệm chính. Còn tâm hữu niệm là tâm phân biệt, niệm phân biệt là niệm tà.
Tuy đại ngộ, thấy biết rõ một phần Pháp thân, vượt phàm lên thánh, nhưng chưa hoàn toàn nên vẫn còn nghi. Các kinh đều nói phải đến Đệ bát địa tương đương với một vị A La Hán vô học, vô lậu thì mới hết tu, vì còn tu thì còn nghi. Tự tâm là cái thấy biết của Phật, là Pháp thân, là Phật nhưng vì mới thấy, chưa trọn vẹn, nên vẫn còn nghi mà hỏi tiếp. Pháp thân thì từ địa đầu cho đến địa cuối thứ mười thì chỉ là một Pháp thân, nhưng người thấy biết được nhiều hay ít là do các phiền não chướng và sở tri chướng còn nhiều hay ít. Ngài Pháp Đạt còn nghi tại sao trong Kinh Pháp Hoa nói có ba loại xe tượng trưng cho ba thừa để rồi tất cả đều được trao cho một xe trâu trắng? Tại sao có sự phân loại trong chỉ một tự tâm Pháp thân?
Trí Phật thì không thể dùng sự động niệm phân biệt của thức mà suy lường được, cho nên “cái tai hại là ở việc suy lường, càng suy lường càng cách xa hơn nữa”. Cũng như muốn biết hư không thường trụ bất động mà lấy tay nắm nó, người ta chỉ cầm được những ngón tay của mình. Tâm vô tướng, vô niệm và vô trụ thì không có cái gì thoát khỏi nó. Niệm khởi thì phải khởi từ tâm vô niệm. Có tướng thì tướng ấy phải ở trong tâm vô tướng. Có chỗ để trụ thì chỗ ấy phải ở trong tâm không có chỗ trụ. Tất cả hành động thân khẩu ý của chúng ta đều ở trong tâm vô niệm, vô tướng, vô trụ này. Tâm ấy là cái đầu tiên và là cái cuối cùng của quá trình Khai Thị Ngộ Nhập của Kinh Pháp Hoa. ‘‘Mình đã ngồi sẵn trên xe trâu trắng’’, ‘‘tất cả đều chỉ là một Phật thừa’’, ‘‘bao nhiêu của báu hiện có ấy đều thuộc về ông’’, phải chịu tin như thế. Người tu hành phải tận lực tham thiền, không phải là tận lực suy lường, bằng tất cả năng lực Phật pháp mà mình có được để mở ra cánh cửa bước vào tâm vô niệm như hư không này, để biết rằng mọi cử động dầu nhỏ nhất của thân khẩu ý đều ở trong cái hư không này. Kinh gọi điều này là ngộ.
Tâm như hư không này chỉ là một, một Phật thừa. Hư không thì trên dưới, trước sau, hôm qua, ngày mai, đều là hư không, không chỗ chia cắt, không thể phân chia. Nhưng vì căn cơ con người có hạn, nên Đức Phật đã chia làm ba thừa, để cho khỏi ngợp, khỏi sợ. Thế nên chuyện chia làm ba thừa là chuyện thời trước, còn chuyện bây giờ vẫn là một đại sự nhân duyên là tính Không tính Như. Đã về cái thật rồi thì cũng không còn có tên, đã “tất cả pháp Không” rồi, đã hoàn toàn là tâm vô niệm rồi, thì tâm đó không có ngôn ngữ, văn tự, lấy đâu mà đặt tên là tướng là tính, là sinh tử là Niết bàn? Kinh Pháp Hoa gọi cái này là “thật tướng của tất cả các pháp”. Thật tướng của tất cả các pháp thì luôn luôn hiện tiền, có pháp cũng có nó mà không có pháp cũng có nó. Đây là tâm vô niệm như hư không trùm khắp cả ba cõi. Tất cả đều là tính Không tính Như, đó là gia tài của báu chẳng bao giờ mất của mỗi người. Khi nó đã hiện tiền thì không có gì không là nó, sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý, không cái gì không phải là nó. Đây là kho tàng vô tận (Vô Tận Tạng Bồ tát). Trong đó, là tất cả (tính Như) mà không là gì cả (tính Không), không là tôi không tưởng là của tôi, cũng không có người thọ dụng và việc thọ dụng. Tâm vô niệm “một là tất cả tất cả là một”, là kho tàng gia tài ấy, luôn luôn hiện có trước mắt, cho nên chẳng lúc nào không trì kinh, từ ngày đến đêm, từ kiếp này sang kiếp khác. Trì như vậy, thọ dụng như vậy thì nói gì đến không gian thời gian, nói gì tu, nói gì chứng.
Tuy là tụng ba ngàn bộ, nhưng chỉ lấy thức mà tụng nên không biết được ý chỉ. Nay nhờ một câu nói của Tổ mà mất đi cái thức bôn ba theo sóng, trí tuệ bao la như đại dương hiển lộ hiện tiền. Lúc ấy mới ngộ được kinh, ngộ được trí lâu nay vẫn ở trong thức, mà chẳng bị thức làm nhiễm ô. Từ đây mới biết tụng kinh tức là tụng tự tâm, vì kinh là tự tâm biểu lộ thành ngôn ngữ. Từ đây mới thường xuyên tụng kinh, khi đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ, vì kinh tự tâm ấy không còn lìa khỏi cuộc đời mình. Thường tụng kinh là thường làm ông chủ thay vì là khách, theo kinh Lăng Nghiêm. Thường tụng kinh là thường ở trong chính định tự nhiên của tự tâm.
Tự tính là Phật, gồm đủ ba thân. Pháp thân thì hằng thanh tịnh như hư không, đây là tính của mỗi người. Báo thân là ánh sáng viên mãn của trí tuệ. Hóa thân để làm việc trong ba cõi cho nên Hóa thân là hạnh. Pháp thân là tính Không, Báo thân là ánh sáng của tính Không, Hóa thân là sự hoạt động trong hai thân trên. Cả ba thân đều có sẵn trong tự tính của mỗi người, chỉ “phát minh” ra cho đến lúc trọn vẹn. Tu tự tính dần dần sẽ chứng được tính Không (Pháp thân), ánh sáng hay tính sáng (Báo thân) và như huyễn (Hóa thân), cả ba không lìa nhau, và không có tự tính: ‘‘Nếu ngộ Ba Thân là không có tự tính, thì gọi là Bốn Trí giác ngộ’’. Ba thân này ‘‘chẳng lìa duyên thấy nghe’’, nghĩa là nơi các giác quan đều có thể thấy biết tự tính Ba thân, mà chẳng có gì làm ô nhiễm được nó.
Đây là nói tự tính về mặt thân, còn về mặt trí thì có bốn trí, hoặc năm trí tùy theo hệ thống. Trí Đại viên cảnh, tính thanh tịnh. Đây là tính Không hay Pháp thân, thanh tịnh vì vốn vô niệm, vô tướng, vô trụ. Thấy tính là thấy được tất cả hiện hữu là trí như tấm gương lớn này. Trí Bình đẳng tính, tâm không bệnh. Bệnh là thức phân biệt, thấy các pháp khác nhau, nhấp nhô cao thấp. Không bệnh là thấy tính bình đẳng của tất cả các pháp, tướng thì hình như phân biệt nhưng tính thì vô phân biệt. Các pháp như các bóng trong gương, bình đẳng trên mặt gương. Vô phân biệt, bình đẳng là một vị của sinh tử và Niết bàn, của tướng và tính. Trí Diệu quan sát, bình đẳng, vô phân biệt, thấy các tướng trong tính. Thức thì thấy phân biệt, chia cắt, phân mảnh, đây là cái thấy có công sức phân biệt của thức. Cho nên cái thấy có công sức, dần dần thành mệt mỏi của thức tạo ra sinh tử lao nhọc khổ đau. Còn trí Diệu quan sát thì thấy phân biệt ở trên nền tảng vô phân biệt nên không bị đắm chìm vào phân biệt, không bị đắm chìm trong sinh tử. Đây là cái dụng tự nhiên của tâm vô niệm. Như trong tấm gương, các bóng thì khác nhau, nhưng đều là tấm gương trí Đại viên cảnh, đều bình đẳng là Trí bình đẳng tính. Trí Thành sở tác hoạt động nơi năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tức là hoạt động và làm thành tựu công việc ở nơi thế giới vật chất. Đối với một vị Tổ và đảm đương trách nhiệm như Lục Tổ thì chắc chắn đã đạt đến Địa thứ Tám trở lên, thì trí thành sở tác đồng với trí đại viên cảnh. Thành tựu công việc nơi thế gian nhưng sự thành tựu ấy vẫn nằm trong trí Đại viên cảnh, tức là nằm trong tính Không tính Như. Nghĩa là làm việc ở thế gian nhưng vẫn là vô sinh pháp nhẫn, hoạt động nơi tướng nhưng vẫn thấy tất cả tướng là tính, làm việc nơi sinh tử nhưng vẫn thấy ở đó là Niết bàn. Đây là “chẳng lìa duyên thấy nghe, siêu nhiên lên Phật địa”. Khi tất cả tướng đều là tính, tất cả thức đều là trí (nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu (còn) tình) thì nói tướng chuyển thành tính, thức chuyển thành trí chỉ là sự dùng danh ngôn chứ không có thật tính. Khi ấy dầu ở trong sinh tử rộn ràng, bề bộn, vẫn mãi ở trong Na già định, là thường định tự nhiên của tự tính.
Đốn ngộ tính trí là thấy biết trực tiếp và tức khắc tính mình, trí mình. Thấy biết cái ấy tức là thấy biết Pháp thân, nền tảng cho mọi sự tu hành chân thực. Lúc ấy mới thấy biết trực tiếp ba thân nguyên thể mình, bốn trí vốn là tâm sáng, thân và trí dung thông không ngại, và tấm gương trí Đại viên cảnh ấy ứng theo vật mà có hình. Có trải qua một kinh nghiệm đốn ngộ như vậy thì mới hiểu những sự việc ấy từ trong tâm mình, chính là tâm mình. Còn không thì chỉ kẹt trong ngôn từ và ý niệm, lờ mờ mà chẳng sống trực tiếp được. Khi thấy biết tất cả đều là tâm sáng của mình, trên thực tại tâm hằng hằng sẵn đủ ấy, mà khởi tu tâm, giữ sự an trụ vào tâm đều là vọng động, cái tâm giữ trụ ấy cũng là nỗ lực, dư thừa, cũng chỉ là mặt trăng thứ hai. Lúc ấy mới biết tự do là gì, giải thoát là gì, thấy tính là gì. Lúc ấy mới biết tâm vốn tự do, không nương vào tướng, vào danh từ, ngôn ngữ, ý niệm. Rốt cuộc cái tên nhiễm ô hay không nhiễm ô cũng mất, cũng chưa từng có.
Để có một kinh nghiệm ngộ, phải qua một quá trình chín muồi của tâm thức. Sư Trí Thường xuất gia từ lúc thiếu niên, chí cầu thấy tính. Trải qua nhiều năm trong đời sống nhà chùa, ngồi thiền, tụng kinh, làm việc, tâm thức vẫn tập trung vào mục tiêu và cũng là sự nghi ngờ thấy tính là gì. Sau đó đi tham vấn Hòa thượng Đại Thông xin chỉ bày nghĩa thấy tính mà vẫn chưa giải quyết được chỗ nghi che chướng. Chưa giải quyết được, vì, thứ nhất, tâm thức tham thiền của học trò chưa chín muồi, thứ hai sự trả lời của Hòa thượng Đại Thông đúng nhưng chưa rốt ráo, còn vướng vào tình thức, vào tướng, lại thêm sức mạnh trong lời nói của Hòa thượng người chưa thấy tính rõ ràng nên chưa đủ để phá tan sự che chướng của học trò đối với thấy tính. Thành thử, khi đọc sự trả lời của Lục Tổ mà chúng ta không lọt vào trong đó là bởi vì tâm thức chúng ta chưa đủ chuẩn bị để chín muồi và chúng ta không có sự hiện diện đầy oai lực của Lục Tổ. Chỗ nói của Hòa thượng Đại Thông cũng còn sự thấy biết nghĩa là còn người thấy biết và đối tượng tính được thấy biết. Cho nên chẳng thấy một pháp, chẳng biết một pháp thì vẫn còn người không thấy, vẫn còn người giữ cái không biết. Cái thấy biết có người thấy, người giữ và tính Không được thấy, được giữ lại thành một che chướng khởi lên che mờ Linh quang chính mình. Chỉ cần một niệm tự biết cái thấy biết còn vướng mắc ấy là sai lầm, là sự che chướng thì cái thấy biết đúng (tự tính nguyên thể giác) vốn có xưa nay bèn thường hiển hiện.
Tất cả là Linh quang của chính mình, nhưng bám tướng, bám theo sự chiếu hiện của Linh quang thì đã lọt vào sinh tử: ‘‘Theo chiếu uổng trôi lăn’’. Để có được cái thấy tính như Tăng Trí Thường, chúng ta cần lấy một câu hợp với mình nhất mà tham thiền suốt năm này qua năm khác, đến khi không thể “tự mình biết sai (tự tri phi)” thì mới đi học hỏi một vị thầy. Khi đã đại ngộ, đã thấy tính thì những câu kệ như “Không đâu khởi thấy biết, bám tướng cầu bồ đề” mới là sự hiểu biết thường ngày, mới là “tự biết sai” trong từng niệm niệm. Một lần đại ngộ, tuy đã vào Pháp thân, nhưng chưa chứng hết Pháp thân. Cho nên vẫn còn có chỗ chưa thông mà phải hỏi. Trường hợp tăng Trí Thường, ở với Tổ trọn đời ngài, vì chưa chứng đến mức có thể làm thầy ở riêng. Điều này cho thấy dù đốn ngộ thấy tính vẫn phải “khéo tự hộ trì” cho đến lúc viên mãn. Câu hỏi thắc mắc của tăng Trí Thường “thấy tính thành Phật” ở trên cần hiểu cho chính xác. Thấy tính là thấy được cái nền tảng Pháp thân chung của tất cả chư Phật. Nền tảng Pháp thân ấy là nền tảng để thành Phật. Thấy nền tảng ấy thì ắt có ngày thành Phật. Sự trả lời của Tổ về các thừa là giảng theo sự khác biệt căn cơ nhiều hơn là theo ý nghĩa các thừa truyền thống. Tiểu thừa là tu trên cái cụ thể thấy nghe, nơi tướng mà tu. Trung thừa, khái niệm này do Tổ đặt ra, là tu nhiều hơn trên nghĩa đã hiểu ngộ. Đại thừa là tu trên pháp hay pháp tính. Còn Tối thượng thừa thì thấy tính và an trụ trong tính nên muôn pháp đều thông vì cùng một tính Không, muôn pháp đều sẵn đủ vì đều là tính Như. Tính Không nên tất cả đều chẳng nhiễm, đều lìa tướng, đều vô sở đắc. Tính Như nên tất cả thời tự tính tự như, tâm cảnh như như. ‘‘Một mảy không có chỗ đắc’’, hãy tham thiền cho đến khi sinh tử tiêu tan.
Cũng vì chưa thấy trực tiếp tự tính Niết bàn nên dùng ý thức hữu hạn mà suy luận nên lầm lạc rối bời, sinh đủ thứ nghi. Mê lầm không hiểu thật tướng của sắc thân và Pháp thân, của sinh diệt và tịch diệt, của hữu tình và vô tình, của tịch diệt và vui… Những cái ấy đối nghịch nhau trong suy lường giới hạn của ý thức. Muốn tìm hiểu những cái đối nghịch loại trừ lẫn nhau trong sinh tử, thì phải vượt khỏi ý thức và thức chấp ngã (mạt na thức) để có một kinh nghiệm ngộ, thấy trực tiếp những cái đó là gì, nếu không chúng chỉ là những danh từ và ý niệm chống đối mâu thuẫn nhau. Kinh Phật nói đến năm người mù sờ voi là như vậy.
Thức thì phân biệt, không phải vô thường thì là thường, không phải thường tức là vô thường, không phải sinh diệt thì là chẳng sinh chẳng diệt, không phải chẳng sinh chẳng diệt tức là sinh diệt, không phải Pháp thân tức là sắc thân, không phải sắc thân tức là Pháp thân… Chính cái thức phân biệt này chia cắt thực tại, đặt tên cho những chia cắt ấy để cái toàn nguyên thành ra sinh tử. Cho nên để thấy được, sống được cái toàn nguyên cũng tức là Niết bàn này, phải vượt khỏi thức phân biệt. Vượt khỏi thức phân biệt, đây là trí huệ thấy cái toàn nguyên, cái Niết bàn “đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt”. Những lời chỉ dạy của Lục Tổ thật rõ ràng, quý báu đến độ được người xưa gọi là kinh. Chúng ta học Thiền là phải tham thiền về những câu nói ấy bằng tất cả thân tâm mình cho đến khi chúng tỏ lộ ra như là thực tại xưa nay vẫn như vậy. Người tu hành phải chứng thực cái đó, để cho nó hiện tiền, không bao giờ mất nữa.
Thế nên, Lục Tổ nói ở trước, “Thừa có nghĩa là làm, chẳng phải nơi miệng tranh luận”. Cái gì là mê lầm nhận năm uẩn hòa hiệp làm tướng thân tâm mình, phân biệt các pháp làm tướng ngoại trần, khiến Niết bàn thường lạc chuyển thành tướng sinh tử khổ đau? Chứng thực được sự mê lầm ấy thì sinh tử biến mất, trước mắt là Niết bàn, nhìn đâu cũng Niết bàn, đi đâu cũng Niết bàn. Trong sát na không có tướng sinh, trong sát na không có tướng diệt, lại không có sinh diệt nào để diệt, dùng Định Tuệ để thấy được cái đó, tức là thấy Niết bàn tính Không, tức là thấy tính. Không có tướng sinh là ngay cả khi niệm sinh thì không thấy có tướng sinh, niệm đó vẫn là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tính. Không có tướng diệt là ngay khi niệm đang diệt vẫn không thấy có tướng diệt, vì niệm diệt là vô tướng, là tướng Không vì không có tự tính. Lại không có sinh diệt nào để diệt: thấy cái này là thấy Niết bàn. Phải thực hành liên tục cho đến khi thấy trực tiếp được điều này, không còn thắc mắc, nghi ngờ, vì đây là điều dĩ nhiên. Khi đã thấy trực tiếp Niết bàn mới hiểu được tịch diệt hiện tiền là gì, Niết bàn thường lạc và không ngăn cấm các pháp, các khái niệm là gì. Người tu hành không cần học nhiều, chỉ cần lấy một câu chính ngữ mà tham thiền cho đến khi vỡ lẽ, cho đến khi thấy được lẽ thật này là gì. Chỉ có giới định tuệ mới có thể cứu được chúng ta, còn ngôn ngữ, ý niệm chỉ là trò chơi của vọng tưởng. Niết bàn là không sinh không diệt. Tất cả đều không sinh không diệt, tất cả là Niết bàn. Không phải sinh tử có sinh có diệt một bên, Niết bàn không sinh không diệt một bên. Không phải tướng có sinh có diệt một bên, tính không sinh không diệt một bên. Mà sinh tử cũng không sinh không diệt, tướng cũng không sinh không diệt, vì tướng nào cũng là vô tướng, vì tướng nào cũng là tính. Thấy sinh tử không sinh không diệt bèn thấy sinh tử tức là Niết bàn. Tất cả không sinh không diệt, đây là tịch diệt hiện tiền. Tất cả không sinh không diệt, đây là lạc thường hằng.
Tự tính Niết bàn thì vừa tịch lặng, không sinh không diệt, tức là tính Không, vừa chiếu soi, tức là tính Sáng. Cái thể tròn sáng này ai cũng có, và Thiền là khám phá tự tính tròn sáng này. Khám phá vì nó có sẵn, không phải làm ra hay trừ bớt, mà phải như Kinh Viên Giác nói, ‘‘tùy thuận’’. Tùy thuận ‘‘vô thượng đại Niết bàn, tròn sáng thường lặng chiếu’’, đó là tu Thiền. Vừa khởi lên suy nghĩ bèn rơi vào sáu mươi hai kiến chấp, bị thức tình trói buộc. Khi không còn trói buộc trong tình thức suy tính, trong cái lượng hẹp hòi của thức thì đây là trí, hay Định (Chỉ) tự nhiên, Tuệ (Quán) tự nhiên, Định Tuệ đồng thời tự nhiên. Định là bản tính không sinh không diệt của tính Không. Tuệ là tính Sáng thấy năm uẩn và cái ngã trong năm uẩn, ta, người, thế giới đều “bình đẳng như mộng huyễn”. Bình đẳng như mộng huyễn tức là xưa nay chẳng sinh nay cũng chẳng diệt, ‘‘trong sát na không có tướng sinh, trong sát na không có tướng diệt’’. Khi đã hợp nhất tâm thức chúng sinh của mình với tính Không và tính Sáng, thì tất cả những gì xảy ra từ trước đến giờ ở trong khoảng cách giữa mình và tính Không tính Sáng đều trở thành mộng huyễn. Từ đây sống trong tính Không tính Sáng thì tất cả những gì xảy ra đều là mộng huyễn. Đây là Như huyễn tam muội: ‘‘Bình đẳng như mộng huyễn’’. Định tuệ đồng thời là thể tịch chiếu tròn sáng ấy thường ứng hiện nơi dụng của các căn mà không có một cái ngã để khởi tưởng là dụng, phân biệt tất cả các pháp mà chẳng khởi tưởng phân biệt. Thể là tịch lặng chiếu soi thì dụng là các tướng cũng tịch lặng chiếu soi, ‘‘lại không có sinh diệt để diệt, đây là tịch diệt hiện tiền’’. Khi không khởi, không tạo cái hiểu, khi không vọng lập về phàm thánh, về Niết bàn thì chính cái không khởi không tạo không vọng lập ấy là tự tính Niết bàn xưa nay. Tịch diệt hiện tiền là “hai bên, ba thời dứt”. Khi “lìa tướng” thì tướng ấy thanh tịnh, nghĩa là không sinh không diệt. Tướng ấy chính là tâm vô niệm, là tính. Bấy giờ tướng, tính đều thanh tịnh, không sinh không diệt, đây là “chân thường tịch diệt lạc”.
“Ai biết mình chẳng động?” Về sau có những công án để tham thiền tập trung vào chữ ‘ai’ này để giải thoát khỏi bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Nếu cái vô sinh mà còn có người đắc, còn vương vấn trong ý niệm chủ thể và đối tượng thì chưa thật chứng tính Không, nên Tổ nói “Ông rất đắc cái ý vô sinh”. Ngài Huyền Giác trả lời vô sinh thì không có người đắc và không có ý niệm nào trong đó cả. Lập tức Tổ hỏi một câu rất khó trả lời nếu với người không thực chứng, “Không có ý thì cái gì đang phân biệt?”, rõ ràng là đang đối đáp, đang dùng ý phân biệt đây, tại sao lại nói là không có ý. Câu trả lời của ngài Huyền Giác thật tuyệt vời, “Phân biệt cũng chẳng phải ý”. Vô sinh, giải thoát không phải là không có gì hoạt động cả, ý đang phân biệt mà vẫn là vô sinh, thế mới gọi là hiện tiền vô sinh, hiện tiền giải thoát. Lúc ấy, ý hay thức phân biệt cũng chính là trí vô phân biệt. Về sau ngài có sáng tác Chứng Đạo Ca, mà giá trị vẫn còn mãi đến ngày nay, thậm chí, như Pháp Bảo Đàn Kinh, càng sáng thêm theo thời gian. Chúng ta thấy ở trên gặp sư Huyền Giác là ngài Huyền Sách, ở đây gặp sư Trí Hoàng cũng là ngài Huyền Sách. Ngài là đệ tử của Lục Tổ, đã ngộ, đã thấy tính, và sự việc đi gặp vị này vị khác để đưa về Lục Tổ là do lòng từ bi giúp người của ngài. Những lời nói của ngài không phải để tranh luận như đời thường, mà là sự khai thị đúng đối tượng, đúng thời điểm, đúng căn cơ, đúng hoàn cảnh. Trí huệ luôn luôn đi với từ bi là như vậy. Sư Trí Hoàng chỉ biết cái định khi ngồi thiền nhập định mà chưa biết cái thường định có trong mọi thời gian không gian, dầu là khi ngồi hay khi làm việc lúc thức. Cái định có khi ngồi mà không có khi “hậu thiền định” là cái định bị giới hạn bởi điều kiện. Thường định là cái định của tự tính “tự tịnh tự định”, không lúc nào chẳng có.
Cái định của sư Trí Hoàng là tướng định, cái định như Huyền Sách nói là tính định. Tính định là cái định của tự tính, nó vốn là vô niệm, vô tướng, vô trụ, và thường hằng như vậy. ‘‘Động tịnh đều vô tâm’’, đây là cái chúng ta vẫn dùng hàng ngày mà không biết. Người chứng ngộ tính Không hoàn toàn mới trả lời được như vậy. Để thấy biết trực tiếp ý chỉ của Thiền, chúng ta phải tham thiền câu nói “ta chẳng hội Phật pháp” cho đến khi vỡ lẽ, thấy thấu suốt tính Không. Đoạn này cùng một nghĩa với phần sau của Kinh Kim Cương, ‘‘chẳng chứng, chẳng đắc’’.
Người thấy tính, thấy tâm địa thì khác. Nếu không có tư tưởng thì làm sao đi đứng nằm ngồi, thuyết pháp, độ sinh? Người thấy tâm địa vô niệm thì có khởi, nhưng là những tư tưởng thiện lành và thật tính của các tư tưởng thiện lành ấy là vô sinh. Dù là tư tưởng thiện lành hay trung tính thì tư tưởng ấy khởi lên rồi lại tan biến tức thì trong tâm vô niệm, không để lại dấu vết gì. Như một đám mây khởi trong bầu trời và tan biến ngay trong bầu trời mà không để lại dấu tích. Đây chính là tâm vô sinh. Giải thoát không phải là không có tư tưởng khởi, mà tư tưởng khởi trong tâm vô niệm, vô sinh, nên tư tưởng là vô sinh, vốn tự giải thoát.
Còn nữa...
Cư sĩ Phạm Tuấn Minh tóm lược
***
Tài liệu: Lục tổ Pháp Bảo Đàn kinh - Giảng giải, soạn văn: Đương Đạo, NXB Thiện Tri Thức - 2016
Bình luận (0)